.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011





Tản văn Huỳnh Kim Bửu




Tản mạn gói mì ăn liền


Chúng ta đã ăn phở tái, bún giò, miến ngan… từ xa xưa (từ thuở Hà Nội - băm sáu phố phường, Huế - thần kinh) nhưng ăn mì ăn liền thì mới chừng mấy chục năm nay.

Mì ăn liền là một thực phẩm khô, chiên trước với dầu cọ, vô gói (từ 60 -  80g), ăn liền sau 3 -  5 phút dội nước sôi lên. Mì ăn liền ra đời muộn mà có sức lan tỏa, “chiếm lĩnh thị trường” mạnh, nhanh, đến sớm rộng khắp. Có thể nói, ngày nay gói mì ăn liền đã đến với từng nhà, kết bạn với từng người. Có thế, nước ta mới mỗi năm sản xuất tới 6 tỉ gói mì với đủ các thương hiệu (Hảo Hảo, Miliket, 3 Miền, Tiến Vua, Bò Rau Thơm, Gấu Đỏ… Mì lâu đời nhất là mì Colusa gói giấy vẫn còn được ưa chuộng). Có những con số của năm 2005, tôi đọc được trên báo: Trung Quốc, ăn nhiều mì tôm nhất thế giới với 44, 3 tỉ gói / năm 2005, Indonesia thứ hai với 12, 4 tỉ gói / năm 2005, Nhật thứ ba – 5, 4 tỉ gói / năm 2005. Tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất, tính theo đầu người: Hàn Quốc 69 gói / người / năm,  Indonesia 55 gói / người / năm, Nhật 42 gói / người /  năm. 

Nó nhờ vào đâu vậy?

- Chắc trước hết, nó nhờ vào cái giá rẻ: Trừ gói mì 5000đ – 6000đ dành cho người chuộng món ngon, gói mì phổ thông ba bốn ngàn đồng / gói, rẻ hơn cả đĩa bánh xèo rải rau giá búp, chén bánh bèo rắc tôm bột của mấy bà bán dạo xóm cho người nhàn rỗi vừa ngủ giấc trưa dậy. Đó là nói thời giá bữa nay, chứ hồi cách đây vài năm, mì ăn liền chỉ 500đ / gói thôi. Ít thấy có món vừa rẻ vừa ngon, theo nghĩa “tiền nào của nấy”, như gói mì. Ăn phở bò, bún giò thì “dội” lắm, lâu lâu mới dám cải thiện một bữa. Ăn bún cá, bún riêu cua giá cũng gấp rưỡi, gấp đôi gói mì tôm, mì thịt bằm ăn liền. Ăn bánh xèo, bánh bèo, ổ bánh mì cặp thịt “bình dân” đấy, nhưng bị thiếu nước, khô khan, khó nuốt, nhất là đối với người già ăn ít, có tật ăn hay mắc nghẹn. Sau cùng, nhiều người đã chọn “giải pháp” ăn gói mì, vừa rẻ vừa có cả cái lẫn nước, dễ nuốt trôi. Ăn xong tô mì tôm (cách gọi chung cho các loại mì), anh công nhân, chị cán bộ, bác nông dân yên tâm rằng mình đã nạp đủ “năng lượng” cho một buổi mai làm việc, từ sáng tới trưa. Nói, nhờ giá rẻ mà mì ăn liền tiêu thụ mạnh, “chiếm lĩnh thị trường” nhanh, chưa chắc trúng! Vì có những nước giàu vẫn ăn nhiều mì tôm kia mà.

- Ưu điểm thứ hai của gói mì tôm dễ thấy, là tiện lợi. Trước hết, tiện cho việc để dành, để trên bàn ăn, đậy rổ lại, hoặc cất trong chạn là tốt, miễn sao đừng để chú chuột đục khoét. Vì chuột mà đục khoét gói mì, chẳng khác gì ông Tám Khừng quê tôi, gặp cỗ giỗ được cho ngồi vào mâm. Mà cũng tiện cho việc chế biến, người bận rộn công việc, với gói mì tôm và chút nước sôi trong phích là có ngay bữa ăn, ăn lẹ. Bởi khỏi phải chế biến lâu lắc, ăn lẹ để còn công việc, gói mì tôm mới được đặt tên là “mì ăn liền” (nhưng cái tên này  người ta ít gọi hơn cái tên mì tôm đã quen miệng, quen miệng đến mức gói mì chay cũng bị gọi là mì tôm chay).

Trong đời, tôi đã gặp nhiều cảnh ăn mì ăn liền cảm động lắm. Cái hôm máy bay trực thăng sà xuống tới đọt tre, thả hàng cứu trợ xuống “ốc đảo” quê tôi (vùng đang bị thiên tai lũ lụt bao vây), tức thì từ trong các nhà ngập lũ sâu, bà con đã ào ra, bơi theo dòng nước cuộn chảy, vớt những thùng mì tôm bọc trong giấy nhựa. Và từ bữa đó, bà con làng tôi đã ăn mì tôm cầm hơi, suốt những ngày bão lũ gian nan, cơ cực. Khối cô cậu sinh viên, học sinh nghèo trọ học xa gia đình, vừa mua sách học vừa “kế hoạch” túi tiền, mua chục gói mì tôm để dành “ăn dặm”, vì nhiều bữa phải mì tôm thay canh, mì tôm bữa sáng đến trường, bữa tối thức khuya học bài. Khối anh chị công nhân nhà máy, ông bà cán bộ hưu trí (từng làm nhân viên cho lãnh đạo), đến kỳ lĩnh lương, liền ưu tiên dắt nhau ra siêu thị, mua một thùng mì tôm ôm về, bảo đã làm xong “kế hoạch tiền lương”. Một bà chủ quán trong khu dân cư nghèo đã có lần kể cho tôi nghe, những ngày giáp Tết, quán bà bán mì tôm chạy lắm, nhà nào cũng mua mì tôm ăn Tết, có nhà mua tới mấy thùng. Hình như đoán trước được, tôi sẽ có câu hỏi, tại sao, bà giải thích luôn: “Bởi tại cái gu của dân vùng này và cũng vì, bà con sợ ngày Tết quán xá nghỉ, mà lo trước còn hơn”.
  
Không ít người phong lưu, thích ăn ngon, phải bữa mì tôm, người ta đã “gia công” cho gói mì: cho thêm thịt ướp, chả giò, nhánh rau thơm, tiêu bột, củ hành ngâm chua, dội nước lèo nấu xương heo, sụn bò… Thế là thực khách có được một tô mì tôm hảo hảo, khác xa cái hương vị ban đầu của nó. Hương vị thuở ban đầu của tô mì ăn liền, nếu là mì tôm thì có chút hương vị tôm, mì thịt bằm chút hương vị thịt, mì bò bip – tết tí xíu hương vị thịt bò. Ngoài cái hương vị thịt hay tôm, theo tên gọi của gói mì, còn có cái hương vị rau thơm, cà rốt (hoặc khoai tây, đậu Hà Lan), muối, bột ngọt có trong bì gia vị của mỗi gói mì… Mì chay có hương vị nhiều loại rau: ngò thơm, cà rốt, khoai tây… và mùi thơm nấm (thay cho hương vị thịt, tôm, cua).

Đem mì tôm so sánh với bánh bèo, bánh xèo mới thấy cái “bất công” trong sự “đối đãi” của con người. Gói mì tôm (ba, bốn ngàn đồng) lại được sản xuất trong nhà máy công nghệ với dây chuyền sản xuất tiên tiến, có thương hiệu mĩ miều, bao bì láng bóng rực rỡ, được đóng thùng lịch sự, sang trọng; trong khi đó cái bánh chưn, chồng bánh xèo, đĩa bánh bèo…(cùng giá) lại chế biến trên lò than, bếp củi lọ lem, tới khi có cái bánh rồi, cũng chẳng gì hơn, vì bị thảy ra mâm, ra mẹt. May mà gặp người ăn tinh đời, có bụng tốt còn biết, đây là: “Món ăn dân dã”… để mà thương nhau.

Mì ăn liền chắc không bị cuộc cạnh tranh ráo riết, mặc dù ngày nay có xuất hiện gói phở ăn liền, miến ăn liền, cháo ăn liền… Tôi nghĩ, những gói sau này chỉ làm đa dạng, phong phú thêm cho gói mì ăn liền đang phục vụ cuộc sống hối hả thời nay.

Thử hỏi, ở trong nước mình, món ăn nào có tính phổ cập, “phủ sóng” toàn miền, toàn cõi, toàn quốc? Phở chăng? -Nhiều thị trấn không có quán phở tái, nạm. Bún bò giò heo chăng? –Cũng không. Cháo lòng, bánh hỏi thuộc “gu” của dân Bình Định, nhưng nơi khác thì cũng chẳng có “biệt nhãn”gì. Cao lầu vẫn “cố thủ” ở thành phố Hội An – Quảng Nam, Don “an phận thủ thường” ở thành phố Quảng Ngãi… Thưa, chỉ có gói mì ăn liền.

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Xin giới thiệu 




Tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa”
           Trương Văn Dân
    Công ty văn hoá Phương Nam & Nhà xuất bản Hội nhà  Văn
           Phát hành toàn quốc theo hệ thống  PhuongNam Book
    Trích đoạn 1         


    Tóm tắc : Sau hai cuộc hôn nhân đổ vỡ  và những lần tự tử bất thành, “ sau bao vật vã, trong một đêm mưa em đã tìm lại được nửa kia của mình. Cái nửa mà Thượng đế, nhằm trừng phạt về tội tham lam và độc ác, đã chia mỗi con người thành hai mảnh, buộc họ phải bôn ba khắp quả địa cầu để tìm lại nửa kia thì mới có được  bình an. Kể từ ấy, tự mấy nghìn năm nay, con người đã vất vả, lao đao. Không mấy ai trên cõi đời may mắn tìm thấy nửa phần thất lạc của mình. Phần lớn chỉ làm những ghép nhặt không ăn khớp. Để thay vì khoả lấp nỗi cô đơn, trống trải lại nhân lớn thêm lên. Để thay vì sống chung hạnh phúc, họ chỉ gây cho nhau nhiều điều bất hạnh. Để thay vì vui hưởng bình an, họ chỉ nhấn chìm nhau vào cơn bão lửa, hận thù. Còn em... Em đã  gặp được anh, như tìm thấy nửa mảnh khít khao của mình. Anh ơi, em yêu anh lắm. Gặp anh, em như đã có đầy đủ những gì em khao khát, có thể nói còn hơn cả khao khát.”  
    và  sau mấy tháng quen  nhau và hút nhau,  người đàn ông của nàng phải đi công tác  ở nước ngoài.
        Đây là khoảng thời gian Gấm đang đợi chờ ngày tái ngộ…
“....Anh về sớm hơn ba ngày mà không báo trước.  Lúc anh gọi từ sân bay Tân Sơn Nhất tôi cứ tưởng cuộc gọi từ nước ngoài. "Em thu xếp  và đến với anh đi. Đến ngay nhé! Căn nhà ở ngoại ô, qua cầu  Bình Triệu, nằm bên dòng sông đó!"
      Tôi kêu lên mừng rỡ. Thu xếp vội vàng công việc, tôi phóng như bay đến với anh. Chưa kịp chống xe, anh đã bế lấy tôi  làm chiếc xe máy ngã lăn kềnh trước ngõ. Bước vào nhà, hấp tấp. "Anh mong em quá. Đêm nay ở lại với anh đi!". Tôi run lên vì cảm động. "Còn bé gái. Em không thể ở qua đêm". Nói thế nhưng tôi đã thu xếp và ở lại nhà anh ba ngày, hai đêm. Suốt thời gian "trăng mật" cả hai không hề bước ra khỏi nhà, và tôi, tôi chỉ quanh quẩn bên anh như con mèo ngoan ngoãn, lúc nào cũng cuộn tròn trong lòng anh. Để được vuốt ve. Vỗ về. Che chở.
      Khi anh đặt nhẹ tôi trên giường  thì tôi vội  ôm chầm lấy anh. Kéo xuống, cả hai lăn xả vào nhau, quấn quít, những giọt mồ hôi rịn ra từ  trán anh  như hoà với nước mắt của tôi  đang tuôn trào vì hạnh phúc. Môi anh mơn man trên khuôn mặt tôi đầm đìa nước mắt. Tôi hớp lấy từng giọt, từng giọt, tham lam nuốt chửng như sợ phí phạm những giọt tình yêu  đang chảy trên má mình. Anh ơi mùi vị này thật ngọt ngào sau bao ngày khát khao, chờ đợi. Cảm xúc  của tôi tăng dần khi toàn thân cảm nhận những nụ hôn cháy bỏng từ đôi môi thèm muốn của anh.  Có lúc anh vít lấy đầu tôi, rót vào tai một âm điệu du dương ngọt ngào :" Hãy buông thả đi em.” "Dạ, dạ ... anh làm gì em cũng chịu hết! ". Hơi thở đứt quãng làm tiếng tôi như khàn đục. Tôi cuống quít như bị hớp mất hồn. Nhắm mắt, tôi nghe máu nóng chảy rần rần trong cơ thể. "Anh ơi, em chết mất". Anh quàng lấy thân người tôi đang run rẩy " Em hãy bay đi!" rồi siết mạnh và tình tứ nhìn tôi. Cái nhìn vuốt ve, đắm đuối, cái nhìn như cơn bão xoáy, cuốn hút rồi lốc tôi rơi vào giữa đại dương êm ái. Tôi miên man ngụp lặn. Bờ môi tôi cuống quít áp lên cổ rồi trườn xuống lồng ngực đầy nam tính của anh đang phập phồng. Tôi hôn anh nhẹ nhàng. "Anh ơi, em si mê anh...lúc nào em cũng khao khát thèm muốn anh" "...Anh ơi ôm chặt em đi, mau đi anh...". Rồi...Những tiếng rên rỉ  làm không gian rung lên. Đất trời vần vũ, chuyển mình trong lôi cuốn huyền hoặc của tình yêu. Ngọn lửa đam mê trong lòng như đốt tôi  thành hơi nước, thăng hoa trong tiếng rên rỉ và giãy đạp của cảm xúc...Tôi không còn biết gì, toàn thân ngây dại, chỉ nghe tiếng trái tim mình đập liên hồi, theo cái nhịp gấp gáp của anh đang bóp thắt trong tôi.
       Trong khoảnh khắc, mọi phù phiếm của đời sống đều bị chìm đi, mất hút, cái còn  lại là  cảm giác đê  mê của sự hiến dâng, cho và nhận, vút bay lên chín tầng trời. 
      Chúng tôi nằm ôm nhau trên giường mà tưởng như  có một vầng mây gấm đang nhấc lên cao, triệt tiêu mọi hấp lực của trọng trường, từ từ tách khỏi mặt đất, trôi trong thinh không tịch mịch, lững lờ trong hư vô bát ngát... rồi cả hai đều chìm trong trạng thái xuất thần, nửa mê, nửa tỉnh. Chúng tôi bám chặt vào nhau nhưng cố gắng không cử động hay nói một tiếng nào để không phải phá tan cái phút giây thiêng liêng ngạt ngào hương vị đó.
          Khi thấy mắt anh lim dim, không muốn anh  đứng lên làm mất giấc ngủ đang ùa đến, tôi vội đi pha nước ấm, cẩn thận thêm một chút tinh dầu để lau người cho anh. Phơi  trước mặt tôi là một thân hình  đàn ông khoẻ mạnh, trần truồng. Đó là tấm thân đã gắn với tôi bằng một quan hệ sâu xa còn hơn máu huyết. Tôi biết đó là thân hình đẹp nhất mà tôi có thể nhìn thấy trên đời. Bởi nó là sức mạnh trừu tượng của tình yêu được hiển thị thành xương thịt.”
……


Tác giả mong đón nhận những góp ý và nhận xét phê bình của bạn đọc:
LÒNG YÊU SỐNG 
PHẠM XUÂN NGUYÊN
      Sinh thời, nhà thơ Hoàng Trung Thông khi đang còn là  Viện trưởng Viện Văn học, nhân một lần trò chuyện văn chương chữ nghĩa ông bảo tôi là ông không thích cái tên dịch một truyện ngắn của nhà văn Mỹ  Jack London là “Tình yêu cuộc sống” (Love of Life). Nhà thơ bảo nên thay chữ “tình yêu” bằng chữ “lòng yêu”. Ông nói chữ “tình yêu” trong tiếng Việt như đã đặc dụng cho đôi lứa nam nữ, còn chữ “lòng yêu” là dùng cho mọi đối tượng. Dịch cái tên truyện của Jack London thành “Lòng yêu cuộc sống” đúng và hay hơn. Tự nhiên tôi nhớ câu chuyện này khi ngồi gõ phím bàn tính viết đôi lời mở đầu cho cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả Trương Văn Dân mang tên Bàn tay nhỏ dưới mưa. Nội dung cuốn truyện là kể về tình yêu của một người con gái tên Gấm. Gấm đã trải qua hai cuộc hôn nhân không tìm thấy hạnh phúc. Trong lúc đau khổ và tuyệt vọng nhất Gấm đã gặp được người đàn ông của đời mình, người đã mang lại cho Gấm không chỉ một tình cảm lứa đôi (tuy không làm vợ chồng) trọn vẹn, đằm thắm, mà còn cả một cuộc sống làm người đầy đủ, phong phú. Có lẽ vì số phận nhân vật như thế, nội dung truyện như thế, nên tự nhiên mà đọc xong xui tôi nhớ đến cách dùng chữ của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Và tôi nghĩ cuốn tiểu thuyết của Trương Văn Dân là một khúc ca trầm về lòng yêu sống. Không chỉ yêu tình yêu mà còn yêu sự sống, một sự sống đang có nguy cơ bị hủy diệt bởi chính con người. Tình yêu của Gấm và người đàn ông lý tưởng của cô được tác giả đặt vào trong một môi trường xã hội và tự nhiên đang bị con người vấy bẩn, làm ô nhiễm, tàn phá, hủy hoại. Khác với những khung cảnh lãng mạn nên thơ của tình yêu truyền thống. Phần này của truyện lồng ghép một cách trực tiếp, trực diện, có thể chưa phải đã tự nhiên, khéo léo về nghệ thuật, nhưng thông điệp tác giả muốn truyền đi thì đã rõ. Nó giúp tác giả nói lên lòng yêu sống toát ra từ tình yêu của Gấm.
      Tôi gọi Bàn tay nhỏ dưới mưa là khúc ca trầm vì tác giả dùng hình thức kể chuyện ở ngôi thứ nhất thông qua cuốn nhật ký của Gấm ghi chép về cuộc đời mình. Những ghi chép này làm thành phần đầu cuốn truyện. Chúng được nhân vật người đàn ông của cuộc đời cô tìm thấy và công bố khi cô không còn hiện hữu về thể xác trên cõi đời. Và đó là phần sau cuốn truyện. Trong những ghi chép của mình, Gấm soi chiếu toàn bộ cuộc đời cô dưới ánh sáng của cuộc tình cuối cùng. Chủ yếu ở đây là chiêm nghiêm tâm trạng. Những sự kiện, tình tiết được kể lại hay nhắc đến chỉ để khơi gợi nỗi yêu và nỗi đau của Gấm, cho cô những trường hợp để trăn trở nghĩ suy về cuộc đời, tình yêu, và lòng người. Nhân vật người đàn ông nhà báo đã cứu vớt cuộc đời cô, đã yêu cô làm cô hồi sinh và hạnh phúc, được Gấm ngợi ca như một con người toàn bích, lý tưởng. Nhưng lắng sâu vẫn là nỗi buồn lo, phấp phỏng cho sự mong manh của kiếp người, của cái đẹp, cái thiện trong đời. Tác giả dùng lời cho Gấm nhiều những câu dài miên man cảm xúc, nhiều những nhịp điệu thăng trầm tâm trạng. Đồng vọng tương cảm với những ghi chép của Gấm là những cảm nhận, suy tư của người đàn ông nhà báo khi đọc chúng. Người đọc tiểu thuyết vì thế được dòng tình cảm của hai nhân vật cuốn đi mê mải buồn. Dừng ngắt ở chỗ nào cũng là chưa đủ. Mà bắt đầu từ ở chỗ nào cũng vẫn kịp. Có thể đấy là một dụng công viết của tác giả, phải chăng. Câu truyện trong tiểu thuyết có thể là một phần đời đã sống của tác giả, cũng có thể chỉ là hư cấu, điều này tùy thuộc cảm nhận của mỗi người đọc sách. Nhưng khát vọng sống, khát vọng yêu cho con người hạnh phúc giản dị thường ngày, vượt qua và vượt lên những oan trái, khổ đau, cả những bất trắc rình rập từ những hiểm họa thiên tai và nhân tai, đó là điều tác giả tìm mọi cách trình bày và truyền tải đến người đọc qua nhiều lớp ngôn từ được huy động và sử dụng. Cảm tưởng như tác giả muốn rung lắc độc giả lay động theo từng con chữ anh viết để chia sẻ cùng anh những điều tin lo.
      Trương Văn Dân nhiều năm sống xa xứ, làm một ngành nghề không dính tới văn chương. Nhưng anh cầm bút trước hết để được sống cho mình, sống với mình, từ những hồi ức kỷ niệm về quê hương, người thân, mà đã là người Việt nặng tâm tình thì dù ở đâu đi đâu làm gì cũng đều canh cánh bên lòng và vấn vương trong hồn. Lòng yêu sống ở anh thấm vào trong câu chữ mộc mạc, chân tình, ngay ở tác phẩm đầu tiên - tập truyện ngắn Hành trang ngày trở lại. Viết tiểu thuyết với Trương Văn Dân còn hơn một sự thử bút ở thể loại dài, đó là sự trang trải, giãi bày một tình yêu, một lòng yêu, của mình cho mình, và cho người. Đọc Bàn tay nhỏ dưới mưa, tôi không để mình bận tâm lắm về kỹ thuật viết, tôi để lòng mình cho rung động theo lòng tác giả và nhân vật, và tôi thương cô Gấm như tác giả thương.
      Có  một lòng thương người như thế mới có một lòng thương đời đến thế. Và khi đã chạm vào chữ thương thì “người đọc người thương nhau” (Chế Lan Viên). Cuốn tiểu thuyết này vì vậy là một bàn tay vẫy trong mưa với ai cho ai từng có/gặp một người như Gấm. Đấy là sự sẻ chia của/với tác giả. 
Phạm Xuân Nguyên
   ( Nhà phê bình văn học)
      Hà Nội 29.8.2011

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011



Thơ Huỳnh Kim Bửu




Trăng đưa em
qua những ao xanh



Trăng rải đường làng
Anh Chí đi in bóng xiêu đổ
Anh Chí chửi bóng mình
Thật hăng.

Trăng rải đồng làng
Bông lúa chín
Thôn nữ hát
 “ Tình bằng…”
Không gian hòa âm.

Đợi khách trên sông
Ông lái mân râu
Vuốt từng sợi trăng
Khua mái chèo
Trong đêm trong veo.

Đêm giã gạo
Cối gạo trắng ngần
Trăng vẫn thanh
Không phải: “Trăng tàn trên hè phố”
Em có về
Trăng đưa em qua những ao xanh?