.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012


NHỮNG LỜI GÀO THÉT CHÂN TÌNH



Oswaldo Guayasamin,
họa sĩ, nhà điêu khắc Ecuador
(1919-1999)


Ta gặp ông dưới chân dãy núi Andes. Như phảng phất hương vị Inca cổ kính có lẫn nỗi buồn không ngày tháng của châu Phi đen với nét hào nhoáng vô cớ của châu Âu trắng. Đó là Quito, thủ phủ của nước Ecuador đương đại.

Ông, Oswaldo Guayasamin, là lời gào thét của những thế kỷ tro than. Ta gặp ông trong niềm kinh ngạc lớn nhất trong cuộc đời mình. Bỡi chưa bao giờ ta lại nghĩ có một con người như thế dưới ánh mặt trời.  Quito, và Ecuador, là nằm ngay dưới đường đi của mặt trời. Và con đương đó, xích đạo, cho tới nay vẫn còn đó. Sinh năm 1919. Mất năm 1999. Có nghĩa, gần trọn cái thế kỷ hai mươi tro than, Oswaldo Guayasamin đã đi lại ở bên dưới đường đi lại của mặt trời. Ông, Oswaldo Guayasamin, kẻ có trái tim luôn bị đốt cháy bỡi sức nóng của ánh mặt trời. Để thốt ra những lời gào thét chân tình.

 banista2139nina-negra

 Ta gặp Oswaldo Guayasamin vào một ngày mùa đông ở thế giới 3W, mặt đất thứ hai của văn minh đương đại. Như đang nghe thấy mùi đất đai phiền não thoát ra từ ngọn cotopaxi tàn bạo. Núi lửa cotopaxi là một trong những kẻ tàn bạo tàn phá Ecuador. Tàn phá là thuộc tính của lịch sử con người. Những bữa tiệc đầu người là đã diễn ra suốt những tháng năm lịch sử Ecuador. Những tranh chấp bộ tộc. Những hận thù sinh ra từ chuyện khác màu da, khác tín ngưỡng. Chiến tranh, với tất cả những hình thức, là diễn ra suốt những tháng năm lịch sử Ecuadoe. Cả những đất đai thuộc rừng mưa nhiệt đới Amazone huyền bí. Cả những bình nguyên ngút ngàn ven biển Thái Bình Dương. Cả dãy Andes giàu có của cải và sự tích kéo dài từ bắc tới nam. Cả cái quần đảo được những nhà thám hiểm châu Âu đặt cho cái tên dính dấp tới loài rùa, quần đảo Galapagos. Ecuador là cả sự thu hút đối với tham muốn của con người. Sau những buổi tiệc đầu người tiền sử, là những buổi tiệc đầu người của thời Inca hữu sử. Nhưng người láng giềng Peru đã để mắt tới Ecuador. Cho nên máu của Peru và máu của Ecuador đã phải chảy dưới chân núi Andes. Và những người bạn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha xa xôi cũng để mắt tới Ecuador. Cái thế kỷ có cái tên kỳ quái, thế kỷ thực dân, làm cho máu những người bạn xa xôi ấy cũng phải đổ dưới chân núi Andes. Nhưng máu những người bạn xa xôi đổ một, thì máu con cháu người Inca bản địa đổ một ngàn. Bỡi vì đấy là thế kỷ thực dân. Vào giữa thế kỷ thực dân, Darwin đã bỏ ra 5 năm nghiên cứu những động vật hoang dã trên quần đảo Galapaxos, đã nói với cả thế giới rằng, có một qui luật đào thải tự nhiên trong cuộc tiến hóa của các loài. Cũng chẳng biết những người bạn châu Âu xa xôi có tham khảo cái qui luật đào thải tự nhiên trong công cuộc thực dân của mình hay không khi chở đám dân châu Phi sang đổ xuống đất Nam Mỹ để khai thác tài nguyên thiên nhiên cho mình. Không chỉ Ecuador. Không chỉ Nam Mỹ. Mà cả châu Mỹ. Cả cái thế giới mới được Columbo trông thấy lần đầu. Vàng. Và ca cao. Và nhiều thứ khác nữa. Và máu của người Phi nô lệ với máu của con cháu người Maya con cháu người Inca bản địa phải đổ xuống Ecuador, phải đổ xuống cái thế giới mới ấy để chứng tỏ rằng thế kỷ thực dân là có thực.

 

 Ta gặp Oswaldo Guayasamin dưới chân núi Andes vào một ngày mùa đông. Ông đang viết lại lịch sử của những thế kỷ tro than. Viết bằng ngôn ngữ của màu. Một bảo tàng lịch sử bằng màu là được dựng lên từ cơn ác mộng. Những thế kỷ tro than diễn ra như cơn ác mộng. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Chủ nghĩa thực dân. Chủ nghĩa độc tài. Chủ nghĩa quân phiệt. Và còn bao nhiêu thứ chủ nghĩa nữa đã diễn ra trong những thế kỷ tro than. Có nghĩa, những thứ đó là làm chết người hằng loạt. Những thứ đó là làm cho cả người sống lẫn người chết đều cảm thấy sợ hãi.                                                   

Và Chapel Of Man. Nhà nguyện của con người. Là nơi cho con người cầu nguyện hòa bình công lý. Hay là nơi lưu trử những hình ảnh máu xương cùng với những nỗi niềm cháy bỏng của con người trong cuộc chiến đấu giành lấy hòa bình và công lý cho con người. Ta lạc vào Chapel Of Man, lạc vào cái nhà nguyện kỳ dị ấy, ở Quito, thủ phủ nước Ecuador đương đại, vào một chiều mùa đông. Ông, Oswaldo Guayasamin, người sáng lập Chapel Of Man, đang tạo ra một giấc mơ khác. Hãy để cho con người nói lên tiếng nói của mình, tiếng nói bằng màu sắc, và đem đặt hết thảy chúng vào một nơi thiêng liêng có tên là Chapel Of Man. Chapel Of Man, nhà nguyện của con người. Hay là cái bảo tàng của những màu sắc bạo tàn. Ông, Oswaldo Guayasamin, kẻ sáng tạo ra  bảo tàng sắc màu của thế kỷ, đang kể lại những thế kỷ tro than. Giọng kể của ông có sức quyến rủ như là đang sở hữu tất cả mọi quyến rủ vốn có trên mặt đất này :

    http://blog.espol.edu.ec/kalufrei/files/2010/06/293309_0.gif
      http://bg.chamberart.net/archive/O/Oswaldo%20Guayasamin/Oswaldo%20Guayasamin%20(33).jpg
      http://www.latinamericanart.com/artworksimages/799/img-01-b997e5e1-9bee-4f0f-ac5a-f3ceda90f608.jpg
       http://1.bp.blogspot.com/-fgcLr745PMk/TmuUelVg-KI/AAAAAAAAByU/m78TK3IW8NU/s1600/Oswaldo+Guayasamin+02.jpg
       http://25.media.tumblr.com/tumblr_mau4k2Iju71rwl43fo1_r1_1280.jpg
       http://occultoantonio.files.wordpress.com/2011/08/oswaldo-guayasamin-7.jpg
       http://thisstudentslife.files.wordpress.com/2012/02/guayasamin201.jpeg
        http://thegonzothinktank.files.wordpress.com/2010/03/img_0542.jpg

  Nguồn: nguyenthanhhien10blogspot.com                                                                          mùa đông ,                    

 16/12/2012

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012




Thơ Huỳnh Kim Bửu



Từ con cá nhảy lên bờ


Từ con cá nhảy lên bờ
No nê lũ kiến cỏ bờ máu tanh

Có người ngồi tựa gió xanh
Vừa đeo vừa đếm vô thanh nỗi mình

Hỏi lòng nay đã dịu thanh
Mà đem chăn đắp vòng quanh kiếp người

Ôm đàn ra gãy giếng khơi
Năm mươi cô gái hát lời “tình quân”…

Trăng non chiếu xuống nẻo gần
Đâu thời nhạc ngựa hia ông trở về

Một đời mẹ vẫn tái tê
Mà cho ta cả bốn bề thong dong

Thương chiều khe chảy long tong
Con két cắn quả, nhạn hồng bơ vơ

Nhà ai tiếng chị ù ơ…
Lời ru mượt cả giấc trưa chim cành .

12 / 2012

Thơ Huỳnh Kim Bửu


Nắng tháng giêng


Nắng tháng giêng rực bờ sông chảy
Nắng cành xoan, nắng tà áo em bay
Mẹ đi chợ tháng giêng, mua thếp trầu cay
Bảo: mua lộc cho cả năm cứ tốt.

Nắng tháng giêng, nắng nghiêng cửa võng
Hội trên đình, trống giục xuống thôn trang
Con tu hú gọi đồng mau chín vụ
Những vườn trưa thơm huệ trắng, hồng vàng.

Ta đi giữa tháng giêng nắng mới
Lòng thật vui như chim én thuở bay về
Thuở con sông trôi và những bến chờ
Muôn vẻ đẹp tháng giêng cùng rực rỡ…

Ôi, nắng tháng giêng giục mùa thị chín
Thơm trên môi, trên má những em thơ
Thương bà ta đi Rằm Giêng lễ Phật
Nắng tháng giêng và những tóc bạc phơ…

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012


 Một ngày của Chuá


Trương Văn Dân


 
   Chiếc  Lexus màu đen bóng lộn dừng lại trước cổng một biệt thự sang trọng. Một người đàn ông bệ vệ bước xuống. Trong khi gã tài xế loay hoay đi tìm chỗ đậu, người đàn ông bước lên những bậc tam cấp, đẩy cửa, bước vào nhà.
Bỗng, từ  bên trong, có tiếng khóc ấm ức, phá tan khoảng không gian yên tĩnh.

  Trong phòng khách, cô giúp việc đang cố dỗ một cậu bé ăn cơm, nhưng cậu bé quá ngán ngẩm những sơn hào hải vị! Câu ham chơi nên nhất định không ăn. “ Nè, bây giờ em thích chơi với cái này này”. Cậu chỉ tay  vào chiếc thiết giáp chạy bằng pile, có hai nòng súng giương cao đặt trong tủ kính. Cô gái dịu dàng bảo : “ Chị không có chìa khoá. Lát ông về rồi sẽ lấy xe để em chạy và nã súng sau nhé!” “ Nhưng em thích chơi bây giờ cơ!”  Cô gái vẫn kiên nhẫn : “ Em đang có rất nhiều đồ chơi đây này. Chơi tạm đi, lát ông về sẽ đổi sau. Em cố gắng ăn thêm một ít nữa nhé!” Vừa nói cô gái vừa  bám theo năn nỉ, “giỏi”, cố đút  thêm một muổng thức ăn vào miệng nó.
Ngay lập tức, cu cậu giậm chân, phun thức ăn phì phì xuống chiếc thảm Ba Tư trải trên sàn nhà. Rồi cậu trợn mắt, hét toáng lên, ngã lăn đùng ra đất.
Lưng cậu chạm vào một vật gì. Cộm. Cậu cầm lên, ngắm nghía, rồi không hiểu vì lý do gì, tiện tay hay điên tiết, cậu ném thẳng vào mặt cô gái. Sau tiếng “bịch” khô khốc, chiếc xe lửa tí hon bằng kim loại mỏng rơi xuống đất.
  Máu từ mũi cô gái chảy xuống thành hàng.
 Cô gái đứng trân, nhưng dường như cô chưa thể quan tâm đến mình. Mắt lấm lét cô nhìn ra phía cửa rồi sau đó mới đưa hai tay che mặt chặm lấy vết thương. Đầu gối run run, cô cúi xuống, một tay áp lên mặt, tay kia quờ quạng tìm nhặt những toa xe đã  tách thành nhiều khúc, rời rạc văng tung toé.
         Đã nhiều tháng giúp việc trong nhà, cô thừa biết tính ông mãnh: Mỗi lần trái ý là ông khóc, ông dẫm chân và đấm ngực. Trường hợp nặng, mặt ông nhăn nhó, không nói, không ăn... Sau đó nếu thấy nỗi sợ của mọi người vẫn còn chưa đủ, ông liền tăng đô, ôm bụng quằn quại lăn trên sàn nhà. Cả lớn lẫn bé, trong nhà ai cũng sợ ông, bởi ông là con trai một. Ông chính là kẻ quyền lực nhất nhà.   
Cô gái biết phận, khép mình trong thái độ nhẫn nhục và cam chịu. Không dám một lời trách móc.

Chính lúc đó, người đàn ông vừa bước qua ngạch cửa, đưa đôi mắt  nhìn vào bên trong. Dò xét.
  • Ba, ba …con mẹ này làm gãy xe lửa của con.
Xương sống cô gái lạnh buốt. Cô biết chiếc xe lửa đó là thứ đồ chơi cao cấp mà mẹ ông mãnh đã nhờ người mua tận bên Mỹ  để làm quà sinh nhật cho con.
-“Cô  đã làm cái gì vậy, hả ? ”
Cô  gái hoảng hốt, ngẩng đầu, khẽ đưa mắt nhìn thằng bé rồi sợ sệt quay sang ông chủ :   
-“Dạ thưa ông…con lỡ tay làm rớt ”… . Vừa nói cô vừa cúi xuống, tiếp tục nhặt những toa tàu vương vãi trên tấm thảm len. Bàn tay trái buông ra nên máu từ vết thương trên mũi tiếp tục rịn ra.
- “Giờ cô tính sao, hả, hả?”
- “Dạ để con gắn lại.” 
Cô nói chưa hết câu, ông mãnh đã hùng hổ đứng dậy. Ông co giò dẫm bẹp toa xe dưới chân rồi đá một toa khác ra xa…
Cô  gái kinh hồn, lùi lại : “ Ô hay! em làm gì vậy?”
  Giọng cô thất thanh. Mặt cô lem luốt.

Giữa lúc căng thẳng đó, bà chủ cũng vừa  bước vào nhà.
- “Má! Má! Má ơi ! Nó làm hư … Con mẹ này nó làm gãy đồ chơi của con rồi !!! Huu huu…”
-“ Đồ khốn, tay mầy bắt đom đóm hả?  Rờ đâu là bể đó…”
Cô gái chết lặng. Cô chưa kịp thanh minh thì thằng bé đã hét lớn :
-“ Đuổi cổ nó đi!”. Tiếng rống của thằng bé như mèo tru, nước mắt nước mũi chảy thành dòng.
  Nghe con khóc, bà chủ tức khắc ra lệnh đuổi cô gái.
Thằng bé ngừng hét, đưa mắt thoả mãn nhìn những khuôn mặt đầy ưu tư đang đứng xung quanh.
  Khi nhìn thấy cô gái đi sửa soạn  hành lý, nụ cười tươi tỉnh chợt xuất hiện trên môi nó.

                                                      &

Mười phút sau, cô gái bước ra khỏi ngôi biệt thự. Cô thất thểu ôm gói đồ đi trên đường phố.
Lúc này là mùa Giáng Sinh. Những ánh đèn màu rực rỡ giăng khắp nẻo đường, nhưng chúng không làm cô gái vui như mọi lần. Cô chỉ thấy buồn. Và cô độc.

    Khi đi gần đến bến xe để mua vé về quê, cô gặp một bé trai chừng mười tuổi đang lượm khúc bánh mì của ai bỏ dở trên lề đường, ăn ngấu nghiến. Cô đứng lặng nhìn em ăn hết. Nuốt xong mẩu bánh cuối cùng, cô còn thấy thằng bé mút mút mấy ngón tay còn dính mỡ, rồi liếm mép: “ Chị ơi em đói quá! 
     Cô gái bỗng quỵ xuống, ôm chầm lấy em bé .

     Trời không gió, nhưng cô gái bỗng thấy lạnh.
   Nhưng có lẽ không phải vì giá buốt mà cô bật khóc. Tiếng nấc không biết có bay được lên cao, vút đến ánh sao, trong ngày Chúa ra đời ? 

                   

Trương Văn Dân

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012


Vương Quốc Cổ " Toàn Núi Và Đền Thờ " Ở Tây Tạng

Đây là vương quốc đã có tuổi thọ hàng nghìn năm, là minh chứng sót lại của nền văn minh vào thế kỷ thứ 10 ở Tây Tạng.


Guge là một vương quốc cổ ở phía Tây của Tây Tạng. Được thành lập vào khoảng thế kỷ thứ 10, vương quốc Guge ra đời trên cơ sở của một vương quốc lân cận bị sụp đổ.

Vương quốc cổ
Tại các thời điểm khác nhau trong lịch sử, vương quốc nắm quyền thống trị trên một lãnh thổ rộng lớn bao trùm phía Đông Nam Zanskar, Thượng Kinnaur và thung lũng Spiti (những vùng này nay thuộc Ấn Độ).

Vương quốc cổ
Đây một thời từng được xem là “cầu nối của các nền văn minh”, kết nối Trung Quốc, Nam và Trung Á.

Vương quốc cổ
Di tích của cố đô cổ nằm tại Tsaparang trong thung lũng sông Sutlej, không xa núi Kailash và cách khoảng 1.900km về phía Tây của Lhasa.

Vương quốc cổ
Tsaparang là một pháo đài khổng lồ ngồi trên một tảng đá hình kim tự tháp cao khoảng 152 – 183m.
Nó chứa rất nhiều đường hầm và hang động với các họa tiết được chạm khắc trên đá. Tại chân pháo đài là một ngôi làng mà người dân tập trung sinh sống.

Vương quốc cổ
Purang là khu vực trồng lúa mạch truyền thống quan trọng. Bên cạnh đó, người dân nơi đây còn thu gom muối từ các hồ muối phía Bắc của Taklakot và coi đây là ngành thương mại chính ở phía Nam. Gạo và một các sản phẩm xa xỉ khác được nhập từ Nepal.

Vương quốc cổ
Thung lũng Sutlej được coi là nơi hiện hữu nền văn minh cổ xưa của miền Tây Tây Tạng. Thung lũng là trung tâm của vương quốc, trải dài trên nhiều dặm cho đến chân núi Himalaya.
Trong đây còn xây dựng một cung điện cao chót vót ở thượng Sutlej gọi là Kyunglung. Trong ngôi làng Moincer, phía Tây Nam của núi Kailash vẫn còn lưu dấu ấn của những tàn tích tồn tại đến ngày nay.

Vương quốc cổ
Theo cách nhà khoa học, trong suốt hàng trăm năm, vương quốc Guge đã lớn mạnh không ngừng và tạo nên một nền văn minh độc đáo.
Và đỉnh cao của thời đại này là những thành tựu to lớn đạt được trong lĩnh vực kiến trúc, hội họa và ngành kim loại.

Vương quốc cổ
Trong pháo đài có hai ngôi đền Marpo Lhakhang (Nhà thờ Đỏ) và Karpo Lhakhang (Nhà thờ Trắng) và các khu cho các tu sĩ.
Để đến được khu hoàng gia và thăm quan cung điện mùa hè trên đỉnh pháo đài, bạn sẽ phải đi ngang qua một cầu thang đá xoắn trong đường hầm.

Vương quốc cổ
Những cấu trúc này đều có chữ khắc, tượng và tranh tường bên trong. Giá trị nghiên cứu to lớn của các kiến trúc đã ấn định di tích này vào nhóm đầu tiên trong các địa danh là di sản văn hóa cấp quốc gia.

Vương quốc cổ
Ngôi Đền Đỏ của Tholing là nơi tập trung các bức họa bích lâu đời. Các hiện vật còn nguyên vẹn và có giá trị nhất còn lại là các bức tranh tường gồm chân dung của Đức Thích Ca Mâu Ni, nhà vua và hoàng hậu của Guge, các quan chức hoàng gia.

Vương quốc cổ
Những bức tranh tường được vẽ theo phong cách Tây Tạng điển hình và một số kỹ thuật được cho là nghệ thuật đã bị thất truyền.
Sự phát hiện này rất quan trọng để phân biệt những phong cách nghệ thuật Phật giáo khác nhau của vương quốc Guge, đồng thời đưa ra bằng chứng quan trọng về thời kỳ khôi phục của đạo Phật từ cuối thế kỷ 10 đến thế kỷ 11 tại nơi này.

Vương quốc cổ
Piyang gồm hơn 1.000 hang động có hình dạng và kích cỡ khác nhau, trong đó có một số khu vực sinh sống của người dân, số khác là hang động thiền, và một số thì có kiến trúc thiết kế cho các buổi hành lễ.
Tàn tích Donggar là một ngôi làng nhỏ gần Piyang. Các nhà khảo cổ đã khai quật một hang động đặc biệt ở đây, đó là hang động Phật giáo lớn nhất Tây Tạng với niên đại 1.000 năm tuổi
 ( nguồn :Theo kenh14 )

KHÚC THÁNG CHẠP

Nguồn: nguyenthanhhien10blogspot.com

tranh : Park Hang Ryul ( from Gallery's Cristina Faleroni )

Em.
Nếu như việc ta và em nhận ra nhau như một kỳ tích giữa dòng sông cuộc sống thì có nghĩa gì việc ghi dấu thời gian có vẻ đoạn khúc riêng tư của con người. Tháng chạp là một cách ghi dấu thời gian có vẻ đoạn khúc của con người.
Tháng chạp.
Sao không phải lúc nào mà lại tháng chạp. Đi hỏi gió. Lạnh ngắt những cơn bấc  thổi muộn. Chỉ ở nơi đây, tháng chạp, mới lạnh ngắt những cơn bấc thổi muộn.


Em.
Nếu như việc ta và em  nhận ra nhau giữa cuộc trần gian rối rắm như một kỳ tích thì có nghĩa gì việc ghi dấu thời gian trên mặt đất này. Có cái chưa qua. Có cái đã qua. Là vì còn đợi chờ. Cuộc sống, ngoài những nội dung sinh tử khác, là một cuộc đợi chờ. Ta đã chờ em suốt những những nghìn năm. Để cho có cuộc nhận ra nhau giữa cuộc trần gian rối rắm.

Tháng chạp chỉ là một đoạn khúc có tính cách tư biện của con người. Đi hỏi lũ chim rừng. Chúng chỉ tiếp tục ca hát. Vì chẳng để ý chuyện tháng chạp của con người. Một kẻ con cháu người Aztec ở Trung Mỹ  khi nghe hỏi về chuyện tháng chạp, chỉ cười. Như lũ chim rừng, người Aztec ở Trung Mỹ chẳng để ý chuyện tháng chạp thuộc về  nơi chôn nhau cắt rốn của ta và em. Ta và em sinh ra đã thấy tháng chạp. Nhưng người Aztec sinh ra thì  thấy cái chu kỳ hủy diệt nghìn năm không mỏi. Chấm dứt tất cả. Để lại bắt đầu tất cả. Rốt cuộc thì người Aztec vẫn còn chờ. Bắt đầu một chu kỳ mới. Hay tháng chạp. Vẫn là một cuộc chờ đợi. Nhưng đi hỏi một người có đạo hindu ở Ấn Độ có tháng chạp hay không, người ấy cũng sẽ cười như người Aztec ở Trung Mỹ. Bỡi người  Ấn Độ hindu vừa sinh ra là đã nhìn thấy cái vòng tròn luân hồi bất tận. Quay suốt. Cái hôm nay sẽ trở thành cái hôm qua của ngày hôm sau. Cứ thế. Chẳng có tháng chạp. Cũng chẳng có một chu kỳ mới nào cả. Nhưng người  Ấn Độ hindu phải khổ công tu luyện vì lo lắng  chẳng được như ý vào ngày hôm sau. Còn lo lắng có nghĩa là còn chờ.


Almaisa


 Ta đã chờ em suốt những nghìn năm. Những ngày mặt trời luôn bị che khuất. Và những đêm trăng sao giá buốt ý nghĩ. Những nghìn năm vô vọng gặm nát những ý nghĩ về một thế giới trong lành. Nửa khắc giá buốt đợi chờ cũng hóa  nghìn năm. Vào những đêm trăng sao giá buốt, ta như nghe thấy những lời chân tình thốt lên tự buổi con người mới bắt đầu có tiếng nói con người. Những lời ngàn năm thơm ngát mùi cỏ cây. Vào những đêm trăng sao giá buốt ta như nhìn thấy hiển hiện ở đằng phía trước buổi trinh nguyên sáng lạn của loài giống con người. Chỉ ra dấu bằng ánh mắt. Không dám nói. Dẫu đã  biết làm ra tiếng nói. Sợ nói chẳng hết bằng lời nên khi yêu nhau chỉ ra dấu bằng ánh mắt. Ta như nhìn thấy những ánh mắt của những kẻ đang yêu của buổi trinh nguyên sáng lạn. Những nghìn năm chờ em ta đã nhận ra nỗi buồn của mặt đất. Nỗi buồn thấu núi sông.  Buồn vì những rối rắm chẳng thể nào xóa bỏ được của loài giống con người.
Tự thuở nào, ở nơi chôn  nhau cắt rốn của ta và em, tháng chạp là chấm hết một khúc đoạn tháng năm. Chấm hết. Nhưng chẳng hết. Bỡi năm sau lại có tháng chạp. Em. Nếu như việc ta và em nhận ra nhau như một kỳ tích nơi mắt đất này, thì có nghĩa gì việc đánh dấu một khúc đoạn tháng năm đã hết.

Tháng chạp bây giờ chỉ như một thứ ký ức êm ả trong ta và em. Ký ức về những tháng năm chờ đợi. Giống như lũ ong hút mật ký ức về hương thơm của những loài hoa. Nhớ về hương thơm mà đi tìm. Chỉ nhớ mà đi tìm. Bỡi lũ ong hút mật không biết cách ghi dấu tháng năm. Nói lũ ong hút mật nhớ mà đi tìm cũng chỉ là một cách tư biện của con người.

Em.
Có nghĩa gì việc ghi dấu tháng năm khi ta và em đã nhận ra nhau giữa cuộc trần gian rối rắm.  Bây giờ thì tháng năm chỉ như một nỗi niềm. Nỗi niềm của  năm tháng. Bây giờ thì ta và em đã bước sang phía khác của năm tháng. Phía của mãi mãi.

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012



Ví không có cảnh Đông tàn”
                                                            
Tản văn của Huỳnh Kim Bửu






           Năm có bốn mùa, mỗi mùa có thú riêng. Nguyễn Bỉnh Khiêm yêu thích cái thú của bốn mùa: “Thu ăn măng trúc Đông ăn giá / Xuân tắm hồ sen Hạ tắm ao”. Vì chúng ta đang ở mùa Đông, cho nên bài này, tôi xin lạm bàn về cái thú mùa Đông ở quê tôi.
         
Mùa Đông ở đây bắt đầu từ những cơn mưa đầu mùa vào đầu tháng Mười âm lịch, thường là mưa chiều. “Tháng Mười ngó ra / Tháng Ba ngó vào” (Tục ngữ) ngó đây là ngó đám mây đen xuất hiện ở hướng bắc, thường phát cơn mưa chiều.
         Đến chừng giữa tháng Mười trở đi thì trời bắt đầu có những cơn mưa dầm, mưa tầm tã; nhìn ra dãy núi Bà thấy mây phủ, nhìn lên núi Mò O, thấy tuôn những dòng suối trắng xóa. Mưa dầm vài ba hôm, nước con sông Côn dâng cao. Cái làng quê của tôi đứng co ro trong gió mưa. Đây là lúc, các chợ quê bắt đầu bày bán những chiếc áo tơi lá, áo tơi chiếu cùng những hàng đó, giẹp, nơm, lờ đánh bắt cá đồng; đồng thời nơi gian hàng thực phẩm cũng bày bán những mẹt, những chậu cá đồng tươi sống vừa mới đơm bắt được trong lũ đầu mùa, trong nước lụt ói.
          Mấy ngày nay, người ta thường ở trong nhà, ít đi đâu ra ngoài, vì ngại cảnh đội mưa, lội bùn. Một hôm, có mấy người khách xuất hiện trên đường làng, họ vừa lội bùn bì bõm vừa say ngắm lũy tre làng ẩn hiện sau màn mưa, những mái tranh thở khói lam chiều mà họ cho là đẹp như tranh thủy mặc; được gặp và trò chuyện với những người đi đơm đó giẹp, đi đứng nhá, xúc cua trên cánh đồng nước lụt trắng lăng và nhiều tôm cá. Chẳng những thế, họ còn được hít thở mùi thơm phức của bánh xèo, cá đồng nướng, cá đồng kho, từ những mái nhà ai đó lan tỏa theo gió rồi đáp nhẹ vào mũi họ… Cũng nên nói, người quê tôi có cái thú ăn bánh xèo (đúc tôm thịt, dày) trong hơi mưa lạnh lẽo và tiếng mưa rơi rả rích. Nếu khách là người phong lưu, bậc tao nhân mặc khách được người quen trong làng cũng thuộc nòi tình cầm chân ở lại, khách sẽ được hưởng bao điều thú vị: Được mời ở trong ngôi nhà lá mái (hoặc ngôi nhà gạch năm gian hai chái) để hưởng sự ấm áp, được cùng chủ nhân thù tạc rượu ngon, trà thơm, cơm canh cá đồng, đàm đạo văn chương, ngâm vịnh theo cái thú: “Thu ẩm hoàng hoa tửu / Đông ngâm bạch tuyết thi” của người xưa, mặc cho những cơn gió mưa ở bên ngoài. Cũng có thể ở đây, khách được ngắm vẻ đẹp “trong tranh” của người thiếu phụ ngồi lặng lẽ “đan đi đan lại áo len cho chồng” (Thơ TTKH) hoặc nghe chủ nhân kể câu chuyện một chinh phụ thương chồng ở trong làng, cứ mỗi độ Đông về, nàng lại sắm áo “ngự hàn” gởi ra cho chồng là chinh phu đang ở ngoài biên ải. Cảnh đó, sẽ khiến khách liên hệ đến câu thơ xưa: “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách” để có cớ ở nán thêm vài bữa nữa với chủ nhân, với cái làng quê thịnh tình, hiếu khách. Trời mưa, làm cho những người có hồn nghệ sĩ hay bâng khuâng nghĩ ngợi, buồn vô cớ: “Tai nương nước giọt mái nhà / Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn” (Huy Cận) hay nhớ nhau không rõ nguồn cơn: “Mưa chi mưa mãi / Lòng nhớ nhung hoài / Nào biết nhớ nhung ai!” (Lưu Trọng Lư). Trong làng An Định, có kẻ giàu người nghèo. Người giàu mỗi năm một lần được hưởng cái thú áo dạ áo len, mền đơn mền kép. Ai có bụng tốt thì chạnh thương người chịu cảnh “cơ hàn”. Dầu sao, những gia đình nghèo cũng cố tìm cho mình có cái “thú” Đông về. Họ nằm ngủ ổ rơm mà so sánh với người có chăn êm nệm ấm, họ ăn cá đồng, ăn bánh xèo thỏa thích mà tưởng chừng mùa Đông, mặt nào đó, đã ưu đãi công bằng cho mọi người. Má mất đã mấy mươi cái giỗ, nhưng anh em chúng tôi vẫn thường nhắc những kỷ niệm mùa Đông với má. Nhớ cả nhà quanh bếp lửa hồng sưởi ấm và nghe má kể chuyện “đời xưa”, nhớ những đêm mấy má con cuộn tròn trong ổ rơm, nhớ dáng má nằm lắng nghe tiếng sấm cửa ồ ồ từ Giã (tên gọi các cửa biển, cũng để chỉ cho Quy Nhơn, theo cách gọi của dân gian thời ấy) vọng lên mà lo chuyện lành dữ của thời tiết…
         Rồi có một ngày thời tiết bỗng khủng khiếp: Mấy hôm nay bầu trời nặng như chì, kế tiếp là cơn bão từ biển Đông đổ bộ vào.
         Cả vùng thuộc hai bên con sông Côn bị bão lũ, đâu cũng xơ xác, tiêu điều. Trong làng An Định, những chiếc sõng úp lâu ngày trên rường nhà, nơi hiên nhà nay được “hạ thủy”. Sõng chở người chạy lũ, chở người đi vớt củi trôi, đi đuổi vịt đàn trôi lạc… Và kể cả những chiếc sõng đò dọc đò ngang dưới màu trời đùng đục nặng nề, màu nước bạc mênh mang. Tôi đã từng chứng kiến những túp nhà tranh gió cuốn, những ngôi nhà cũ nát trôi sông, những tình cảnh đáng thương và cả những tấm lòng vàng dành cho nhau để làm dịu nỗi đau của nhau trong ngày bão lũ tàn phá.
        Chỉ có lũ trẻ nhỏ dại khờ chúng tôi là “vô tư” trong những ngày bão lũ. Chúng tôi kéo nhau đi dẫm nước, chống sõng, chống bè, lấy bậc thềm nhà mình làm “bến thuyền”, vườn chuối nhà mình làm “xưởng đóng thuyền bè”… Tôi có kỷ niệm “ngày xưa” với thằng Nhịn, thằng Nghèo, con Nhín… trong những buổi lén má, lén anh Hai “tổ chức” hạ trộm cây chuối tơ trong vườn nhà ông Phó Thì để đóng cái bè chuối; với anh Cu Tý, người “khéo” bày tôi đi giở giẹp trộm, trút cá trộm của ông Mười Thắng để bị ông tóm cổ, nhận nước một trận thiếu điều chết… Đó, đều là những kỷ niệm đáng xấu hổ.
        Ông Trời in hình bão lâu cũng hết gió, mưa lâu cũng cạn nước, có ráng lắm thì cũng “Ông tha bà không tha, lụt hăm ba tháng Mười – Âm lịch”. Sau đó, người ta còn có non một nửa Mùa Đông, một cảnh Đông tàn với những ngày mưa phùn gió bấc. Những ngày này, nhà nông quê tôi tở mở ra đồng “chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”. Nông vụ tấn thời, họ vừa lo cho vụ Đông Xuân sắp tới vừa kháo nhau: “Năm tới, nhờ mưa thuận gió hòa, đồng ruộng thế nào cũng tốt, nhà nhà sẽ được cái cảnh no đủ”. Người ta vừa làm vụ Đông Xuân vừa tổ chức đám cưới, “đẩy mạnh” mùa cưới, bởi lẽ: “Gái sao gái chẳng biết lo / Đại tuyết, Đông chí nằm co một mình” (Ca dao). Cả tháng nay, nhiều nhà trong làng An Định cất rạp, chăng đèn kết hoa làm lễ đón dâu mới, đưa con gái về nhà chồng. Đám cưới rước qua bến đò Bầu Sáo, rước đi trên đường đê hoa gạo nở đỏ rồi vào làng cho trẻ già trai gái tò mò kéo nhau ra xem họ hàng, xem mặt cô dâu chú rể,  trầm trồ cô dâu chú rể đẹp đôi, xứng đôi vừa lứa.
         Vừa mới rảnh việc đồng áng, ba tôi liền cuốc mảnh sân rêu nhà mình để trồng rau cải… Hằng ngày, từ sáng sớm, với ấm chè nóng đặt dưới hiên nhà, kèn thuốc lá trên môi, ba tôi bón tưới, chăm chút từng rò rau cải, nâng đỡ từng cây hành ngò… Trải qua mấy tiết Đông chí, Tiểu hàn, sân rau cải của ba tôi lên màu xanh mượt. Sân rau cải của các nhà khác ở trong làng cũng nhờ công chăm bón mà lên tươi tốt trong cái se lạnh của buổi cuối Đông.
        Và cũng trong cái se lạnh cuối Đông ấy, chợ làng họp đông người, người làng An Định sắm mâm cỗ ăn Tết Đông chí để tiễn đưa mùa Đông. Mâm cỗ nhà nào cũng thịt thà, cơm canh, giò chả, con gà quay tháng Mười mập tròn, tươm mỡ (Ếch tháng Ba gà tháng Mười – câu nói dân gian). Một hôm, ông Tú An Định (ông tên Lễ, đỗ Tú tài, nhưng người ta lấy tên làng gọi thay tên ông để tỏ sự kính trọng) đến nhà tôi chơi, đứng hồi lâu nhìn ngắm những chậu hoa mai, hoa cúc, hoa vạn thọ… trên thềm nhà nở hoa sớm và những giàn đậu Ngự, đậu Hòa Lan rung rinh hoa trái đầu mùa, ông cao hứng ngâm: “Ví không có buổi Đông tàn / Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày Xuân” rồi theo chân ba tôi vào nhà, uống trà.

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012


Thư gởi bạn xa xôi,
Không đợi bạn phải nhắc đâu, mình cũng sẽ “tường trình” vắn tắt buổi trò chuyện về Thiền với Doanh nhân trẻ ở CLB 2030 vừa qua cho bạn đây!
Bạn biết đó, mình ít khi ra khỏi nhà vào buổi tối. Tuy ở Saigon hơn nửa thế kỷ mình vẫn là một người nhà quê, chưa biết cái “hộp đêm” nó khác với cái “hộp ngày” ra sao. Vậy mà lần này nhận lời mời của CLB 2030 chịu “xuống núi” một phen cũng lạ. Một phần cũng do cái thiết tha của các bạn trẻ CLB 2030, phần khác cũng do mình… tò mò, muốn biết giới trẻ – nhất là doanh nhân trẻ- bây giờ đời sống ra sao, tại sao họ lại quan tâm một đề tài có vẻ trái nghịch với nếp sống của họ: Thiền là buông bỏ, là thanh tịnh, độc cư…

  Từ ngày Âu Mỹ phát hiện ra Thiền có những hiệu quả tích cực trong chữa trị tâm bệnh, thân bệnh thì họ đã cật lực khai thác và không hiếm các “thiền sư” đưa ra rất nhiều lời khuyên dạy, nhiều người viết sách bày vẻ đủ thứ từ thần bí tâm linh đến khoa học hiện đại, gây khá nhiều hoang mang… Kông ít những doanh nhân trẻ vốn có cuộc sống luôn bận rộn, nhiều stress tìm đến Thiền như một giải pháp trị liệu hoặc phòng ngừa. Không chỉ thiền mà yoga, khí công, dưỡng sinh, quyền thuật các thứ vô cùng phong phú cũng được quảng bá. Không ít các lớp huấn luyện mở ra, rước thầy Ta, thầy Tây thầy Tàu, thầy Ấn về dạy, ai cũng muốn học trò mình mau đạt kết quả đến nỗi nhiều người lửng lửng lơ lơ, đau xương nhức khớp, thậm chí…tẩu hoả nhập ma! Ngành tâm lý trị liệu, tâm thần phát triển nhanh chóng hơn bao giờ hết.  Chính vì thế mà Chương trình Chăm sóc sức khỏe ban đầu của Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO) đã coi vấn đề “sức khỏe tâm thần” là một trong 3 ưu tiên bên cạnh sức khỏe người già và trẻ em. Thuốc điều trị tâm thần nay được coi là thuốc thiết yếu, đưa về tận y tế cơ sở như lao, sốt rét…

CLB 2030 của doanh nhân trẻ Saigon định kỳ có một buổi sinh hoạt vào tối thứ sáu cuối tháng gọi là Happy Friday. Số lượng thành viên khoảng 80 người. Khung cảnh là một quán café… lịch sự và sang trọng. Các bạn đều có vẻ thoải mái, tự tin, nồng nhiệt. Họ gặp mặt vừa để vui chơi, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm, làm marketing, PR các thứ và trao đổi một chuyên đề nào đó như lần này là về Thiền và doanh nhân!
Mình cũng đã có nhiều lần trò chuyện về Thiền, có khi ở… chùa với các nhà sư, ở toà  báo với nhiều đối tượng khác nhau, ở một quán Café với một nhóm trí thức, ở một đại học với các thầy cô và sinh viên… Lúc nào mình cũng chia sẻ những trải nghiệm thực tế từ góc độ của một người thầy thuốc, một người làm “khoa học thực nghiệm”, không đề cập các vấn đề tâm linh, siêu hình, lãnh vực “bất khả thuyết”, “bất khả tư nghì”, dễ rơi vào dị đoan mê tín.
Với mình, mỗi buổi trao đổi trò chuyện như vậy đều là những cơ hội tốt để học hỏi, trui rèn, làm sáng tỏ, hiểu thấu đáo các vấn đề hơn.
  Mình nói đôi lời về lý do mình đến gặp các bạn, các doanh nhân trẻ hôm nay, biết họ đang muốn tìm một giải pháp cho một lối sống hạnh phúc, an lạc thân tâm và thành công trong sự nghiệp. Thiền có thể phần nào giúp có sức khỏe tốt hơn, ít phải lệ thuộc vào thầy vào thuốc, có tâm an lạc, đời sống cân bằng và hạnh phúc hơn. Nhờ biết chánh niệm tỉnh giác mà bữa ăn sẽ ngon hơn, giấc ngủ sẽ yên hơn; nhờ biết từ bi hỷ xả mà cuộc sống có ý nghĩa hơn, biết đối đầu với thất bại, biết “thưởng thức” thành công. Thiền còn giúp cho đầu óc sáng suốt hơn vì đã tạo ra những khoảng “không” cho trí tuệ. Steve Jobs cũng đã thiền mỗi ngày, nhờ đó mà “sáng tạo” ra nhiều ý tưởng mới lạ, mang lại hiệu quả kinh doanh cao… Mình chân thành chia sẻ những kinh nghiệm riêng tư rồi từng bước đi vào các phương pháp thực hành. Vì không nhiều thời gian, chỉ nếu những vấn đề thực tiễn có thể áp dụng ngay trong cuộc sống. Nhiều câu hỏi đặt ra rất hay. Có bạn lâu nay đã thực hành thiền, thấy có hiệu quả mà lù mù không hiểu tại sao, có bạn hỏi thiền giúp ích gì cho một… quan tòa, thiền giúp ích gì cho một người quá bận rộn trong thời buổi hiện nay…

Khi chương trình chuyển qua phần khác, mình vội chạy về theo dõi trận đá banh Việt Nam – Thái Lan AFF Cup tối hôm đó.  Thái Lan đưa đội hình hai vào đá, còn… bị đuổi bớt một người vậy mà vẫn thắng dễ. Mình nghĩ các cầu thủ và huấn luyện viên của mình cần thiền hơn ai hết. Đừng nên mất sức vì tập thể lực quá nặng, cũng đừng tuyên bố hùng hồn nhất định thắng, nhất định vào chung kết, không được phạm sai lầm v.v…!
Còn bạn, nghĩ sao?

Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc
(30-11-2012)

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012


Ngôn ngữ thân thể trong thơ Bích Khê

Trần Đình Sử
Đọc thơ Bích Khê không ít người đã có nhận xét về yếu tố thân thể con người, đặc biệt là thân thể giai nhân và thân thể chủ thể trữ tình làm thành một nét đậm, nét chủ âm trong thơ ông. Đó là hiện tuợng độc đáo hợp quy luật phát triển của  tư duy thơ hiện đại.
Nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của trực giác, mà trực giác luôn luôn gắn liền với thân thể. Không có trực giác bên ngoài thân thể. Thân thể là phạm trù quan trọng của triết học về con người, đặc biệt là triết học hiện tượng học. Nhà hiện tượng học người Pháp Maurice Merleau- Ponty trong sách Hiện tượng học tri giác đã nói: “Thân thể là phương tiện chung để chúng ta chiếm hữu thế giới.” Bản chất của thân thể là một “không gian biểu đạt”. Tính không gian của thân thể là điều kiện để hình thành thế giới ý nghĩa của con người. Thân thể cũng là một phạm trù của xã hội học về con người. John Oneill trong sách Năm hình thái thân thể đã nói đến thân thể vũ trụ, thân thể chính trị, thân thể giao tiếp, thân thể tiêu dùng, thân thể y học…Thân thể tự nó là một ngôn ngữ giao tiếp. Khi thân thể không đủ để giao tiếp thì con người sáng tạo ra một thế giới văn hóa xung quanh. Đó là các thứ trang phục, vật dụng, trang sức, thời trang…nhằm mở rộng khả năng biểu đạt của thân thể. Trong đời sống, thân thể (đầu, tóc, mình, tay, cổ, mắt, mũi, miệng, răng, lòng, ruột, trái tim, gan, mật, cơ quan sinh dục và tất cả các thứ phế thải, bỏ đi) cùng mọi hành động, động tác, cảm giác thân thể ( đi, chạy, ăn, cắn, hôn, nuốt, ngậm, đau, rát, đắng…) đều có thể là ngôn ngữ giao tiếp của con người. Ngoài thân thể trực tiếp, toàn thể vũ trụ, thiên nhiên, đồ vật cũng trở thành thân thể gián tiếp của con người và cũng trở thành ngôn ngữ giao tiếp thông qua các ẩn dụ, nhân hoá… Đối với văn học thân thể là thân thể sống, nó không giản đơn là thân xác, xác thịt. Xem thân thể chỉ là xác thịt có nghĩa là thu hẹp nó, tầm thường hoá nó. Trong con người sống thân thể thấm nhuần tâm hồn. Chỉ xác thịt không phải là thân thể người, tính dục cũng không phải thân thể người. Chỉ có cảm xúc tâm hồn mới biến thân thể thành ngôn ngữ.
Trong thơ ca thời trung đại, sự nhị phân thân thể với tinh thần dẫn đến đề cao ngôn ngữ tinh thần, đạo đức, thân thể con người bị hi sinh, bị chà đạp, kiêng kị, nhất là thân thể phụ nữ. Có nhiều khi thân thể đẹp hẳn hoi vẫn bị coi là cái phần thô, xấu, dung tục, cần phải che đậy, dù là che đậy bằng những vật cao quí: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà, Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên.” (Nguyễn Du). Nhiều trường hợp khác nguỵ trang bằng các ẩn dụ kín đáo: “Cửa son đỏ loét tùm hum nóc, Hòn đá xanh rì lún phún rêu”. “Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm, Một lạch đào nguyên nước chửa thông” (Hồ Xuân Hương)…
Thơ hiện đại với sự xác lập không gian cá nhân, ý thức cá tính đã đổi mới ngôn ngữ thân thể trong thơ. Với quan niệm thành thực những điều bí mật riêng tư cũng đem ra biểu hiện. Thân thể không còn là phạm trù của phàm tục, tội lỗi phải che giấu mà được biểu hiện tự nhiên, kiêu hãnh. Có lúc thân thể trở thành ngôn ngữ của đoạ đày, trừng phạt, có lúc nó trở thành ngôn ngữ phản kháng, cự tuyệt và hi sinh, nhưng phần nhiều trở thành ngôn ngữ của sự thân mật, thức tỉnh, giải phóng và của vẻ đẹp trần gian. Khi Xuân Diệu viết: Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực! Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài! Những cánh tay, hãy quấn riết đôi vai! Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt! Hãy khăng khít những cặp môigắn chặt…Hoặc khi Chế Lan Viên viết: Ta sẽ nhịp khớp xương lên đỉnh sọ, Ta sẽ ca những giọng của Hồn Điên, Để máu cạn, hồn tàn, tim tan vỡ, Để trôi đi ngày tháng nặng ưu phiền!…Hoặc khi Huy Cận viết: Người đã cho những bàn tay hoa nở, Những cây chân, chồi mạnh búp tơ măng, Người thu góp gió mây trong miệng thở, Nơi mắt ngời, Người gửi ánh sao trăng; Mắt sâu sáng đèn thắp soi vũ trụ, Và tai rền thu cất nhạc không gian, Và tơ tóc ướp vạn mùa hương ủ, Và ngực vang ngân điệu nhịp hoàn toàn…thì có thể nói một ngôn ngữ thân thể mới đã xuất hiện trong thơ Việt Nam hiện đại với nhiều khuynh hướng mới lạ chưa từng có.
Trong thơ mới có lẽ Bích Khê là nhà thơ có ngôn ngữ thân thể táo bạo nhất, mới mẻ nhất. Ngôn ngữ thân thể trong thơ nói chung có thể tạm chia làm bốn phạm vi. Những phần ngoại lộ như da, môi, mặt, mắt, tóc, mi, tay, chân, nước mắt…; Những phần thường che kín như ngực, bụng, bộ phận kín đáo…; Những phần cảm giác thầm kín như buồn, đau, tê mê, hay động tác nội cảm của tâm hồn – cái thân thể nội tại chỉ tự mình cảm thấy, nhìn, nghe, xin, uống, cắn, hôn…; Những phần bí ẩn trong thân thể, chỉ thấy khi  nghĩ đến sự sống hay sự thương tổn, cái chết như tim, máu, xương, óc, sọ, tuỷ…Tất cả các phần thân thể trong thơ Bích Khê đều trở thành ngôn ngữ của đam mê, khoái lạc, của mơ mộng, ước ao, của cái đẹp trong trắng và vĩnh viễn. Đó không phải là ngôn ngữ duy nhất vì còn có ngôn ngữ vũ trụ, ngôn ngữ thiên nhiên, song đó là phần ngôn ngữ đặc sắc nhất.
Thơ Bích Khê là thơ về cái đẹp, người đẹp. Ta bắt gặp trong thơ ông những tiên nương, tiên nga, ngọc nữ, thuyền quyên, Hằng Nga, Ngu Cơ, Quý Phi, Xuân Hương, Ngọc Kiều, nhìn thấy những đào nguyên, ngọc tuyền, dao động, đào động, cung Quảng… Hoa trái trong thơ ông cũng mang nữ tính: Quả măng cụt, Đồ mi hoa (một thứ cây leo có hoa trắng như tuyết và có mùi thơm). Nhạc trong thơ Bích Khê thường là Nghê thường, Lạc mai hoa, Phụng cầu hoàng, những khúc nhạc tình đắm đuối. Không phải ngẫu nhiên mà Bích Khê viết: “Ngừng hơi thở…ta nép trong bóng lá, Để vần thơ theo nhịp điệu thuyền quyên”(Đồ mi hoa). Đó là những vần thơ theo nhịp điệu người đẹp với thiên tính nữ. Thơ ông là thơ về cõi mộng, cõi tiên đầy âm nhạc, thi ca, màu sắc, hương thơm và giao tiếp thân thể. Đẹp và mộng là nhũng nét rất tiêu biểu cho thơ lãng mạn. Đó là những giấc mộng siêu thoát rất thanh, rất xanh, đầy thi vị. Có một thời chúng ta xem mọi mộng mơ, siêu thoát chỉ là thoát li thực tế mà không thấy đó là không gian tinh thần để giải phóng tâm hồn. Những giấc mộng cho phép nhà thơ phác hoạ nhiều chân dung người đẹp mang tính chất tượng trưng. Thơ Bích Khê có xu hướng “lột truồng” mọi che đậy làm cho thân thể trong thơ xuất hiện với tính chất tự nhiên. Hai chữ “lột truồng” phải chăng cũng có nghĩa là lột bỏ những ngôn từ lá nho che đậy? Loã thể trong nghệ thuật thường tượng trưng cho sự thuần khiết, tự do, sự thiêng liêng, chân lí và cả sự yếu đuối với ít nhiều nhục dục. Loã thể đánh dấu sự rời xa của thơ ca từ vũ trụ bao la, xã hội rộng lớn để trở về với sự chiêm nghiệm thân thể người. Bích Khê đã đem lại một bữa tiệc của thân thể sống động, non tơ, kiều diễm:
Đâu đôi mắt mùa thu xanh tợ ngọc?
Vú non non? Da dịu dịu, êm êm?
 Đâu hang báu cho ta phải khóc?
-Trên môi son ta liếc lưỡi gươm mềm!
(Mộng cầm ca)
Ô cặp mắt đa tình ngời sắc kiếm!
…Một bàn chân ve vuốt một bàn chân!
Mát làm sao! Mát rợn cả châu thân.
Máu ứ lại, máu dồn lên giữa ngực.
 Ôi! thớ thịt có đàn lên cung bực
 Hồn tôi ôm gót ngọc lắng âm thanh…
                                               (Bàn chân)
Bàn chân người, tuy là phần ngoại lộ, theo phân tâm học vưà tượng trưng cho sức mạnh nam tính, vừa tượng trưng cho dục tính nam và nữ, nhưng ở đây nó là bộ phận của một thân thể – nhạc cụ lắng lọc những âm thanh và cảm xúc thẩm mĩ:
Những mặt tươi, nhan sắc đẹp như trăng
Và sắc lẻm như thanh gươm vấy máu;
Những đôi mắt kho tàng muôn châu baú
Có những hàng đũa ngọc gắp hương yêu;
Những môi son phản ánh một trời chiều       
 -Một trời chiều mà muôn hoa nín thở;
 Những vú nõn: đồi cong thon, nho nhỏ,
 Với đôi dòng suối sữa trắng như tinh
Sắc đẹp)
Thân thể hiện ra trong tất cả vẻ đẹp tự nhiên đầy cám dỗ. Nhưng thân thể cũng chứa sức mạnh. Biểu tượng thanh gươm sắc lẻm vừa tượng trưng cho sức sống, sức mạnh gạt bỏ mọi trở ngại, vừa là tượng trưng sức phá hoại. Tính tượng trưng đưa ngôn ngữ thân thể rời xa nhục thể để đi vào thế giới ý nghĩa cao siêu.
Loã thể có khi xuất hiện với “vẻ đẹp của khiêu dâm” thì nhà thơ cực độ cuồng si cũng biết tự hãm mình lại với xúc động tinh thần, nhưng kẻ hãm lại là chủ thể lí trí, còn thân thể vẫn không giấu được cánh hồn si:
 Hai vú nàng! hai vú nàng! chao ôi!
Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng.
Ôi lồ lộ một toà hoa nghiêm động!
Tôi run run hãm lại cánh hồn si
Ồ hai tay rơi chen ngọc lưu li;
Ồ hai chân nở màu sen ẻo lả;
Cho tôi nàng! Cho tôi nàng! Tất cả
(Tranh loã thể)
Trong thơ trữ tình luôn có sự khác biệt giữa cảm xúc thân thể và sự phán đoán , biểu đạt của chủ thể lí trí, nhưng phần độc đáo vẫn thuộc về thân thể. Tranh loã thể thể hiện sự chiêm ngưỡng, đắm say trước vẻ đẹp sống động, khêu gợi vĩnh viễn của con người. Và nhà thơ lấy đó để đối lập với vẻ đẹp giá lạnh, lơ đãng, quý phái mà thiếu hấp lực như làm bằng đá, bằng sắt, xa lạ với con người. Ông đem vẻ đẹp trong trắng  mà hoá giải quan niệm khiêu dâm truyền thống.  Cái gọi là “dâm” trong diễn ngôn (thơ văn, lời nói hàng ngày), theo M. Foucault, chỉ là quy phạm diễn đạt, là sản phẩm của những tập tục, kiêng kị mà thời gian cũng làm cho đổi thay. Bích Khê có thể là nhà thơ muốn bước qua cấm kị. Trong bài thơ Mộng lạông đã hô lên:
Ôi đi! đoàn tiên lột khoả thân
Hoan hô xác thịt chiếm ngôi thần.
Mộng lạ)
Có thể xem đó là một câu thơ tuyên ngôn về ngôn ngữ thân thể trong thơ Bích Khê. Quan niệm truyền thống đã lấy cái dâm mà che mất cái đẹp, nhà thơ muốn qua cái dâm nhìn ra cái đẹp trần gian. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Xuân Hương, nhà thơ nữ truyền thống nổi tiếng với định luận “dâm và tục” một thời lại là nàng tiên được nói đến nhiều lần trong thơ Bích Khê:
Ô! Nàng Xuân Hương ngực để trần,
Ngâm bài “Vấn nguyệt” tiếng trong ngần
Nhìn xuống nhân gian cười như điên.
(Nghê thường)
Mộng trắng phau phau vót cung nga:
  Xuân Hương người ngọc máu say ngà!
  Nhấn dây tơ loạn buồn lơi lả
  Đờn phất hương trăng nẩy điệu ra
(Mộng)
Nhưng Xuân Hương của Bích Khê đồng thời cũng ở địa ngục:
Ừ, tội chi ta không vào địa ngục
Đặng xin nốt ngọc oan (uyên?) ương thề thốt,
Giam chung thân mà sáng quá thiên đường;
Đặng ngủ nhờ một đêm với Xuân Hương
(Ăn mày)
Có thể nói Bích Khê là nhà thơ hiện đại đầu tiên biện hộ cho Xuân Hương như một nhân cách đẹp. Sự đồng nhất địa ngục với thiên đường ở đây thật đặc biệt. Ngôn ngữ thân thể trong thơ Bích Khê là vũ điệu của các chủ đề đẹp, dâm, thơ, mộng, say mê, điên cuồng, âm nhạc, tình ái, khoái lạc, những trạng thái hợp thành quan niệm thơ phi lí tính của nhà thơ. Đối diện với mĩ nhân loã thể không phải là một nam tính hiếu dâm, mà là một tâm hồn nghệ sĩ rộng mở. Trong thơ Bích Khê thân thể chưa bao giờ là phương tiện của làm tình, lên giường, vào toa lét, mại dâm, thủ dâm…Marquez trong bài Tình dục và văn minh có nói: “Cả thân thể đều là đối tuợng chăm chú của libiđô, là cái để hưởng thụ, là công cụ của khoái lạc”. Thân thể trong thơ Bích Khê không hoàn toàn là như thế, bởi thân thể trong thơ Bích Khê thấm đượm hồn, cảm xúc thân thể đầy mĩ cảm, và chưa quan tâm “nửa thân dưới” của con người như một số nhà hậu hiện đại .
Con người là nút buộc vĩnh viễn không thể cởi ra được giữa văn hoá và sinh vật.  S. Freud từng nói: “con người là một thứ địa ngục”. Địa ngục là biểu tượng của trừng phạt, đày ải, của khủng khiếp và ghê sợ. Con người không giản đơn là thiện, cũng không giản đơn là ác, nó luôn luôn vật lộn với xác thịt để đi tới sự phong phú của tâm hồn. Trong thơ Bích Khê thân thể là cội nguồn cám dỗ và khoái lạc mà tột cùng hưởng thụ thẩm mĩ đầy nhạc và hương là “bưa”, đã nư”, “no ứ”, “đê mê”, “miên man”, “ngất ngư”…Cái chết là cực điểm của khoái lạc, là trạng thái cơ thể được tan ra trong vũ trụ, nhân gian và trở thành vĩnh viễn:
Anh đừng khiếp – Lòng tôi mang địa ngục.
Mình nóng hổi và hơi ran giữa ngực
Tôi mê man ghì lấy một giai nhân
Hồn say sưa đương cố lột cho trần
Cả sắc đẹp ngời ra như lưỡi kiếm
Trong phút lạ! – mơ hồ xương sọ vỡ.
(Một cõi trời)
Thơ bay về tắm mát âm ty
Xác tôi chết lạnh trôi đi  
Lấy ai siêu độ từ bi;
Hồn xiêu hồn đến quy y bên nàng!
(Thơ bay)
Người nghệ sĩ lòng buồn hơn cổ độ
Khóc ngây thơ, mà tóc bạc không hay
Lòng chết đi nhưng máu vẫn cuồng say 
(Ngây thơ)
Đối với Bích Khê địa ngục, cái chết là giới hạn cuối cùng để lại thăng hoa, trở về với sự sống tâm hồn mà vẫn không hết cuồng say.
Bài thơ Sọ người thể hiện quan niệm nhà thơ về cái chết. Sọ người thông thường là tượng trưng cho cái chết. Chế Lan Viên cũng có bài thơ Cái sọ người, trong đó nhà thơ muốn tìm lại và tiếp tục sự sống đã chấm dứt của nó. Nhưng ở bài thơ của Bich Khê cái sọ người lại là biểu tượng của sự sống lộng lẫy, tươi đẹp:
Ôi khối mộng của hồn thơ chếnh choáng!
Ôi buồng xuân hơ hớ cánh đào sương!
Ôi bình vàng! Ôi chen ngọc đầy hương!
Ôi hồ nguyệt đọng nhiều trăng lấp loáng!
Ôi thần tình người chứa một trời thương.
Có thơ, có đào , có ngọc, có trăng, có tình thương là có sự sống. Cái thực sự chết là trái tim thiếu tình người, biến thành sắt thành đá. Trong thơ Bích Khê thường có sự đối lập sự sống với vùng tang, xương ma, nấm mộ…Nhà thơ đã so Ngọc Kiều với Sọ người như sau:
Ôi! Sọ người! Sọ người! – Gương phép tắc!
Ngọc Kiều ơi ghé lại ngắm dung nhan.
Ngọc Kiều ơi ta chợp thấy tim nàng,
Tim nàng bằng đá, tim nàng bằng sắt,
Ngọc Kiều ơi, hơi độc sắp tràn lan!
Người ngất ngư – Chết trong muôn thế kỉ,
Chạy điên rồ đứng sựng giữa xương ma,
Người là ai? Người có phải là ta?
(Sọ người)
Cái chết là sự sống đã lên đến cực độ và ở đó không có cái chết. Không phải vô cớ mà trong bài thơ tuyệt mệnh để ghi trên bia mộ nhà thơ viết:
Thân bệnh, ngô vàng mưa lá rụng
Bút thần, sông lạnh ánh sao rơi
Sau nghìn thu nữa trên trần thế,
Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi.
Ngôn ngữ thân thể trong thơ Bích Khê mang tính chất  lưỡng tính, vừa là thân thể, vừa tâm hồn, là sự thể nghiệm tâm hồn thân thể hoá, là sự cảm nhận sâu sắc của tồn tại con người. Bích Khê đã vượt qua sự giải bày, thổ lộ nỗi niềm mang tính chất lãng mạn để dấn sâu vào những thể nghiệm vừa khoái lạc, vừa đau đớn của kiếp người mà say, điên, dâm, mộng… chỉ là trạng thái tâm lí cần thiết để nhà thơ mở ra thế giới nghệ thuật của mình và siêu thăng trên cõi tục:
Ôi! say khướt mới dào muôn ý tứ;
Ôi! điên rồ mới ngớp ánh chiêm bao;
Ôi! dâm cuồng mới biết giá trăng sao.
-Yêu bằng mộng là mơ tìm sáng láng
Ngôn ngữ thân thể trong thơ là một vấn đề không nhỏ mà trên đây chỉ là một vài suy nghĩ sơ lược bước đầu.