.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010





Thơ Huỳnh Kim Bửu


Những tình đợi cất thành thơ

Có ai thăm chừng lá đỏ
Gió xuân đã thổi hay chưa?
Đò tình còn trôi chưa đỗ
Sông xuân một dải trong mưa.

Có ai thăm giùm hoa nở
Giọt sương có gội chiều qua?
Thương ai cầm xuân đi hỏi
Vu vơ một cõi Ta Bà.

Hỡi tình có thương không nhỉ
Mà em lỡ mất xuân thì
Có tại bóng chiều thủ thỉ
Ngàn dâu còn mãi xanh rì?

Xuân của đất trời thì mới
Xuân em chưa cũ bao giờ
Hỡi những ngày vừa chín tới
Những tình đợi cất thành thơ.

H. K. B

Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Tản văn của Huỳnh Văn

"Trong như tiếng hạc bay qua"
 

       Đồ chơi trẻ con xưa đã vắng bóng. Đó là một cuộc chia tay "một đi không trở lại" với chúng ta.
       Đổ chơi của trẻ con làng An Định, hồi cách nay vài ba thế hệ, có thể chia thành mấy nhóm:
       Nhóm tạo tiếng:
- Tiếng súng: Súng làm bằng ống trúc, bắn bằng "đạn" trái nổ hái ngoài bờ rào (hoặc mảnh giấy nhai ướt, vò viên to bằng trái nổ), nhét chặt vào nòng súng. Khi bắn, đẩy viên đạn ra khỏi nòng, là có được tiếng nổ: đùng. Súng này chỉ bắn phát một.
 
        Súng liên thanh là súng bẹ chuối chẻ dọc làm 3 phần, cầm lắt, bẹ chuối đập vào nhau tạch... tạch...liên thanh.  Lũ trẻ con xóm Miễu Tây cãi, bảo cái này, gọi là pháo liên thanh thì đúng hơn, vì súng thì phải nhằm mà bắn.
        Ống thụt nước, không gây tiếng nổ mà vẫn gọi súng: súng nước. Súng có 2 bộ phận: một ống trúc dài chừng 4 - 5 tấc và một píttông. Lắp "đạn" là kéo píttông để hút nước, bắn là đẩy mạnh píttông, cho nước vọt mạnh vào "kẻ địch".
 - Tiếng trống, tiếng đàn, kèn: Trống phất da ếch, hoặc bong bóng lợn... Cắt ống tre dài chừng 20 phân làm tang trống. Phất một mặt hay cả hai mặt cắt của tang trống, đoạn đem phơi nắng. Khi trống khô thì mặt trống căng ra, cầm dùi gõ, trống kêu tu...m...tu...m...Cần chú ý phất mặt trống thật căng, cho tiếng trống giòn, nhỡ dùn trống kêu nhão là không hay. Tôi có lần phải dại, sáng ngày ngủ dậy, thấy mặt trống dùn, nôn nóng đem hơ lửa để kịp mang theo đến trường đặng thi đấu với bọn cùng lớp. Bị lửa, mặt trống phồng lên, nổ bụp, thế là "trống thủng khó hàn".
       Trống rung giống như cái kính lúp ở phòng thí nghiệm, phất giấy bóng hoặc da ếch hoặc bong bóng lợn, đeo hai bên tang trống hai viên đất sét lớn bằng hột đậu xanh (hoặc vài hột cơm khô) bởi một sợi dây chỉ mành. Khi chơi, đặt cán trống giữa lòng hai bàn tay mà xe tròn, trống rung kêu rinh rinh...do va đập hai viên đất sét vào hai mặt trống. Hễ rung mạnh thì nhịp trống nhanh, tiếng kêu to, rung yếu nhịp chậm, kêu nhỏ. Tết là mùa của trống rung, nhà có trẻ con là có tiếng trống rung rinh... rinh... Được thế, nhờ trong xóm, trong làng có nhiều nhà giết lợn ăn Tết, ném cái bong bóng lợn ra cho trẻ con làm trống rung.
       Bạn hàng xóm của tôi có mấy đứa là con cái nhà thợ mộc. Chúng làm được cây đàn thập lục trên lưng nửa ống tre khô chẻ dọc; cũng làm được cây đàn nhị, cây sáo trúc. Chúng còn có sáng kiến bứt đuôi ngựa để làm sợi dây kéo đàn cò, cho được tiếng đàn mà anh Hai Trí (học College Quy Nhơn) mỗi lần về, nghe được đều  khen:  "Trong như tiếng hạc bay qua" (Thơ Kiều - Nguyễn Du).
      Kèn dứa, kèn lá chuối được nhiều chú bé chơi say mê lắm. Loa kèn to, thổi tiếng to. Nhiều nhóc cưng chơi nghịch, lén kê loa kèn vào tai người lớn mà thổi mạnh, cho giật mình, điếc tai để có dịp thích chí cười, dẫu cho có lần bị chụp tay, véo đau một cái.
       Có đứa trẻ nhỏ nào chẳng thích âm thanh? Rạp hát Cửu Ba trong làng, cứ chiều về rao quảng cáo đêm hát. Kê trống trên cỗ xe ngựa, chạy rao khắp làng với đám trẻ nhỏ bâu theo tự nguyện đánh trống: bùm cắc bùm, cắc tang...Thế là chủ rạp mừng lắm, vì không cần phải thuê người đi rao quảng cáo. Mỗi lần, hương chức làng cho xả phèng la: phèn... phèng... (3 hồi chín tiếng) để gọi phu phen làm tạp dịch, liền có trẻ nhỏ đến vây lấy, nhận dùi đánh thay chú Mõ.   
       Nhóm tạo hình:
       -Dùng đất sét mà nặn các con vật. Nặn voi thì chú ý cái vòi, lấy cọng cỏ may làm ngà; nặn trâu ráng vuốt cặp sừng cho cong, nhọn; ngựa thì lấy râu bắp (hoặc tướt lá chuối) dán lên làm bờm, làm đuôi, cắt mo nan làm yên; gà vịt bẻ chân nhang làm chân. Két, nhồng, sáo, cưởng...con giang cánh thì cột dây chuối treo, con đậu thì đứng trên đôi chân cũng nặn bằng đất sét.
      Nặn cối xay bột, cối giã gạo, chậu, thau, ông táo, hũ bùng binh ... bằng đất sét. Những "tác phẩm" này để ngắm chơi mà cũng để làm đồ hàng chơi buôn bán.  Nhiều chú nhỏ cũng thích thú chất hộp quẹt diêm thành ngôi nhà gạch, đặt trước cửa con chó đất sét giữ nhà, con gà cồ đất sét rướn cổ mà không gáy lên tiếng...
      - Cũng dùng giấy để thắt con chim, chiếc thuyền, chiếc tàu bay...Chơi thuyền giấy thì thả xuống dòng nước mưa trong sân mà vỗ tay hò khoan...ứ ư khoan hò... Chơi tàu bay giấy thì leo cao, ném lên trời, cho tàu bay đảo qua đảo lại, nghiêng cánh nhòm mấy lượt, rồi đậu xuống đất "an toàn" như có phi công lái, nhẹ như một chiếc lá khô rơi.
       Nhóm "cơ khí":
     Chỉ cần một đoạn trúc thẳng, dài chừng 1 mét, làm cán, kẹp một trái vông đồng khô làm bánh xe là có được một cỗ xe đẩy đi chơi khắp xóm.
      Một hôm, thằng Tí bảo, còn phải có chiếc xe hòm kín, như xe của ông Đốc học hôm lái về thanh tra trường An Định. Vậy thì tôi và Tí đã ra bờ sông đào đất sét để nặn xe hòm. Nặn hòm xe xong, chọn mảnh chai trắng làm kính xe, lấy 4 đồng xu lửa (tiền Đông Dương bằng kim loại đồng) làm 4 bánh xe. Thế là 2 thằng Cu đã "sản xuất" xong và "xuất xưởng" sớm một chiếc ô tô con, rồi thay phiên nhau "lái" đi chơi.
       Nhóm ngẫu hứng:
      Trẻ xóm Miễu Tây, xóm Miễu Nam lân cận, hôm nào tụ họp được 5 - 7 thường không khỏi bày cuộc chơi. Chơi hát bội, tức thì chằm mũ lá mít, lá xoài, dán râu ngô (giá như có mặt nạ bây giờ) thương giáo là cành tre, cán trúc vạt nhọn, chuốt láng, (chứ có đâu đồ chơi súng gươm gắn mắt điện tử, chạy pin của trẻ con thời nay). Hòn bi ve hiếm lắm, cái quả bóng tròn làm gì có. Trẻ con làng An Định muốn có hòn bi chơi thì nặn đất sét; muốn có quả bóng tròn thì làm banh quả bưởi, banh nhồi rơm ràng rịt chặt chịa bằng dây chuối. Các "cầu thủ"  ôm "banh" ra sân, chia 2 đội, đá ... bịch bịch ... không hề có cú banh bỏng. Cũng có trọng tài thổi còi lá dứa cho trận đấu. Bé gái bắt chước chị đeo bông tai hoa ổi tàu; nhẫn cỏ chỉ, cỏ gà; bé trai không chịu thua, "lên đời" đeo cà rá, đồng hồ, kính râm, kính lão lá dứa. Nhiều bữa, khách đi trên đường làng, thấy lũ nhỏ sắp một hàng dài trước gió nồm rộ. Mỗi đứa đưa một chong chóng dứa ra gió, chong chóng quay tít, cười thích chí lắm. Mấy chú mê chọi vụ, tìm khúc gỗ bồ lời (có tiếng u dài) ngồi tẩn mẩn đẽo gọt cho thành một cái vụ, rồi thủ vụ trong túi quần với vẻ hí hửng, chờ phen chọi thi với bạn "cho rõ mặt anh hào".
        Trẻ nhỏ hồi xưa khan hiếm đồ chơi lắm, cho nên gặp cán chổi, tàu cau, bẹ chuối, cán cuốc, cán trang...thì tay cầm, đít thót lên (kẹp vô háng), làm kỵ sĩ ngồi lưng ngựa, thúc ngựa phi nước đại, hết trong sân ra ngoài ngõ. Mỗi năm cứ đến tháng Chạp, các thợ thủ công vùng thành Hoàng Đế, làm đồ chơi: cái trống rung bịt giấy bóng, sơn tang đỏ; con cò trắng đậu trên cành trúc vàng, con gà cồ đất sơn vôi trắng, gắn lưỡi gà ở đít, để kê miệng thổi, gà gáy ó ò o... Hàng đó đem bán ở các chợ Tết. Nhưng đa số trẻ con tự làm lấy đồ chơi. Anh em nhà tôi, mỗi lần đến Tết nguyên đán thì nặn đồ hàng bằng đất sét, làm đèn xếp; Tết Trung Thu, làm đèn trái ấu bằng khung nan tre, phất giấy gương ngũ sắc.

       Trẻ con ngày nay, nhất là trẻ ở các thành thị, có cả một kho, một núi đồ chơi ở trong nhà. Những đồ chơi ấy phong phú đề tài, đa chủng loại, tự động, chạy pin, chạy dây cót, được sản xuất trong những nhà máy công nghệ hiện đại, và phần lớn nhập từ nước ngoài. Hàng xóm tôi, có cặp vợ chồng trẻ hôm nọ mua cái bong bóng kỳ lân với giá 100. 000đ cho quý tử chơi. Chơi mươi phút, bé hô, bong bóng xì hơi, bị ném trên nền nhà, bẹp như cái bánh tráng nhúng. Có ông nội hôm đi siêu thị mua cho thằng cháu đích tôn cái banh nhựa, to bằng cái bánh da thật ở Worlcub. Cả tháng rồi, ngày mấy bận đều đặn, thằng cháu vẫn một tay ôm banh, một tay kéo ông nội ra sân nhà, để ông cháu chuyền bóng, sút  bóng cho nhau.   
       Chuyện trẻ con hồi xưa chơi đồ chơi, chắc ngàn, vạn làng không khác mấy làng An Định của tôi. Xưa ông cha, và cả thế hệ chúng tôi (nay đã đầu hai thứ tóc) sống tuổi thơ của mình thiếu thốn, nghèo nàn, lây lất quá! Chẳng biết đầu óc của những ông Hai Lúa nổi tiếng thời nay có phải được sinh ra và nuôi dưỡng từ hồi xưa đó không?