.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

Thu phân

Huỳnh Kim Bửu

Thành phố vội vàng một dáng Thu
em chọn nẻo về: phố hàng cây long não
để đủ độ chiều cho em khép đôi tà áo
e ấp một tình Thu mòn mỏi đợi mong…
.
Một dòng Thu chảy xa tháng ngày bịn rịn
kỷ niệm mọc đôi bờ lau sậy xôn xao
sương khói chừng như một dải lụa đào
và có những lòng muốn làm bến bãi.
.
Một trận Thu phong trút vàng Thu… vàng Thu…
ngập lối đi những đôi nhân tình trong vườn tình tự
có một nhịp Thu đi trong tình sử
để lại mùa sau vệt nắng soi thềm.
.
Em đã nghe thấy chưa lời dịu êm ấp ủ
về cuộc tình từ những ban mai
mặt trời trên ngọn tre và chim non tập hót
rồi ngày Thu phân đi qua để lại dấu hài.
.
Tiết Thu phân, Canh Dần
H. K. B
Địa chỉ: Huỳnh Kim Bửu
162 / 32 / 18 Nguyễn Thái Học, Quy Nhơn – Bình Định.
ĐT: 0958 501562
Be the first to like this post.

2 phản hồi

  1. Thu về trên phố cây long não , tạo đủ độ chín cho chiều . Em xinh đẹp và kỷ niện thu về . Tình thu vương vấn , để lại mùa sau vệt nắng soi thềm. Rồi ngày thu phân đi qua để lại dấu hài kỷ niệm .
    Một ” Thu Phân ” nhẹ nhàng , mênh mang và rất thu .
    Chúc Huỳnh Kim Bửu vui , khỏe !
  2. Bai tho viet bang mot loi viet rat la

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

Thơ Huỳnh Kim Bửu

Hương ngát



Tháng Giêng em mặc áo dài
Em đi lễ hội, hoa cài phía tim
Ngọn gió nào thổi êm đềm
Mang theo hương ngát từ thềm ngực em.
Bút ký của Huỳnh Kim Bửu


Bấm vào ảnh để xem phóng to


CHỢ RƯỢU
        
Chợ Rượu tọa lạc bên cạnh đình làng Thuận Thái, tổng Háo Đức Thượng (nay thuộc xã Nhơn An, huyện An Nhơn). Đất này là đất ngoại ô của kinh thành Hoàng Đế. Tương truyền, Chợ Rượu được hình thành để đáp ứng nhu cầu ăn chơi, hưởng thụ của giới quan lại, hàng công tử vương tôn trong triều đình và thị dân giàu có. Như vậy, Chợ Rượu là chợ phù hoa ở chốn kinh đô, rất nổi tiếng thời bấy giờ.


             Chợ Rượu xưa. Minh họa: Phúc
Năm 1776, Nguyễn Nhạc xưng vương, lấy hiệu Thái Đức, xây dựng lại thành Đồ Bàn - đế kinh của vương quốc Chămpa xưa - thành kinh đô và đặt tên mới là thành Hoàng Đế. Từ trung tâm thành Hoàng Đế đi Chợ Rượu, có đường bộ và đường sông, đều tiện lợi. Du khách đi ngựa hoặc xuôi thuyền buồm trên sông Côn, đi từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lên cao vài sào thì tới nơi.
"Buôn có bạn, bán có phường", rượu ngon trong vùng, dẫu ở đâu cũng đổ về Chợ Rượu: rượu nếp hương, rượu nếp lưu niên, rượu cơm nếp của vùng Phú Đa, Háo Lễ; rượu gạo tăm của Cảnh Hàng, An Tây, Chánh Mẫn; rượu nho tươi xứ Kim Châu, rượu Bàu Đá "danh bất hư truyền" ở miền Tây…; rượu cần của người Chăm, người Bana ở vùng Tây Sơn thượng đạo, Tây Sơn hạ đạo cũng theo thuyền chở trầu nguồn, măng le xuôi sông Côn mà đổ xuốùng. Chợ Rượu, lều quán dãy dài. Rượu bày bán ngoài lều phục vụ cho đủ hạng tửu đồ: nông dân, hàn sĩ, dân trác táng, lính lệ, con buôn, thậm chí người thất tình thất chí, người cơ nhỡ ăn xin… Rượu bày bán trong các hàng quán chăng đèn kết hoa dành cho giới thượng lưu: quan lại, công tử, khách hào hoa phong nhã… Chốn này, tửu đồ uống rượu thường kèm theo ngâm vịnh đầy hứng chí và hay gọi đào nương, kỹ nữ đến để mua vui; không ngoài chuyện trêu hoa ghẹo nguyệt, phục vụ ca xang cùng là mời chuốc chén tạc chén thù.

Tiềm đựng cơm rượu nếp.
Ảnh: Huỳnh Văn
Trong sách Huyền Tích Kinh Xưa, hai tác giả Nguyễn Thanh Mừng và Trần Thị Huyền Trang có viết đại ý, tương ứng với các chủng loại rượu là hàng trăm thứ chai bình đựng rượu kỳ khu, bắt mắt và gợi cảm đối với giới tửu đồ và giới vung tiền ra chơi đồ cổ. Quả thực, xung quanh kinh thành Hoàng Đế là cả một kho đồ cổ quý giá nói chung và kho đồ cổ độc đáo có liên quan với rượu. Phải kể trước hết là các loại ve, bình đựng rượu. Nào là ve vòi, ve củ tỏi bằng sứ men xanh, ve cổ ngỗng bằng sứ men xanh cổ chụp đồng thau hoặc chụp bạc; nào bì da lươn, ve ngỗng thủy tinh hoa văn chìm nổi; rồi ú da lươn, thạp đất nung, vò ché đất nung, chai sen; rồi vỏ bầu nậm, bong bóng lợn… Thứ đến là cái chung, cái chén uống rượu: chung thủy tinh, chén sứ tráng men xanh bịt miệng, chén đất nung màu gan gà; chúng đủ kiểu, có chân hay không chân, có hoa văn nổi hay hoa văn chìm, có chụp bạc hay không chụp bạc ở chân, ở đáy… Còn cái đài, cái kỷ đặt chung rượu, chén rượu lên trên thì lần lượt có đài đồng thau, đài gỗ mun, kỷ gỗ mun chạm trổ cẩn xà cừ, kỷ thiếc tráng men… Rồi cái kỷ dùng để bưng rượu "ngang mày" mời quý khách, cái đài đặt trên bàn thờ gia tiên để dâng rượu cúng ông bà ông vải ngày nhà có giỗ kỵ. Tùy khách thuộc hạng nào, có nhu cầu gì mà người bán rượu đưa ra những thứ chai, bình, chung, chén đựng rượu thích hợp. Khách quyền quý phong vận thì có ve vòi, ve củ tỏi đi với chung, chén con thanh nhã, kiểu dáng "gà đồng hạc nội"; khách "hũ chìm hũ nổi" thì đưa ra hũ, vò đi với bát vại bát sành; khách đi hỏi vợ thì đưa chai sen dán nhãn đỏ viết chữ Nho bằng mực Tàu, khằn miệng; khách lữ thứ, giang hồ có sẵn vỏ bầu nậm, bong bóng lợn; khách yêng hùng khắp chốn học đòi làm nhân vật trong truyện Thủy Hử thì đưa ra một gánh rượu với hai vò đựng đầy rượu trong đôi giỏ ki đan nan tre cùng cái đòn gánh cật tre láng bóng giọt mồ hôi. 
 
       Bộ khay rượu. Ảnh: Huỳnh Văn
Chợ Rượu họp năm ngày một phiên, nhưng phiên cuối tháng thì khách kinh thành đổ về đông như kiến. Khách kinh thành tiêu tiền như nước, uống rượu như sông suối chảy và không chỉ vì rượu ngon mà còn vì cô hàng rượu xinh đẹp nữa: "Còn trời còn nước còn non / Còn cô hàng rượu anh còn say sưa" (Ca dao).

Chợ Rượu có cuộc đời thăng trầm như cuộc đời của một con người.

Thời tuổi thơ ngày hai buổi đến trường làng, đi ngang qua Chợ Rượu xưa, tôi vẫn thấy quang cảnh chợ quê mình lều quán hắt hiu: "Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ" (Đoàn Văn Cừ). Trong khu chợ chỉ còn vài hàng xén, hàng gạo, hàng rau cá vịt gà, một hiệu thuốc cao đơn hoàn tán, một ông thầy đồ ngồi viết liễn thuê, một gia đình làm nghề bịt trống ngày nào cũng chưng ra trước nhà mấy cái trống chầu, trống chiến, trống tum với cái mặt trống da trâu phẳng lì, cái tang trống khoét bộng cây, sơn màu đỏ cổ trầu, chờ người mua… Không thấy đâu có hàng rượu và cô hàng rượu! Đó là thời kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954). Chợ Rượu - làng Thuận Thái - có vị trí mới trong cuộc kháng chiến, vị trí cửa ngõ của nhiều trung tâm lớn của tỉnh Bình Định: Bệnh viện Song Thanh, trường Trung học Hòa Bình, trụ sở Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh huyện An Nhơn, nơi bộ đội vẫn về đóng quân rồi lại đi ngay… Cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế, bộ đội, văn nghệ sĩ, giáo viên, học sinh… đi về đơn vị công tác, vẫn đi ngang qua Chợ Rượu - làng Thuận Thái - và thường dừng chân lại. Họ mua sắm, tắm mát sông Côn, thăm viếng một cảnh chùa thanh u tĩnh mịch… Có người ghé thăm người yêu bé bỏng đợi chờ. Chợ Rượu - làng Thuận Thái - cung cấp một ít lương thực, thực phẩm; là nơi cho cán bộ, bộ đội, học sinh về dạy bình dân học vụ, tuyên truyền giáo dục ý thức vệ sinh phòng bệnh, tăng gia sản xuất, giúp dân tổ chức lực lượng sẵn sàng đánh giặc giữ làng…

Chợ Rượu thời hậu Tây Sơn. Tranh: Phúc
Thành Hoàng Đế không còn là kinh thành nữa kể từ khi Nguyễn Nhạc chết năm 1793. Chợ Rượu với tư cách là chợ của tửu đồ mọi giới, chợ phù hoa ở xứ kinh kỳ thực sự cũng không còn kể từ đó. Ngôi Chợ Rượu bây giờ, vừa mới được xây dựng lại theo kiểu chợ nông thôn, hướng ra con đường tỉnh lộ chạy ngang trước mặt. Con đường đưa du khách về Khu Đông, Khu di tích Núi Bà, Khu kinh tế Nhơn Hội. Dừng chân trên đất Chợ Rượu - làng Thuận Thái bây giờ, ngồi quán lặng lẽ uống ly bia giải khát với bạn đồng hành, du khách sẽ thấy bao cảm khái dâng lên trong lòng: vui mừng trước những đổi thay nhanh chóng và lớn lao của quê hương hôm nay, nhưng cũng ngậm ngùi cho một triều đại đã đi qua vì cái lẽ thành bại, phế hưng và những cảnh cũ người xưa đã không còn.
"Được thua hơn kém lưng hồ rượu, Hay dở khen chê một trận cười." www.hieuco.blogspot.com Email: netaz@yahoo.com.vn 

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010



Tản văn Huỳnh Kim Bửu


Tre

Tre được trồng trong các làng mạc, trồng thành bụi tre, rặng tre, bờ tre. Bờ tre bao quanh làng được gọi là lũy tre làng hay rặng tre làng. Cả nước, đi đâu người ta cũng gặp tre, gặp những làng mạc hiền hòa và những lũy tre xanh. Cùng một gia đình, dòng họ với tre, người ta kể có trảy, trúc, tầm vông...

Từ xưa tới giờ, trải đã bao đời, ta vẫn sống nhờ tre lắm. Một đời người, mới sinh ra ta được mẹ đặt nằm nôi (tre) tuổi thanh niên, trung niên ta lao động kiếm sống với những dụng cụ cuốc, rựa, câu liêm, gàu tát nước... Cái gì cũng có một bộ phận hay cả toàn phần làm bằng tre; thời lão niên, không làm gì nổi nữa, ta ngồi nhà, phe phẩy quạt nan (tre) tới khi trăm tuổi nhắm mắt xuôi tay, có đứa con hiếu thảo cắm hai cọc tre trên đầu và chân mộ phần của ta, nó cũng đặt cái giường thờ thờ ta làm bằng tre (Vì hồi xưa nghèo lắm, ít nhà sắm nổi cái bàn thờ chân gỗ mặt ván)... Người nông dân trong các làng quê làm ruộng và làm thêm nghề thủ công. Nhiều nghề thủ công là nghề đan nan tre, lấy nguyên liệu là tre, như nghề đan nia, thúng, giỏ bội, bầu nan, rổ xúc, vót đũa bếp, đũa con... Thế mà cũng góp phần nuôi sống được nhiều gia đình nông dân.

Mỗi làng quê là một cộng đồng dân cư dựa vào lũy tre làng để chống trả lại mọi thế lực thù địch (từ thú dữ đến kẻ trộm cướp, giặc ngoại xâm..) đặng bảo vệ cuộc sống êm đềm, yên vui của làng quê. Theo truyền thuyết, vào thời Hùng Vương thứ 6, cách đây hơn hai ngàn năm trước, nước Văn Lang bị nạn giặc Ân. Được dân làng đi theo, chàng trai nọ thuộc làng Phù Đổng (tục danh là làng Gióng), sinh ra khác thường, và có tài ba ý chí cũng khác thường lắm, ngày kia đã nhổ bụi tre đằng ngà bên đường làm vũ khí lợi hại, rồi thót lên lưng ngựa sắt phun lửa xông ra trận tiền đánh đuổi quân giặc. Thắng trận xong, chàng trai lên núi Sóc Sơn, rồi bay lên trời, được Vua phong là Phù Đổng Thiên Vương, dân gian phong là Thánh Gióng. Ta còn nhớ, thời 9 năm đánh Pháp, ta có vũ khí là chông tre, gậy tầm vông vạt nhọn; làng quê nào cũng cắm dày cọc phòng không bằng tre để chống quân Pháp nhảy dù xuống chiếm làng...

Tre tô điểm vẻ đẹp cho cảnh vật làng quê, khiến ta yêu say đắm. Làng quê ta đẹp lên với lũy tre, với buổi sáng mặt trời mọc le lói trên đầu ngọn tre; buổi trưa, từ rặng tre phát ra tiếng con chim gù rót điệu du dương; buổi chiều rặng tre xào xạc gió và tiếng sáo trúc mục đồng ngồi lưng trâu trở về nhà bay trong gió... Rồi với chạng vạng về, bóng đêm phủ xuống là lúc gương mặt chị Hằng lấp ló giữa hai rặng tre ở cuối thôn trang... Mỗi lần đi xa, nơi xứ người, ta không khỏi thương nhớ lũy tre làng, thương nhớ những trưa hè oi ả ta vẫn ngồi hóng mát dưới bóng rặng tre già; thương nhớ tiếng cuốc kêu ai oán đêm hè phát ra từ bụi tre mọc nơi góc vườn ta đó; rồi cảnh Đông sang, nhìn đâu cũng thấy:

"Tre rũ rợi ven bờ chen ướt át"
(Bến đò ngày xưa - Anh Thơ)

Ngay từ hồi xưa, cây trúc cũng đã xếp vào hàng Mai - Lan - Cúc - Trúc, thú chơi của hạng người tao nhã.

Người nông dân gần gũi với tre, cho nên tre cũng cho họ bao chiêm nghiệm về cuộc sống, về đời người. Khi lâm vào cảnh nghèo khó, họ không bi quan; dẫu bản thân có gặp điều không may, họ tin mình "giỏ rách còn bờ tre", tức là còn có "hậu phương" vững vàng. "Tre tàn măng mọc" là nói về sự nối tiếp của đời người. "Măng không uốn làm sao tre uốn được" câu nói dân gian đó, cho đến nay vẫn còn giá trị về mặt giáo dục lớp trẻ để dần đưa chúng vào luân thường đạo lý, tránh cho chúng tập nhiễm thói hư tật xấu ở chung quanh. Nhờ có tre mà tâm hồn chàng trai làng trở nên thơ mộng hơn, bóng hình nàng thôn nữ trở nên đẹp hơn:

"Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh
Trúc xinh trúc mọc sân đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh"...
(Ca dao)

Kẻ sĩ ngày xưa xuất thân từ ruộng đồng, nhìn tre bảo: "Tiết trực tâm hư" (thân thẳng, lòng rỗng không), đó là biểu tượng của bậc đạt nhân, quân tử. Người nông dân đã từng cầm rựa đứng trước bụi tre, mỗi lần nói về chặt tre, anh không khỏi nhớ lại kinh nghiệm bản thân mình và kinh nghiệm của người khác truyền cho anh:

Nhứt đánh giặc, nhì chặt tre

Nhứt chặt tre, nhì ve gái

(Tục ngữ)

Tôi lại nhớ cái "tủ sách" kỳ lạ mà tội nghiệp của ba tôi ngày xưa. Ba tôi đang học chữ Nho với một thầy đồ thì gặp thời buổi đổi thay, ông chuyển sang học chữ Quốc ngữ, rồi đi thi lấy bằng Sơ học Yếu lược, tương đương lớp 3 bậc Tiểu học bây giờ. Ông tự "đóng" cho mình một "tủ sách". Tủ sách của ba tôi là những đốt tre ngâm được cưa cắt khéo léo. Hai đầu đốt tre là hai mắt: Một mắt làm đáy và một mắt làm nắp, đằng nắp được khoét đậy khít khao. Sách và các loại giấy tờ (như trích lục ruộng đất, khai sinh, giá thú...) ông cuộn cất vào đó, đậy nắp kỹ, rồi cột dây treo lên rường nhà. Nhìn lên rường nhà, thấy "tủ sách" của ba tôi treo lủng lẳng những ống tre, những ống tre dùng lâu ngày đen bóng lên.

Một hôm ba tôi đang "kiểm kê" sách (ghi tên và đánh số cuốn sách trên các ống tre) có tôi giúp ông một tay. Ông bảo: "Hồi xưa chưa có giấy, những sách này được làm bằng tre, viết trên thẻ tre; sách dày thì nhiều thẻ tre ghép lại, sách mỏng ít thẻ tre hơn và được cuộn thành bó. Tần Thủy Hoàng, Đường Minh Hoàng...là những ông vua ham đọc sách, chỗ vua ngồi đọc, trước mặt chất cao những bó thẻ tre, đó là những bó sách. Vì sách viết trên thẻ tre, cho nên, mới có mấy cuốn sách thôi mà đã thành một gánh sách nặng. Và bởi thế mà học trò đi học trường xa, phải có đứa tiểu đồng gánh sách đi theo. Còn sách lịch sử thì gọi là thanh sử, tức sử xanh, là sử viết trên những thẻ tre:

Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh
(Truyện Kiều - Nguyễn Du).

Con đã học tới lớp Nhì, có biết, thanh sử là như thế không?".

Thời nay, cây tre ít dùng. Làm nhà cửa? - Có gạch ngói, xi măng, sắt thép. Làm thúng rổ? - Có nhựa, có nhôm. Làm bàn tủ? - Có gỗ, sắt, inox. Đun bếp? - Có bếp ga... Thuyền câu của Nguyễn Khuyến thời xưa, chắc là thuyền nan:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Chứ thuyền câu của các "ngư phủ" thời nay mà tôi thường thấy là thuyền inox, thuyền sắt tây. Cho nên, cây tre thừa ra, lũy tre làng dần thưa thớt, không còn đủ sức bao quanh làng nữa, nhiều nhà không còn có bụi tre nơi góc vườn, cho lũ chim thường về đậu, cất tiếng hót líu lo. Hiện nay tôi có nghe thấy, ở một số địa phương, người ta đang phát động phong trào trồng tre thành rừng (trúc lâm) như một cách làm giàu, vì mọi thứ của cây tre (từ thân lá cành đến gốc rễ..) đều dùng được, có giá trị kinh tế; nhất là măng tre là một nguồn thực phẩm được ưa thích nhiều. Mong rằng, phong trào này có kết quả để cây tre thân thương muôn đời của con người, một mai kia còn mãi.




Tản văn Huỳnh Kim Bửu

Nhớ lắm đồng trăng
"Đồng trăng lục nhạt vàng thanh lối gần"

      Từ khi ra thành phố, tôi thường quên mất những đêm trăng tỏ, những đêm trăng đẹp hồi còn ở quê. Cũng như bao thị dân khác, tôi có cuộc sống tất bật mỗi ngày, còn bị ánh điện, những dãy phố nhà cao tầng, những âm thanh ồn ào náo nhiệt, những tốc độ chóng mặt … là những thứ vẫn che khuất gương mặt chị Hằng khả ái của tôi.
         Nhưng dù sao, tôi cũng phải chiều Nguyệt mà về quê với nàng, mỗi năm được đôi lần. “Về quê, được thưởng trăng là cái thú thứ nhất, và đã có nhiều đêm trăng làm cho chúng mình say đắm, không sao ngủ được”, Nguyệt từng nói với tôi như vậỵ
                Đêm nay, trăng hè mà là trăng thượng tuần, gần giữa tháng. Trăng phủ xuống các xóm nhà và chảy lênh láng trên đồng làng. Chúng tôi đi dạo trên đường làng. Tôi có cảm giác trăng yêu kiều, thướt tha; và đi bên tôi, Nguyệt cũng yêu kiều thướt tha như trăng. Cả Nguyệt và tôi đều thấy mình được sống trong một niềm thơ và đã có thơ nói hộ giùm: “Chúng tôi lặng lẽ bước trong thơ / Lạc giữa niềm êm chẳng bến bờ / Trăng sáng trăng xa, trăng rộng quá! / Hai người, nhưng chẳng bớt bơ vơ” (Thơ Thơ - Xuân Diệu). Khi trăng đã lên cao và  thật sáng tỏ, thì từ trong mấy xóm nhà vọng ra tiếng hát hò đối đáp nhặt khoan. Nghe tiếng hò, Nguyệt vui lắm. Tôi nói với Nguyệt, đó là tiếng hát hò “giã gạo đêm trăng” của quê tôị Từ lúc này, cứ mỗi chặp, chúng tôi lại nghe tiếng vạc kêu thảng thốt giữa thinh không, chắc là vì lạc đàn. Nguyệt tỏ vẻ hơi sợ, mặc dù không phải, đây lần đầu tiên, Nguyệt nghe tiếng loài chim đi ăn đêm ấy kêu trong màn sương dày đặc. Đêm trăng cứ dẫn chúng tôi đi, và chúng tôi đã đến dưới chân cột cờ thành Bình Định cao chót vót; và cách không xa là sông Trường Thi với bến sông quê Trường Thi của tôi lấp lánh ánh trăng. Không có tiếng gọi đò (vì sông nay đã có cầu) nhưng tiếng gọi đò ngày xưa lại hiện về trong tâm trí tôi: “Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách / Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng” (Bến My Lăng, Yến Lan). Trong khi tôi “nghe” tiếng gọi đò bằng cả niềm tâm cảm xót thương cái thuở ngày xưa không còn nữa thì Nguyệt chú ý mấy ánh lửa chài leo lét trên bến sông.
           Nguyệt có còn nhớ không, cái lần về quê ngoại Kim Châu năm ngoái, có ngày kỵ của Ngoại đó? Chúng mình  lại gặp một đêm trăng quê tháng sáu và Nguyệt lại đòi tôi dẫn đi dạo đêm trăng. Vầng trăng còn vài hôm nữa là đến rằm vành vạnh. Ngọn nam cồ mới tối đã bắt đầu thổi, đẩy trăng dập dờn liên hồi trên sóng lúa đang thì trổ bông. Sóng lúa cứ rào rào từng đợt, nổi lên một điệp khúc nhạc đồng quê thật đáng yêụ Nguyệt có còn nhớ không, khi trăng đã quá đỉnh đầu và sương đêm đã ướt rượt trên cỏ, bỗng từ trong một xóm quê, vẳng đến tai chúng mình tiếng sáo trúc véo von? Tôi có nói với Nguyệt, chắc là tiếng sáo trúc của người nghệ sĩ đồng quê quen thuộc của làng nàỵ Từ hồi nào tới giờ, làng này vẫn có thói quen thức khuya chờ đợi “tiếng sáo đêm trăng” của người nghệ sĩ trước khi đi tìm cho mình một giấc ngủ ngon dưới đêm trăng.
         Lần này, vì cô giáo Nguyệt của tôi đang nghỉ hè, chúng tôi về quê ở lại hơi lâụ Lại một đêm trăng tháng sáu nữạ Bóng chiều vừa buông xuống, người ta đã thấy gương mặt chị Hằng lấp ló giữa hai rặng tre làng. Trăng từ từ lên cao và trải rộng cùng với tiếng chuông chùa làng thời công phu tối ngân nga…Bầu trời tháng sáu cao xanh, trăng càng tỏ thì sao trời càng thưa thớt, thi thoảng băng ngang nền trời vài ánh sao băng. Chúng tôi đi lên đường làng, đi ra với đồng trăng. Nguyệt mừng trăng, đi dung dăng dung dẻ hồn nhiên như trẻ thơ. Vì là đêm hè nóng bức khó ngủ, cho nên buổi sinh hoạt dưới đêm trăng ở trong thôn trang, nào cảnh “bên anh đọc sách bên nàng quay tơ”, “đạp chuồn chuồn xỏ luồn bánh ú” của lũ trẻ nhỏ, cảnh các cô thôn nữ ra giếng làng “gánh nước đêm trăng” nói cười khúc khích… vẫn còn kéo dàị Nhưng rồi, trong các xóm bắt đầu có sự yên lặng, đêm tĩnh mịch trở về. Chúng tôi vẫn đi trên đồng trăng. Đêm trôi dần về khuya, những bụi tre, bụi rù rì, cây ngô đồng… trùm ánh trăng ngủ ngon; trong khi đó, tiếng đổ nước ình… ịch nơi những sòng “tát nước đêm trăng” vẫn thức cùng trăng, cùng cây lúa đang khát nước… Chẳng biết động tĩnh gì làm giật mình thức dậy đàn cò trắng, đàn sáo sậu… đang ngủ trên ngọn các bụi cây, đồng loạt vỗ cánh bay táo tác vào không gian tràn ngập và đẫm ướt trăng. Hùn vào cảnh tượng đó, từ trong xóm, cất gáy vang tiếng mấy chú gà trống mớ ngủ, thức dậy nhìn trăng, tưởng chừng trời sáng; và còn nữa,  tiếng mấy chú vằn vện dỡn trăng, cắn vu vơ vào đêm trăng.
           Nguyệt sinh ra và lớn lên ở thành phố, còn tôi đàng nào cũng gốc chân quê. Khi hai người mới quen nhau, có lần Nguyệt hỏi: “Trăng tháng tám ở quê chắc đẹp lắm, Bình nhỉ?”.Tôi nói, trăng thu mà lị. Biết ý Nguyệt, tôi đã đưa Nguyệt về quê nội để Nguyệt thưởng trăng thụ Đêm trăng ở quê, hai người cùng đi trên con đường làng ngai ngái mùi ruộng lúa mới sục bùn và mùi cỏ úa, ấy thế mà Nguyệt cứ bảo một cách nên thơ là mình đang đi trên đường trăng, Trên bầu trời cao xanh treo lơ lửng một vầng trăng, còn sao trời thì thưa thớt, và dưới mặt đất bày ra một cảnh thu sáng láng, êm đềm. Đi ngang qua một bờ hồ, Nguyệt reo lên “ô kìa” và chỉ cho tôi một cảnh đẹp đang diễn ra trước mắt: Một hồ rộng, một mặt gương soi, bầu trời đáy nước là một …Lại còn có tiếng gõ lưới  lốc cốc,  đều đều và khô khốc của mấy chiếc thuyền câu nhẹ thênh, bé tẻo teo như mấy chiếc lá tre khô trôi trên mặt hồ.  
          Khi các con của chúng tôi đến tuổi đi học cấp I – cấp II, cứ mỗi lần đến Tết Trung thu, chúng tôi lại đưa chúng về quê để đón mừng Trăng. Những năm không về quê được, Nguyệt vẫn  bày biện cho các con cùng với ông bà, ba mẹ đón trăng thu trên sân thượng nhà mình. Dưới đường phố, các đoàn múa lân đi qua, rất náo nhiệt. Thật tội nghiệp, tiếng là múa lân để đón mừng Trăng thu, nhưng mọi người (trẻ em và người lớn), không trông thấy trăng thu ở đâu hết. Trên sân thượng, cả nhà chúng tôi ngắm trăng, các con vui thích. Nhưng thằng Tuấn thì bảo: “Chúng con thích hơn trăng thu ở quê nội kia, nó thanh bình và yên ả; gương mặt chị Hằng ở đó như lúc nào cũng cười tươi với trẻ nhỏ và với người dân quê”. Còn thằng Tài vòi vĩnh: “Năm tới, thế nào ba mẹ cũng phải đưa con về quê đón ông Trăng Rằm tháng tám, cơ”. 
          Khỏi nói đồng trăng mùa đông, mùa của  mưa bão, mây đen kéo đầy trời tối ngày,  nhìn đâu thấy trăng. Nói đồng trăng mùa hè, mùa thu mà chưa nói mùa xuân là chưa nói hết cái vẻ đẹp của trăng trong một năm. Nguyệt có còn nhớ không, lần đầu chúng mình về quê là một ngày xuân, cách đây cũng vài mươi xuân? Và chúng mình đã ở lại để ngắm trăng quê trong một đêm xuân theo nguyện vọng của cả hai ngườị Đêm trăng ấy, chúng mình cũng dạo làng, dạo đồng để ngắm trăng, nô dỡn với trăng một cách hồn nhiên và trẻ trung như lứa tuổi đôi mươi của chúng mình hồi ấỵ Sương xuống, gây gây lạnh. Dưới trăng, đồng ruộng tháng giêng lúa thì con gái trải một màu xanh mơn mởn, mang nhựa sống dâng lên lá cây ngọn cỏ. Còn nhớ không, hả Nguyệt, hôm ấy đến gần khuya sương xuống đậm, tôi giục mãi, Nguyệt mới chịu quay về nhà? Và trên đường trở về ngôi nhà của ba mẹ tôi đang phủ ánh trăng khuya, Nguyệt đòi tôi ngâm thơ một chút cho vui, vì cảnh đêm xuân đang rất đẹp. Và tôi đã hứng khởi ngâm: “Khuya nay mùa động đầu cành / Đồng trăng lục nhạt, vàng thanh lối gần”. Nguyệt nghe xong, ngả người vào tôi, bảo: “Tiếng thơ Bùi Giáng đã nhập hồn vào trăng diễm ảo rồi, Bình nhỉ!”.
                                                                                               

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010





Tản văn Huỳnh Kim Bửu

Bà tôi ăn trầu



Sáng nào, bà tôi cũng ăn trầu, sau khi đã giúp má tôi dọn dẹp xong nhà cửa để má bắt đầu công việc của một ngày mới, bà tôi tới ngồi bên cơi trầu đặt trên giường của bà. Cơi trầu của bà là một hộp sơn mài cũ kỹ, nắp hộp to bằng cái đĩa bà thường dùng sắp đồ cúng trong ngày nhà có giỗ.
 
Bà đựng đủ thứ trong cơi trầu: vài thếp lá trầu xanh, mấy quả cau tươi, chừng một nắm rễ cắt sẵn dài bằng đốt ngón tay, một con dao xếp, bộ cối giã trầu bằng đồng cùng mấy viên thuốc lá rê to bằng quả trứng gà gói trong một lớp lá chuối... Bên giường là một"ông bình vôi"bằng đất nung mầu đỏ khé và cái ống nhổ bằng đồng thau luôn sáng bóng. Ðôi tay bà khẳng khiu, một tay cầm lá trầu, tay kia cầm"dao chìa vôi"rọc theo sống lá để chia đôi lá trầu. Xong, bà lấy một nửa lá trầu, dùng bàn tay ủi ủi cho thẳng trước khi quệt vôi, têm trầu. Bà bỏ miếng trầu vừa têm kèm với vài miếng rễ, miếng cau tươi (có khi là cau khô bà ngâm nước trước cho mềm) vào cối giã trầu. Bà ngồi ăn trầu, một chân xếp trên chiếu, một chân dựng đầu gối gác một cánh tay lên đó, miệng nhai bỏm bẻm. Những lúc này, tôi thương bà lắm và thầm mong bà sống lâu.  
Tuy không thường ăn trầu, nhưng có khi má tôi cùng ngồi ăn trầu hầu bà tôi. Má têm trầu, giã trầu cho bà, rồi mời bà ăn trầu và má cũng ăn một miếng với bà. Hai người cùng nhai trầu và chuyện trò vui vẻ. Những câu chuyện bà thương má tảo tần, chuyện mấy đứa cháu của bà ngoan, còn má thì ngồi lắng nghe... Những khi bà tôi ngồi ăn trầu một mình, bà có vẻ nghĩ ngợi. Lũ con Thơ, con Ngây - con cậu tôi, cứ bảo bà đang"ôn"lại chuyện cổ tích để kể cho chúng nghe, vì bà có cả một kho chuyện cổ tích. Ăn trầu với ngoại xong, trông má tôi xinh hơn, má có"Nét cười đen nhánh sau tay áo"(thơ Lưu Trọng Lư). Mỗi khi bà tôi bổ xong miếng cau tươi, thả cái vỏ cau ra chiếu, mấy chị em chúng tôi vây quanh bà tranh nhau nhặt để đánh răng.
Mỗi khi đi đâu, bà"dỡ"trầu theo, gói gọn trong chiếc khăn trầu. Bạn ăn trầu của bà là bà Kỷ, bà Ngôn, bà Nhẫn... hàng xóm. Ðôi khi ông Ngôn, ông Ngữ, cũng là bạn già hàng xóm của bà, đem biếu bà thếp trầu xanh, nắm hạt cau khô, rồi cùng ngồi"ăn"trầu với bà. Cũng như nhiều nhà khác, nhà bà tôi trồng một hàng cau quanh vườn và cho leo chằng chịt những dây trầu không. Nguồn trầu dồi dào nhất ở đây là trầu nguồn, do các thuyền buôn từ An Khê, Tây Sơn xuôi theo dòng sông Côn chở xuống. Trong các chợ Gò Chàm, Ðập Ðá và các chợ quê, chợ nào cũng có hàng trầu cau. Tương truyền, ông Biện Nhạc, tức Nguyễn Nhạc, thời chưa dấy nghiệp, đã sinh sống bằng nghề buôn trầu và dấu tích còn lưu lại đến giờ là bến Trường Trầu. Chợ Gò (Tuy Phước) mỗi năm chỉ họp một phiên duy nhất vào sáng mồng một Tết để người ta đi mua"lộc Bà"là những thếp trầu mướt rượt, quả cau tươi... Bà tôi già yếu, không đi chợ được, nhưng bà vẫn có nhiều"lộc Bà", do mấy người trong làng mua đem về biếu bà. Phiên chợ này, nay trở thành lễ hội truyền thống ở địa phương. 
Chuyện Trầu Cau bà kể cho con, cháu nghe, đến ngày lớn khôn mới dần hiểu ra. Cây cau với dây trầu quấn chặt là biểu tượng của tình yêu chung thủy vượt lên trên số phận. Người ta ăn trầu để thưởng thức mùi thơm, vị ngọt và cho thắm đỏ đôi môi. Ðó cũng là biểu tượng của tình yêu ngọt ngào, sống chết có nhau của tình anh em ruột thịt. Người phụ nữ ăn xong miếng trầu, là thêm duyên đằm thắm mặn mà. Nhà nào mà chẳng có"khay cẩn, hộp trầu"để có sẵn"miếng trầu là đầu câu chuyện"mỗi khi tiếp khách, rồi cái"hộp thau"để dâng trầu cúng gia tiên. Lễ cưới, lễ hỏi, dẫu cho đủ lễ vật đến đâu, cũng không cho phép thiếu trầu cau để chúc mừng sự hạnh phúc bền lâu của lứa đôi:"Cưới em một thúng xôi vò - Một con lợn béo một vò rượu tăm - Cưới em đôi chiếu em nằm - Ðôi chăn em đắp đôi trằm em đeo - Cưới em quan tám tiền cheo - Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau"(Ca dao). Lần nào cũng vậy, đến ngày giỗ ông tôi, bà cũng tự tay sắp đặt tinh tươm, đẹp mắt hộp trầu dâng cúng ông. Má tôi vẫn bảo:"Bà vẫn dạy má têm trầu cánh phượng và cách lễ phép mời trầu để cho ba bay yêu suốt đời".
Bà tôi mất đã lâu. Cảnh quê đã thay đổi nhiều, cuộc sống ở quê cũng khác trước. Các bà, các bác gái, các chị mặc đồ bộ thong thả thoải mái, không ai còn mặc bộ bà ba nhuộm đen thô dày sẫm tối như hồi xưa nữa. Tìm đâu ra người răng đen, ăn trầu? Mới rồi tôi về quê, ngồi trên thềm cũ của nhà ngoại, tôi nhớ thuở ngày xưa: Nhớ bà tôi miệng ăn trầu và cái khăn trầu vắt vai của bà, chợt thấy hình bóng một cậu bé - chính là tôi bây giờ - vẫn ham thích trò chơi"cưỡi ngựa tàu cau"chạy lông nhông trong sân nhà ngoại mình... 

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010



Thơ Huỳnh Kim Bửu


Mõ sừng



Chiều – chim bay mỏi
Vật vã ngọn khói đồng
Nỗi niềm muốn gởi hư không
Ngại chòm mây lữ thứ

Em từ viễn xứ
Chữ nghĩa cũng chau mày
Ngày tháng đong đầy
Cơn mê.

Chiều – trăng non
Ký ức mỏi mòn
Thôn nữ ra sông tắm mát
Ngại ngùng cò, vạc, cái nông…

Gió thổi hồng
Vườn xưa của mẹ
Không còn ngày tháng thong dong
Cho mẹ ăn trầu đánh răng đen nhánh.

Chầm chậm chiều
Mục đồng ngồi lưng trâu
Gõ niềm cô liêu
Vào mõ sừng.





Tản văn của Huỳnh Kim Bửu

“Chim kêu dưới suối Từ Bi” (1)


Ở quê tôi hồi xưa, lũ chim trời nhiều lắm, chim chóc cứ “tưng bừng”: Sáng sớm chèo bẻo đánh thức người ta dậy, trưa cu cườm gáy, chiều dồng dộc bay về, đêm cuốc gọi đàn, vạc vỗ cánh… Không ai đếm xuể có bao nhiêu tổ chim dồng dộc treo trên ngọn các bụi tre, bao nhiêu con cò bay về mà đậu trắng cả cánh đồng làng chiều hôm; không ai nhớ mình đã được nghe bao nhiêu bản đàn muôn chim lừng giai điệu?
Cũng tại vì người yêu chim, cho nên chim gần gũi, thân thiện với người. Chim sẻ lót tổ trên ngọn cây cau, cây mít ngoài vườn, nhưng cũng lót tổ nơi xà nhà, mái rui nhà để nhiều khi ríu ran, inh ỏi, khiến người không yên giấc trưa. Người thấy đó, sáo, nhồng, cò, cuốc… được nuôi khôn, vẫn ở với người, bay ra bầu trời rồi lại bay vào nhà, lại còn tập nói tiếng người nữa… Chim hồng, chim nhạn, chim xanh người nuôi, tập được đưa thư. Trong kho tàng cổ tích, có chuyện Tô Vũ đi đày và không ít chuyện kể khác, nhờ chim hồng, chim nhạn đem tin mà đời có những cuộc chia ly được bất ngờ đoàn viên trở lại, như thể “chưa bao giờ có cuộc chia ly”.  
Chim là nguồn cảm hứng vô tận cho người nghệ sĩ dân gian sáng tác. Nhà nghệ sĩ, khi thì chua chát với hoàn cảnh: “Chim quyên xuống đất ăn trùng / Anh hùng lỡ vận lên rừng đốt than”, khi nhẹ nhàng trao đổi kinh nghiệm: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang / Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, lại khi gởi gắm tâm tình: “Chim hồng chim nhạn bay xa / Nhớ em ra tận ngã ba hỏi đường…” lắm khi ngẫu hứng tả cảnh, tả tình: “Chim ca dưới núi Mò O / Cho trái chim chim chín đỏ, quả thị to chín vàng / Nhớ em như nhớ đậu giàn / Thò tay anh hái, con chim mỏ vàng nó mổ đau”… Ai sống thời thơ ấu ở miền quê lại không có ít nhiều kỷ niệm với loài chim? Nuôi con sáo non lạc mẹ, ngày mấy lần cho nó ăn, chờ nó há mỏ đút con cào cào bắt ngoài bờ mương; đã bao lần phải dại, leo cổng tam quan đình làng lục lạo, thò tay vào miệng sư tử đá chễm chệ ngồi cao mà bắt tổ chim đợi mẹ kiếm mồi về…Ai chẳng một lần thương tiếng con chim cườm gù bạn tình trên mặt đất dưới trời trưa? Nhờ có thời thơ ấu sống ở quê mà tôi đồng cảm với thi sĩ khi đọc lần đầu bài thơ: “Con đi, cháu ngoại cũng theo xa / Thui thủi vườn xưa đôi bóng già / Quả chín đầy cành thôi chớ tiếc / Trên nhành còn một chú quyên ca” (Sót một tiếng chim – Yến Lan). Tôi còn nhớ mãi một đêm xưa mưa gió tơi bời, một chú chào mào ướt lướt thướt, bị gió mưa thổi bạt vào nhà. Chú được chị em tôi ủ ấm, nuôi kỹ, rồi thả bay về với trời xanh một ngày có ban mai rực rỡ.
          Ông Hợi có thằng cháu họ sống nửa quê nửa thành phố, làm nhân viên cho một công ty ở tỉnh, cuối tuần về nhà ở quê nghỉ. Vì xa nhà, lúc rảnh nó thường ghé ông chú chơi. Thấy ông Hợi treo vài lồng nuôi con chào mào, chích chòe lửa…cho nên nó hay bắt chuyện về đề tài chim chóc. Một lần chú cháu khề khà uống trà, nó nói:
          -Chú ơi, ở quê mình bây giờ chim còn lại ít lắm. Nhiều khi muốn thưởng thức tiếng chim ca, cháu phải để dành dịp trở lên thành phố. Ở thành phố này, mỗi sáng sớm, cháu được nghe làn điệu du dương của con chòe than, chòe lửa từ những nhà hàng xóm vọng tới. Khi đi làm, mình ngược dòng với những đoàn người mang lồng chim phủ áo lồng đi về hướng những quán cà phê thi đấu chim hót đang chờ đón họ… Chú có nghe thấy không, trên nhiều đường phố, mình vừa đi vừa thưởng thức tiếng chào mào, sáo, cườm, nhồng, khướu…tấu khúc đàn chim du dương? Mỗi ngày đi đi về về, mấy lượt cháu đi ngang qua mấy chợ chim trên đường Lý Thường Kiệt, Nguyễn Thái Học, Trần Phú… Chợ chim nào cũng bày bán chim nhốt “lồng son ống sứ”, chim nhốt trăm con bay tan tác, tả tơi lông cánh trong cũi to, giỏ nhỏ; bên cạnh đó, chợ cũng bày bán lồng nuôi chim đủ loại, đủ kiểu dáng… và thực phẩm chim với đủ nhãn hiệu nhà sản xuất. Chợ chim đông từ lúc 9 giờ sáng cho tới gần trưa, diễn ra một cảnh rộn rịp người săn bắt chở chim sa bẩy, sa rập, sa giò từ các miền trung du trong tỉnh tới bán sỉ, người mua sỉ bán lẻ, dân mua chim về nuôi… Và cũng thường có mặt những nhà từ tâm mua chim phóng sinh.
        Hớp ngụm nước trà, ông Hợi đồng cảm với thằng cháu:  
        -Quê mình nay ít chim và vắng tiếng chim thật. Các vùng quê bây giờ yên tĩnh, không còn cái cảnh “chim kêu vượn hót” như hồi xưa, hồi chú hãy còn trẻ. Vì yêu chim, chú đã về nhiều nơi, tìm trắng dã con mắt, vẫn không thấy đâu còn có những chú quạ đen, diều hâu, khách, ác là, chèo bẻo, chìa vôi trải cánh trên bầu trời, đậu nhún nhảy trên cành cây, lang thang trên mặt đất; không thấy đâu còn có những cúm núm, cuốc từ đám ruộng lúa, bụi tre già vụt bay ra … Dồng dộc, chiền chiện, cườm bây giờ cũng còn ít lắm. Đã vậy mà nếu có phát hiện đàn chim bay về đâu đó, dân rập chim, “thương lái” chim mừng lắm, lập tức kéo đến bẩy bắt, mang lên thành phố bán, kiếm mối lợi. Những con sót lại bị động, kinh sợ, thiên di đến nơi khác; con nào chưa thiên di kịp, lần lượt bị “dính” phải thuốc sâu của nông nghiệp! Than ôi, còn đâu chim trời, thương thay cho thân phận bé nhỏ, yếu ớt của loài chim!
         -Tại sao lại có nghề kinh doanh chim, hả chú?
         -Con người thời nay mà cháu! Cứ cái gì lợi cho mình thì làm, bất kể hại ai, hại cho cuộc sống như thế nào! Rừng là vàng kia (Rừng vàng biển bạc) người ta còn tàn phá để cho bị lũ lụt hằng năm, khiến dân bị nạn, kêu trời. Hồi xưa, cũng có người bẩy chim, nhử chim đấy chứ: “Ở đời có bốn cái ngu / Mai dong, hứng nợ, nhử cu, cầm chầu” (Ca dao), nhưng nhử chim chỉ là một thú chơi, không phải nghề, không có chuyện kinh doanh ở đây. Ngày nay, cháu cứ nhìn xem, người ta kinh doanh chim thực sự mà, đó một dãy cửa hàng chim Hồng Nhạn, Yến Nhi, Quyên Ca…chú cháu mình vẫn thấy! Mà theo chú nghĩ, đã có nghề kinh doanh chim với “trình độ” làm ăn và lòng “vô tư” như hiện nay thì sẽ có ngày chúng ta mất hết đàn chim. Chẳng biết nghề đó đã nuôi sống và làm giàu cho bao nhiêu người? Theo chú, dẫu cho con chim trời có đem lại lợi ích kinh tế đến đâu, thì cũng nên bỏ đi nghề kinh doanh bắt sống chim trời này. Vì chúng ta cần chim để mãi còn ”ngày xuân con én đưa thoi” (Thơ Kiều – Nguyễn Du) cho bầu trời thêm đẹp, “con công hay múa” cho mặt đất thêm vũ điệu, “con chim kêu dưới suối Từ Bi” (Ca dao)…cho xung quanh ta thêm tiếng ca, như thế tức thiên nhiên thêm giàu có, cuộc sống của ta thêm vui…Và sau cùng là để ta được hưởng một môi trường cân bằng sinh thái, thiên nhiên và con người hòa điệu sống, thế giới một phần nhờ đó yên ổn, trường tồn. Từ nay, chú không nuôi chim lồng nữa đâu, nhá.
          Mới đây tôi về quê, gặp trên đường làng một nhóm cháu nhỏ đang quây quần nhau, tay vỗ, miệng rập ràng hát: “Cu cườm đậu tháp Cánh Tiên / Cúc… cu…cu… cúc… nắng nghiêng mặt thành (Thành Hoàng Đế) / Con két cắn trái ớt xanh / Cắn thêm quả khế ngọt, tha cọng tranh lên trời”  (Ca dao). Tôi vui, vì trong trí tưởng tượng của mình đang hiển hiện một bức tranh quê linh động từ bài ca dao, được chứng kiến một màn trình diễn rất “nông thôn”, đậm chất đồng dao. Nhưng tôi cũng tội nghiệp rằng, các cháu hát “chay” đó, vì tôi biết chúng chưa có dịp tới tháp Cánh Tiên, chỉ cách đó vài ba cây số, mà cũng chưa thấy chim két trong bộ cánh xanh mỏ đỏ rực rỡ của nó bao giờ. Vì đàn chim này vắng bóng ở quê tôi, kể cũng đã lâu.

(1) Ca dao: Chim kêu dưới suối Từ Bi / Đã thương, ăn sim chín, củ mì luồi, vẫn thương. Bài khác: Chim kêu dưới suối Từ Bi / Nghĩa nhân còn chưa trả, sá chi cái gùi.