.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010



Tản văn Huỳnh Kim Bửu


Tre

Tre được trồng trong các làng mạc, trồng thành bụi tre, rặng tre, bờ tre. Bờ tre bao quanh làng được gọi là lũy tre làng hay rặng tre làng. Cả nước, đi đâu người ta cũng gặp tre, gặp những làng mạc hiền hòa và những lũy tre xanh. Cùng một gia đình, dòng họ với tre, người ta kể có trảy, trúc, tầm vông...

Từ xưa tới giờ, trải đã bao đời, ta vẫn sống nhờ tre lắm. Một đời người, mới sinh ra ta được mẹ đặt nằm nôi (tre) tuổi thanh niên, trung niên ta lao động kiếm sống với những dụng cụ cuốc, rựa, câu liêm, gàu tát nước... Cái gì cũng có một bộ phận hay cả toàn phần làm bằng tre; thời lão niên, không làm gì nổi nữa, ta ngồi nhà, phe phẩy quạt nan (tre) tới khi trăm tuổi nhắm mắt xuôi tay, có đứa con hiếu thảo cắm hai cọc tre trên đầu và chân mộ phần của ta, nó cũng đặt cái giường thờ thờ ta làm bằng tre (Vì hồi xưa nghèo lắm, ít nhà sắm nổi cái bàn thờ chân gỗ mặt ván)... Người nông dân trong các làng quê làm ruộng và làm thêm nghề thủ công. Nhiều nghề thủ công là nghề đan nan tre, lấy nguyên liệu là tre, như nghề đan nia, thúng, giỏ bội, bầu nan, rổ xúc, vót đũa bếp, đũa con... Thế mà cũng góp phần nuôi sống được nhiều gia đình nông dân.

Mỗi làng quê là một cộng đồng dân cư dựa vào lũy tre làng để chống trả lại mọi thế lực thù địch (từ thú dữ đến kẻ trộm cướp, giặc ngoại xâm..) đặng bảo vệ cuộc sống êm đềm, yên vui của làng quê. Theo truyền thuyết, vào thời Hùng Vương thứ 6, cách đây hơn hai ngàn năm trước, nước Văn Lang bị nạn giặc Ân. Được dân làng đi theo, chàng trai nọ thuộc làng Phù Đổng (tục danh là làng Gióng), sinh ra khác thường, và có tài ba ý chí cũng khác thường lắm, ngày kia đã nhổ bụi tre đằng ngà bên đường làm vũ khí lợi hại, rồi thót lên lưng ngựa sắt phun lửa xông ra trận tiền đánh đuổi quân giặc. Thắng trận xong, chàng trai lên núi Sóc Sơn, rồi bay lên trời, được Vua phong là Phù Đổng Thiên Vương, dân gian phong là Thánh Gióng. Ta còn nhớ, thời 9 năm đánh Pháp, ta có vũ khí là chông tre, gậy tầm vông vạt nhọn; làng quê nào cũng cắm dày cọc phòng không bằng tre để chống quân Pháp nhảy dù xuống chiếm làng...

Tre tô điểm vẻ đẹp cho cảnh vật làng quê, khiến ta yêu say đắm. Làng quê ta đẹp lên với lũy tre, với buổi sáng mặt trời mọc le lói trên đầu ngọn tre; buổi trưa, từ rặng tre phát ra tiếng con chim gù rót điệu du dương; buổi chiều rặng tre xào xạc gió và tiếng sáo trúc mục đồng ngồi lưng trâu trở về nhà bay trong gió... Rồi với chạng vạng về, bóng đêm phủ xuống là lúc gương mặt chị Hằng lấp ló giữa hai rặng tre ở cuối thôn trang... Mỗi lần đi xa, nơi xứ người, ta không khỏi thương nhớ lũy tre làng, thương nhớ những trưa hè oi ả ta vẫn ngồi hóng mát dưới bóng rặng tre già; thương nhớ tiếng cuốc kêu ai oán đêm hè phát ra từ bụi tre mọc nơi góc vườn ta đó; rồi cảnh Đông sang, nhìn đâu cũng thấy:

"Tre rũ rợi ven bờ chen ướt át"
(Bến đò ngày xưa - Anh Thơ)

Ngay từ hồi xưa, cây trúc cũng đã xếp vào hàng Mai - Lan - Cúc - Trúc, thú chơi của hạng người tao nhã.

Người nông dân gần gũi với tre, cho nên tre cũng cho họ bao chiêm nghiệm về cuộc sống, về đời người. Khi lâm vào cảnh nghèo khó, họ không bi quan; dẫu bản thân có gặp điều không may, họ tin mình "giỏ rách còn bờ tre", tức là còn có "hậu phương" vững vàng. "Tre tàn măng mọc" là nói về sự nối tiếp của đời người. "Măng không uốn làm sao tre uốn được" câu nói dân gian đó, cho đến nay vẫn còn giá trị về mặt giáo dục lớp trẻ để dần đưa chúng vào luân thường đạo lý, tránh cho chúng tập nhiễm thói hư tật xấu ở chung quanh. Nhờ có tre mà tâm hồn chàng trai làng trở nên thơ mộng hơn, bóng hình nàng thôn nữ trở nên đẹp hơn:

"Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh
Trúc xinh trúc mọc sân đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh"...
(Ca dao)

Kẻ sĩ ngày xưa xuất thân từ ruộng đồng, nhìn tre bảo: "Tiết trực tâm hư" (thân thẳng, lòng rỗng không), đó là biểu tượng của bậc đạt nhân, quân tử. Người nông dân đã từng cầm rựa đứng trước bụi tre, mỗi lần nói về chặt tre, anh không khỏi nhớ lại kinh nghiệm bản thân mình và kinh nghiệm của người khác truyền cho anh:

Nhứt đánh giặc, nhì chặt tre

Nhứt chặt tre, nhì ve gái

(Tục ngữ)

Tôi lại nhớ cái "tủ sách" kỳ lạ mà tội nghiệp của ba tôi ngày xưa. Ba tôi đang học chữ Nho với một thầy đồ thì gặp thời buổi đổi thay, ông chuyển sang học chữ Quốc ngữ, rồi đi thi lấy bằng Sơ học Yếu lược, tương đương lớp 3 bậc Tiểu học bây giờ. Ông tự "đóng" cho mình một "tủ sách". Tủ sách của ba tôi là những đốt tre ngâm được cưa cắt khéo léo. Hai đầu đốt tre là hai mắt: Một mắt làm đáy và một mắt làm nắp, đằng nắp được khoét đậy khít khao. Sách và các loại giấy tờ (như trích lục ruộng đất, khai sinh, giá thú...) ông cuộn cất vào đó, đậy nắp kỹ, rồi cột dây treo lên rường nhà. Nhìn lên rường nhà, thấy "tủ sách" của ba tôi treo lủng lẳng những ống tre, những ống tre dùng lâu ngày đen bóng lên.

Một hôm ba tôi đang "kiểm kê" sách (ghi tên và đánh số cuốn sách trên các ống tre) có tôi giúp ông một tay. Ông bảo: "Hồi xưa chưa có giấy, những sách này được làm bằng tre, viết trên thẻ tre; sách dày thì nhiều thẻ tre ghép lại, sách mỏng ít thẻ tre hơn và được cuộn thành bó. Tần Thủy Hoàng, Đường Minh Hoàng...là những ông vua ham đọc sách, chỗ vua ngồi đọc, trước mặt chất cao những bó thẻ tre, đó là những bó sách. Vì sách viết trên thẻ tre, cho nên, mới có mấy cuốn sách thôi mà đã thành một gánh sách nặng. Và bởi thế mà học trò đi học trường xa, phải có đứa tiểu đồng gánh sách đi theo. Còn sách lịch sử thì gọi là thanh sử, tức sử xanh, là sử viết trên những thẻ tre:

Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh
(Truyện Kiều - Nguyễn Du).

Con đã học tới lớp Nhì, có biết, thanh sử là như thế không?".

Thời nay, cây tre ít dùng. Làm nhà cửa? - Có gạch ngói, xi măng, sắt thép. Làm thúng rổ? - Có nhựa, có nhôm. Làm bàn tủ? - Có gỗ, sắt, inox. Đun bếp? - Có bếp ga... Thuyền câu của Nguyễn Khuyến thời xưa, chắc là thuyền nan:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Chứ thuyền câu của các "ngư phủ" thời nay mà tôi thường thấy là thuyền inox, thuyền sắt tây. Cho nên, cây tre thừa ra, lũy tre làng dần thưa thớt, không còn đủ sức bao quanh làng nữa, nhiều nhà không còn có bụi tre nơi góc vườn, cho lũ chim thường về đậu, cất tiếng hót líu lo. Hiện nay tôi có nghe thấy, ở một số địa phương, người ta đang phát động phong trào trồng tre thành rừng (trúc lâm) như một cách làm giàu, vì mọi thứ của cây tre (từ thân lá cành đến gốc rễ..) đều dùng được, có giá trị kinh tế; nhất là măng tre là một nguồn thực phẩm được ưa thích nhiều. Mong rằng, phong trào này có kết quả để cây tre thân thương muôn đời của con người, một mai kia còn mãi.

Không có nhận xét nào: