.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

Ký ức phố Quy Nhơn

Bút ký của Huỳnh Kim Bửu

Quy Nhơn của thời kỳ phát triển này đã làm đổi thay rất nhiều dáng dấp của Quy Nhơn ngày xưa (những năm giữa thế kỷ trước), trong đó có dáng dấp những đường phố.

Đường phố Gia Long (nay là đường Trần Hưng Đạo) giữ vai trò trung tâm thương mại của Quy Nhơn: Cửa hàng, hiệu người Việt, người Hoa, người Ấn … nối tiếp nhau. Cũng có đoạn khu biệt thành dãy toàn phố người Hoa: đoạn nằm giữa hai ngã tư Trần Hưng Đạo – Mai Xuân Thưởng và Trần Hưng Đạo – Trần Cao Vân. Các tiệm người Việt buôn bán tạp hóa, máy móc; người Ấn chuyên buôn bán vải (thường treo bảng đại hạ giá); người Hoa chế biến thực phẩm, mở quán ăn (Cơm Dương Châu, mì hoành thánh), tiệm trà, tiệm thuốc Bắc… Cảnh bán buôn ở đây sầm uất, nhộn nhịp. Chiều thứ Bảy, ngày Chủ nhật giới công chức đổ ra đi phố và mua sắm, học sinh chúng tôi thích chúi mũi vào các tiệm sách Đại Chúng, Văn Hóa, Khai Trí… chứa nhiều sách quý. Bây giờ, trong nhiều người vẫn còn giữ ấn tượng đẹp về một phụ nữ trẻ, chủ một hiệu sách mặc áo dài đứng quầy, vóc dáng thanh tú, nói năng dịu dàng, bao giờ cũng đón tiếp khách hàng một cách niềm nỡ. Ban đêm, các biển hiệu hộp đèn, các quầy, tủ kính trưng bày hàng sáng choang, rực rỡ dưới ánh điện.
Đường Bạch Đằng,  đường của chùa chiền, hội quán và lễ hội. Được đặt tên là đường Bạch Đằng, vì con đường này chạy dọc theo đầm nước sâu Thị Nại, nơi lịch sử còn ghi vua Trần Duệ Tông (1337 – 1377) rồi vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497) đã dẫn quân vào đây để tiến lên đánh lấy thành Đồ Bàn của vua Chiêm. Vua Trần Duệ Tông đánh không thành, tử trận; vua Lê Thánh Tông đánh thắng. Con đường chạy qua khu phố Trần Hưng Đạo tập trung nhiều người Hoa, mọc lên nhiều đền chùa, hội quán. Các đền chùa, hội quán uy nghiêm, cổ kính, vẫn thường nghi ngút khói hương và quanh năm có nhiều lễ hội. Trong các lễ hội, có lễ hội đổ giàn tại Chùa Bà Phúc Kiến, tổ chức Rằm tháng Bảy, là lớn, nhưng cảnh tranh cướp heo không hấp dẫn bằng lễ hội đổ giàn ở đất võ An Thái. Cứ đến lễ Vu Lan – Rằm tháng Bảy, các chùa tổ chức phóng sanh đăng trên đầm Thị Nại, hoạt động này giàu ý nghĩa cầu siêu tế độ, giải thoát chúng sinh, cho nên thu hút nhiều người xem. Trên đường Bạch Đằng, trồng hàng cây bàng đã thành cổ thụ, đặt đoạn đường sắt chạy xuống cầu tàu – cảng Quy Nhơn. Cứ vài ngày, có chuyến tàu lửa chạy qua, kéo còi inh ỏi và nhả khói đen kịt, lâu lâu gặp một cảnh hàng bàng trút lá ào ào xuống mặt đường, xuống sân các đền chùa bởi một trận cuồng phong bất thình lình từ mặt đầm nổi lên.
Đường Tăng Bạt Hổ đường Hàng Keo. Quy Nhơn có hai con đường trồng cây keo: Đường Tăng Bạt Hổ và đường Nguyễn Thái Học (đoạn chạy qua xóm Bàu Sen). Quanh năm các hàng keo xanh đậm, mùa xuân cho hoa, mùa hè cho trái. Nơi gốc keo sù sì trước tam quan Chùa Phật giáo Tỉnh Hội (nay gần nhà sách Thanh Niên), treo trên cành mấy lốp xe đạp cũ mục, hàng ngày có ông thợ vá xe đạp với đôi bàn tay lấm lem ngồi vá xe, thường có mấy khách hàng ngồi chòm hỏm vừa trò chuyện vừa đợi ông. Hiện nay, tôi vẫn còn thấy ông ngồi đây vá xe đạp, mặc dầu đã già yếu. Và tôi cũng không hiểu tại sao, ông có thể vá xe đạp lâu đến 50 năm, giữa thời buổi có không biết bao người đã đổi thay nhanh chóng đời mình? Lũ học sinh chúng tôi rất thân quen với đường Tăng Bạt Hổ, vì đó là đường đến trường hằng ngày (Nếu lấy Chùa Hội làm tâm điểm, thì các trường Trung học lớn Cường Đễ (nay là trường PTTH Quốc Học), Nữ Trung học Ngô Chi Lan (nay là trường PTTH Trưng Vương), Trung học Nhân Thảo (nay là THCS Trần Hưng Đạo, Nữ Trung học Trinh Vương (nay là Đại học Quang Trung) đều cách đó một bán kính chừng nửa cây số. Trung học Bồ Đề thì trên đường này. Chúng tôi không gọi đường này là đường Tăng Bạt Hổ mà thích gọi là đường Hàng Keo, cho có vẻ nên thơ như trong thơ Xuân Diệu: “Những nhành keo đêm trăng Quy Nhơn / Nở hoa trắng nhỏ bíu cành tuôn / Nhánh dài rũ xuống như tơ liễu / Gió biển đung đưa khe khẽ mơn” (Hoa keo ở Quy Nhơn). Sớm chiều, khách mộ đạo Phật đi trên đường Tăng Bạt Hổ sẽ được lắng nghe tiếng tụng niệm, tiếng chuông từ Chùa Hội vọng ra mà thấy lòng thanh thản, là dịp hướng tâm về nẻo thiện.

Đường Phan Bội Châu thơm mùi cà phê rang. Con đường có nhiều nếp nhà cổ với mái ngói âm dương, cửa ván dày hai tấm đặt trên ngạch gỗ săng cao; cũng có nhà dựng cửa bàn khoa chạm hoa văn thủng, đứng sau hàng cổng lửng sơn màu xanh, đỏ. Chủ nhân các ngôi nhà thường là người Hoa, họ mở phòng ngủ, quán kem Flanc, tiệm xay cà phê bán sỉ. Mùi cà phê rang thơm nức thường lan tỏa trong không gian, đáp nhẹ vào mũi người đi đường. Nếu gặp một chiều gió mưa lạnh lẽo, và bạn là khách đi phố đang co ro rảo bước dưới mưa, mùi ấy chắc sẽ gây cho bạn cảm giác ấm lòng, giảm bớt cô đơn. Trên đường Phan Bội Châu, đầu đường có Nhà hát Trung Hoa (sau đổi tên là Rạp chiếu bóng Tân Châu, nay là Rạp 31 / 3), cuối đường gặp cửa Bắc Chợ Quy Nhơn. Nghe nói, tại Nhà hát Trung Hoa đã có đôi lần tổ chức diễn thuyết, tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh giữa các nhà thơ, nhà lý luận phê bình theo các trường phái khác nhau. Cũng nghe nói, thời Quy Nhơn bị Pháp tạm chiếm, du kích đã đánh vào đây mấy trận để tiêu diệt sĩ quan Pháp đang họp; đây là địa điểm tổ chức một số cuộc họp của Ủy ban Quốc tế kiểm soát đình chiến, theo Hiệp định Geneve – 1954, với sự hiện diện của đại diện Quân sự các nước thành viên Ấn Độ – Ba Lan – Canada.
Đường Nguyễn Huệ… dạo bãi biển. Thả bộ trên đường này là cái thú của nhiều người Quy Nhơn và khách du lịch: Họ ngắm biển, những đoàn tàu thuyền vào ra, hứng ngọn gió nồm thổi, lắng nghe bản nhạc thùy dương…Họ đang tìm sự thư dãn cho tâm hồn. Sáng, chiều người các phố đổ ra tắm biển, đủ nam phu lão ấu và đồ tắm biển cũng đủ màu sắc…Đường Nguyễn Huệ, đoạn trên dưới trường Nữ Trung học Ngô Chi Lan, mùa hè rực lửa hoa phượng đỏ, ai cũng bảo, đó báo hiệu mùa thi đến; khúc chạy qua Khu 2, thường tanh mùi cá tôm, mùi rong rêu, nhất là gặp khi những đoàn thuyền của ngư dân trúng mẻ cá tôm trở về. Đường Nguyễn Huệ đã từng có vai trò chứng nhân của lịch sử: Một cuộc xuống tàu đi tập kết của cán bộ, chiến sĩ Bình Định và các tỉnh Miền Nam diễn ra năm 1955; một cuộc nữa, ngày kết thúc thắng lợi ở Bình Định cuộc chiến tranh chống Mỹ kéo dài 21 năm. Ngày nay trên đường này đã dựng Tượng đài kỷ niệm 2 sự kiện lịch sử đó.
Trên, nói những đường phố đã thay đổi nhiều, còn giữ lại rất ít những dấu tích xưa. Đường phố Quy Nhơn, còn nhiều, mỗi con đường mỗi vẻ, nhưng có chung một vẻ yên tĩnh, hiền lành, dễ thương, gần gũi với thiên nhiên, chưa có gì là to lớn (chưa có nhà lầu, một ít nhà có gác lỡ) thiếu cái hối hả của cuộc sống đô thị: “Những lúc hiu hiu thổi gió nồm / Hồn trong võng mát như ôm / Những chiều kéo lưới thuyền về nặng / Lảnh lảnh nghe rao “cá bánh đường” (Xuân Diệu – Tâm sự với Quy Nhơn). Cái nổi bật của đường phố Quy Nhơn về đêm là những tiếng rao dài hun hút: phở, hột vịt lộn, tẩm quất… của những người bán hàng rong, người kiếm sống trên đường phố về đêm.
Sông có lúc, đường phố có khúc chăng? Đường Bạch Đằng, do bị lấn đầm lập khu dân cư mới, mà xa bến nước là một sự lạc lõng, bơ vơ, tội nghiệp cho con đường. Ngày xưa thi sĩ Xuân Diệu về quê Gò Bồi: “Nằm một đêm đò, sáng tới nơi” , chắc con đò đó phải xuất phát từ bến Bạch Đằng? Ngày xưa, ở Quy Nhơn, ai đi dạo phố, mua sắm thì ra đường Gia Long, khu phố Trần Hưng Đạo, xuống Chợ Lớn…Nói chung, khi cần gì, thảy người ta ra đó, đi phố là ra đó. Ngày nay ngược lại, ai đi Siêu thị, Metro, Hội chợ – Triển lãm thì vào Khu 6; ai thưởng ngoạn Quy Nhơn về đêm thì vào đường Nguyễn Tất Thành, đến Ngã 6, Khu Đại học, ra đường Xuân Diệu… cũng là vào Khu 6.
H. K. B.
Địa chỉ: Huỳnh Kim Bửu 162 / 32 / 18 Nguyễn Thái Học, Quy Nhơn – Bình Định.ĐT: 0958 501562.
Be the first to like this post.

40 phản hồi

  1. Xin chào các bạn thân mến,
    Tác giả cảm ơn tình cảm của các bạn đã dành cho bài viết Ký ức phố Quy Nhơn. Khi viết bài này, những kỷ niệm xưa cũ tràn về đến tác giả không xử lý nổi và đã tự an ủi mình: Mình viết như một gợi khêu để rồi sẽ có bao nhiêu người viết tiếp về những gì của Quy Nhơn xưa cũ thật đáng yêu. Tôi thật lấy làm tiếc và muốn xin lỗi bạn, vì trong bài viết đã không làm lòng bạn vui khi không nêu tên đường phố nhà bạn ở ngày nào! Tác giả rất mong chúng ta cùng yêu Quy Nhơn hồi xưa vô cùng và cũng yêu luôn Quy Nhơn hôm nay.
    Nhân năm mới 2011 sắp về, xin chúc tất cả các bạn một năm dồi dào sức khỏe và làm ăn phát đạt.
    Kính thư, Huỳnh Kim Bửu
  2. Mèo con ơi ! ngày xưa mình với nhỏ Nữ hay đi dạo đường Cường Đễ và đặt tên là đường phượng bay ,nghe có tình không ?
  3. Tui nhớ nè ! quán đó bị ” thứ 3 học trò ” Cào Phá nên không tồn tại là đúng rùi , phải hông Cà Pháo ???
  4. Đúng rồi, ” Con đường xưa ta đi” đó mà! Cà Pháo nhớ có quán cafe Quên Đi, tồn tại khoãng sáu tháng,,,híc,,,tối thứ bảy và chủ nhật có hát với nhau- Không biết ai còn có nhớ???
  5. Đường mà học sinh đi học nhiều nhất là Trần Cao Vân nơi này có trường Bồ Đề,Nhân Thảo và lối đi về của Nữ Trung học ,Cường Để.Vào giờ tan học đường Trần Cao Vân trắng cả một màu áo dài nữ sinh,rất thơ mộng anh à!
  6. Bài viết rất sâu sắc về Quy Nhơn,đặc biệt là ngôn ngữ rất biểu cảm và giàu hình ảnh làm cho những con đường quy nhơn bình thường trở nên đẹp hơn thơ mộng hơn
  7. Còn nhiều đường phố Quy Nhơn độc đáo nữa nếu có thời gian tìm hiểu và viết thì đây sẽ là công trình nghiên cứu có giá trị
  8. Thiếu tên đường nhà tui rầu tác già ơi?
  9. Tác giả rất am tường và tâm huyết với Quy Nhơn mời viết nên được bài khảo cứu công phu này
  10. Bai viet rat cong phu va tam huyet
  11. on 25.12.2010 lúc 18:48 | Trả lời Văn thị Thanh Thanh
    Mới hôm qua đọc bài báo nói về Tuy Phước quá hay. Bữa nay nhờ con trai kiếm dùm bài thơ “Đêm ngủ ở Tuy Phươc” của Xuân Diệu, lại tìm thấy trang web này và đọc bài bút ký của anh Huỳnh Kim Bửu….tưởng như thấy cả ngày xưa hiện về và mình bỗng trở về là cô bé trong tà áo dài tinh khôi ngày ngày ôm cặp e ấp đến trường.
    Vậy mà cũng hơn 30 năm trôi qua, xa trường và quê hương cũng xa. Tuy không ra khỏi đất nước nhưng cơm áo gạo tiền níu chân nên mỗi năm cũng chỉ về thăm quê được một lần độ dăm ngày…Và thấy mình cũng còn hạnh phúc khi rủ được vài ba cô bạn cũ dạo quanh những con đường kỷ niệm ngày xưa , nhắc nhau nghe những kỷ niệm vui buồn của một thời con gái….
    Cảm ơn anh Huỳnh Kim Bửu đã vẽ lại một Quy Nhơn của ngày xưa để long mình xôn xao nỗi nhớ và chợt cảm thấy ấm lòng trong những ngày cuối đông xa xứ.
    • Văn thị Thanh Thanh trước ở đường Nguyễn Du phải không?
      • on 26.12.2010 lúc 13:39 | Trả lời Văn thị Thanh Thanh
        Ngày xưa nhà mình ở Trần Cao Vân, là cựu học sinh Nữ Trung Học, đến năm lớp 12 mình “ở trọ” Cường Đễ 3 tháng (lớp 12B2) sau đó lại trôi dạt ra Nhân Thảo. Nguyên nhân của sự ra đi này là một điều uất ức không nguôi cho đến tận bây giờ…
        Nhưng dù sao đi nữa, Quy Nhơn và những ngôi trường thân yêu vẫn là những kỷ niệm đẹp, là một phần đời mà mình mãi mãi trân trọng không thể nguôi quên.
  12. Nhìn hình biển QN mình nhớ quá, thời nhỏ mình cùng mấy bạn trong xóm thường xuống biển chơi vui lém ,,,hic hic hic
  13. Tào Lao thấy có số nhà 59 Biên Cương đó :D :D :D
  14. Cảm ơn anh Huỳnh Kim Bửu , Đã gợi lại tấc cả những hình ảnh QN xưa , lúc tôi ra đi .
    • Anh đi đâu vậy anh Tạ Chí Thân, hỗng phải anh ở Nhơn Hội sao? Năm 1954 ba em ra Bắc, năm 1975 Mưa theo ba về Nam, còn anh đi đâu nhỉ, cho Mưa biết với Mưa thít,,,
      • “ANH ĐI … MỘT SỚM THU BUỒN ” mà tới bị giờ qua cũng chưa biết qua đi đâu … Mưa hỏi qua thì qua biết hỏi ai bi giờ ???
        • “Anh đi …một sớm thu buồn”
          Bao lần Thân đếm mưa tuôn phố gầy?
          Xưa Mưa má đỏ hây hây
          Bây giờ sâu muộn từng bầy đu theo
          Nhiều khi nhỏ lệ…số nghèo!
          Thân ơi! Mưa biết bỏ neo bến nào,,,
          Phận thuyền bạc tựa trăng sao
          Mưa em quyết chọn anh hào Chí Thân,,,
          • Tru..ùi ui! “Cu Khỉ_Thân” nhà ta đắt shô như dzầy mà (bài) bên kia Bagiacodon lại đem ra “mần thịt”…nghỉ chơi mí Bagiacodon lu..un!
          • on 24.12.2010 lúc 22:27 ta chi than
            Tại BGCD thích ăn thịt Khỉ hơn là nhậu thịt Rùa … HIc Hic …
        • Tạ Chí Thân kỳ này chết thiệt rùi!
  15. Tac gia la tho cong cua Quy Nhon nen viet rat sau sac va tinh te
  16. “ký ức phố QNhơn ” hay tuyệt!
    còn con đường có hàng phượng vĩ đỏ rực( trước trường CĐể )mà ngày xưa được mệnh danh “con đường tinh ta đi”sao hổng nghe nhắc hé?
  17. Cám ơn Huỳnh Kim Bửu đã viết về Ký ức phố Qui Nhơn quá hay!
  18. Bài viết hay,nghiên cứu khá kỉ lưỡng.
  19. on 24.12.2010 lúc 06:41 | Trả lời Nguyễn Thị Trúc
    Bài viết về Quy Nhơn hay quá.

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010





Thơ Huỳnh Kim Bửu


Những tình đợi cất thành thơ

Có ai thăm chừng lá đỏ
Gió xuân đã thổi hay chưa?
Đò tình còn trôi chưa đỗ
Sông xuân một dải trong mưa.

Có ai thăm giùm hoa nở
Giọt sương có gội chiều qua?
Thương ai cầm xuân đi hỏi
Vu vơ một cõi Ta Bà.

Hỡi tình có thương không nhỉ
Mà em lỡ mất xuân thì
Có tại bóng chiều thủ thỉ
Ngàn dâu còn mãi xanh rì?

Xuân của đất trời thì mới
Xuân em chưa cũ bao giờ
Hỡi những ngày vừa chín tới
Những tình đợi cất thành thơ.

H. K. B

Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Tản văn của Huỳnh Văn

"Trong như tiếng hạc bay qua"
 

       Đồ chơi trẻ con xưa đã vắng bóng. Đó là một cuộc chia tay "một đi không trở lại" với chúng ta.
       Đổ chơi của trẻ con làng An Định, hồi cách nay vài ba thế hệ, có thể chia thành mấy nhóm:
       Nhóm tạo tiếng:
- Tiếng súng: Súng làm bằng ống trúc, bắn bằng "đạn" trái nổ hái ngoài bờ rào (hoặc mảnh giấy nhai ướt, vò viên to bằng trái nổ), nhét chặt vào nòng súng. Khi bắn, đẩy viên đạn ra khỏi nòng, là có được tiếng nổ: đùng. Súng này chỉ bắn phát một.
 
        Súng liên thanh là súng bẹ chuối chẻ dọc làm 3 phần, cầm lắt, bẹ chuối đập vào nhau tạch... tạch...liên thanh.  Lũ trẻ con xóm Miễu Tây cãi, bảo cái này, gọi là pháo liên thanh thì đúng hơn, vì súng thì phải nhằm mà bắn.
        Ống thụt nước, không gây tiếng nổ mà vẫn gọi súng: súng nước. Súng có 2 bộ phận: một ống trúc dài chừng 4 - 5 tấc và một píttông. Lắp "đạn" là kéo píttông để hút nước, bắn là đẩy mạnh píttông, cho nước vọt mạnh vào "kẻ địch".
 - Tiếng trống, tiếng đàn, kèn: Trống phất da ếch, hoặc bong bóng lợn... Cắt ống tre dài chừng 20 phân làm tang trống. Phất một mặt hay cả hai mặt cắt của tang trống, đoạn đem phơi nắng. Khi trống khô thì mặt trống căng ra, cầm dùi gõ, trống kêu tu...m...tu...m...Cần chú ý phất mặt trống thật căng, cho tiếng trống giòn, nhỡ dùn trống kêu nhão là không hay. Tôi có lần phải dại, sáng ngày ngủ dậy, thấy mặt trống dùn, nôn nóng đem hơ lửa để kịp mang theo đến trường đặng thi đấu với bọn cùng lớp. Bị lửa, mặt trống phồng lên, nổ bụp, thế là "trống thủng khó hàn".
       Trống rung giống như cái kính lúp ở phòng thí nghiệm, phất giấy bóng hoặc da ếch hoặc bong bóng lợn, đeo hai bên tang trống hai viên đất sét lớn bằng hột đậu xanh (hoặc vài hột cơm khô) bởi một sợi dây chỉ mành. Khi chơi, đặt cán trống giữa lòng hai bàn tay mà xe tròn, trống rung kêu rinh rinh...do va đập hai viên đất sét vào hai mặt trống. Hễ rung mạnh thì nhịp trống nhanh, tiếng kêu to, rung yếu nhịp chậm, kêu nhỏ. Tết là mùa của trống rung, nhà có trẻ con là có tiếng trống rung rinh... rinh... Được thế, nhờ trong xóm, trong làng có nhiều nhà giết lợn ăn Tết, ném cái bong bóng lợn ra cho trẻ con làm trống rung.
       Bạn hàng xóm của tôi có mấy đứa là con cái nhà thợ mộc. Chúng làm được cây đàn thập lục trên lưng nửa ống tre khô chẻ dọc; cũng làm được cây đàn nhị, cây sáo trúc. Chúng còn có sáng kiến bứt đuôi ngựa để làm sợi dây kéo đàn cò, cho được tiếng đàn mà anh Hai Trí (học College Quy Nhơn) mỗi lần về, nghe được đều  khen:  "Trong như tiếng hạc bay qua" (Thơ Kiều - Nguyễn Du).
      Kèn dứa, kèn lá chuối được nhiều chú bé chơi say mê lắm. Loa kèn to, thổi tiếng to. Nhiều nhóc cưng chơi nghịch, lén kê loa kèn vào tai người lớn mà thổi mạnh, cho giật mình, điếc tai để có dịp thích chí cười, dẫu cho có lần bị chụp tay, véo đau một cái.
       Có đứa trẻ nhỏ nào chẳng thích âm thanh? Rạp hát Cửu Ba trong làng, cứ chiều về rao quảng cáo đêm hát. Kê trống trên cỗ xe ngựa, chạy rao khắp làng với đám trẻ nhỏ bâu theo tự nguyện đánh trống: bùm cắc bùm, cắc tang...Thế là chủ rạp mừng lắm, vì không cần phải thuê người đi rao quảng cáo. Mỗi lần, hương chức làng cho xả phèng la: phèn... phèng... (3 hồi chín tiếng) để gọi phu phen làm tạp dịch, liền có trẻ nhỏ đến vây lấy, nhận dùi đánh thay chú Mõ.   
       Nhóm tạo hình:
       -Dùng đất sét mà nặn các con vật. Nặn voi thì chú ý cái vòi, lấy cọng cỏ may làm ngà; nặn trâu ráng vuốt cặp sừng cho cong, nhọn; ngựa thì lấy râu bắp (hoặc tướt lá chuối) dán lên làm bờm, làm đuôi, cắt mo nan làm yên; gà vịt bẻ chân nhang làm chân. Két, nhồng, sáo, cưởng...con giang cánh thì cột dây chuối treo, con đậu thì đứng trên đôi chân cũng nặn bằng đất sét.
      Nặn cối xay bột, cối giã gạo, chậu, thau, ông táo, hũ bùng binh ... bằng đất sét. Những "tác phẩm" này để ngắm chơi mà cũng để làm đồ hàng chơi buôn bán.  Nhiều chú nhỏ cũng thích thú chất hộp quẹt diêm thành ngôi nhà gạch, đặt trước cửa con chó đất sét giữ nhà, con gà cồ đất sét rướn cổ mà không gáy lên tiếng...
      - Cũng dùng giấy để thắt con chim, chiếc thuyền, chiếc tàu bay...Chơi thuyền giấy thì thả xuống dòng nước mưa trong sân mà vỗ tay hò khoan...ứ ư khoan hò... Chơi tàu bay giấy thì leo cao, ném lên trời, cho tàu bay đảo qua đảo lại, nghiêng cánh nhòm mấy lượt, rồi đậu xuống đất "an toàn" như có phi công lái, nhẹ như một chiếc lá khô rơi.
       Nhóm "cơ khí":
     Chỉ cần một đoạn trúc thẳng, dài chừng 1 mét, làm cán, kẹp một trái vông đồng khô làm bánh xe là có được một cỗ xe đẩy đi chơi khắp xóm.
      Một hôm, thằng Tí bảo, còn phải có chiếc xe hòm kín, như xe của ông Đốc học hôm lái về thanh tra trường An Định. Vậy thì tôi và Tí đã ra bờ sông đào đất sét để nặn xe hòm. Nặn hòm xe xong, chọn mảnh chai trắng làm kính xe, lấy 4 đồng xu lửa (tiền Đông Dương bằng kim loại đồng) làm 4 bánh xe. Thế là 2 thằng Cu đã "sản xuất" xong và "xuất xưởng" sớm một chiếc ô tô con, rồi thay phiên nhau "lái" đi chơi.
       Nhóm ngẫu hứng:
      Trẻ xóm Miễu Tây, xóm Miễu Nam lân cận, hôm nào tụ họp được 5 - 7 thường không khỏi bày cuộc chơi. Chơi hát bội, tức thì chằm mũ lá mít, lá xoài, dán râu ngô (giá như có mặt nạ bây giờ) thương giáo là cành tre, cán trúc vạt nhọn, chuốt láng, (chứ có đâu đồ chơi súng gươm gắn mắt điện tử, chạy pin của trẻ con thời nay). Hòn bi ve hiếm lắm, cái quả bóng tròn làm gì có. Trẻ con làng An Định muốn có hòn bi chơi thì nặn đất sét; muốn có quả bóng tròn thì làm banh quả bưởi, banh nhồi rơm ràng rịt chặt chịa bằng dây chuối. Các "cầu thủ"  ôm "banh" ra sân, chia 2 đội, đá ... bịch bịch ... không hề có cú banh bỏng. Cũng có trọng tài thổi còi lá dứa cho trận đấu. Bé gái bắt chước chị đeo bông tai hoa ổi tàu; nhẫn cỏ chỉ, cỏ gà; bé trai không chịu thua, "lên đời" đeo cà rá, đồng hồ, kính râm, kính lão lá dứa. Nhiều bữa, khách đi trên đường làng, thấy lũ nhỏ sắp một hàng dài trước gió nồm rộ. Mỗi đứa đưa một chong chóng dứa ra gió, chong chóng quay tít, cười thích chí lắm. Mấy chú mê chọi vụ, tìm khúc gỗ bồ lời (có tiếng u dài) ngồi tẩn mẩn đẽo gọt cho thành một cái vụ, rồi thủ vụ trong túi quần với vẻ hí hửng, chờ phen chọi thi với bạn "cho rõ mặt anh hào".
        Trẻ nhỏ hồi xưa khan hiếm đồ chơi lắm, cho nên gặp cán chổi, tàu cau, bẹ chuối, cán cuốc, cán trang...thì tay cầm, đít thót lên (kẹp vô háng), làm kỵ sĩ ngồi lưng ngựa, thúc ngựa phi nước đại, hết trong sân ra ngoài ngõ. Mỗi năm cứ đến tháng Chạp, các thợ thủ công vùng thành Hoàng Đế, làm đồ chơi: cái trống rung bịt giấy bóng, sơn tang đỏ; con cò trắng đậu trên cành trúc vàng, con gà cồ đất sơn vôi trắng, gắn lưỡi gà ở đít, để kê miệng thổi, gà gáy ó ò o... Hàng đó đem bán ở các chợ Tết. Nhưng đa số trẻ con tự làm lấy đồ chơi. Anh em nhà tôi, mỗi lần đến Tết nguyên đán thì nặn đồ hàng bằng đất sét, làm đèn xếp; Tết Trung Thu, làm đèn trái ấu bằng khung nan tre, phất giấy gương ngũ sắc.

       Trẻ con ngày nay, nhất là trẻ ở các thành thị, có cả một kho, một núi đồ chơi ở trong nhà. Những đồ chơi ấy phong phú đề tài, đa chủng loại, tự động, chạy pin, chạy dây cót, được sản xuất trong những nhà máy công nghệ hiện đại, và phần lớn nhập từ nước ngoài. Hàng xóm tôi, có cặp vợ chồng trẻ hôm nọ mua cái bong bóng kỳ lân với giá 100. 000đ cho quý tử chơi. Chơi mươi phút, bé hô, bong bóng xì hơi, bị ném trên nền nhà, bẹp như cái bánh tráng nhúng. Có ông nội hôm đi siêu thị mua cho thằng cháu đích tôn cái banh nhựa, to bằng cái bánh da thật ở Worlcub. Cả tháng rồi, ngày mấy bận đều đặn, thằng cháu vẫn một tay ôm banh, một tay kéo ông nội ra sân nhà, để ông cháu chuyền bóng, sút  bóng cho nhau.   
       Chuyện trẻ con hồi xưa chơi đồ chơi, chắc ngàn, vạn làng không khác mấy làng An Định của tôi. Xưa ông cha, và cả thế hệ chúng tôi (nay đã đầu hai thứ tóc) sống tuổi thơ của mình thiếu thốn, nghèo nàn, lây lất quá! Chẳng biết đầu óc của những ông Hai Lúa nổi tiếng thời nay có phải được sinh ra và nuôi dưỡng từ hồi xưa đó không?

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

TRANG CHỦ arrow BÁO CHÍ arrow BÁNH XÈO
BÁNH XÈO In
HUỲNH KIM BỬU 
ĐÔNG ĂN... BÁNH XÈO
Thu ăn măng trúc, Đông ăn giá
Nguyễn Bỉnh Khiêm

Người quê tôi thích ăn uống, thích thưởng thức món ngon, vật lạ. Có như thế, mới có món nem chả chợ Huyện, bánh ít lá gai (*), rượu gạo Bàu Đá nổi tiếng... Món bánh xèo và thú ăn bánh xèo Bình Định cũng từ đó mà ra.
Bánh xèo chế biến từ thứ nguyên liệu là gạo. Gạo ngon (gạo lúa mới, trộng hạt) ngâm cách đêm hay cách buổi rồi đem xay thành bột nước. Khuôn bánh xèo làm bằng sắt, to bằng cái đĩa trái đào xưa (và cũng cạn như đáy đĩa). Người ta đúc (cũng gọi là đổ) bánh xèo trên bếp lò than hồng. Rải nhân bánh lên khuôn bôi trơn bằng dầu thực vật (hoặc thịt mỡ) đang nóng, múc một vá bột nước đổ lên, nghiêng khuôn cho bột tải đều, rồi đậy nắp vung lại. Chờ vài phút, đoạn mở nắp vung ra là có được một lá bánh xèo thơm phức, nóng hổi trên khuôn. Người ta "xem mặt đặt tên", hồ hởi gọi cái bánh đó là bánh xèo, vì khi đúc nghe tiếng dầu mỡ nổ "x... èo... x... èo..." đến vui tai. Nhưng cũng có nhiều nơi gọi đó là bánh "khoái", vì ăn "khoái khẩu" lắm.
 Bánh xèo có hai loại chính: bánh xèo vỏ và bánh xèo thịt. Bánh xèo vỏ đúc với dầu thực vật (thường là dầu phụng) hoặc mỡ heo, không có nhân, chỉ rải lưa thưa lá hành xắt nhỏ vừa làm hoa vừa thơm bánh. Bánh xèo thịt khá phong phú. Kể trước hết là loại nhân thịt heo và tôm xào, kèm giá đậu, còn được quen gọi là bánh xèo tôm thịt. Kể tiếp, loại nhân thịt bò ướp gia vị (đường, tiêu, bột ngọt...) kèm giá đậu... Bánh xèo tôm thịt vừa béo vừa ngọt, bánh xèo thịt bò ngọt ngon. Vùng quanh vạn Gò Bồi (quê ngoại của nhà thơ Xuân Diệu) có lợi thế gần sông, biển bắt được con tôm tươi rói. Nhờ nguồn tôm tươi này, người địa phương mở nhiều quán bánh xèo bên tỉnh lộ (từ huyện lỵ Tuy Phước chạy xuống). Các quán này thường đúc loại bánh xèo con tôm sống, nhảy lách... tách... trên khuôn để phục vụ khách tìm món ngon, thường từ Quy Nhơn lên. Bánh xèo nhân thịt ếch nhái, tuyệt hảo, nhưng mỗi năm chỉ ăn được một lần vào tiết tháng ba mưa rào, cái tháng dân gian dày kinh nghiệm ăn uống bảo: "Ếch tháng ba, gà tháng mười". Sự ăn uống luôn cầu kỳ: Hồi trước người ta ăn bánh xèo mềm, ngày nay người ta thích ăn bánh xèo giòn giòn, rán hai lần. Lại còn nẩy sinh ra cái "bánh xèo chảo" nữa. Bánh xèo chảo "bề thế" gấp 4 - 5 lần bánh xèo "cổ điển". Đúc bánh xèo đơn giản là vậy, nhưng không phải ai đúc cũng được cái bánh ngon. Bởi thế mới có chuyện trên một đường phố, trong một chợ quê, một thị trấn có chục quán bánh xèo mà vẫn nổi tiếng một vài quán bánh xèo ngon, điểm hẹn của thực khách sành ăn và yêu quý cái phong vị của quê nhà.
Mấy hôm nay gặp tiết trời sang Lập Đông, từ nắng nóng chuyển sang mưa đầu mùa, hơi mưa lạnh. Lại nữa, mấy chợ quê, chợ nào cũng nò rẩu, cá tôm... nhiều mà rẻ. Bà Hai Ngót đã mấy lần thầm tính chuyện: "Đúc một bữa bánh xèo cho cha con ổng ăn". Và hôm nay bà thực hiện ý định của mình. Một vò bột ngâm 3kg gạo mang sang xay nhờ hàng xóm đã mang về từ sáng sớm, thịt ngon, tôm tươi, các thứ nữa mua từ chợ Háo Lễ cũng đã kịp mang về. Ba mẹ con bà Hai Ngót (bà và hai cô con gái) thay phiên nhau ngồi trước một chòm ba hỏa lò rực lửa, đúc bánh xèo. Mùi bánh xèo thơm sực nức, từ nhà bà Hai Ngót, bay sang tận nhà hàng xóm, đến mũi vài người đi đường bị mưa, co ro trong áo tơi, nón lá. Đúc hồi lâu thì trên nia đã có được chục lá bánh xèo, vừa có vỏ vừa có thịt (bánh xèo tôm thịt). Còn về  "thực khách" của bà thì ông chồng và năm đứa con lớn nhỏ cũng đã thi nhau kêu đói bụng oai oái. Bà hối thúc hai con gái dọn nhanh bánh xèo lên mâm. Mâm bánh xèo trông thật thịnh soạn, bắt mắt, bắt mũi: Đĩa bánh xèo vỏ cao nghệu, trắng ngần, đĩa bánh xèo thịt cũng cao nghệu, vàng tươm, bên cạnh đó đĩa rau tươi non, trái ớt chín đỏ, nổi bật giữa mâm là chén nước mắm trong sóng sánh, chén mắm đục sền sệt, hai chai rượu nhãn hiệu Bàu Đá chờ cái phút giây mở nút, cụng ly. Mọi người vào "tiệc". Trong nhà bà Hai Ngót "nổ" ra tiệc bánh xèo, còn bên ngoài thì trời mưa đầu mùa lất phất, gió đầu mùa lạnh se se, ngoài đường ít người đi. Câu chuyện trong bữa ăn rôm rả. Ông Hai Ngót liếc mắt một vòng, hô lên: "Má sắp nhỏ cho đĩa rau sống xanh non thế này mà thiếu mấy cái lát khế chua ngọt chẻ dọc, là không được nghe". Rồi ông ngồi xuống cầm đũa, gắp bánh xèo, khen vợ: "Trời mưa mà bà cho ăn bánh xèo là sành tâm lý và yêu chồng con lắm nghe". Thằng Hai nối lời cha: "Nấm gặp mưa mỗi sáng mọc dày, đó ông Trời khiến má mình đúc bánh xèo mỗi ngày, cho cả nhà ăn sướng miệng". Thằng Ba "nối chí" anh: "Tui mà kén vợ thì nhất định phải kén cái con nhỏ Gái Huệ đúc được cái bánh xèo ngon ngoài chợ Bồ Đề". Thằng Tư nguýt mắt, bài bác: "Bộ ông là quân vương, nói dóc, bỏ đi Tám". Con Năm bám thời sự: "Còn nhớ không, năm kia, dân Mỹ có một cuộc ăn bánh xèo khoái khẩu trên đất Mỹ, do một bà nội trợ Việt Nam sang đúc, sướng chưa?". Con Sáu "thực tế": "Vừa thôi, bữa đó tụi nó a vào hàng bánh xèo, cũng như tui đã từng thấy mấy con đầm tóc vàng sang đây gặp hàng nón ngựa Gò Găng là a vào mua đội chơi, Mỹ mà"... Trong khi đó, bà Hai Ngót vừa đúc bánh xèo vừa "tiếp tế" cho bữa ăn, không ngớt đứng lên ngồi xuống, rất lăng xăng, vì bà muốn: "Cho cha con ổng ăn một bữa bánh xèo cho thỏa thích, cho hết thèm" (Lời bà).
Hôm nay bà Hai Ngót "hòa điệu" cùng người xóm miễu Tây, làng An Định, tổ chức cho cả nhà ăn bánh xèo ngày mưa Đông đầu mùa, khai mạc một mùa bánh xèo nữa lại đến. Cũng như ở các nơi khác, ở quê tôi người ta ăn bánh xèo quanh năm, nhưng hình như chỉ ở đây người ta mới có cái thú ăn bánh xèo mùa Đông, ăn bánh xèo ngày mưa. Có người tự nghĩ, bảo đó là cách người ta lấy cái nóng bánh xèo, nóng hỏa lò, nóng rượu, lấy cái quây quần ấm áp ở trong nhà... chế ngự cái lạnh mưa bay gió vãi ở ngoài trời. Khách thăm quê tôi tiết trời Đông dễ gặp những xóm nhà phủ cơn mưa tỏa sực nức mùi thơm bánh xèo, gặp bữa cỗ bánh xèo được chủ nhà mời ăn với cả tấm lòng xởi lởi và hiếu khách.
Tôi có nhìn thấy cái "văn hóa bánh xèo" trong mỗi gia đình quê tôi: Nhà đúc bánh xèo luôn dành những phần bánh xèo để biếu hàng xóm, "lại quả" nhà kia nhà nọ vì họ đã cho mượn bộ khuôn hãy còn bóng dầu mỡ, cái hỏa lò còn dính nhiều vệt trắng của bột bánh xèo đổ leo, và cả ông ở đầu xóm đã sẵn lòng dành cho một bữa xay bột nhờ... Thành ra lắm khi trong xóm miễu Tây của tôi một nhà đúc bánh xèo thôi là cả xóm được ăn bánh xèo.
(*) Muốn ăn bánh ít lá gai / Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi (Ca dao).