.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Thơ Huỳnh Kim Bửu



Nội đi chùa


Nội đi lễ chùa
Đi cùng với tràng hạt
Gậy tre, tóc bạc…
Lòng con thương Nội:
Già còn có cửa chùa (1).

Nếp chùa in trên hình đất nước
Mọc trên trời sao Cày, sao Rua…
Mọc mặt đất những làng quê xanh lúa, xanh ngô
Nở trước ngõ mỗi nhà: bông trang, bông bụt…

Nội đi lễ chùa
Câu kinh Phật A Di Đà dịu mát
Hương ngọc lan thơm ngát
Theo Nội nẻo về…

(1) “Trẻ vui nhà già vui chùa” (Tục ngữ)




Thứ Năm, 12 tháng 5, 2011




Thơ Huỳnh Kim Bửu



Thành phố của tôi:
Biển – Mặt trời và Ngày




Bộ ba nhịp điệu cuộc đời
Biển của những ngư dân ra lộng ra khơi
Những người đi tắm biển
Những người thích ngắm biển xanh…

Ngày của những công nhân khu công nghiệp
Những chị hàng rong
Những thanh niên uống cà phê quán vườn
Và chơi cờ tướng.

Mặt trời của những hồ sen
Những chùm bông giấy ngũ sắc
Những bóng chiều vàng vọt
Trên những tháp Chăm.

Biển – Mặt trời và Ngày
Bộ ba nhịp điệu mê say
Sáng nay những chùm bông giấy
Nở trong khu vườn nắng đầy.

Lập Hạ - 2011







Thơ Huỳnh Kim Bửu




Vẫn mỗi ngày


Vẫn mỗi ngày đi ra với biển
Chỉ thấy gió thổi xanh bờ
Vẫn hạt cát trôi bơ vơ
Không thấy đâu em: Biển mặn…

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

Tản văn của Huỳnh Kim Bửu


Những cuốn sách và nông dân xưa
 

                                       

          Ngày xưa, cái học “thiên kinh vạn quyển”, chắc là cái học ở chốn kinh thành, ở nơi có các trường thi dành cho các sĩ tử “cướp cờ, cướp biển”, như ở quê tôi có trường thi Hương Bình Định. Chứ còn ở các vùng nông thôn thì cái học trường lớp hiếm hoi lắm, số người đi học ít mà sách cũng ít.

         Sách Tam thiên tự (tác giả Đoàn Trung Còn) dạy vỡ lòng chữ Nho. Trẻ con nông thôn học ông thầy đồ ở trong làng sách Tam thiên tự với những câu: “Thiên – trời, địa – đất, cử - cất, tồn – còn, tử - con, tôn – cháu”…Ai học hết sách thì có vốn 3000 từ làm “hành trang” buổi đầu đi học. Nhiều trẻ con học chưa hết sách đã phải nghỉ học, vì nhà nghèo, cần ở nhà giúp đỡ cha mẹ. Những trẻ này tới khi lớn lên thành anh trai làng, bác nông dân, nhờ chút học đó, mà không bị xấu hổ, vì: Không biết được chữ Nhất là một.
         Tam tự kinh (Sách ba chữ, do Vương Ứng Lân, Trung Quốc biên soạn) tập hợp những tinh hoa của Nho giáo. Ở trong các làng quê xưa, nhiều bác nông dân vừa mới rửa chân tay cho sạch bùn đất để đi ăn giỗ, nhưng đã ngồi vào cỗ là “nói chữ”, “xổ Nho”: từ “Nhân chi sơ Tánh bản thiện. Tính tương cận Tập tương viễn” (Người thuở đầu, tánh vốn lành. Tánh nhau gần, thói nhau xa.)…đến “Dưỡng bất giáo Phụ chi quá Giáo bất nghiêm Sư chi đọa”: (Sinh không dạy, lỗi ở cha. Dạy không nghiêm, lỗi tại thầy). Cảnh ngồi cỗ giỗ mà đối đáp, rượu vào lời ra thế cũng vui, thường khi làm được việc giáo hóa điều gì đó.  Từ “xổ Nho” (cũng nói xổ Nho chùm) cũng có ý thầm phục: Các vị có học đàng hoàng, có Hán rộng!
          Sách Minh tâm bảo giám (tác giả Trương Vĩnh Ký) được nông dân thích học, cứ bảo: “Đó là gương báu soi lòng”.  Nhiều câu trong sách Minh Tâm nghe nói hoài giống như ăn cơm bữa, và sớm nhập tâm, trở thành nếp sống, nếp nghĩ của mọi người: “Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác Thiện hữu thiện báo Ác hữu ác báo” (Chứa lành thì gặp lành, chứa ác gặp ác. Thiện có lành báo, ác có dữ báo). Rồi những câu khuyên dạy: “Phàm nhơn bá nghệ hảo tùy thân / đổ bác môn trung mạc khứ thân / năng sử anh hùng vi hạ tiện/ giải giao phú quý tác cơ bần”…(Hễ biết nghề nào cũng ấm thân. Mấy nơi cờ bạc chẳng nên gần.  Anh hùng mắc phải ra hèn hạ. Phú quý lâm rồi lại khó khăn)… Rất phổ cập, đến thành bài học, thành “câu hát” mùi mẫn ở trong các làng quê.
           Trên là những sách “giáo khoa” nông dân ít nhiều có thời trẻ thơ được học với ông thầy đồ hoặc với cha, anh ở nhà.
          Tứ thư, Ngũ kinh là những sách dành cho nho sĩ. Những nho sinh, sĩ tử có mộng khoa danh thì cố “ôn nhuần kinh sử”. Còn đa số nông dân, nhờ cuộc sống làng quê có sự chung đụng giữa nho sĩ và nông dân mà kiến thức được chia sẻ cho nhau. Nông dân vẫn “nói chữ”: “Quân quân thần thần phụ phụ tử tử” (Vua -  tôi, cha – con, ai có bổn phận nấy - Luận ngữ ) mỗi khi muốn nhắc nhở cái bổn phận phải lo cho tròn, cái quan hệ, kỷ cương phải giữ. Ngoại tôi là nông dân, ông đã chọn một câu hay trong Kinh Thi: “Quan Quan Thư Cưu Tại Hà Chi Châu Yểu Điệu Thục Nữ Quân Tử Hảo Cầu” (Chim thư cưu kêu quan quan… trên cồn sông Hoàng Hà. Gặp người gái đẹp, quân tử phải lòng) mà đặt tên cho các người con của Ngoại. Ngoại có 16 người con trai gái, má tôi thứ 8 xinh đẹp, trúng tên Châu: Nguyễn Thị Minh Châu, cũng đẹp.

          Sau này, hết thời chữ Hán lâu đến ngàn năm bước sang thời chữ Quốc ngữ mới ra đời.
         Đại Nam quốc sử diễn ca (của Phạm Đình Toái) được dạy ở trường Tiểu học. Vẫn thường vang vọng trong xóm thôn tiếng ôn tập bài học của các học trò trường Huyện. Khi thì: “Hùng vương đô ở Châu Phong / Ấy nơi Bạch Hạc hợp dòng Thao giang / Đặt tên là nước Văn Lang / Chia mười lăm bộ bản chương cũng liền…”.  Khi thì: “Bà Trưng quê ở Châu Phong / Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên / Chị em nặng một lời nguyền…”.  
         Đến sách Quốc văn giáo khoa thư (QVGKT – nhóm ông Trần Trọng Kim biên soạn), được những “nông dân” ấu thơ học với cả lòng hứng thú. Bài nào học cũng mau thuộc, mau nhớ. Bài Rắn đầu biếng học (của Lê Quý Đôn):Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà! / Rắn đầu biếng học quyết không tha / Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ / Nay thét, mai gầm rát cổ cha…” là một trong những bài trong sách được học một lần là nhớ cả đời. Người ta nói, có “tình nghĩa giáo khoa thư” để chỉ cho tình bạn, tình huynh đệ giữa những người cùng học chung cuốn sách đó. Chẳng bao lâu, những chú bé học trò ngày trước học QVGKT trở thành các bác nông dân thuộc sử nước nhà, biết cảm thụ, biết thế nào là một bài văn hay.
        Từ nhỏ tới lớn, ta vẫn nghe ông cha cứ dặn bảo “Học làm người”, bài học cần học cả đời. Và ai cũng biết cái phẩm chất bao trùm của làm người là hiếu thảo, cho nên những nhà chứa sách (tích thư) đều có cuốn Nhị thập tứ hiếu (tác giả Lý Văn Phức). Bác nông dân nhân khi nhàn rỗi, vẫn ngồi đó “giảng sách” Nhị thập tứ hiếu cho con cháu nghe mà cũng là dịp cho chính mình ôn lại: “Người tai mắt đứng trong trời đất / Ai là không cha mẹ sinh thành / Gương treo, đất nghĩa trời kinh / Ở sao cho xứng chút tình làm con…”…vẫn kể rành rẽ 24 gương hiếu cảm động trời đất được ghi trong sách cũng như được truyền khẩu trong dân gian. Trong xóm thôn, những nhân vật Tử Lộ, Mẫn Tử Khiên… hình như ai cũng biết.
         Bên cạnh cuốn Nhị thập tứ hiếu, trên giá sách của các gia đình, còn có quyển Gia huấn ca. Từ khi quan đại thần Nguyễn Trãi viết Gia huấn ca, trong cả nước (Đại Việt hồi đó, nước Việt sau này), thì nhà nhà đọc, nhà nhà dạy Gia huấn ca. Người ta hứng hát, ngồi không với nhau hát: “Đặt quyển sách vắt tay nằm nghĩ / Hễ làm người dạy kỹ thì nên”. Người nông dân vẫn bảo “Dạy con từ thuở còn thơ…”. Thực là ông cha ta đã đề cao vai trò quan trọng bậc nhất của giáo dục.

         Tuy không thiên kinh vạn quyển như đã nói, nhưng bằng mấy cuốn sách đó, kết hợp với kinh nghiệm bản thân, nông dân đã nâng cao kiến thức, học được bao điều lợi ích. Không ai nghi ngờ chuyện nông dân thuộc Sử Việt, trong tâm thức nông dân có niềm tự hào lịch sử nước nhà có Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lê Lợi, Quang Trung…Nông dân không cục mịch như người ta tưởng mà trái lại họ có một tâm hồn đa cảm, luôn tìm đến với văn chương – nghệ thuật. Người ta vẫn ham thích đọc tiểu thuyết chương hồi (Trung Quốc), văn biền ngẫu, truyện cười dân gian… bằng cách ai biết chữ thì đọc, ai không biết đọc biết viết thì nhờ con cháu đọc cho nghe. Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn viết về phong tục, chuyện tình đôi lứa không thành; thơ Tiền chiến viết về đồng quê của Nguyễn Bính, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ… vẫn đem lại sự yêu thích cho các nông dân biết đọc biết viết. Nông dân ta chẳng những đọc sách, “giảng sách”, “nghe sách” mà còn là người sáng tác nữa. Ca dao, dân ca, hò vè …là sáng tác đầy hứng thú từ những tâm hồn yêu thương, trong trẻo của nông dân.

         Bây giờ xin hỏi, nhờ đâu mà những cuốn sách xưa phổ cập tới những người nông dân sống trong các làng quê hẻo lánh như vậy? Chắc là trong các nguyên nhân được nêu ra, có nguyên nhân tôi cho không thể thiếu: Đó là sách hay, sách đem lại cho người ta cái thú đọc sách.

        Ngày nay, có ai về nông thôn (giữa thời buổi nhiều sách báo, có tủ sách xã thôn), mà tìm một nông dân thuộc năm ba câu Kiều, vài đoạn Lục Vân Tiên, biết chuyện Nỏ thần An Dương vương, Thánh Dóng…để cùng nhau hào hứng “trà dư tửu hậu” thì thật khó quá. Cái “thú đọc sách” (Trước đèn xem truyện Tây Minh – Lục Vân Tiên), cái từ “nghe sách”, “giảng sách”, rất quen hồi xưa, nay cũng không còn trông thấy, nghe thấy nữa.