.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012


VỀ HKB

  NHÂN ĐỌC “ TRONG NHƯ TIẾNG HAC BAY QUA”

         NHỚ BẠN HIỀN...

     Tạp Bút :
    Mang Viên Long


      Trong Như Tiếng Hạc Bay Qua” là tập tản văn & bút ký thứ 2 ( tác phẩm thứ 3) của Huỳnh Kim Bửu vừa được nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành vào quý 3 năm 2011. Tác phẩm đầu tay là: ”Nơi Con Sông Côn Chảy Qua” (nhà XB Trẻ 2009). Tôi đã được đọc cả hai tập tản văn & bút ký này của anh bởi chúng tôi vẫn thường gặp nhau và gởi tặng “quà sách” cho nhau như một niềm vui, niềm an ủi cần chia sẻ trong cái phố thị nhỏ hẹp buồn hiu này
        Vẫn giọng văn trong sáng, giản dị, và thâm trầm – HKB đã nhẩn nha, đã tẩn mẩn, đã thong dong ghi lại những điều quanh anh ( cả quá khứ & hiện tại) một cách thích thú và chăm chỉ! Anh từ tốn, chậm rải, có chút trang trọng nhớ thương trong hoài niệm để miệt mài ngày đêm bên trang viết - đi hết những khắc ghi nầy, đến sự mô tả kia – những gì đã cho anh một thời quan tâm, gắn bó, sồng và nhớ đến như một điều không thể nào quên trong đời. Đọc văn anh – những bài bút ký về những đề tài hết sức gần gũi, có thể nói là tầm thường ( như cái chõng tre, cái phản, cái ao làng. cái nhà bếp. bộ ngựa gõ, cho đến ổ bánh mì nòng giòn, cau, gác trọ…) – nhưng tôi luôn luôn “tủm tỉm cười” vì sự thích thú, đôi khi ngạc nhiên vì sự tế nhị chăm chút tỉ mỉ của anh để làm cho những gì “đã chết đi” sống trở lại tươi mát và mới lạ!
         Bên cạnh những bài bút ký ghi đậm tính chất của “hoài niệm”và “tư liệu” được anh khéo léo (và trầm tĩnh) trình bày – là những  bài tản văn mượt mà hơn, dung dị và tinh tế hơn – đã được HKB “kể lại” như lời thì thầm trò chuyên thân tình.( nào là: kỷ niệm chiều, thưa mẹ quê xưa, ngồi buồn nhớ những rạ rơm, chim kêu dưới suối Từ Bi, tản mạn buổi Thu sang, cho đến đêm Xuân Hòa còn nghe tiếng vó ngựa Tây Sơn, quê nhà, nắng mới vân vân), Bốn mươi bốn bài tản văn ( & Bút ký) trong Trong Như Tiếng Hạc Bay Qua” là một cuộc hành trình dài đầy thú vị đưa đẩy người đọc “sống lại & nhớ thương” bao kỷ niêm thời vàng son xa cũ, dồng thời truyền đến hơi ấm đậm đà của quê nhà, của nghĩa tình qua bao đổi thay dâu bể!
          Theo thiển ý của tôi – một bạn văn & bạn đọc, thì ở Bình Định -ngoài nhà văn lão thành kỳ cựu Võ Phiến HKB là một trong vài người đã viết bút ký thành công với lòng đam mê hiến dâng, cùng sự kiên nhẫn cao độ cho dầu anh đã qua khỏi lớp tuổi “xưa nay hiếm”= là một điều  rất đáng trân trọng.
          Có một điều lạ lùng là mỗi khi đọc văn anh ( tản văn hay bút ký), tôi như hình dung ra được con người anh, đang gặp anh, đang được nghe anh từ tốn kể chuyện vậy! Hình ảnh anh hiện ra cùng trang viết êm nhẹ, tươi mát, mời gọi. Tôi “biết” anh (cũng như anh “biết tôi”) từ những năm trước 75 khi anh đang dạy học ở Phú Phong, còn tôi đang dạy học mãi tận Tuy Hòa. Là đồng hương ( và đống môn Cường Đễ Quinhon) nhưng vì hoàn cảnh đi lại khó khăn, nên chúng tôi không có dịp gặp nhau. Thuở ấy – HKB cũng chưa dành thời gian để viết nhiều – chỉ “làm thơ cho vui” vậy thôi. Tôi thật sự được “gặp & kết thân” với anh từ những năm đầu năm 2000 khi tôi đã về quê An Nhơn được 20 năm, đang giúp Hội VHNT An Nhơn làm công tác biên tập văn xuôi, mà HKB là một tác giả thường xuyên cọng tác.
            Bận nào về thăm quê Nhơn An (anh đã về sống tại Qui Nhơn) –HKB cũng ghé thăm tôi một chút. Anh luôn đi với một người bạn đồng hương láng giềng chở giúp vì không thể đi xe gắn máy. Dù chỉ thăm hỏi, trò chuyên mươi phút (đủ uống một tách trà,  hút một điếu thuốc – tôi hút, anh thì không) cũng là giây phút thật vui, thật ấm tình bằng hữu. HKB thường về quê “ăn giỗ” ( của bà con ở quê, của bè bạn cũ , hay của các chùa làng mà anh rất thân thiết với vị trụ trì…) – thường  ghé “rủ tôi ăn giỗ” cùng anh! Chưa bao giờ tôi được đi “ăn giỗ” với anh cả ( dù đã trên mười lần anh ghé chơi & mời) – vì tôi rất bận bịu việc nhà. Tôi cười: “ Ông không nhớ ông bà dặn rồi sao? “ăn bữa giỗ, lỗ bữa cày” mà!”! “ Và tôi không hề muốn “lỗ bữa cày” nên về sau – anh chỉ ghé thăm chơi mà không mời “ đi ăn giỗ với mình” nữa!
             Tôi thường rủ anh đến một quán café nào đó có chỗ ngồi thoáng mát yên tĩnh – để trò chuyện cho thoải mái trước khi anh về lại Qui Nhơn. Anh không hề hút thuốc. Được mời mọc – nể tình lắm, anh cầm điếu thuốc phì phà, trông tội nghiệp! Từ đó, tôi chỉ “hút một mình” – không dám mời! HKB cũng không “ghiền” café. Có lần ( vì vô tình – chưa biết rõ ý bạn) tôi gọi 2 ly café, anh cũng uống. Nhưng chỉ “uống cầm chừng & cầm cự” – không thấy anh thoải mái – nên những lần gặp sau – tôi để tùy anh gọi…
             HKB sống rất chừng mực và điểu độ trong mọi sinh hoạt. Anh là một thầy giáo đã về hưu. Cuộc sống ổn định. Sáng sớm nào cũng cùng bạn (có khi với NTH, NPL HH, T …) đi bộ tập thể dục, ra biển bơi lội ( hay ngắm thiên hạ chơi…) – trước khi vào bàn viết buổi sáng - sinh hoạt rất đều đặn. Anh luôn quan tâm đến bạn bè; hòa đồng, gần gũi, thân tình với tất cả anh em, chưa hề vắng mặt trong các dịp chia sẻ vui buồn cùng các bạn và gia đình – nên những người cầm bút ở Bình Định rất quý mến và trân trọng anh. ( Cách nay mấy hôm – nhận được tin trễ & không được khỏe – anh phone lên thăm hỏi – và nói “ cho mình đóng góp như anh em khi phúng diếu gia đình phía vợ TQK nhé!. Tôi đã cười: “ Anh yên chí – không sao. Xong rồi!”). Dù có tuổi – nhưng anh luôn có mặt trong các buổi sinh hoạt văn nghệ. Các dịp gặp gỡ & phát hành báo cuối năm của Hội VHNT AN, anh cũng gắng lên tham gia ( cách xa nhà trên 20 cây số). Anh quan tâm đến các sinh hoạt văn học nghệ thuật trong tỉnh – nhất là những người viết trẻ. Nhiều lần anh đã nhắc tôi: “ Anh nên động viên MN làm đơn gia nhập Hội VHNT tỉnh để có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, tiến bộ - bởi tôi nhận thấy trong rất hiếm người viết văn xuôi nũ của Tình, MN viết rất chững chạc, có tiềm năng, và rất triển vọng! Tôi sẽ là người tình nguyện giới thiệu MN…”
              Dường như Tết nào anh cũng về thăm quê và ghé thăm tôi với Đặng Tấn Tới. Tôi được quen ( và thân ) với TVD – cũng nhờ anh giới thiệu. ( TVD là học trò của anh thuở trước 75 ở Tây Sơn). Dịp nào nhà văn nầy về thăm quê QN – anh và TVD cũng thường lên AN thăm chơi. Tết năm 2005. chúng tôi có tấm ảnh chụp chung “bộ tứ” tại nhà ĐTT rất ưng ý! ( xin gởi kèm theo đây để cùng “coi chơi” vậy). Tôi cảm thấy “hơi thất lễ” với anh – bởi anh ghé thăm tôi thì nhiều – mà tôi đến nhà thăm anh ( ở QN) thì ít cho dầu BĐ- QN chỉ cách nhau 20 cây số! Cần gì – thì chúng tôi “hú”nhau qua điện thoại – cũng vui! Tôi nghĩ, có lẽ - anh rất hiểu tôi mà không nỡ giận?
              Ngồi viết đôi điều tản mạn về anh nhân đọc “Trong Như Tiếng HạcBay Qua” anh đã gởi tặng tôi khá lâu, như một lần thăm anh – cho đỡ nhớ vậy!
              Hẹn gặp uống tách trà Cung Đình nhà anh nhé – bạn hiền!


Đêm 23 tháng 8 năm 2012
MANG VIÊN LONG

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012


Huỳnh Kim Bửu
 
  Tiếng hạc bay trên dòng sông Côn. 
             Trình duyệt của bạn có thể không hỗ trợ hiển thị hình này.         Trình duyệt của bạn có thể không hỗ trợ hiển thị hình này.

 

      Giữa khu vườn thơ văn bề bộn, hoa và lá đua chen, hai quyển sách của Huỳnh Kim Bửu xuất hiện với một phong cách đặc thù, một giọng nói riêng đã vẽ lên một tâm cảnh rất khác.
      Thoạt nhìn, tôi chú ý ngay đến tựa của hai tập sách: “Nơi con Sông côn chảy qua1 và “Trong như tiếng hạc bay qua2 - cả hai đều có một chữ qua - Có thể đó chỉ là một tình cờ, có lẽ không phải là dụng công của tác giả, nhưng tôi thấy thật thú vị vì hai chữ qua đó đều nói về quá khứ, về một thời đã mất...
      Thật thế, nhẩn nha đọc khi còn ở Milano (Ý ) những trang viết của Huỳnh Kim Bửu đã đưa tôi quay về hồi ức, lội ngược thời gian…
      ...Gần bốn mươi năm sống ở nước ngoài, khi bước vào những trang sách của ông tôi như bất ngờ trở lại quê mình. Tôi như vừa nhìn thấy một bụi chuối sau vườn, chợt bắt gặp một ánh trăng soi trên đỉnh tháp hay có khi nghe tiếng gà gáy sáng… rồi có lúc lại tưởng như mình đang dạo bước giữa không gian thoang thoảng hương sen, thần trí mơ hồ, không biết từ đâu vừa vẳng lên một tiếng chuông chùa.
      Chuông dội lại trong lòng, không lớn lắm, nhưng ngấm sâu và đánh thức những kỉ niệm tuổi thơ. Như ngọn đèn mờ bỗng dưng loé sáng. Những áp lực của cuộc sống trời Tây dường như không còn nữa. Những bon chen, phù phiếm bay đi đâu hết. Trong tôi chỉ còn nghe một thứ rung cảm kỳ bí. Tình quê.
      Lật tiếp những trang sách, tôi thấy nhiều những đoạn văn hay, những chi tiết thật thú vị  bất ngờ  về cuộc sống của một thời quá vãng ngay trên chính quê hương mìmh mà tôi còn chưa biết... Những cô gái mài vỏ ốc cẩn xà cừ, bôi một thứ  phẩm xanh để ngừa nước ăn da nên ra đường phải giấu hai tay trong nếp áo. Hay ông lão kỳ lạ, câu cá chỉ vì phải ăn để sống, chứ bữa nào dùng không hết thì ông lại đem ra bến để trả cá về với sông. Huỳnh Kim Bửu cảm nhận thời tiết qua phẩm vật mùa màng, dựa vào cây trái và hoa lá để minh chứng là Bình Định quê ông cũng có đầy đủ bốn mùa chứ không phải chỉ hai mùa mưa nắng. Mùa Xuân: chuối, bưởi cam; hoa mai, hồng, vạn thọ. Mùa Hè:  xoài, mít; hoa phượng, sen đầm; MùaThu: mận, nhãn lồng; hoa cúc. Rồi Mùa Đông: lại quay về với chuối; còn các thứ hoa thì vàng úa, tàn tạ, chỉ còn hoa giấy phất phơ trong cảnh gió mưa...
      Nhẩn nhơ dạo chơi theo từng trang sách tôi không khỏi có cảm giác như đang ngồi bên chiếc võng nghe ông đong đưa kể chuyện, rồi khi buông xuống, chợt thẫn thờ vì cảnh và người trong chuyện đã vời vợi xa, không còn nữa. Lòng vời vợi buồn vì những chuyện đổi thay hình như không theo lẽ tự nhiên, kiểu làn sóng sau thay làn sóng trước... mà cảnh cũ mất đi vì những áp đặt của con người. Thời buổi “toàn cầu”, lòng tham cũng theo đó được toàn cầu hóa, ai nấy sục sôi chạy đua làm giàu bằng mọi giá, kỹ thuật được vận dụng tối đa, tài nguyên được khai thác tận lực…Cảnh quan tươi đẹp của đất nước, của các vùng quê thanh bình ngày càng bị xé nát, thay vào đó là sự hỗn độn, khô cứng đến vô hồn, cuộc sống trở nên vật vờ và giả tạo. 
      Giọng kể của ông đều đều, như không quan tâm đến việc đổi mới câu chữ. Ông viết như trải lòng, tâm tình với người đọc trong một đối thoại thầm lặng mà không kém phần sôi nổi.
     Giọng điệu ấy thật khác với rừng rừng chữ nghĩa, chạy theo bút pháp này, trường phái kia, từng làm tôi hoa mắt trước nhiều quyển sách “lạ”, tin theo những lời giới thiệu có cánh, những bài phê bình ngoại giao, phe nhóm rồi mua về, đọc đi đọc lại mà không biết tác giả muốn nói gì. Ở đây, trong hai quyển sách của Huỳnh Kim Bửu, tôi gặp lại những áng văn bình dị, không cầu kỳ hay xun xoe chữ nghĩa… nhưng những câu chữ như có mang chút ánh sáng lấp lánh, soi chiếu những miền ký ức, gợi nhớ những kỷ niệm tưởng đã quên lâu và chìm khuất sau lớp bụi dày của thời gian.
     Rõ ràng cách tân gì thì cách tân, văn học không thể chỉ chạy theo bút pháp mới lạ, nhưng nghèo ý tưởng, duy lý đến khô cứng, rời bỏ cảm xúc, thiếu đi nỗi lòng của con người khi nhìn thế sự đổi thay. 
        Thực ra trước đây tôi cũng đã từng đọc những bài viết riêng lẻ của ông, thế nhưng giờ đọc lại một mạch trong toàn tập, cái nhìn tổng thể càng tô đậm trong tôi một cảm giác man mác buồn, man mác nhớ về một thời quá vãng, không chỉ là tâm lý hoài cổ, mà còn là nỗi băn khoăn về những giá trị của một thời cần phải được lưu giữ nay đã không còn. Đọc tạp văn mà cảm giác như mình đang đọc cổ thi, đang thả bước lang thang, dạo quanh khu thành quách hoang phế của những trường thành Bình Định, nơi đã từng là vùng đất thiêng của hai vương triều3.
      Ngôn ngữ của HKB giản dị, trong sáng, dùng nhiều từ địa phương mộc mạc, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, pha trộn với nhiều từ ngữ và hình ảnh cổ điển của Đường thi khiến văn ông vừa gần gũi dễ đọc vừa có chút chiêm nghiệm, chất triết lý nhân sinh nhẹ nhàng khiến ta phải suy nghĩ. Điều này cũng không lạ, nếu biết ông đã qua tuổi thất thập. Những vầng dương, nhật nguyệt, bóng hạc, tà dương, hưng phế... trở đi trở lại nhiều lần... tạo không khí hoài cổ của người có tuổi thường ngoái lại đằng sau hơn là nhìn về phía trước.
      Hãy nhìn qua mắt ông: “Không còn những ngọn khói lam chiều toả lên từ những mái tranh, không còn những ngả ba sông mênh mông bát ngát với những đò chiều tấp nập vì dòng sông mỗi ngày mỗi cạn..” (Kỷ niệm chiều). Hay cảm theo ông giữa lúc hai màu vàng đen của bầu trời sắp hoà nhập, trộn lẫn vào nhau khi chiều muộn:
      “Chiều sẫm tối, có chàng trai trẻ bách bộ trên đường phố, hồn trí bâng khuâng với cảnh trời chiều, bỗng nghe một làn hương sực nức từ  đâu đưa lại: mùi dạ hương sớm toả...”(Chiều)
      Câu chữ giản dị nhưng không kém phần bóng bẩy. Bằng những con chữ đơn giản nhưng ông diễn tả được những điều tinh tế có sức lay động lòng người.
      Trong hai quyển sách có không ít những đoạn làm người đọc lâng lâng: “Người đứng trên cầu Phụ Ngọc nhìn ra xung quanh thấy mặt trời đang lặn trên ngã ba sông; những hôm có ráng chiều màu nước sông Côn nhuộm màu ráng đỏ, rồi cái màu ráng đỏ cùng sông mà trôi đi biền biệt...” 
      “Mỗi sáng sớm, chủ nhà thức dậy, đun ấm nước rồi ra trước hiên lai, hái vài hoa hồng tường vi nở trong đêm. Cho trà búp Đài Loan, cho hoa vào bình, rót nước sôi vào hãm giây lát là có được một bình trà ngon hảo hạng. Bưng kỷ trà toả hương đặt trên chõng, ngồi ngó ra sân còn đặc sương mai, uống trà với tâm thế người chào đón buổi bình minh.”(Chõng tre)
      Thế  nhưng những trang văn của ông không chỉ có  cái nhìn hoài cổ. Có lúc ông cũng dí dỏm, đang nói về chuyện “nhập tâm mắm” rồi bỗng ví von, khen con gái có cái “duyên mặn mà.” Cái  vị mặn của mắm tương hoà  với  nét đẹp mặn mà của cô gái quê  chân chất, hiền hoà, sống rất thực, trọn đời hy sinh vì chồng con, gắn đời mình vào cuộc hôn nhân bền bĩ, thách đố thời gian. Ông quan sát tinh tế đến từng chân tơ kẽ tóc về những điều thường hằng hiện ra trước mắt mà với ta không lưu giữ chút gì trong trí nhớ. Hãy nghe ông tả cô gái bán  bánh mì trên đường Tăng Bạt Hổ, Qui Nhơn: “Tay cô con gái thon búp măng, đeo nhẫn, cầm con dao Thái Lan thái chả, thái thịt thái rau, rồi cũng bàn tay ấy rạch ổ bánh mì, kẹp thịt chả, kẹp dưa leo, cọng hành ngò xanh, lát ớt cay màu đỏ tươi, xịt nước tương vào ổ bánh, rồi đặt ổ bánh vào tờ giấy, cuộn lại, trao bằng hai tay hai mắt cho người khách đang vui vẻ đợi. Tất cả các động tác của cô bán hàng đều rất thành thạo, rất lịch sự, nhịp nhàng, khiến tôi nghĩ đến điều: cô ta đang làm theo một điệu nhạc rất du dương trong lòng mình”.(Ổ bánh mì nóng giòn).
      Chao ôi! Phải có một tấm lòng yêu thương cuộc sống và  con người biết bao mới khiến ông có thể  trải lên giấy những trang văn đẹp đẽ và thiết tha đến thế về con người, về những công việc hết sức bình thường . 
      Trên những trang sách của HKB người ta còn bắt gặp mùi và  vị quê hương. Kinh nghiệm khứu giác thật mạnh khiến người đọc có cảm giác như đang cùng ông cắn chiếc bánh, rồi hồi ức và tình cảm được gợi lại giúp ta “đi tìm thời gian đánh mất” như Marcel Proust       “nhìn thấy” bầu trời thơ ấu của mình. Ta gặp đủ thứ, từ vị thiền trà trong sương sớm, vị mắm cua đồng đến mùi bùn đất, mùi mồ hôi của những bác nông phu, mùi hăng hăng rơm rạ đến mùi khói đốt đồng, mùi gió biển quanh năm tanh tanh mặn mặn.
      Người lưu giữ và qua từng ấy thời gian có thể dễ dàng truyền lại một cách tươi nguyên những mùi vị đó chắc hẳn phải là người có cảm xúc dạt dào và mang trong lòng một tình yêu quê hương nồng thắm.
      Có  lẽ vì thế mà sau khi đọc Nơi con sông Côn chảy qua, một bạn văn của tôi đã không đắn đo gọi HKB là một Sơn Nam của Bình Định?
      Cũng như bạn, đọc HKB, tôi có cảm giác là tình yêu quê hương Bình Định của ông, vác trên vai 70 năm qua, như một phần xương thịt của chính mình. Những vùng đất, những con người, tập tục, những màu sắc và mùi vị của những đồ vật sắp sửa biến đi... ông câm lặng nhìn, câm lặng nghe rồi đêm đêm, câm lặng chong đèn viết lên tiếng kêu luyến tiếc cho chính mình nghe. Tiếng kêu ấy bây giờ vọng lại, từ trang giấy chuyển tải đến chúng ta, đi tìm người đồng cảm.
      Tôi tin có rất nhiều người đồng cảm với ông dù  họ ở đâu trên thế giới này, miễn họ  là người Việt. Và tôi hẳn nhiên là một trong số ấy. 
      Người ta nói và đã nói rất nhiều về một thời vang bóng, nhắc đến những cuộc phế hưng qua thời gian, qua bao năm chiến tranh và giờ đây đau buồn nhìn thấy nền văn hoá đang tụt dốc. Thế nhưng đọc tản văn của HKB, tôi vẫn cảm thấy có cái gì khác, sâu thẳm hơn, tê tái hơn, ngậm ngùi hơn những gì tôi đã thường nghe, thường đọc. Có lẽ sự mộc mạc, ngôn ngữ không chút gì cầu kỳ, bí hiểm và đượm mối nhân tình ấy đã làm mới cảm xúc trong lòng chăng?
      Theo dòng sông Côn, những trang viết lặng lẽ của HKB đưa người đọc trở về chốn yên bình của một thời. Mấy mươi năm rồi, tôi còn nhớ như in hình bóng lão Thận ngồi câu quẹt ở gần bến sông… Bữa nào cá nhiều, ăn không hết, chiều xẩm ông đem ra bến sông thả xuống gọi là “phóng sanh”, để rồi sáng hôm sau lại ra bến sông câu lại từng con một trong cảnh chim trời cá nước. Tôi nhớ ông như nhớ một con người kỳ lạ, có lòng từ tâm, còn chuyện đi câu chẳng qua là vì miếng ăn của ông bị thiếu…” (Những con sông quê ơi!) 
      Một bạn văn khác của tôi, khi đọc hai tập tản văn, bút ký nhận định HKB là một nhà  văn chuyên về Bình Định học... Rất đúng, vì qua những trang văn ông đã lưu giữ cái hồn cốt tinh túy của tập tục, đời sống, con người và thiên nhiên của vùng đất quê mình. Nhưng tôi thấy một danh xưng như thế vô hình chung đã “khoanh vùng” văn hóa và không nói lên được tính khái quát về những trang viết của ông. Đúng là ông viết về Bình Định nhưng những hình ảnh mà ông vẽ lên, ghi lại... người đọc không khó khăn nhìn thấy rải rác trên khắp mọi miền đất nước.
      Vì  vậy, tôi thích gọi HKB là nhà văn Việt Nam, không chỉ viết riêng cho Bình Định; dù cả đời mình HKB ít có dịp đi xa, “nhích” đến những vùng đất lạ. Cả đời mình hầu như ông chỉ quanh quẩn “Nơi con sông Côn chảy qua”, hoàn cảnh cá nhân buộc ông phải thuỷ chung sống chết với vùng đất ấy; mà vùng đất ấy cũng chính là đất thiêng, đất của nghĩa khí Tây Sơn “áo vải cờ đào”… Ông yêu người dân “thàng hậu” quê ông tha thiết, tình yêu đó tan chảy vào máu thịt đến độ khả kiến mà bất kỳ ai, là con dân “Xứ Nẫu” hay không, đọc ông viết về những gì đã qua hơn nửa thế kỷ cũng đều dễ dàng nhận thấy phong cách và lòng yêu đó. 
     Đề tài trong hai tập sách của HKB thật đa dạng và phong phú. Tôi không biết là để chắt chiu nhặt nhạnh từng hình ảnh, từng chi tiết và kỷ niệm để tập hợp lại rồi “bắt nó nằm lại” trên những trang giấy… ông đã làm việc cần mẫn bao nhiêu năm nhưng tôi tin chắc là ông đã chẳng hoài công. Ông đã níu giữ được một thời. Bằng những rung động chân thành, cảm nhận sâu sắc và chắt lọc chi tiết, gọt dũa qua ngôn ngữ nghệ thuật theo cách của mình, ông đã để lại những trang văn gợi cảm, có sức lan toả và tạo những dư ba trong tâm hồn người đọc.
      Xã  hội hôm nay có quá nhiều sản phẩm, kể cả  văn chương, để người tiêu dùng ăn ngấu nghiến, ăn vô  tội vạ và rồi nhanh chóng vứt bỏ như  xóa “1 file” trong bộ nhớ. Những kẻ  háo danh chỉ muốn làm điều lập dị, cố  gây đình đám... để mau nổi tiếng, mấy ai bỏ thời gian để viết những điều chẳng mấy “thời thượng” này. Vì thế tôi nghĩ sự xuất hiện của những quyển sách quý, giúp ta lưu giữ những kỷ niệm và giá trị truyền thống, rất đáng nghiêng mình kính trọng.
     Vì  không ai hình dung được một xã hội sắp đến sẽ quái gỡ ra sao nếu chỉ toàn những người làm kinh tế lừa đảo, chộp giật, mánh mung hay những người cầm bút viết lên những trang văn vô cảm, nhạt nhẽo, không hề quan tâm đến người đọc. Hay chỉ quan tâm đến những tin lộ hoàng, khoe thân xác... để kích động lòng tham muốn thấp hèn. Khơi dậy bản năng xấu nhất. Để đánh thức phần CON, bóp chết phần người... 
     Nếu văn chương là tiếng nói của cảm xúc, là bày tỏ thái độ trước những vấn đề trong cuộc sống, là sự giải bày nội tâm để tìm kiếm những đồng cảm tri âm của người đọc... thì tôi nghĩ là HKB đã  thành công trong cuộc tìm kiếm đó.
      
                                          Trương Văn Dân 
                                                Bắt đầu viết tại Milano 12-2009
  •  
    •  
      •  
        •  
          •  
                          Và viết tiếp tại Sài Gòn 10-2011 

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012


Thơ Huỳnh Kim Bửu




Ở Sài Gòn ăn bún cá Quy Nhơn

Sài Gòn những chiều mưa
Quán bún cá Quy Nhơn trên đường Cô Bắc
Có người ngồi nhìn cơn mưa hiu hắt
Như một nỗi buồn.

Ăn bún cá Quy Nhơn giữa Sài Gòn hoa lệ
Cũng mênh mang trời đất quê mình
Cũng chớp bể mưa nguồn tháng bảy
Cũng giêng, hai trống hội sân đình.

Ăn bún cá Quy Nhơn giữa Sài Gòn hòn ngọc
Cảm ơn quê cho chút vị nồng
Cảm ơn đời cho những môi hồng
Cảm ơn em giữ màu tươi thắm.

Ăn bún cá Quy Nhơn giữa Sài Gòn xa em
Anh sẽ về nhà sau cơn mưa vừa tạnh
Sẽ đi trên con đường hàng me tĩnh lặng
Cho nỗi nhớ em sâu thẳm đường về.

10 / 2005 

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012


Yêu mãi cuộc đời này
                                        (Đọc Bàn tay nhỏ dưới mưa, tiểu thuyết của Trương Văn Dân, cty vh Phuong Nam-Nxb Hội Nhà văn, 2011)
  •  
    •  
      •  
        •  
          •  
            •  
              •  
                       Huỳnh Ngọc Nga- Italia 
                   
      BÀN TAY NHỎ DƯỚI MƯA đến với tôi qua nhiều chặng nhiêu khê, từ bản in thử bị thất lạc tại nhà một người bạn, đến bản in thật đưọc chuyển từ VN sang nhà em gái tôi rồi qua nhà má tôi để cuối cùng sau gần một tháng mới tới tận tay tôi vào đầu tháng 5.2012.   
      Tôi  đã đọc văn phong của Dân từ hơn mười năm nay, đã quen với lối viết giản dị “đọc là hiểu liền” của cậu và trong những cái hiểu liền đó tôi hiểu luôn cả nổi băn khoăn, bức xúc cậu muốn nói về những nghịch lý của cuộc đời. Những nghịch lý mà tốt-xấu, hay-dỡ, thiện–ác như nghịch đùa đuổi bắt lẫn nhau trong đời sống hàng ngày của chúng ta. 
      Năm 2007, khi ra mắt “Hành Trang Ngày Trở Lại” (NXB Trẻ), tập tuyển truyện đầu tay của cậu, Dân đem đến cho chúng ta những mảnh đời khốn khổ, nạn nhân của thời đại mà kỹ thuật, vật chất đang thay thế tâm linh con người và những ám ảnh bởi nổi đau của hai bờ sinh tử. 
     Và  bây giờ, năm 2011-2012, Dân lại tặng cho độc giả “Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa” để mọi người biết những gì đã trải qua trong tâm hồn cậu sau những năm về với quê hương. Sách thuộc loại tiểu thuyết dài, kể chuyện nữa đoạn đời còn lại của Gấm - người phụ nữ đã có hai đời chồng và một đứa con - cùng người tình thứ ba của cô - một nhà văn, nhà báo goá vợ. Mối tình tưởng như toàn hảo khi cả hai cùng nhìn về một hướng để đi tiếp đoạn đường còn lại bằng tình yêu chân thật, nhưng ông trời oái oăm thích trêu chọc con người nên khiến Gấm bị ung thư phổi và chết khi cuộc tình còn đầy nóng bỏng, đam mê.
     Vắn tắt tóm lược thì chỉ có thế, như phim Love Story của đạo diễn Arthur Hiller trong thập niên 70 của thế kỷ trước, tình yêu và cái chết bởi bịnh hoạn. Nhưng Love Story chỉ cho ta nước mắt khóc một cuộc tình dang dỡ chứ không cho ta những suy gẫm về những bung xung chung quanh cuộc tình. Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa cũng có nước mắt chia lìa nhưng Dân tinh tế hơn đạo diễn A. Hiller, cậu không chỉ làm ta khóc cho nhân vật nữ trong chuyện mà còn làm ta băn khoăn suy gẫm về cuộc sống của chính chúng ta với nhiều chi tiết dính dáng đến nhân, sinh, quan cuộc đời. Đó là cái tham lam lịch lãm của Dân khi viết chuyện này, tom góp hết những hoài bảo, khát khao của cậu làm những bung xung để lồng vào một cuộc tình thường. Nói là cuộc tình thường vì tình huống cốt chuyện ta rất dễ gặp trong phim ảnh, tiểu thuyết và đời thực chung quanh ta. Nhưng với riêng tôi, những bung xung tưởng chừng như phụ thuộc lại chính là những điểm sáng làm người đọc thấm đậm nhiều hơn. Chính vì thế mà  Nhật Chiêu đã nói “Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa là một tác phẩm đương đại pha lẫn tiểu thuyết và tiểu luận, trữ tình văn xuôi và ký sự báo chí “. Duy có điều những đoạn dành cho tiểu luận hay ký sự báo chí Dân thường xen kẻ khá dài trong chuyện tình của hai nhân vật chánh khiến đôi lúc câu chuyện của hai nhân vật chính dường như bị gián đoạn. Ví dụ từ trang 266 đến trang 279, tất cả  chỉ nói về các vấn đề nhân sinh xã hội, chính trị, kinh tế  cơ hồ không liên quan gì đến Gấm và người yêu của cô.. Tuy nhiên đó chỉ là những khuyết điễm phụ không đáng kể. 
      Trong “Hành Trang Ngày Trở Lại” tác giả viết giản dị như kể chuyện, nhưng ở BTNDM Dân cho ta thấy cậu nhảy một bước khá xa trong cách hành văn, dụng từ. Câu văn ngắn, gọn hơn. Ví dụ như:  
Tôi chợt nhớ  đến Gấm.
Mùi vị  của nàng.
Khuôn mặt của nàng.
Những năm tháng của chúng tôi.  
(trang 15 BTNDM) 
hoặc như : 
Một cơn ho chí  tử nữa vừa ập  đến.
Ngực tôi như  muốn nổ bùng
Và  đất trời yên ắng bỗng chao đảo như sụp đổ.
Nó  sẽ vỡ từng mảng và  đổ ụp xuống trần gian.
Tôi còn bao nhiêu thời gian nữa?
Từ  đây đến “đó” còn bao xa?
Những thời khắc còn lại mình sẽ làm gì?
……
Bây giờ  không.
Ngày mai không.
Mãi mãi cũng không.   
                   (trang 358 BTNDM) 
      Cách viết đó gần như một thể loại thơ mới đuơng đại, nửa văn xuôi, nữa văn vần. 
      Chưa hết đâu nhé, khoảng cách 4 năm giữa hai quyển sách (HTNTL và BTNDM) dường như cho Dân trưởng thành hơn trong tư tưởng để từ đó cho cậu sự  phong phú lúc hành văn bằng các phương pháp tỷ  giảo, ẩn dụ,  nhiều dẫn chứng các tài liệu từ sử học, khoa học, chính trị - xã hội học. Tất cả tạo cho người đọc thấy Dân không những là một nhà văn mà còn là một học giả đầy kiến thức mọi việc đó đây. Ngoài ra, phải thật tình mà nói Dân rất khéo léo, hoa mỹ khi diễn tả những đoạn nhục cảm, cậu gần như tả chân hết tất cả chuyện buồng the của Gấm và người yêu. “Huỵch tẹt” vậy đó nhưng người đọc dù khó tính đến đâu cũng không nghe đỏ mặt mà cứ thấy như đó là chuyện cơm ăn, nước uống ngoài đời.   
      Dân là người sống nhiều về nội tâm, cứ nhìn các bài viết của cậu từ trước đến nay thì  ai cũng thấy điều đó. Đọc sau, nhận xét muộn nên tôi sẽ trở thành bản sao chép lại của Nhật Chiêu, Phạm Xuân Nguyên, Đổ Hồng Ngọc, Bùi Việt Thắng, ….khi đồng ý cùng các vị ấy để nói rằng BTNDM mang nặng tư tưởng Phật giáo với bánh xe luân hồi không ngừng vận chuyển - ... “Vì Gấm sẽ chờ tôi bên kia thế giới. Để cùng quay lại trần gian. Chúng tôi tin là sẽ tìm lại được nhau trong kiếp tới để tiếp tục một tình yêu nửa chừng dang dở mà chẳng bấn gợn chút đau thương nào..Vì chết chỉ là mở đầu của sự tái sinh nên chúng tôi ước muốn sẽ cùng nhau quay lại cõi trần gian.”…(trang 411) rằng BTNDM là khúc ca trầm đầy khát vọng sống với thương yêu lãng mạn và nhục cảm, hảy thử đọc lại trọn vẹn từ trang 392 đến trang 396  để thấy bức tranh tình ái với thân xác và linh hồn của hai kẻ yêu nhau đuợc Dân miêu tả linh động thế nào.  
      Giữa khổ đau và hạnh phúc cũng như giữa sống và chết Dân không những muốn nói với mọi người về chữ Tâm trong thương yêu mà còn có  cả chữ Trí trong xét đóán và chữ  Dũng khi an nhiên tự tại đối phó cùng nghịch cảnh không một chút trách hờn “Bởi chúng tôi cùng chia sẻ ý tưởng của Hermann Hesse: Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại nầy”.(trang 412) 
      Tuy nhiên, theo tôi BTNDM có lẻ sẽ hoàn hảo hơn nếu Gấm không quá dễ dãi trong lần đầu mới quen với người yêu nhà báo. Dân hơi quá nhanh khi cho hai nhân vật mới quen nhau chưa chi đã vội vả mời đi uống cà phê rồi hẹn gặp nhau hai hôm nữa. Phụ nữ khó tính, đàng hoàng ai lại quen mau, thân vội như vậy? Có lẻ Dân muốn chúng ta thấy sự hụt hẩng trong hôn nhân đã làm Gấm hơi buông thả hay chăng? 
      Và  thêm một điểm nữa làm tôi hơi thắc mắc về quan niệm hôn nhân của Dân trong đoạn Gấm muốn có một đám cưới đàng hoàng nhưng nhà báo không chịu vì lý do anh chàng chỉ có 1 người vợ đã chết chứ không muốn có người vợ thứ hai (nhưng có người tình thì được). Nếu định nghĩa theo quan niệm người Ý thì Dân hơi machiliste nhiều lắm rồi đấy (có nghĩa là nam quyền). Khi yêu thật sự người ta không tính toán tình trước, tình sau, không phân định vợ hay tình, không cần giải thích tờ hôn thú có lý hay vô lý, là  tờ giấy lộn vô nghĩa hay chứng nhận trung thực sự nghiêm chỉnh của một mối tình. Khi yêu người ta chỉ biết làm vừa lòng người mình yêu. Thế nhưng ở đây, BTNDM, Dân hơi mâu thuẫn khi cho nhà báo quyết liệt từ chối một đám cưới đàng hoàng với Gấm dù cô đã van nài tha thiết bằng nước mắt và cả giận hờn. Cuối cùng thì cô Gấm đầu hàng trước sự cương quyết của người cô yêu hay nói đúng hơn trước miệng lưỡi giải thích của một nhà văn, nhà báo và hay nhất là cô còn ăn năn hối hận là suýt tý nữa đã có thể sẽ mất “chàng”.  Nói rõ ra thì chỉ có Gấm mới thực sự yêu còn anh chàng nhà báo theo tôi chưa hẳn đã hết lòng với Gấm. Có thể vì tôi là phụ nữ nên hơi nhạy cảm vấn đề nầy  trong thời buổi khắp nơi đang tranh đấu cho nữ quyền dù Dân đã biện chứng “ Khi người phụ nữ thích làm công việc của đàn ông thì gia đình sẽ tan nát”(Trang 106 ). Thực sự, cô Gấm đâu muốn chiếm quyền ưu tiên của đàn ông, cô chỉ muốn được tôn trọng mà thôi và theo đa số quan niệm mọi người thì tờ hôn thú là sự tôn trọng của luật pháp dành cho phụ nữ trong hôn nhân cũng như không có chứng minh nào rõ rệt nhất của người nam khi yêu dành cho người nữ ngoài lời tỏ tình xin chính thức đưa nàng về dinh bằng một đám cưới danh chánh ngôn thuận trước luât pháp và người thân. Tóm lại, cậu Dân của chúng ta đúng là mẫu đàn ông VN thuần túy đây nhé.  
      Ngoài chuyện tình của Gấm, người VN dù trong nước hay ở  hải ngoại đọc BTNDM để thấy phần nào bối cảnh xã hội đất nước chúng ta sau hơn 35 năm thống nhất, chiến tranh bom đạn lùi xa nhưng chiến tranh vật lộn giữa đạo đức và vật chất, bạc tiền đã khởi đầu từ lâu và đang tiếp diễn không biết đến bao giờ mới phân thắng bại. Dân đã thay mọi người để nói lên tiếng chuông cảnh tỉnh trong công án đi tìm lời giải, lối thoát của thân phận con người nơi cuộc chiến đó. Hy vọng VN của chúng ta không như Gấm, không gục ngã vì hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm để phải chết vì bịnh tha hoá xã hội trong thời bình.   
  •  
    •  
      •  
        •  
                 HUỲNH NGỌC NGA                                                  
       Torino, ITALIA – 24.06.2012