.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012



 
tiểu thuyết
truyện ngắn
thơ
lý luận phê bình văn học
những bài báo
điện ảnh, âm nhạc và 
hội họa
truyện dân gian Việt Nam 
và Thế giới
tư liệu sáng tác
tìm kiếm
Khách thăm: 4288612
17.05.2012
Huỳnh Kim Bửu
Chùm tản văn gửi từ Bình Định (2)
                                      

       Phản



        Bên trong các ngôi nhà cổ, chủ nhà thường trưng diện nhiều đồ gỗ quý giá: án thờ, tràng kỷ, tủ chè … Và thường không thiếu bộ phản.

        Phản là một bộ ván, thường từ 1 đến 2 – 3 tấm ván ghép lại, đặt trên một bộ chân phản vững chải, còn gọi là bộ ngựa. Phản là loại tiện nghi đồ gỗ, dùng để nằm, ngồi, như giường, chõng... Mỗi tấm ván thường có gáy từ 15 – 20cm, rộng 0,6m, dài 1,8m. Phản là tên gọi chung của các loại phản, chớ còn có phản gõ, bộ gõ, ngựa gõ(phản làm bằng gỗ gõ - khá phổ biến) phản vuông (có mặt phản hình vuông), phản giữa, phản chái (do vị trí phản đặt ở trong nhà) … Người ta cũng hay gọi phản: bộ ván ngựa. Hồi xưa, những đồ gỗ quý thường được chạm trổ, nhưng phản là một trường hợp ngoại lệ, không chạm, tiện, chỉ cần cưa cắt thẳng, bào láng. Ngoại trừ bộ chân đế được tiện hình mũi hài, hình lưỡi ốc sên, cho vừa đẹp vừa vững. Những bộ ván ngựa xoài, mít và gỗ tạp… thường mỏng, đặt trên bộ chân đế thẳng, không tiện.

         Giá trị của các bộ phản tùy thuộc vào cây gỗ danh mộc hay tạp, sự dày mỏng và số tấm ván ghép lại. Phản giá trị nhất là phản gõ, do 3 tấm ghép lại, tạo thành phản vuông (1,8m x 1,8m), bề thế. Ngôi nhà cổ ở Bình Định là các nhà lá mái 3 gian hoặc 5 gian hai chái, nó sang trọng từ ngoài tới trong: kể từ bậc thềm đá ong, nền gạch Bát Tràng, hàng ba cột hè, hàng cửa cổng, bàn khoa… đến bên trong nhà - nơi có một không gian nội thất âm u, tĩnh lặng được làm bằng cột, kèo, đà, ván chạm hoa văn và hiển hiện một màu nâu láng của nước gỗ. Trong nội thất đó, người ta tùy theo giá trị và sự bề thế của phản mà tìm chỗ kê đặt cho thích hợp, tương xứng. Bộ gõ vuông bao giờ cũng đặt ở gian giữa nhà (nên còn gọi phản giữa) những bộ gõ 2 tấm trở xuống đặt ở gian chái tây mở cửa sổ ra vườn cây, còn gọi phản chái. Nhiều nhà có bộ ván đặt ở hiên trước, ngó ra sân, ra ngõ. Cách bài trí phản trong đình, chùa cũng chẳng khác mấy các tư gia; chỉ khác, đình, chùa có không gian nội thất lớn, cho nên kê đặt được nhiều bộ phản hơn.  

        Người ngồi phản có ngôi thứ, chứ không phải ai muốn ngồi vào phản nào cũng được. Chỉ có bậc trưởng thượng mới được ngồi phản giữa (cũng có tên gọi phản vuông), còn phản chái dành cho hàng vai vế thấp hơn. Nội tôi được người trong làng An Định gọi là Ông Cả. Trong gia đình, chỉ có Nội ngồi phản giữa, mỗi khi có khách là thầy Đồ Thịnh, ông Tú tài Hiến, ông Cử nhân Đạt…đến chơi nhà, Nội mời khách cùng Nội ngồi phản giữa; khi ra đình họp hương đảng, Nội cũng được mời ngồi phản giữa cùng với các bô lão, kỳ mục khác trong làng An Định. Vì việc ngồi phản giữa, phản vuông là vinh dự, cho nên nảy sinh ra cái tệ trong hương đảng: Tranh ngồi trên, tức tranh chức quyền và ngôi thứ. Trên phản giữa thường được đặt cái tợ (bàn con, chân thấp) ở giữa; ở xung quanh là các gối xếp (gối nhiều tấm vuông, may liên kết, chồng khít lên nhau, có thể mở thấp cao tùy ý). Trên tợ đặt kỷ trà, xe điếu, ống nhổ, sòi thuốc lá …Dưới gầm tợ để sẵn một chồng chừng 4 -5 cái quạt lông gà nhuộm xanh đỏ tím vàng, hình trái tim, tra cán dài. Trong những ngôi nhà lá mái, vẫn có những bộ ván tạp đặt dưới nhà bếp, cho bà nội tướng dọn mâm cơm thường bữa của gia đình.

         Người quê tôi vẫn “ca ngợi” thú nằm phản gõ. Phản gõ hình như để ngồi là chủ yếu, nằm thì cũng chỉ ngả lưng tạm nơi phản chái, không được nằm phản giữa, vì ở trước bàn thờ gia tiên. Ai nằm phản gõ thì được hưởng một cái thú tuyệt hảo: Hơi mát từ phản gõ tỏa ra rồi thấm vào làn da, thớ thịt, nhất là trong thời tiết nóng bức của mùa Hè. Mà cái hơi mát đó ở đâu? -Trước hết, ở trong thớ gỗ gõ, rồi thớ gỗ gõ lại được tẩm một lần hơi mát nữa của không gian nội thất nhà lá mái. Cũng nên nói, nhà lá mái ở quê tôi là một kiểu nhà đặc biệt, trát  vách đất hom vôi, hai lớp mái: mái trên lợp tranh rạ, che nắng mưa; mái dưới đắp lớp đất nhồi rơm dày trên lớp sìa đan nan tre (hoặc trên lớp ván dày đóng khít nhau) giữ cho bên trong nhà luôn dịu mát về mùa Hè, ấm áp về mùa Đông. Phản gõ chỉ thích hợp với nhà lá mái với vườn tược xung quanh, chỉ có nhà lá mái mới “phát huy” được cái thế mạnh của phản gõ; không thích hợp với nhà xây gạch, lợp ngói Tây, nhà ống đúc bê tông của thời nay. Ở quê tôi, các gia đình giàu sắm phản gõ, đặt bên cạnh tràng kỷ, tủ chè, giường hộp, để làm tiện nghi sinh hoạt, chủ nhà thể hiện trọng cổ, làm của cải truyền tử lưu tôn… Nhà bình dân cũng ráng sắm bộ ván mỏng để thêm chỗ ngả lưng sau buổi lao động mệt nhọc, gặp lúc cần vác ra bờ mương, tấn ngang mương, tháo nước vào ruộng, cũng tiện. Kỷ niệm tuổi thơ ấu đáng nhớ nhất của mấy anh em nhà tôi với các bộ phản là mỗi khi cha mẹ vắng nhà, chúng tôi bày ra một đám hát bội, lấy một bộ phản làm sân khấu, còn tuồng tích thì sẵn thuộc lòng Cổ thành, San hậu…

          Đọc văn chương bình dân, gặp không ít ca dao, câu đố về cái phản: “Đưa lưng cho thế gian nhờ / Lòng ngay dạ thẳng bị ngờ bất trung”… Anh cưới em chẳng phải bạc tiền / Mời anh ngồi phản chái, cha “riềng” đôi câu: / Đã thương thì phải thương lâu / Tới chừng đầu bạc vẫn âu duyên tình / Cha mẹ ngồi phản giữa tác thành / Nhận sính lễ một trăm quả cau xanh, đủ rồi”. Còn nhiều lắm. Trong dân gian Bình Định xưa giờ, người ta vẫn thích kể chuyện: Lía lập sơn trại ở Truông Mây (1) để đánh đổ bất công, cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo. Một đêm ở nơi sơn trại, Lía đang ngủ say trên phản gõ, bất thình lình bị quân Tổng đốc Bình Định tấn công, chàng giật mình thức dậy, không sẵn gươm dáo, bèn xách phản làm vũ khí chống cự. Đánh một chặp, quân Tổng đốc khiếp hãi, thua, chạy tán loạn. Lía Thắng trận, nhưng mệt quá, bèn bứt dây rừng, cột phản đeo trên lưng, thủng thẳng đi đến một sườn núi, tựa lưng mà nghỉ.

        Thời vàng son của phản gõ đã qua rồi, cái thời kéo dài tới ngàn năm! Đó là thời ông cha ta ở nhà lá mái, mặc áo dài khăn xếp, bộ vạt hò, nói chuyện chi hồ giả dã...Các cụ ngồi phản gõ, xếp bằng xung quanh tợ, xung quanh kỷ trà, một cánh tay, một hông tựa vào gối xếp, phe phẩy quạt lông…Ngồi lâu, đến bình trà nhiều lần súc bã, chuyện thêm đề tài mà hứng chí cứ tăng thêm. Ngày nay, nhà lá mái mỗi ngày mỗi ít, phản gõ cũng bởi đó mà ít theo. Ít thấy có chủ nhân những ngôi nhà Tây, nhà hiện đại có ý tưởng sắm bộ phản, nếu thấy cần, họ đã có tấm đi – văng thay. Người thời nay mặc Âu phục, bụng bự, nói chuyện từ trên xa lộ thông tin kéo xuống, nhỡ mà có được nhà hoài cổ nào đó mời ngồi phản gõ uống bia Tiger, thì anh bạn thấy trước như mình sắp bị tra tấn, hành xác, cho nên tìm cách lãng. Sự vât hiện hữu phụ thuộc vào cái dụng, một khi cái dụng không còn nữa thì sự vật mất, chỉ tội cho cuộc sống bị giảm đi ít nhiều lý thú.



______

(1) Lúc Lía bị bao vây lâu, Ca dao Bình Định có câu: “Chiều chiều én liệng Truông Mây / Cảm thương chú Lía bị vây trong thành”. Lại còn có Vè chàng Lía lời lẽ bi tráng để cảm thương người nghĩa khí.   





Thiền trà Viên Giác

         Tôi có mấy lần được Hòa thượng Tịnh Như, trụ trì chùa Viên Giác, mời đến uống trà.           

          Hòa thượng trụ trì là người yêu thơ, có sáng tác mấy tập thơ đượm vị thiền. Tôi yêu hai câu thơ dịch của ngài:

            “Trời xanh bát ngát mây vương núi

Hồ biếc êm đềm nước động trăng”

            Nguyên văn chữ Hán cùng thủ bút của tác giả khắc trên tam quan chùa cổ Viên Giác nay vẫn còn:

            “Nguyệt hạ bất xao kim tỏa đoạn

Sơn tiền chỉ nhậm bạch vân phong”

(Hòa thượng Bích Liên - Chủ bút Tạp chí Từ Bi Âm, trước 1945)

            Có lần, chủ khách uống cạn mấy ấm trà, ngài hứng khởi hỏi tôi:

-Ông giáo nè, ông có chịu với tôi là thơ văn viết về thú uống trà nhiều lắm và có nhiều bài hay?”.

Tôi liền đáp:

-Dạ thưa ngài, trong Truyện Kiều danh tác, Nguyễn Du đã viết hai câu thực hay:

Thiền trà cạn nước hồng mai

Thong dong nối gót thư trai cùng về “

để tả cảnh Hoạn Thư dẫn Thúc Sinh về nhà sau khi hai người đã dùng trà xong tại Quan Âm Các, do Thúy Kiều thiết đãi, và để lại cho Thúy Kiều thêm một nỗi kinh hoàng nữa. Nhà văn Nguyễn Tuân viết tùy bút Những chiếc ấm đất tài hoa lắm.

            Hoà thượng tơ mơ, gật gù:

         -Theo tôi nghĩ, việc uống trà ở nhà chùa chúng tôi được gọi là “thiền trà” có lẽ kể từ đó. Còn ông nhà văn viết tùy bút kia là bực văn tài, lại sành điệu uống trà, có thể xếp vào hàng đệ tử của “Trà đạo”. Tôi yêu biết mấy bài thơ Qua áng hương trà của thi sĩ Vũ Hoàng Chương:

            “Hương biếc tràn quanh nắp đậy hờ

Ấm sành nho nhỏ khói lên tơ

Hồn sen thoảng ngát trà dâng đượm

Ai biết mình sen rụng xác xơ”.

            Đến khổ kết của bài thơ thì “nên câu tuyệt diệu” giàu ý nghĩa nhân văn, thức tỉnh ta quay về với Tâm không của nhà Phật, ông giáo nhé:

“Nâng chén mời anh thưởng vị trà

Đừng quên tan tác mấy đời hoa

Cạn từng hớp nhỏ cho Sen đượm

Vớt lại trần ai một chút Ta”.

           Nhân ngài dừng lại nhấp ngụm trà, tôi hầu chuyện tiếp:

         -Thưa ngài, Quách Tấn còn có bài “mời bạn chén trà đưa tiễn”.

            Ngài hỏi tôi:

         -Có phải ông giáo muốn nói bài Động hoàng hôn đấy chứ? Rồi ngài cảm khái đọc bài thơ và kèm theo lời bình:

 “Hương trà chưa cạn chén hàn ôn

Thuyền đã buông theo tiếng sóng dồn

Ngắm vọi mây thu ùn mặt biển

Gác chuông thành cổ động hoàng hôn”.

            Tiễn người ra đi bằng một tiệc trà như thế, tôi chắc là người đi hương trà còn bay theo người mãi, cho tới khơi xa. Và tôi cũng cho rằng ông nhà thơ cũng cắc cớ. Tại sao không làm cuộc tiễn bằng rượu như thông lệ mà lại bằng trà?

            Hương trà đang còn thoảng, Hoà thượng vẫn xắn tay áo tràng rót “chén tống chén quân” mời tôi. Tôi tiếp lời ngài:

         -Thi nhân xưa nay, thơ với rượu đi kèm là thông lệ, cho nên ông Tản Đà mới viết: “Không thơ không rượu sống như thừa”. Ông Quách Tấn đã cắc cớ tiễn người ra đi bằng trà mà ông bạn thơ thân thiết của ông cũng không kém:

           “Chè đọt đang kỳ điểm lá ba

            Giọt sương lách tách cửa song nhòa

            Thơ ngồi suốt buổi không ra tứ

            Cháu đã đun tràn ấm nước pha” (Yến Lan).

            Hòa thượng Tịnh Như, trụ trì chùa Viên Giác, nay không còn nữa, chắc là ngài đã về cõi của Như Lai, nhưng cái phong cách uống trà, cái dáng đi nhẹ thênh như mây như khói và cái hồn yêu thơ của ngài thì tôi không thể nào quên cho được.



Tre

                                             

Tre được trồng trong các làng mạc, trồng thành bụi tre, rặng tre, bờ tre. Bờ tre bao quanh làng được gọi là lũy tre làng hay rặng tre làng. Cả nước, đi đâu người ta cũng gặp tre, gặp những làng mạc hiền hòa và những lũy tre xanh. Cùng một gia đình, dòng họ với tre, người ta kể có trảy, trúc, tầm vông…

         Từ xưa tới giờ, trải đã bao đời, ta vẫn sống nhờ tre lắm. Một đời người, mới sinh ra ta được mẹ đặt nằm nôi (tre) tuổi thanh niên, trung niên ta lao động kiếm sống với những dụng cụ cuốc, rựa, câu liêm, gàu tát nước… Cái gì cũng có một bộ phận hay cả toàn phần làm bằng tre;  thời lão niên, không làm gì nổi nữa, ta ngồi nhà, phe phẩy quạt nan (tre) tới khi trăm tuổi nhắm mắt xuôi tay, có đứa con hiếu thảo cắm hai cọc tre trên đầu và chân mộ phần của ta, nó cũng đặt cái giường thờ thờ ta làm bằng tre (Vì hồi xưa nghèo lắm, ít nhà sắm nổi cái bàn thờ chân gỗ mặt ván)… Người nông dân trong các làng quê làm ruộng và làm thêm nghề thủ công.  Nhiều nghề thủ công là nghề đan nan tre, lấy nguyên liệu là tre, như nghề đan nia, thúng, giỏ bội, bầu nan, rổ xúc, vót đũa bếp, đũa con… Thế mà cũng góp phần nuôi sống được nhiều gia đình nông dân.

         Mỗi làng quê là một cộng đồng dân cư dựa vào lũy tre làng để chống trả lại mọi thế lực thù địch (từ thú dữ đến kẻ trộm cướp, giặc ngoại xâm..) đặng bảo vệ cuộc sống êm đềm, yên vui của làng quê.  Theo truyền thuyết, vào thời Hùng Vương thứ 6, cách đây hơn hai ngàn năm trước, nước Văn Lang bị nạn giặc Ân. Được dân làng đi theo, chàng trai nọ thuộc làng Phù Đỗng (tục danh là làng Gióng), sinh ra khác thường, và có tài ba ý chí cũng khác thường lắm, ngày kia đã nhổ bụi tre bên đường làm vũ khí lợi hại, rồi thót lên lưng ngựa sắt phun lửa xông ra trận tiền đánh đuổi quân giặc. Thắng trận xong, chàng trai lên núi Sóc Sơn, rồi bay lên trời và được Vua phong là Phù Đỗng Thiên Vương. Ta còn nhớ, thời 9 năm đánh Pháp, ta có vũ khí là chông tre, gậy tầm vông vạt nhọn; làng quê nào cũng cắm dày cọc phòng không bằng tre để chống quân Pháp nhảy dù xuống chiếm làng…

          Tre tô điểm vẻ đẹp cho cảnh vật làng quê, khiến ta yêu say đắm. Làng quê ta đẹp lên với lũy tre, với buổi sáng mặt trời mọc le lói trên đầu ngọn tre; buổi trưa, từ rặng tre phát ra tiếng con chim gù rót điệu du dương; buổi chiều rặng tre xào xạc gió và tiếng sáo trúc mục đồng ngồi lưng trâu trở về nhà bay trong gió… Rồi với chạng vạng về, bóng đêm phủ xuống là lúc gương mặt chị Hằng lấp ló giữa hai rặng tre ở cuối thôn trang… Mỗi lần đi xa, nơi xứ người, ta không khỏi thương nhớ lũy tre làng ta, thương nhớ những trưa hè oi ả ta vẫn ngồi hóng mát dưới bóng rặng tre già; thương nhớ tiếng cuốc kêu ai oán đêm hè phát ra từ bụi tre mọc nơi góc vườn ta đó; rồi cảnh Đông sang, nhìn đâu ta cũng thấy:

 “Tre rũ rợi ven bờ chen ướt át” (Bến đò ngày xưa – Anh Thơ).

Ngay từ hồi xưa, cây trúc cũng đã xếp vào hàng Mai – Lan – Cúc – Trúc, thú chơi của hạng người tao nhã.

          Người nông dân gần gũi với tre, cho nên tre cũng cho họ bao chiêm nghiệm về cuộc sống, về đời người. Khi lâm vào cảnh nghèo khó, họ không bi quan; dẫu bản thân có gặp điều không may, họ tin mình “giỏ rách còn bờ tre”, tức là còn có “hậu phương” vững vàng. “Tre tàn măng mọc” là nói về sự nối tiếp của đời người. “Măng không uốn làm sao tre uốn được” câu nói dân gian đó, cho đến nay vẫn còn giá trị về mặt giáo dục lớp trẻ để dần đưa chúng vào luân thường đạo lý, tránh cho chúng tập nhiễm thói hư tật xấu ở chung quanh. Nhờ có tre mà tâm hồn chàng trai làng trở nên thơ mộng hơn, bóng hình nàng thôn nữ trở nên đẹp hơn:

 “Trúc xinh trúc mọc bờ ao

Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh

Trúc xinh trúc mọc sân đình

Em xinh em đứng một mình cũng xinh”…(Ca dao).

            Kẻ sĩ ngày xưa xuất thân từ ruộng đồng, nhìn tre bảo: “Tiết trực tâm hư” (thân thẳng, lòng rỗng không), đó là biểu tượng của bậc đạt nhân, quân tử. Người nông dân đã từng cầm rựa đứng trước bụi tre, mỗi lần nói về chặt tre, anh không khỏi nhớ lại kinh nghiệm bản thân mình và kinh nghiệm của người khác truyền cho anh:

 “Nhứt đánh giặc, nhì chặt tre

Nhứt chặt tre, nhì ve gái” (Tục ngữ).

         Nói đến cây tre, tôi lại nhớ cái “tủ sách” kỳ lạ mà tội nghiệp của ba tôi ngày xưa. Ba tôi đang học chữ Nho với một thầy đồ thì gặp thời buổi đổi thay, ông chuyển sang học chữ Quốc ngữ, rồi đi thi lấy bằng Sơ học Yếu lược, tương đương lớp 3 bậc Tiểu học bây giờ. Ông tự “đóng” cho mình một “tủ sách”. Tủ sách của ba tôi là những đốt tre ngâm được cưa cắt khéo léo. Hai đầu đốt tre là hai mắt: Một mắt làm đáy và một mắt làm nắp, đằng nắp được khoét đậy khít khao. Sách và các loại giấy tờ (như trích lục ruộng đất, khai sinh, giá thú… ) ông cuộn cất vào đó, đậy nắp kỹ, rồi cột dây treo lên rường nhà. Nhìn lên rường nhà, thấy “tủ sách” của ba tôi treo lủng lẳng những ống tre, những ống tre dùng lâu ngày đen bóng lên. Vì sách và giấy tờ của ba tôi nhiều, cho nên lũ con của ba gọi, đó là một “tủ sách” to, còn to hơn tủ sách của ông Huấn đạo Trần Nghĩa ở  trong làng.

          Một hôm ba tôi đang “kiểm kê” sách (ghi tên và đánh số cuốn sách trên các ống tre) có tôi giúp ông một tay. Ông bảo: “Hồi xưa chưa có giấy, những sách này được làm bằng tre, viết trên thẻ tre; sách dày thì nhiều thẻ tre ghép lại, sách mỏng ít thẻ tre hơn. Tần Thủy Hoàng, Đường Minh Hoàng… là những ông vua ham đọc sách, chỗ vua ngồi đọc, trước mặt chất cao những bó thẻ tre, đó là những bó sách. Vì sách viết trên thẻ tre, cho nên, mới có mấy cuốn sách thôi mà đã thành một gánh sách nặng. Và bởi thế mà học trò đi học trường xa, phải có đứa tiểu đồng gánh sách đi theo. Còn sách lịch sử thì gọi là thanh sử, tức sử xanh, là sử viết trên những thẻ tre:

 Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh (Truyện Kiều – Nguyễn Du).

           Con đã học tới lớp Nhì, con có biết, thanh sử là như thế không?”.

           Thời nay, cây tre ít dùng. Làm nhà cửa? - Có gạch ngói, xi măng, sắt thép. Làm thúng rổ? - Có nhựa, có nhôm. Làm bàn tủ? - Có gỗ, sắt, INOX. Đun bếp? – Có bếp ga… Thuyền câu của Nguyễn Khuyến thời xưa, chắc là thuyền nan:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Chứ thuyền câu của các “ngư phủ” thời nay mà tôi thường thấy là thuyền INOX, thuyền sắt tây. Cho nên, cây tre thừa ra, lũy tre làng dần thưa thớt, không còn đủ sức bao quanh làng nữa để che khuất tầm nhìn (xa trông rộng) của người nông dân (đó cũng là cái may chăng?); nhiều nhà không còn có bụi tre nơi góc vườn, cho lũ chim thường bay về đậu, cất tiếng hót líu lo để cho người ta thêm tình yêu cuộc sống. Hiện nay có nghe thấy, ở một số địa phương, người ta đang phát động phong trào trồng tre thành rừng (trúc lâm) như một cách làm giàu, vì mọi thứ của cây tre (từ thân lá cành đến gốc rễ..) đều dùng được, có giá trị kinh tế; nhất là măng tre là một nguồn thực phẩm được ưa thích nhiều. Mong rằng, phong trào này có kết quả để cây tre thân thương muôn đời của con người, một mai kia còn mãi.

H. K. B

Vườn cũ



Bây giờ, ngồi với tuổi bóng xế của mình, người ta hay nhớ quê, nhớ cha nhớ mẹ nay đã không còn, nhớ những kỷ niệm ngày xưa…Tôi cũng vậy, và tôi cũng hay nhớ những mảnh vườn cũ – nơi tôi tin rằng sẽ còn lưu giữ mãi mãi những kỷ niệm thời tuổi thơ của tôi.



Ngôi nhà của Ba Má tôi tọa lạc giữa một mảnh vườn rộng rãi. Từ tuổi lên tư - năm, hằng ngày tôi đã ra vườn dạo chơi một mình. Tôi thích cưỡi “ngựa phi đàng xa…” trên con ngựa gỗ Ba đặt ở một góc vườn, dành cho tôi. Vườn có bóng râm mát, cho tôi thích tung tăng với bóng mình, bóng lá trên đầu. Mỗi lần ra vườn cùng các chị, tôi luôn được chị hái cho ăn những quả ngon, thường là chuối, xoài, mận, ổi… chín bói hoặc dơi ăn dở, rứt từ trên cành xuống.



Tuổi tôi mỗi ngày mỗi lớn và mỗi ngày tôi thêm quấn quít với mảnh vườn nhà mình: Đi học về, vội nhảy ra vườn; leo trèo, hái quả, “múa gậy vườn hoang” (lời các chị mắng tôi) …là ở vườn. Tôi cũng hay rủ bạn nhỏ hàng xóm sang chơi. Nhiều khi, chúng tôi chọn một góc vườn làm “sân khấu” cho một “đêm” hát bội. Tuồng tích để diễn thì mới vừa xem nơi lễ hội đình làng, còn mũ mão, xiêm, giáp, chằm bằng lá mít, lá chuối; lấy mo tre, mo cau, tổ dồng dộc làm giày hia, trông cũng oai lắm. Tôi cũng đã không ngại, sau cuộc chơi xong, vẫn thường đãi bạn một mâm ngũ quả chín… héo (thường thì chuối ngả non, xoài rụng…) mà tôi đã ra công thu gom để dành từ hôm trước.



Tôi nhận ra mảnh vườn quanh năm cho mình nhiều hương thơm và mật ngọt. Tháng giêng – hai, tôi được hưởng cái ngan ngát thơm hoa bưởi, hoa chanh, hoa xoài, hoa mận…Tháng ba – tư - năm, tôi được hít thở khoan khoái mùi thơm lựng mật ngọt của đủ thứ trái chín: xoài, mít, mía mưng, nhãn lồng, ổi xá lị…Tôi có cảm giác mùi đó nó đang đặc quánh ở trong vườn, cho tôi hít thở no nê, đã đời, lấy đó làm niềm hạnh phúc của một cậu bé con tham ăn và hảo ngọt. Đây là lúc mùa Hè đến, mùa trái cây chín. Những năm đi học xa nhà ở trường Phủ An, cứ đến Tết Đoan Ngọ tôi được về nhà ăn tết với gia đình, ăn một cái tết mà người ta gọi là “Tết trái cây”. Má bảo, Hè đến trái cây chín rộ, cho nhà nhà có nhiều hoa trái mà ăn Tết, dâng cúng ông Khuất Nguyên, mỗi năm một lệ vào ngày mồng năm tháng năm. Hồi đó, tôi thắc mắc, không biết sao, mọi nhà cúng ông Khuất Nguyên bằng trái cây? Rồi cũng Má trả lời, bởi ông ta là nhà thơ có tâm hồn rất mực thanh tao, cao nhã. Tháng chín - mười gió mưa sụt sùi, lụt lội, tôi không thích đi đâu, chỉ thích ngồi nhà nhìn mưa rơi ngoài vườn. Một cái vườn sũng nước, một màn mưa trắng đục, cây cối vật vã và nhòa trong cơn gió mưa. Nhiều lần trong cảnh ấy, tôi được nghe chú Tư (em trai Ba tôi) đi học College Quy Nhơn về, đứng ngồi trông mưa mà hứng thú ngâm thơ: “Mưa chi mưa mãi / Lòng nhớ nhung hoài / Nào biết nhớ nhung ai!...” (Lưu Trọng Lư). Giọng ngâm thơ của chú như lời năn nỉ, thở than, một niềm nhung nhớ xa vời vợi…nó bắt tôi phải mủi lòng đồng cảm với tác giả bài thơ và thương cho chú mình, thương cho cái tâm hồn đa sầu đa cảm của chú. Những khi Ba Má đi về Ngoại, có dẫn tôi đi. Có phải chăng, tại mảnh vườn cho tôi nhiều thụ hưởng, cho nên đi đâu xa ít ngày là tôi nhớ vườn và cứ mong về? Tôi nhớ nhất, con ngựa gỗ ngoài vườn Ba cho, để tôi “cưỡi phi đàng xa”, nhớ những cây lành, quả ngọt ở trong cái  vườn mà sau này hồi tưởng lại, tôi không khỏi bảo, đó là cái vườn địa đàng tuổi thơ của mình …    



Tôi thích làm vườn. Được nghỉ học, thế nào tôi cũng ra vườn để cùng Ba Má, cùng chị xách nước tưới cây, cắm thêm cành chái cho dây dưa leo đang tìm chỗ bò, săm soi mấy nụ hoa cà tím tím vừa có con ong bay về thụ phấn, rồi bay đi… Công việc tôi làm, nhiều khi không thành, để cho Ba phải sửa lại, các chị có cớ mắng rằng, tôi là thằng táy máy, con khỉ thấy gì cũng bắt chước. Đi ngoài đường, gặp cây ổi chim ăn rớt hột, mọc bờ mương, tôi nhổ đem về trồng góc vườn; trồng thêm cây chanh, cây bưởi bên thềm giếng cho thêm hương thơm những khi mẹ và các chị ngồi gội tóc…



Tôi không thể không nhắc tới vườn chùa Phước Đức của làng tôi. Tòa chánh điện của chùa thấp thoáng dưới tán xanh um cổ thụ, cổng tam quan soi bóng nước hồ sen dập dờn phía trước. Vườn chùa Phước Đức rộng rãi, râm mát bóng những hàng cây hoa đại, hoa ngọc lan, cây thị sai quả ngan ngát mùi thơm; đứng sừng sững từ bao giờ những ngôi bảo tháp mà tôi biết đó là nơi cất giữ hài cốt của các vị Tổ quá cố của chùa. Mỗi lần đi trong vườn chùa tĩnh lặng, tán lá mát rượi trên đầu, tôi luôn cảm giác rằng đây là một cảnh giới đã lọc hết bụi trần vốn gây bao điều khổ đau, phiền não cho con người.



Và tôi cũng có những mảnh vườn hoang để cùng chúng bạn lui tới, thường là các bạn chăn thả trâu bò. Vườn hoang đa phần là vườn vô chủ, bày ra cảnh nền cũ, giếng lạn, đâu cũng trùm lấp lá khô và cỏ dại. Cũng còn lại vài bóng cây cao đứng ở mấy góc vườn. Đến vườn hoang, lũ trẻ nhỏ này thích lục lạo, tìm kiếm cái quả ngon, vật lạ: chùm trâm chín tím, chùm chà là chín sẫm, quả trứng cá chín đỏ, chùm sung hườm hườm… Có cái vườn hoang, hôm bới đất chơi, trồi lên ông bình vôi bằng sứ men xanh mà sứt miệng, cái xâu đồng tiền nửa han rỉ, hỏi ra, biết là tiền Quang Trung Thông Bửu…Thằng cu Lia, cu Mọi đi đâu cũng thủ sẵn ná cao su, chực bắn cái này, vật nọ. Nhưng vào vườn hoang, chúng chỉ dám bắn con cu cườm nhảy mặt đất, con chim cuốc lủi bờ rào, chứ đâu dám giương ná bắn con chèo bẻo, con chim khách tinh nghịch trên cành cây cao, ỉa sọt sẹt cục cứt trắng non, rớt xuống đầu chúng. Vì chúng sợ hòn đất vô tình bắn ra nhằm phải Cô Bà khuất mặt, linh thiêng đang ngự trên đó, như điều người lớn vẫn dạy bảo chúng, chớ đừng quấy phá mà bị quở. Nhưng người ta đã bảo đi đêm, gặp ma mà. Có hôm, ông chủ mảnh vườn hoang kia học đâu phép độn thổ thình lình xuất hiện giữa vườn, như vừa đội đất chun lên. Thế là ông rượt bắt bọn này, hụt hết, chỉ tóm được Cu Mọi. Chủ vườn xách tai nó đến hỏng chân cho đau trào nước mắt ra, và bảo để trị cái tội nó là thả trâu giẫm nát bờ rào vườn ông.



Vườn cũ bây giờ đã thay đổi nhiều. Ba tôi mới mất vài năm nay, nhưng ông đã không còn làm chủ ngôi vườn của mình từ mấy chục năm trước. Xã quê nhà, bây giờ đã là xã chuyên canh cây mai xuân và cây bonsai. Người ta đã có thói quen tính toán, một mét vuông đất đặt được bao nhiêu chậu kiểng. Mà chậu kiểng đặt đến đâu thì tre pheo, xoài, mận, ổi, cam, rau, ớt… phải nhường chỗ, cho nhà nào nhà nấy hằng ngày ra chợ mua rau, cà, chanh, ớt đem về ăn. Việc tính toán này chẳng những ở trong các vườn nông dân mà còn lan đến vườn chùa Phước Đức, cùng mấy mảnh vườn hoang trước kia chỉ để cho cỏ dại mọc. Cũng phải thôi, vì cây mai xuân và cây bonsai An Nhơn đang có thương hiệu mạnh, được cả nước ưa chuộng và đang tạo nên cảnh ăn nên làm ra vui vẻ cho vùng đất này.



Việc đổi thay những mảnh vườn nằm trong cuộc đổi thay cuộc đời chung ở một miền quê. Dẫu sao, tôi cũng không khỏi luyến tiếc những cái vườn cũ của quê tôi. Tôi nhớ nhung, luyến tiếc lắm tiếng chim vườn cũ, tiếng gió đập tàu tiêu, màu nắng râm mát, cái hương, cái mật của vườn…



H.K.B

Tác giả gửi www.trieuxuan.info
Số lần xem: 15bản để in
Các tác phẩm đã đăng:Trở lại - Đầu trang
Những ngày Châu Á của thi hào Mỹ Latin Pablo Neruda - Phan Quang 17.05.2012
Chùm tản văn gửi từ Bình Định (2) - Huỳnh Kim Bửu 17.05.2012
Chùm tản văn gửi từ Bình Định (1) - Huỳnh Kim Bửu 16.05.2012
Khi nhà văn thôi làm Bộ trưởng - Phan Quang 16.05.2012
Thành tích trên đầu lưỡi - Võ Phiến 14.05.2012
Xem tướng nhà - Võ Phiến 11.05.2012
Anh Bình Định - Võ Phiến 07.05.2012
Mưa và thơ - Võ Phiến 03.05.2012
Nhớ nhà văn "lão bản" Vương Trung Nguyễn Anh Tuấn 02.05.2012
Ông và cháu - Võ Phiến 26.04.2012
xem thêm »