.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012




Bút ký Huỳnh Kim Bửu



Nghĩ một chút về tặng quà Tết




Tặng quà Tết, đi Tết, chúc Tết, chắc đã có từ xưa, vì trong dân gian đã sớm có câu truyền miệng: “Mồng một  tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” (Tục ngữ).

Khi trong các làng quê, người ta thấy mai vàng, cúc tím, sen hồng nở rực rỡ và cảnh chuẩn bị đón Xuân cũng xem chừng đã rộ lên, thì đồng thời cũng thấy rộ lên việc đi Tết, tặng quà Tết.  

Tặng quà Tết hồi xưa quá đơn giản, trong làng, trong nhà có món gì hay hay, dùng hợp với phong vị trong mấy ngày Tết thì có thể làm quà Tết được: Cân thịt nạc, con gà mái tơ, giạ lúa nếp thơm, đậu đỗ, vài ràng bánh tráng… Nếu có phải đi mua thì cũng mua trong chợ quê thôi: vài gói trà Tàu hoặc cặp rượu khằn Mai Quế Lộ, chục bao thuốc lá hiệu Nam Dương… Không hề có quà là rượu ngoại (kể từ thời Tây sang), phong bao đựng tiền Đông Dương có đề chữ PAR AVION.

Khi biếu tặng quà, người ta thường lấy tấm lòng chân thành, quý trọng làm chính, lễ vật chỉ là phụ, làm cớ để nói lên tấm lòng. Người ở phận dưới mang quà đến nhà người trên thì nói là “đi Tết”, cho nó trọng vọng, đúng lễ nghĩa, chứ không dám nói là tặng quà. Ngày trước Tết, ta thường gặp trên đường làng, những cặp cô dâu - chú rể mới cưới… chở lồng gà, trà rượu đi Tết mai dong, cha mẹ vợ; anh tá điền quảy giạ nếp sang biếu ông chủ điền; ông chủ tân gia cầm chai rượu quà sang tết nhà ông bầu thợ mộc, thợ mái vừa mới cất nhà cho mình… Cũng trên các nẻo đường quê dịp giáp Tết, người ta dễ gặp những chiếc xe ngựa chở lính và hàng chạy tung bụi mù. Đó là những chiếc xe quan Tri huyện phái đi đốc thúc việc quan trước Tết và nhân tiện chở quà do thuộc cấp cai quản các làng, tổng đi tết quan trên. Cái đó, dân gian gọi là lộc quan, mà quan thì cũng không ít ông thật tình tin thế! Dù sao, hình như cũng có chỗ bất ổn, có chuyện không minh bạch ở đây (như cách nói thời sự hiện nay)!
Mấy ngày Tết là trọng đại, cho nên tập tục và lễ giáo đã dành cho “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Con cháu thường tặng quà Tết cho ông bà, cha mẹ những bộ quần áo lụa mới may, quả bánh, chai rượu tân Xuân để làm nghi thức mừng tuổi và chúc thọ. Ông bà, cha mẹ không quên nhét vào túi lũ cháu con lít nhít phong bao đựng đồng tiền mừng tuổi mà thời nay người ta gọi là tiền lì xì, cho nó có vẻ tượng thanh, tượng hình, theo kiểu làm văn nghệ. Quà Tết của thầy học thường thì bao trà, cân nếp hương, cho hợp với cuộc sống thanh đạm của ông đồ nho…
Trong làng, xã, có người giàu, người nghèo, người lo được Tết, người không tự lo được Tết. Cho nên mỗi Tết, hương chức tổ chức tặng quà Tết cho người bị khó khăn. Quà này thì gạo cứu đói, áo quần cứu rét, vài ba món bánh trái ăn Tết…
Trong năm, ngoài Tết Nguyên đán, còn có Tết Đoan ngọ -  mồng năm tháng năm, Tết Trung thu - Rằm tháng tám…cũng là dịp cho người ta tặng quà.

  
 Việc tặng quà nhân các ngày Tết có ý nghĩa nhân văn lắm. Trước hết, nó giáo dục lòng biết ơn, tình thơm thảo dành cho nhau, sự chăm sóc nhau trong cuộc sống. Và đối với mấy ngày Tết thì đây là “một năm chí tối có một lần nhớ nhau, chứ quanh năm thì tất bật quá”.

Không ai tặng quà mà không thưa nói lời chúc. Vẫn nghe người ta chúc nhau: Minh niên hạnh phúc / Tân xuân Phúc  – Lộc – Thọ / Tân xuân như ý / Xuân an lạc (trong giới Phật tử) … Dẫu tin hay không tin hiệu quả của lời chúc Tết, người ta vẫn thích đón nhận những lời chúc tết tốt đẹp, thực tình thấy lòng sướng vui trước những lời chúc, nuôi cho mình một hy vọng trong năm mới. Bởi thế, nhiều người sành tâm lý hay lựa lời mà chúc, chúc những gì người ta đang ham muốn. Tỉ như người đang làm quan thanh liêm thì chúc được còn làm công bộc cho dân, được mãi dân thương dân mến,  không chúc bỗng lộc cùng mũ cao áo dài; người nghĩa khí thì chúc trọng nghĩa khinh tài, một tấc lòng son với đời…

Xem như vậy, việc đi Tết, tặng quà Tết là một nét văn hóa, một nếp thuần phong mỹ tục. Xin đừng để bao giờ bị lạm dụng mà thành không hay.  
Trong xã hội ta hiện nay đã có nhiều người khá giả nhưng số người khó khăn vẫn còn nhiều, hố chênh lệch giàu nghèo có khoảng cách rộng, người bị thiên tai lũ lụt, nạn nhân chất độc da cam – người khuyết tật rất đông. Từ nhiều năm nay, các cuộc tặng quà tết cho người nghèo, cho các đối tượng bị bất hạnh trong cuộc sống đã thành lệ hay. Mong rằng, Tết năm nay, các cuộc tặng quà cho các đối tượng khó khăn ăn Tết sẽ nhiều hơn, cùng khắp hơn với nhiều lực lượng xã hội tham gia hơn. Làm được đến thế thì nhà gặp khó khăn được ăn Tết như mọi nhà, các cụ già bị thiên tai được thấy cảnh xuân đất nước là tươi vui, các em thơ bị lũ lụt được sống trở lại cái tuổi thơ hồn nhiên của mình, được nắm tay nhau tung tăng trên những đường làng  rực rỡ ánh xuân huy.

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012



Thơ Huỳnh Kim Bửu



Những tình đợi cất thành thơ


Có ai thăm chừng lá đỏ
Gió xuân đã thổi hay chưa?
Đò tình còn trôi chưa đỗ
Sông xuân một dải trong mưa.

Có ai thăm giùm hoa nở
Giọt sương có gội chiều qua?
Thương ai cầm xuân đi hỏi
Vu vơ một cõi Ta Bà.

Hỡi tình có thương không nhỉ
Mà em lỡ mất xuân thì
Có tại bóng chiều thủ thỉ
Ngàn dâu còn mãi xanh rì?

Xuân của đất trời thì mới
Xuân em chưa cũ bao giờ
Hỡi những ngày vừa chín tới
Những tình đợi cất thành thơ.

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Nhân dịp năm mới Nhâm Thìn - 2012 về, xin gởi đến các bạn lời cầu chúc Xuân đẹp - Xuân tươi - Xuân hạnh phúc.