.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012




Tản văn của Huỳnh Kim Bửu


Thiều quang chín chục


Mùa xuân là mùa của lễ hội, mùa của những thú du xuân. Thơ chữ Hán tả thú bốn mùa, đã viết về thú mùa Xuân là đi dạo chơi trên những thảm cỏ non tơ: “Xuân du phương thảo địa”. Thi hào Nguyễn Du mở đầu Truyện Kiều tả một cuộc du xuân của ba chị em Thúy Kiều với cảnh đất trời đẹp đẽ và những cuộc gặp gỡ chẳng dè đó vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của bao nỗi oan khiên, bất hạnh xảy đến cho đời Kiều.

Mùa Xuân có chín mươi ngày nắng mới (Thiều quang chín chục…- Truyện Kiều, Nguyễn Du) sưởi ấm cái lạnh rớt của mùa Đông năm trước. Và trong màu nắng mới, vạn vật vừa kịp bừng thức, làm nên cảnh đẹp của mùa Xuân để cho thi nhân phải hết lời ngợi ca:“Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi” (Xuân Diệu).

Mấy ai chẳng là khách du xuân? Mới sáng mồng một tết, ông tôi khăn điều, áo đỏ, gậy trúc, guốc tre đi ra hội đình để cùng dự cúng tế với các bô lão, kỳ mục ở trong làng. Du xuân ba ngày tết là đi ra đình làng khai hội xuân, đi chùa hái lộc đầu xuân, đi mừng tuổi họ nội - họ ngoại, đi thăm xuân, chúc tết:“Bắt chước ai ta chúc mấy lời…” (Thơ Trần Tế Xương)… Kế đó, người ta còn có bao nhiêu lễ hội nữa kéo dài trong cả mùa Xuân: Đi Tết nguyên tiêu ở đền chùa để cầu Phước Lộc (vì Đi chùa một năm, không bằng Rằm tháng giêng - Tục ngữ) đi Hội thơ nguyên tiêu để tham dự vào cuộc ngâm vịnh thơ phú mỗi năm chỉ có một lần; đi dự các lễ hội hằng năm ở các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh… Ở quê Bình Định, mới mồng 5 tết đã tưng bừng lễ hội chiến thắng Đống Đa ở nơi phát tích sự nghiệp anh hùng của ba anh em nhà Tây Sơn.

Tới đầu tháng Ba, mùa xuân đã đi qua hết 2 / 3 thời gian: “Thiều quang chín chục, đã ngoài sáu mươi”, nhưng cái không khí hội xuân thì vẫn còn nguyên vẹn: “Thanh minh trong tiết tháng ba / Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh” (Kiều, Nguyễn Du) . Thời gian dành cho tu tảo phần mộ (tức chạp mả, ở Bình Định còn gọi dẫy mả) kéo dài từ tháng Chạp năm trước đến tháng Ba năm sau. Theo phong tục, ngày chạp mả là ngày hội của gia tộc. Con cháu ở đâu cũng về đi chạp mả, đông đến trắng gò, và coi đó là tỏ lòng biết ơn đối với Tổ tiên, ông bà quá cố, là sống hướng về cội nguồn, tổ tông, như “cây có cội nước có nguồn”. Và trong tiết Thanh minh, người ta cũng sẵn lòng chạp mả, đốt nén nhang thơm phảng phất cho những mồ vô chủ (ai mà viếng thăm - Truyện Kiều, Nguyễn Du) để cầu cho những vong hồn dưới đáy mộ sâu đỡ phần cô quạnh. Bên cạnh ngày hội gia tộc (là tu tảo phần mộ), người ta còn có bao hội làng để tiếp nối cái hội làng giêng, hai. Các làng đua nhau cúng tế Thanh minh theo lệ “Xuân Thu nhị kỳ” ở ngôi đình làng thờ Thành hoàng (xóm nào có miễu Thanh minh thì còn cúng tế Thanh minh ở miễu nữa). Và việc cúng tế thường đi kèm với tổ chức hát bội cho bàn dân thiên hạ xem. Việc này thành lệ đã lâu, cho nên dân gian mới có thành ngữ “Trong chay ngoài bội” để mô tả cái hội làng tưng bừng này.

Cuộc du xuân nào chẳng đông vui, chẳng trên bến dưới thuyền. Gặp chỗ phồn hoa đô hội, đâu vắng cảnh dập dìu tài tử giai nhân, ngựa xe như nước áo quần như nen (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Mỗi cuộc du xuân, người ta được đắm hồn trong cảnh sắc mùa xuân quê hương, là dịp cho người ta tìm hiểu thêm về phong tục, tập quán của một miền đất, một vùng quê, về lịch sử, truyền thống của địa phương và dân tộc mà người ta vẫn yêu quý và tự hào. Du xuân còn là dịp cho những cuộc gặp gỡ giao lưu, anh trai làng làm quen với cô thôn nữ, giai nhân chẳng hẹn mà gặp người tài tử. Như ngày xưa Thúy Kiều gặp Kim Trọng, như cô bé đi hội chùa Hương và chàng trai lẻo đẻo theo sau trong thơ Nguyễn Nhược Pháp: “Em đi chàng theo sau / Em không dám đi mau / Sợ chàng chê hấp tấp / Số gian nan không giàu” (Chùa Hương). Không chừng, bởi gặp nhau ngày du xuân đó mà nẩy sinh ra những kỷ niệm khó quên, chuyện nhân tình nhân ngãi, chuyện rủi may duyên phận khó lường. Nhờ Phật Trời phù hộ, mẹ ta được tuổi cao, nhưng vì sức đã yếu, mẹ không đi dự hội xuân được. Dẫu vậy, lòng mẹ vẫn vui, vẫn náo nức khi nghe tiếng trống chèo: “Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ / Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay” (Thơ Nguyễn Bính).

Nay đã khác xưa nhiều. Đường làng hồi xưa đường đất, cỏ mọc lan mới có “đạp thanh”, nay tráng nhựa, đổ bê – tông xe ô - tô, xe máy chạy, làm sao có anh trai làng lại đủng đỉnh “một mai một cuốc một cần câu” như thuở cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm còn sống, ở ẩn và làm thơ. Nhìn xem, bao người ở các vùng quê, các tỉnh lẻ đến các thành phố lớn làm ăn. Mỗi năm bà con về quê một lần để đoàn tụ gia đình và ăn tết. Cuộc đoàn tụ chưa đủ ấm mái gia đình, mới mồng hai, mồng ba…sau tết, nhiều người lại hối hả lên tàu xe trở lại thành phố. Cho kịp bắt đầu cuộc mưu sinh của năm mới.