.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

THƠ BÌNH ĐỊNH NĂM 2010:
Những gam màu sáng
22:2', 2/1/ 2011 (GMT+7)
Năm 2010 là một năm khá thành công của thơ Bình Định trên nhiều phương diện. Những tập thơ mới xuất bản được đánh giá cao, những giải thưởng thơ uy tín và những chuyển biến tích cực trong đội ngũ kế cận…

“Hương của đất” và “Mùa thu biết thở ra hương” - 2 tập thơ xuất bản năm 2010.

Có lẽ, để lại dấu ấn đậm nét nhất trong thơ Bình Định năm 2010 là sự ra đời của tập thơ “Hương của đất” (NXB Thời đại) của Trịnh Hoài Linh. Có phần chậm so với các bạn thơ, ở tuổi 54, nhà thơ nông dân đất An Nhơn này mới trình làng tập thơ đầu tay của mình. Thơ viết về nông dân, về ruộng đồng, bờ bãi, anh không chọn thể lục bát hiền lành, mượt mà vần điệu. 39 bài thơ được anh chuyển tải qua thể thơ tự do, ngắn, cô đọng.
“Hương của đất” là những lời gan ruột đượm màu thế sự nông thôn. Trịnh Hoài Linh không có cơ hội đi nhiều nơi, cũng không thông thạo tích cũ chuyện xưa để thơ anh giàu tính suy ngẫm. Anh gieo thơ bằng thứ “lúa giống” do anh ủ lấy, bằng thái độ nghiêm cẩn, toàn tâm nên anh gặt được thứ quả hạt chắc mẫm, vị mặn mòi, đậm hương.
Cũng chủ đề thân thuộc gắn liền với làng quê dân dã, nhưng “Mùa thu biết thở ra hương” (NXB Hội Nhà văn) của Huỳnh Kim Bửu nhẹ nhàng tỏa ra cái hương vị bâng khuâng, man mác; cái chiêm nghiệm từng trải, chắt lọc từng vẻ đẹp cuộc đời. Từng trang thơ bàng bạc hồi ức, kỷ niệm đẫm đầy nhung nhớ, làm người đọc như hòa mình vào bầu không khí đầy hoài niệm. Đó cũng là đặc trưng của phong cách Huỳnh Kim Bửu - cả trong thơ cũng như tản văn, tùy bút…
Trước “Hương của đất”, một tập thơ đầu tay khác cũng được bạn viết, bạn đọc ở Bình Định chào đón là “Ngày rêu xanh” (NXB Hội Nhà văn, tháng 12.2009) của Đào Viết Bửu. Tập thơ ra mắt khi Đào Viết Bửu đã cầm bút 40 năm và đúng tuổi 60; khi anh đã có vị trí nhất định trong lòng bạn thơ, bởi những cảm xúc chân thật, ngôn ngữ thơ khá mới mẻ cùng những tứ thơ là lạ...
Vào những ngày đầu năm 2010, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã công bố giải thưởng Cuộc thi Thơ và Truyện ngắn 2008-2009 chào mừng Kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong đó, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng đã đoạt giải A về thơ với bài “Hào phóng thềm lục địa”. Tuy vẫn có những nhận định trái chiều, song nhiều tên tuổi trong làng thơ Việt đã công nhận: “Hào phóng thềm lục địa” là một bài thơ hay, xứng đáng nhận giải. Trong năm qua, ngoài giải thưởng trên, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng còn đoạt giải Ba Cuộc thi thơ Lục bát “Ngàn năm thương nhớ” với bài thơ “Phù Đổng Thiên Vương”.
Trong 25 tác giả góp mặt ở tuyển tập thơ “Tôi đi tìm tôi” (Nhà xuất bản Trẻ - Tủ sách Tuổi Trẻ ấn hành tháng 3.2010), Bình Định có 8 tác giả. Đây là những tác giả trẻ gây ấn tượng với Ban Giám khảo Cuộc thi Bút Mới lần thứ 8 do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Cây bút trẻ Đặng Thiên Sơn cũng đoạt giải Khuyến khích ở cuộc thi này.
Nhắc đến thơ trẻ, không thể không nhắc đến những CLB văn học - nghệ thuật trẻ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh như: CLB Văn nghệ trẻ Đại học Quy Nhơn, CLB Áo trắng, CLB Nghệ thuật Trường Cao đẳng Bình Định, CLB Văn học Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, CLB Trường Thi… Bằng nhiều hình thức tổ chức, hoạt động khác nhau, các CLB này ít nhiều đã đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy hoạt động sáng tác văn học, trong đó, chủ yếu là thơ.
  • Sao Ly
Thơ Huỳnh Kim Bửu

Ngắm mai




Tháng Chạp về quê ngắm mai

ngắm má lúm đồng tiền giữa ngàn mai.
Yêu biết mấy
những cuộc đời hàm tiếu.


Tháng Chạp về quê ngắm sông
sông bồn chồn chảy.
Mẹ môi thắm cổ trầu cắn chỉ
ngàn năm còn đẹp mẹ quê.


Tháng Chạp về quê ngắm quê.

Quê nhà - tranh thủy mặc.
Viên gạch cổ thành rơi lối về.
Trăng khuya
rơi vào thinh không tiếng vạc...

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011



Tản văn của Huỳnh Kim Bửu                          

Đường Xuân
                     
      Mùa Xuân về khắp đất trời, đâu chẳng là xuân, cho nên người ta có sông xuân, núi xuân (xuân sơn) gió xuân (xuân phong, còn gọi là đông phong) hương xuân, ánh xuân, nụ cười xuân… Có thể nói, những nẻo đường quê ta yêu ta nhớ một đời là một trong những gì của trời đất “nhạy cảm” nhất với mùa Xuân.
            Mùa Xuân mặc chiếc áo màu nắng mới cho những con đường quê. Thi nhân bảo, nắng mới có tiếng reo đấy:
“Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội” (Lưu Trọng Lư).
            Mới ngày nào, dọc đường quê, những bụi tre già ngả nghiêng, rũ rượi dưới mưa gió, nay vươn mình đứng thẳng, cho những mụt măng vòi vươn cao, uốn cong như những lưỡi câu trời; một hàng sầu đông trụi lá trơ cành thì nay đã hồi sinh cho những lá non, những chòm hoa tím nở sớm bồng bềnh trong nắng mới để cười cợt với gió xuân. Trên những con đường dưới ánh xuân huy, đã bắt đầu đông những người đi ra đồng, đi chợ, đi công việc, khách lạ vào làng… Các em thơ trên đường đến trường đã thấy những bướm bay theo. Và cũng trên những đường quê, không ít nông phu với cây cuốc thăm đồng trên vai, thi thoảng dừng lại, sẵn tay ban đất, lấp chỗ bùn lầy nước đọng, trả lại sự bằng phẳng, khô ráo  cho con đường, cho người đi.
            Năm ấy, mùa Xuân đến sớm, tiết Lập xuân nhằm ngày 25 tháng Chạp. Tiết Đại hàn qua rồi, còn mấy hôm nữa là tới tiết Lập Xuân. Những đường quê trải mình dưới nắng xuân tươi, dưới màu nắng ấm. Đây là lúc những con đường quê ấy đón bước chân người đi nhộn nhịp khác thường. Con đường đưa bước chân người bán buôn gánh nặng trĩu trên vai gánh hàng ra các chợ quê. Các bà, các chị đi chợ “sắm Tết”, chân thoăn thoắt đến chợ, buổi chợ về chân mỏi mà miệng nói cười cho quên quãng đường xa. Các ông, từ cụ Lý, thầy Đồ đến bác Đội lính Khố đỏ, ông thầy bốc thuốc Nam trong xóm Chùa… cũng đi chợ Tết. Họ đi mua sắm những “đồ lề”: vài bao trà Tín Thái, vài chai rượu khằn Mai Quế Lộ, một bộ ấm chén trà vẽ triện dưới đít ấm… Guốc mộc, guốc gốc tre khô của họ khua vang , tà áo dài của họ bay như dải cờ nheo trên đường làng ngày lễ rước xách. Mấy ngày giáp Tết, đâu chỉ có bước chân và cái miệng của mấy người đi chợ gây cảnh nhộn nhịp, huyên náo đường làng. Vì còn có đám cưới đi trên đường quê cho bao người ham vui, hiếu kỳ ra xem để  trầm trồ khen cô dâu, chú rể đẹp đôi. Trên đường quê, lòng vui như hôm mới cưới, những cặp cô dâu - chú rể mới đi “hồi dâu” về nhà bên vợ, “đi Tết” bà mai dong, phụ huynh học sinh đi Tết thầy đồ, anh tá điền đi Tết chủ ruộng… Những lồng gà vịt mang đi Tết buông những tiếng kêu thất thanh dọc đường. Dăm người “về Tết” thấy con đường quê dài ra, chăm bẳm một hướng cổng làng, giếng làng, ngõ quê mà đi tới. Lại còn mấy thầy thơ lại và lính lệ trên huyện đường ngồi xe ngựa chạy lộc cộc trên những con đường dẫn về các làng quê. Họ đi việc quan, để đốc thúc việc trị an và chở về cho quan nhiều quà cáp do các viên tổng, lý mang ra tận đường làng, gởi đi Tết quan trên. Sáng sớm 30 Tết, khi cỏ trên các con đường quê hãy còn đẫm sương đêm, thì người ta bắt đầu tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Con đường làng An Định được chấn lề, dẫy cỏ lan, quét sạch bởi non trăm dân làng. Con đường được dọn sạch rồi, giống như cái đầu bù tóc rối của anh Sỏi gánh nước thuê cho các nhà giàu trong làng được bác thợ cạo dọn mới, để cho anh ăn Tết. Những nhà trong làng bắt đầu trồng ở trước nhà trụ đèn trái ấu, cây nêu khua khánh sành, bày ra trước sân những chậu hoa cúc, mai, thược dược... Có người khách đi đường nhìn cảnh ấy mà lòng nôn nao thầm nhủ: “Xuân mới sắp về rồi”. Nhiều chim én liệng cao thấp và cả đàn bướm bay nữa đang thêu dệt thêm cảnh Xuân cho những con đường.             
            Không khí “chạy Tết” ồn ã, náo nhiệt đến chiều 30 thì bỗng lặng im,  “hạ nhiệt”. Những con đường quê thưa vắng người đi, cho hoàng hôn rồi bóng đêm buông xuống thật nhanh. Trên con đường làng An Định, có vài người về muộn. Có người nhìn vào các xóm nhà lên đèn sáng hơn mọi hôm để đón Tết, rồi nhìn bầu trời đầy sao, cánh đồng quen thuộc và xung quanh liền thốt câu: “Trời tối như đêm 30!”.
            Sáng mồng một Tết, và luôn cả mấy ngày Tết, những con đường quê không còn là những con đường của những người dân quê hay lam hay làm, mà những con đường của trẻ già trai gái trong làng đi ra sân đình xem hội, đi chùa, đi mừng tuổi, chúc Tết, du xuân… Người ta đi trên những con đường chan hòa ánh xuân và rộn rã nụ cười xuân.
           Rồi các lễ hội diễn ra. Mồng năm, lễ hội Đống Đa ở huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn). Kế tiếp, vừa mới xong lễ hội Chùa Ông - thành Bình Định đến lễ hội Chùa Bà – Cảnh Hàng, hết hội Chùa Kén - Phương Danh kéo dài mấy ngày đến hội Đổ Giàn – An Thái Rằm Giêng… Cảnh tượng những con đường quê xung quanh địa điểm lễ hội là cảnh người đi “quấn áo chen chân”, “ngựa xe như nước…”.
            Trên đây, người viết nói chuyện đời xưa. Những con đường quê thời nay là những đường bêtông (cũng có đoạn đổ nhựa) kéo trên cao những dây điện đèn, điện thoại, cáp truyền hình... Năm nay, mùa xuân lại về trên những con đường quê “hiện đại” đó. Vì những con đường quê “hiện đại” không còn chỗ cho cỏ non mọc, cho nên người đi du xuân mất cái cảm giác của hội “đạp thanh” xưa. Do cây cao, cây cổ thụ mọc trên những đường quê hay bị chặt mất, cho phong quang đường sá, khỏi che khuất tầm nhìn giao thông, nên khó mà gặp lại cảnh “cái thị rớt bị bà già” như trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam.
            Cả một vùng nam Bình Định, gồm mấy huyện Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn… năm nay cũng như mọi năm, cứ đến đầu tháng Chạp âm lịch, người ta đã sớm đem bày trên các con đường làng các loại hoa kiểng bán Tết: Mai, lan, cúc, trúc, thược dược, quất, sung, vạn thọ… Những chợ hoa tự phát ấy kéo dài một tháng trời, cho tới sau lễ đón Giao thừa. Người xem, người mua hoa đông như làng đang có hội. Cả một rừng hoa kiểng đấy và nhiều nhất là mai. Phần lớn, mai giá bình dân, nhưng bên cạnh đó cũng có những cây lão mai đầy vẻ phong sương, cốt cách được treo thẻ giá cao ngất ngưởng.
           Chỉ một cảnh đó, cũng đủ làm say lòng bao người trước tiết Xuân sang ở các vùng quê Bình Định.