.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Thương nhớ chợ quê

Trong các làng quê, bên cạnh đình, chùa, miếu mạo tôn nghiêm, còn có cái chợ cho người ta bán buôn, mua sắm – chợ quê. Từ chợ quê ta có thể hình dung ra một phần sức sống của vùng đất.

Thường thì tên làng thế nào thì tên chợ thế ấy. Thôn Háo Lễ (xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước) có chợ Háo Lễ; làng Suối Tre (huyện An Nhơn) có chợ Suối Tre. Nhưng dân gian đôi khi gọi tên chợ cũng rất ngẫu hứng. Có chợ gần chùa, sẵn đó gọi luôn là chợ Chùa; lại có chợ Dinh (phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) vì xưa gần dinh quan. Và dân gian cũng thông tuệ lắm, nên có cả chợ Phú Đa, chợ Cảnh Hàng (An Nhơn), chợ Trà Lương (huyện Phù Mỹ)- những chợ có tên chữ đẹp đẽ…
Chợ thường nằm ở vị trí gò cao, rộng rãi, trung tâm một làng quê, chỗ trục đường liên hương, bến xe ngựa, bến con sông chảy qua làng. Hồi xưa, đường bộ không tiện lợi bằng đường sông nước, nên chợ thường gần bến sông, hễ có cảnh trên bến dưới thuyền, là có chợ. Gò Bồi (Tuy Phước) sớm trở thành một thị tứ, vì ở đó gần cửa sông cửa biển. Đến khi đã có chợ rồi, chợ tác động trở lại, làm cho đường sông nước nhộn nhịp hơn.

Những vùng quê trù phú, nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ thì tập trung nhiều chợ để người dân mua sắm, còn nhà sản xuất bán sản phẩm. Chợ Đập Đá là chợ chính của thị trấn Đập Đá (An Nhơn), vì đó là vùng phát triển các ngành nghề truyền thống: cẩn xà cừ (Háo Đức, Nhơn An, Cẩm Tiên, Nhơn Hưng…); bún tươi, gốm (Nhơn Hậu); rèn đúc, nhang (Bằng Châu, Bả Canh, Thiết Trụ – Nhơn Hậu…). Quanh chợ Đập Đá, còn có những chợ “vệ tinh”: chợ Kén bán sản phẩm của nghề ươm tơ dệt kén, chợ Gò Găng bán nón lá. Tân Dân, An Cửu, Háo Lễ… thuộc khu Đông tốt lúa, tốt tre, nổi tiếng “gạo trắng, nước trong”, cho nên các chợ Phú Đa (Tân Dân, An Nhơn), Háo Lễ (Phước Hưng, Tuy Phước) bán buôn lúa nếp, cá đồng, cá biển (từ vạn Gò Bồi đưa lên) và đủ các mặt hàng đan nan tre. Chợ Cù Lâm “chuyên” bán cày bừa, vì gần rừng An Tượng, cung cấp nguyên liệu cho nghề đẽo bắp cày, trạnh cày đem ra chợ bán. Vùng Phước Lộc có chợ Huyện, bán nem chả Chợ Huyện…
3.
Chợ quê, phần nhiều gồm những dãy lều quán tranh tre nứa lá sơ sài. Một vài vùng quê trù phú, bán buôn phát đạt, người ta làm vài dãy nhà dựng cột gỗ, hoặc trụ gạch, mái lợp ngói, nền lát gạch đất nung. Vì không đủ che nắng đổ mưa tạt, cho nên, nhiều chợ nhỏ phải nấp dưới những tán cây to. Tuy nhiên, phần nhiều các chợ sau nhiều năm duy trì thường phát triển thành phố – phố chợ. Ở đó, có tiệm buôn bán, cửa hàng cung cấp các dịch vụ, kế đó là những lò sản xuất… Cũng như nhiều địa phương khác, các phố chợ ở Bình Định thường có tiệm thuốc Bắc, tiệm kim hoàn, tiệm hớt tóc, tiệm bịt trống da trâu, tiệm hàng mã…
Chợ quê họp theo phiên. Những ngày có phiên chính, chợ họp từ sáng sớm đến trưa tròn bóng mới tan, đông chợ là lúc nửa buổi. Người đi chợ mua sắm cũng là người ở các làng quê, cho nên, người mua kẻ bán quen mặt nhau, lấy việc mời gọi, trao đổi hàng hóa là chính, mặc cả chỉ là lấy lệ.
Công, dung, ngôn, hạnh của phụ nữ hồi xưa bộc lộ rất rõ ở ngoài chợ: Cô bán hàng duyên dáng, ăn nói dịu dàng, chào mời lễ phép thì bán chạy hàng; cô mua hàng có kinh nghiệm thì dễ dàng mua được món hàng “tiền nào của nấy”, món hàng ngon. Cái dở của phụ nữ cũng thường bộc lộ ngoài chợ: Mua phải mớ cá ươn, miếng thịt hôi… Dân gian còn có câu: “Trai khôn tìm vợ chợ đông” để vừa dạy con gái phải trau dồi nết na, tập làm ăn; vừa chỉ cho con trai “địa chỉ” để kén vợ đảm đang…
Cũng có chợ nhóm lại vào buổi chiều, nhưng không đông, thường để bán hàng tươi sống, như tôm cá vừa mới đánh bắt được hoặc con thú rừng vừa mới sa bẫy… Có chợ đặc biệt, chợ Gò (Tuy Phước) nhóm mỗi năm một phiên duy nhất vào sáng mùng một Tết, cho người ta vừa có một hội Xuân, vừa đi mua lộc Bà, cầu may cho cả năm.
4.
Hồi nhỏ, tôi vẫn thích được mẹ dẫn đi các chợ quê để cúp tóc, may đo quần áo cho ngày Tết, ngày tựu trường năm học mới; hay được mua cho quả thị chín vàng, ăn kẹo kéo bỏ đồng xu quay số… Tôi thích nhất được mỗi năm một lần, theo ba đi chợ Tết quê để xem gian hàng ông thầy đồ gò lưng viết chữ, tranh Đông Hồ vẽ gà lợn treo trên các cột lều chợ…
Nét quê ở chợ, dẫu là chợ ở làng xa, nay đã phai nhạt đi nhiều. Nhưng sự rộn rã, nhộn nhịp khi vào phiên vẫn vậy. Có một chút tiếc nuối, nhất là khi Tết đến Xuân về, nhưng đó là lẽ phát triển tất yếu ở đời. Và có vậy, thì xứ sở mình mới khá lên, người nhà quê mới khá lên, lại lấy đó làm vui.
  • Huỳnh Kim Bửu

Be the first to like this post.

7 phản hồi

  1. Mình cũng có đi chợ Gò vài lần,chợ tan khoảng giữa trưa bạn à
  2. Ngày xưa nghe các bạn kháo nhau, rủ nhau mồng Một tết đi chợ Gò với vẻ háo hức lắm. Mình thì không bao giờ được đi vì phải trông nhà cho Ba Mạ đi chúc Tết bà con xóm giềng. Hình như phải đi từ rất sớm để đón lộc. Và …cũng …hình như chợ Gò bán nhiều loại pháo , và đó cũng là một trong những điều hấp dẫn của chợ Gò. Đến khoảng hơn 7-8 giờ là chợ đã tan. Có đúng không hở các bạn?
  3. Anh làm Tiến nhớ đến chợ phiên tuổi nhỏ của Tiến. Đó là chợ phiên Bình Dương ( Mỹ Lợi, Phù Mỹ). Một chút ngậm ngùi khi trở lại cách đây 5 năm. Hình như nó không còn giống như xưa..mà vì sao mình lại cứ muốn nó như xưa…mình cũng đã thay đổi rồi mà! Cảm ơn anh HKB.
  4. Cái anh legiao này kì cục! Tác giả đã có giới thiệu sơ về chợ Gò (5 dòng,ngay trên mục số 4).Hay là hồi đó-còn chút xíu-mà anh đã gặp cô bé nào đó làm cho anh mê mẩn tới giờ nên anh mới yêu cầu tác giả viết “thật cụ thể” hơn về chợ Gò???
  5. Chào Huỳnh Kim Bửu.
    Đọc bài viết của anh tôi thật nhớ cái thời thơ ấu của mình ở Quy Nhơn quá đi! Tôi nhớ cái thời khoảng 5,6,7… tuổi, cứ mỗi lần xuân về, được mặc quần áo mới, theo cha mẹ về quê hoặc đi thăm bà con ngày tết, nhất là khi về Tuy Phước, đi ngang chợ Gò, cha tôi đã cho tôi vào chợ để mua Pháo tre – hồi đó ở Bình Định chỉ có chợ Gò có bán pháo tre – và những con Gà làm bằng đất sét, làm khô và sơn màu sắc sặc sở của con gà cồ, được gắn 1 cái còi tre ở gần phao câu, trên đường về tôi thổi toe toe thật là thích chí. Trong bài viết của Huỳnh Kim Bửu tôi không thấy nhắc đến chợ Gò, có phải do chợ này đặc biệt chỉ nhóm chợ có một hai ngày tết (mùng 1 , 2 tết gì đó). Lâu quá rồi, mình không ăn tết ở quê nhà mình, không biết bây giờ có còn cảnh chợ tết như xưa nữa không ? Ai bi biết nói cho minh biết đở nhớ, Cám ơn nhiều.
  6. Chỉ cần nghe thấy hai chữ CHỢ QUÊ là bao nhiêu người con của Bình định đã cảm thấy hình ảnh quê hương tuổi nhỏ của mình rộn ràng trong kí ức tuổi thơ rồi, nhất là những bạn nữ.
    Thời gian gần đây đài truyền hình VN liên tục phát sóng những chương trình nói về cảnh trí và con người Bình định. Giá như nhà đài có thêm về đề tài CHỢ QUÊ thì hay biết mấy.
    Cám ơn tác giả Huỳnh Kim Bửu đã có bài viết hay này.
  7. on 06.02.2010 lúc 07:00 | Trả lời Thẩm Đức Trung
    Đọc bài của anh, tôi nhớ thời thơ ấu quá

Không có nhận xét nào: