.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012


NHỮNG LỜI GÀO THÉT CHÂN TÌNH



Oswaldo Guayasamin,
họa sĩ, nhà điêu khắc Ecuador
(1919-1999)


Ta gặp ông dưới chân dãy núi Andes. Như phảng phất hương vị Inca cổ kính có lẫn nỗi buồn không ngày tháng của châu Phi đen với nét hào nhoáng vô cớ của châu Âu trắng. Đó là Quito, thủ phủ của nước Ecuador đương đại.

Ông, Oswaldo Guayasamin, là lời gào thét của những thế kỷ tro than. Ta gặp ông trong niềm kinh ngạc lớn nhất trong cuộc đời mình. Bỡi chưa bao giờ ta lại nghĩ có một con người như thế dưới ánh mặt trời.  Quito, và Ecuador, là nằm ngay dưới đường đi của mặt trời. Và con đương đó, xích đạo, cho tới nay vẫn còn đó. Sinh năm 1919. Mất năm 1999. Có nghĩa, gần trọn cái thế kỷ hai mươi tro than, Oswaldo Guayasamin đã đi lại ở bên dưới đường đi lại của mặt trời. Ông, Oswaldo Guayasamin, kẻ có trái tim luôn bị đốt cháy bỡi sức nóng của ánh mặt trời. Để thốt ra những lời gào thét chân tình.

 banista2139nina-negra

 Ta gặp Oswaldo Guayasamin vào một ngày mùa đông ở thế giới 3W, mặt đất thứ hai của văn minh đương đại. Như đang nghe thấy mùi đất đai phiền não thoát ra từ ngọn cotopaxi tàn bạo. Núi lửa cotopaxi là một trong những kẻ tàn bạo tàn phá Ecuador. Tàn phá là thuộc tính của lịch sử con người. Những bữa tiệc đầu người là đã diễn ra suốt những tháng năm lịch sử Ecuador. Những tranh chấp bộ tộc. Những hận thù sinh ra từ chuyện khác màu da, khác tín ngưỡng. Chiến tranh, với tất cả những hình thức, là diễn ra suốt những tháng năm lịch sử Ecuadoe. Cả những đất đai thuộc rừng mưa nhiệt đới Amazone huyền bí. Cả những bình nguyên ngút ngàn ven biển Thái Bình Dương. Cả dãy Andes giàu có của cải và sự tích kéo dài từ bắc tới nam. Cả cái quần đảo được những nhà thám hiểm châu Âu đặt cho cái tên dính dấp tới loài rùa, quần đảo Galapagos. Ecuador là cả sự thu hút đối với tham muốn của con người. Sau những buổi tiệc đầu người tiền sử, là những buổi tiệc đầu người của thời Inca hữu sử. Nhưng người láng giềng Peru đã để mắt tới Ecuador. Cho nên máu của Peru và máu của Ecuador đã phải chảy dưới chân núi Andes. Và những người bạn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha xa xôi cũng để mắt tới Ecuador. Cái thế kỷ có cái tên kỳ quái, thế kỷ thực dân, làm cho máu những người bạn xa xôi ấy cũng phải đổ dưới chân núi Andes. Nhưng máu những người bạn xa xôi đổ một, thì máu con cháu người Inca bản địa đổ một ngàn. Bỡi vì đấy là thế kỷ thực dân. Vào giữa thế kỷ thực dân, Darwin đã bỏ ra 5 năm nghiên cứu những động vật hoang dã trên quần đảo Galapaxos, đã nói với cả thế giới rằng, có một qui luật đào thải tự nhiên trong cuộc tiến hóa của các loài. Cũng chẳng biết những người bạn châu Âu xa xôi có tham khảo cái qui luật đào thải tự nhiên trong công cuộc thực dân của mình hay không khi chở đám dân châu Phi sang đổ xuống đất Nam Mỹ để khai thác tài nguyên thiên nhiên cho mình. Không chỉ Ecuador. Không chỉ Nam Mỹ. Mà cả châu Mỹ. Cả cái thế giới mới được Columbo trông thấy lần đầu. Vàng. Và ca cao. Và nhiều thứ khác nữa. Và máu của người Phi nô lệ với máu của con cháu người Maya con cháu người Inca bản địa phải đổ xuống Ecuador, phải đổ xuống cái thế giới mới ấy để chứng tỏ rằng thế kỷ thực dân là có thực.

 

 Ta gặp Oswaldo Guayasamin dưới chân núi Andes vào một ngày mùa đông. Ông đang viết lại lịch sử của những thế kỷ tro than. Viết bằng ngôn ngữ của màu. Một bảo tàng lịch sử bằng màu là được dựng lên từ cơn ác mộng. Những thế kỷ tro than diễn ra như cơn ác mộng. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Chủ nghĩa thực dân. Chủ nghĩa độc tài. Chủ nghĩa quân phiệt. Và còn bao nhiêu thứ chủ nghĩa nữa đã diễn ra trong những thế kỷ tro than. Có nghĩa, những thứ đó là làm chết người hằng loạt. Những thứ đó là làm cho cả người sống lẫn người chết đều cảm thấy sợ hãi.                                                   

Và Chapel Of Man. Nhà nguyện của con người. Là nơi cho con người cầu nguyện hòa bình công lý. Hay là nơi lưu trử những hình ảnh máu xương cùng với những nỗi niềm cháy bỏng của con người trong cuộc chiến đấu giành lấy hòa bình và công lý cho con người. Ta lạc vào Chapel Of Man, lạc vào cái nhà nguyện kỳ dị ấy, ở Quito, thủ phủ nước Ecuador đương đại, vào một chiều mùa đông. Ông, Oswaldo Guayasamin, người sáng lập Chapel Of Man, đang tạo ra một giấc mơ khác. Hãy để cho con người nói lên tiếng nói của mình, tiếng nói bằng màu sắc, và đem đặt hết thảy chúng vào một nơi thiêng liêng có tên là Chapel Of Man. Chapel Of Man, nhà nguyện của con người. Hay là cái bảo tàng của những màu sắc bạo tàn. Ông, Oswaldo Guayasamin, kẻ sáng tạo ra  bảo tàng sắc màu của thế kỷ, đang kể lại những thế kỷ tro than. Giọng kể của ông có sức quyến rủ như là đang sở hữu tất cả mọi quyến rủ vốn có trên mặt đất này :

    http://blog.espol.edu.ec/kalufrei/files/2010/06/293309_0.gif
      http://bg.chamberart.net/archive/O/Oswaldo%20Guayasamin/Oswaldo%20Guayasamin%20(33).jpg
      http://www.latinamericanart.com/artworksimages/799/img-01-b997e5e1-9bee-4f0f-ac5a-f3ceda90f608.jpg
       http://1.bp.blogspot.com/-fgcLr745PMk/TmuUelVg-KI/AAAAAAAAByU/m78TK3IW8NU/s1600/Oswaldo+Guayasamin+02.jpg
       http://25.media.tumblr.com/tumblr_mau4k2Iju71rwl43fo1_r1_1280.jpg
       http://occultoantonio.files.wordpress.com/2011/08/oswaldo-guayasamin-7.jpg
       http://thisstudentslife.files.wordpress.com/2012/02/guayasamin201.jpeg
        http://thegonzothinktank.files.wordpress.com/2010/03/img_0542.jpg

  Nguồn: nguyenthanhhien10blogspot.com                                                                          mùa đông ,                    

 16/12/2012

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012




Thơ Huỳnh Kim Bửu



Từ con cá nhảy lên bờ


Từ con cá nhảy lên bờ
No nê lũ kiến cỏ bờ máu tanh

Có người ngồi tựa gió xanh
Vừa đeo vừa đếm vô thanh nỗi mình

Hỏi lòng nay đã dịu thanh
Mà đem chăn đắp vòng quanh kiếp người

Ôm đàn ra gãy giếng khơi
Năm mươi cô gái hát lời “tình quân”…

Trăng non chiếu xuống nẻo gần
Đâu thời nhạc ngựa hia ông trở về

Một đời mẹ vẫn tái tê
Mà cho ta cả bốn bề thong dong

Thương chiều khe chảy long tong
Con két cắn quả, nhạn hồng bơ vơ

Nhà ai tiếng chị ù ơ…
Lời ru mượt cả giấc trưa chim cành .

12 / 2012

Thơ Huỳnh Kim Bửu


Nắng tháng giêng


Nắng tháng giêng rực bờ sông chảy
Nắng cành xoan, nắng tà áo em bay
Mẹ đi chợ tháng giêng, mua thếp trầu cay
Bảo: mua lộc cho cả năm cứ tốt.

Nắng tháng giêng, nắng nghiêng cửa võng
Hội trên đình, trống giục xuống thôn trang
Con tu hú gọi đồng mau chín vụ
Những vườn trưa thơm huệ trắng, hồng vàng.

Ta đi giữa tháng giêng nắng mới
Lòng thật vui như chim én thuở bay về
Thuở con sông trôi và những bến chờ
Muôn vẻ đẹp tháng giêng cùng rực rỡ…

Ôi, nắng tháng giêng giục mùa thị chín
Thơm trên môi, trên má những em thơ
Thương bà ta đi Rằm Giêng lễ Phật
Nắng tháng giêng và những tóc bạc phơ…

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012


 Một ngày của Chuá


Trương Văn Dân


 
   Chiếc  Lexus màu đen bóng lộn dừng lại trước cổng một biệt thự sang trọng. Một người đàn ông bệ vệ bước xuống. Trong khi gã tài xế loay hoay đi tìm chỗ đậu, người đàn ông bước lên những bậc tam cấp, đẩy cửa, bước vào nhà.
Bỗng, từ  bên trong, có tiếng khóc ấm ức, phá tan khoảng không gian yên tĩnh.

  Trong phòng khách, cô giúp việc đang cố dỗ một cậu bé ăn cơm, nhưng cậu bé quá ngán ngẩm những sơn hào hải vị! Câu ham chơi nên nhất định không ăn. “ Nè, bây giờ em thích chơi với cái này này”. Cậu chỉ tay  vào chiếc thiết giáp chạy bằng pile, có hai nòng súng giương cao đặt trong tủ kính. Cô gái dịu dàng bảo : “ Chị không có chìa khoá. Lát ông về rồi sẽ lấy xe để em chạy và nã súng sau nhé!” “ Nhưng em thích chơi bây giờ cơ!”  Cô gái vẫn kiên nhẫn : “ Em đang có rất nhiều đồ chơi đây này. Chơi tạm đi, lát ông về sẽ đổi sau. Em cố gắng ăn thêm một ít nữa nhé!” Vừa nói cô gái vừa  bám theo năn nỉ, “giỏi”, cố đút  thêm một muổng thức ăn vào miệng nó.
Ngay lập tức, cu cậu giậm chân, phun thức ăn phì phì xuống chiếc thảm Ba Tư trải trên sàn nhà. Rồi cậu trợn mắt, hét toáng lên, ngã lăn đùng ra đất.
Lưng cậu chạm vào một vật gì. Cộm. Cậu cầm lên, ngắm nghía, rồi không hiểu vì lý do gì, tiện tay hay điên tiết, cậu ném thẳng vào mặt cô gái. Sau tiếng “bịch” khô khốc, chiếc xe lửa tí hon bằng kim loại mỏng rơi xuống đất.
  Máu từ mũi cô gái chảy xuống thành hàng.
 Cô gái đứng trân, nhưng dường như cô chưa thể quan tâm đến mình. Mắt lấm lét cô nhìn ra phía cửa rồi sau đó mới đưa hai tay che mặt chặm lấy vết thương. Đầu gối run run, cô cúi xuống, một tay áp lên mặt, tay kia quờ quạng tìm nhặt những toa xe đã  tách thành nhiều khúc, rời rạc văng tung toé.
         Đã nhiều tháng giúp việc trong nhà, cô thừa biết tính ông mãnh: Mỗi lần trái ý là ông khóc, ông dẫm chân và đấm ngực. Trường hợp nặng, mặt ông nhăn nhó, không nói, không ăn... Sau đó nếu thấy nỗi sợ của mọi người vẫn còn chưa đủ, ông liền tăng đô, ôm bụng quằn quại lăn trên sàn nhà. Cả lớn lẫn bé, trong nhà ai cũng sợ ông, bởi ông là con trai một. Ông chính là kẻ quyền lực nhất nhà.   
Cô gái biết phận, khép mình trong thái độ nhẫn nhục và cam chịu. Không dám một lời trách móc.

Chính lúc đó, người đàn ông vừa bước qua ngạch cửa, đưa đôi mắt  nhìn vào bên trong. Dò xét.
  • Ba, ba …con mẹ này làm gãy xe lửa của con.
Xương sống cô gái lạnh buốt. Cô biết chiếc xe lửa đó là thứ đồ chơi cao cấp mà mẹ ông mãnh đã nhờ người mua tận bên Mỹ  để làm quà sinh nhật cho con.
-“Cô  đã làm cái gì vậy, hả ? ”
Cô  gái hoảng hốt, ngẩng đầu, khẽ đưa mắt nhìn thằng bé rồi sợ sệt quay sang ông chủ :   
-“Dạ thưa ông…con lỡ tay làm rớt ”… . Vừa nói cô vừa cúi xuống, tiếp tục nhặt những toa tàu vương vãi trên tấm thảm len. Bàn tay trái buông ra nên máu từ vết thương trên mũi tiếp tục rịn ra.
- “Giờ cô tính sao, hả, hả?”
- “Dạ để con gắn lại.” 
Cô nói chưa hết câu, ông mãnh đã hùng hổ đứng dậy. Ông co giò dẫm bẹp toa xe dưới chân rồi đá một toa khác ra xa…
Cô  gái kinh hồn, lùi lại : “ Ô hay! em làm gì vậy?”
  Giọng cô thất thanh. Mặt cô lem luốt.

Giữa lúc căng thẳng đó, bà chủ cũng vừa  bước vào nhà.
- “Má! Má! Má ơi ! Nó làm hư … Con mẹ này nó làm gãy đồ chơi của con rồi !!! Huu huu…”
-“ Đồ khốn, tay mầy bắt đom đóm hả?  Rờ đâu là bể đó…”
Cô gái chết lặng. Cô chưa kịp thanh minh thì thằng bé đã hét lớn :
-“ Đuổi cổ nó đi!”. Tiếng rống của thằng bé như mèo tru, nước mắt nước mũi chảy thành dòng.
  Nghe con khóc, bà chủ tức khắc ra lệnh đuổi cô gái.
Thằng bé ngừng hét, đưa mắt thoả mãn nhìn những khuôn mặt đầy ưu tư đang đứng xung quanh.
  Khi nhìn thấy cô gái đi sửa soạn  hành lý, nụ cười tươi tỉnh chợt xuất hiện trên môi nó.

                                                      &

Mười phút sau, cô gái bước ra khỏi ngôi biệt thự. Cô thất thểu ôm gói đồ đi trên đường phố.
Lúc này là mùa Giáng Sinh. Những ánh đèn màu rực rỡ giăng khắp nẻo đường, nhưng chúng không làm cô gái vui như mọi lần. Cô chỉ thấy buồn. Và cô độc.

    Khi đi gần đến bến xe để mua vé về quê, cô gặp một bé trai chừng mười tuổi đang lượm khúc bánh mì của ai bỏ dở trên lề đường, ăn ngấu nghiến. Cô đứng lặng nhìn em ăn hết. Nuốt xong mẩu bánh cuối cùng, cô còn thấy thằng bé mút mút mấy ngón tay còn dính mỡ, rồi liếm mép: “ Chị ơi em đói quá! 
     Cô gái bỗng quỵ xuống, ôm chầm lấy em bé .

     Trời không gió, nhưng cô gái bỗng thấy lạnh.
   Nhưng có lẽ không phải vì giá buốt mà cô bật khóc. Tiếng nấc không biết có bay được lên cao, vút đến ánh sao, trong ngày Chúa ra đời ? 

                   

Trương Văn Dân