.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Nhà bếp của má tôi




Bút ký của Huỳnh Văn

May được sống nhờ con, được ở trong ngôi nhà hiện đại của con với cái phòng bếp, phòng ăn khá sang, khá tiện nghi, nó khiến tôi cứ ngùi thương cái nhà bếp lọ lem của má tôi hồi xưa.

Ngôi nhà ngày xưa của chúng tôi ba gian hai chái, mái tranh vách đất mà được cái gọn gàng, ngăn nắp. Ba là chủ nhà ở nhà trên để tiện việc hương khói ông bà, lũ chị em chúng tôi ở nhà dưới, còn má tôi thì vừa ở nhà buồng vừa ở nhà bếp. Nhà buồng là buồng ngủ, là chỗ sinh nở những đứa con của má, còn nhà bếp là chỗ cho má thức và làm lụng từ sáng đến tối.879721092_Me Gia

Nhà bếp của má khá rộng rãi, chừng 16 mét vuông, úp mặt về phía sân cát (nơi đặt bể non bộ, và cũng là chỗ trống bây giờ người ta gọi là giếng trời) ba mặt kia vây kín bởi các vách trát đất nứt nẻ, sù sì. Ba giúp má làm “nội thất” nhà bếp. Trên nền đất nện đen bóng, dựa vào vách bên này, đặt hai bộ ông táo. Ông táo nặn bằng đất sét, phơi khô. Dọc vách, đặt ú, tỉn sành, hũ đất nung: cái đựng muối hột, cái đựng mắm cua, cái đựng nước tương…để vần nóng. Cái nào cũng đậy nắp hoặc bịt miệng bằng lá chuối, lá tra kín mít. Những ú tỉn đó, lâu ngày có cái bị vỡ tan ra, ném đi, cho lũ con lít nhít của má những mảnh sành để chúng vanh tròn chơi trò đánh chuông hoặc ném thia lia…Dọc vách đối diện bên kia, đặt bộ cối xay lúa với cái tai cối to hơn tai bò, giằng xay dài hai thước móc vào thanh đà nhà đen nhẻm vì ám khói. Giữa nhà là khoảng trống, dành cho má vần cối ra giã gạo. Má thường giã gạo chày đôi với chị dâu hoặc chị Hai (lâu ngày chỗ ấy lõm xuống, in hình đít cối hình vuông). Ba còn “bổ sung” một gác bếp bằng thanh tre ghép để có chỗ hun khói vật dụng, từ bó lạt tre, bó hom tre đến các loại thúng, rổ, mê, trẹt đan bằng nan tre… Nơi má ngồi làm bếp, vừa tầm tay với của má, về phía bên trái, má có một bịch trát đất, cao chừng 5 tấc, để chứa chất đốt (rơm, củi, vỏ trấu…); về phía bên phải đặt một cũi (chạng) hai tầng bằng khung tre, gài các mảnh khại đan tre vây kín bốn mặt xung quanh và hai mặt đáy cũi, đình cũi. Sóng chén má đặt trên đình cũi. Má cột vào một trụ cũi một ống so đũa. Ống so đũa cao khoảng một thước, nhiều tầng, bằng ống tre cưa lỗ làm miệng, đựng ở tầng trên mấy bó đũa con, tầng giữa vài chiếc vá muổng, tầng dưới cùng vài bộ đũa bếp (còn gọi đũa cái).  Vò, chậu thau nước đặt ở sân cát lát gạch thường đóng rêu xanh. Tính má kỹ lưỡng, vò nước má kê trên hòn đá ong với gáo dừa có sẵn, đậy nắp bằng nón mê vanh vừa vặn, thau nước trên giá tẩy. Nhà bếp của má có nhiều đòn ngồi, cái cho má ngồi đun bếp, cái cho má tiếp khách hàng xóm sang chơi, tiện đâu ngồi đấy cùng trò chuyện. Chuyện quanh bếp lửa hồng với má thường là chuyện nhờ vả, vay mượn lẫn nhau. Khi thì khách má mời đến để kêu công cày công cấy, kèm lời hứa cho mượn giạ lúa giống, có khi khách tự đến hỏi mượn gàu dai tát nước, sợi dây dừa cây đòn gánh lúa… Và cả chuyện “thời sự để trong bụng là không chịu được” : khi thì chuyện cô con gái nhà nọ chửa hoang, lúc khác ông Lý đương vừa cưới thêm vợ bé … Ba kê bộ ván xoài nơi nhà cầu nối với nhà bếp để làm chỗ dọn cơm cho ông bà Nội ăn, cho hôm nhà có khách. Cơm gia đình thường bữa được trải chiếu dọn dưới đất, trước bếp, ai cũng bảo, cho được “thoải mái”. Má còn treo lơ lửng, khỏi đầu người, những gióng mây đặt vào đó nồi này, trã nọ đầy ắp đồ ăn, khi cũi bị “quá tải” trong những ngày giỗ tết. Trong bếp của má “ngự trị” những bồ hóng, lọ nồi trã, và cả mùi hăng hắc của khói, của rơm rạ, vỏ trấu cháy sém, cháy dở.
hoituongB

Gia đình tôi có mười hai miệng ăn. Ông bà Nội, ba má và tám đưa con, cháu của họ. Mười hai miệng ăn, mỗi ngày ba bữa hết mười muổng dừa gạo (bằng mười thời nay). Má tôi mới gà gáy một lần đã thức dậy. Bà thổi bùng những đóm lửa ủ qua đêm thành bếp lửa rực rỡ để nấu bữa ăn sáng. Trong nhà, ngọn lửa bếp cháy, soi hồng đôi má người phụ nữ mới sang tứ tuần, ngoài trời bóng đêm dần lui, ánh ngày dần sáng, chim chóc bắt đầu chuyền cành và hót líu lo. Bữa sáng má dọn lên mâm, thường nồi cháo trắng ăn với muối rang hoặc với cá cơm, cá nục ướp hành tiêu kho khô. Những khi cần đổi bữa, má cho rổ khoai lang, củ mì luộc hay bánh tráng sống cuộn bánh tráng chín chấm mắm cái. Bữa trưa, bữa chiều, má ngồi giữa hai bếp, đẩy lửa bếp bên này cho nồi cơm chín, bếp bên kia cho trã canh sôi. Bữa nấu nhiều món, má liên tục nhấc trã này xuống, bắc nồi kia lên. Lửa rơm cháy rần rật, nóng hừng hực, nhìn má bên bếp lửa, lũ chúng tôi chỉ biết thương và tội nghiệp má nhọc nhằn. Má không rời khỏi bếp, vì lửa rơm dễ bùng dễ tắt, không khéo bị cơm khê, cơm cháy, cơm sình, cơm  sống, không sao ăn được. Chờ khi nấu xong, bớt lửa, má mới ra sân cát uốn dẻo người, giải lao, thư giãn bằng cách xem bể non bộ với Lã Vọng ngồi thạch bàn câu cá, rồi ngước mặt nhìn bầu trời cao xanh với áng mây bay.
Thường tới khi mâm cơm đã đông người, ba vừa ngồi vào mâm vừa ngâm nga mấy bài ca quen thuộc: “Cơm dưa muối khó khăn mới có / Của không ngon nhà khó cũng ngon…” (Ca dao), hoặc “Đầu tôm nấu với ruột bầu / Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” (Ca dao). Ba bảo, ngâm nga thế cho vui để “thưởng” má bay tần tảo và làm cho cả nhà “nhập tiệc” thêm ngon. Có không ít bữa, má không ngồi vào mâm cho “chén cơm đôi đũa đề huề” với ba, với gia đình, vì bà còn bận hoặc đun dở om nước chè đang sôi trào bọt, vỗ về đút cơm cho đứa cháu nội vừa mới thôi nôi ăn…
megia
Những khi đi ra khỏi bếp, khỏi nhà, ít khi má đi có về không, không nhặt nhạnh bó củi tre ngoài bụi tre làng thì cũng thúng vỏ trấu hốt đâu đó đội đầu về cho bếp; không mớ rau sam thì nắm bồ ngót hái đằng nhà hàng xóm đựng rổ mang về cho bếp… Lũ chị em chúng tôi thấy, cái gì của má cũng thường được má đưa vô nhà bếp. Ở nhà bếp, ít khi má nói năng nhiều, ngoài mấy câu mắng yêu chồng con, khi: “Ba bay cái gì cũng thèm” lúc: “Lũ chúng bay chỉ giỏi…ăn “… Những khi rảnh rang, má thường ngồi đòn ăn trầu, sửa lại mái tóc, lặng lẽ nhìn con thằn lằn ôm cột nhà, lắng nghe tiếng chuột kêu chút chít trong mủng cối xay … Hình như để bà nghĩ ngợi điều gì đó.
Nhà bếp là hơi thở của mỗi người trong gia đình chúng tôi. Vì có khi nào nó ngưng hoạt động: xong nấu cơm cháo, luộc khoai, thì đun nước trà, nướng bánh tráng, rang cốm ngô cốm nếp, bắc nồi cháo heo… Đến ngày gần hết gạo cất trong ảng, má đem lúa ra xay giã với sự giúp sức xay đôi, giã chày đôi của chị dâu, chị Hai. Cối xay quay ù… ù…, tiếng chày giã gạo rơi ình… ịch…khiến những con dán trong xó tối giật mình cắn đuôi nhau, ù té chạy tán loạn, những chuột chù, chuột nhắt trong hang nghe mùi gạo thơm, ló đầu, láo liêng con mắt, vụt chạy ra ăn trộm thóc gạo, rồi vụt chạy vào. Buổi tối, má vẫn giữ bếp lửa cháy bập bùng để lấy ánh sáng, làm các việc vặt vãnh: không phải vá may, thì nén cải làm dưa, không cặp lại cái rổ bùng vành để sáng ngày đi chợ sớm thì sắp xếp lại cơi trầu của bà cho thêm tươm tất…Đến khi ở nhà trên, ba “thôi đọc sách đêm khuya” hay tiễn ông khách hàng xóm ra về, trăng giữa tháng soi sân cát, dơi chập choạng bay ngoài vườn cây, va đập vào các tàu chuối, thì má cũng dừng lại công việc, đứng dậy, đi vào buồng, ngủ. Đêm khuya khoắt, nhà bếp ủ lửa nồng cho đến sáng ngày hôm sau. Đó là chưa kể những đêm đông giá lạnh, má vung vãi rơm rạ ra giữa nhà bếp, lót tổ, bắt cả nhà ngủ trước bếp lửa, cho ấm áp. Lại còn những ngày giỗ kỵ, đám tiệc, tết tư là những ngày “hoạt động cao trào” của nhà bếp. Nhà bếp đông người, nồi niêu, củi lửa, dao thớt tập trung lại nhiều hơn, tiếng nói cười cũng nhiều hơn. Còn phải kể, mấy đùm gà vịt trói chặt cẳng, ném ra sân cát cho chúng luôn quẫy đạp và kêu quang… quác, túc… tục…đến nhức óc.
Bây giờ ở với con, tôi ngùi thương cái nhà bếp ám khói của má tôi xưa, và má suốt đời quanh quẩn với bếp. Tôi cũng ngùi thương cái làng quê An Định (trong vùng phủ An) của tôi hồi đó, còn có bao phận nghèo sống trong những túp lều với cái hiên lai làm bếp. Mà những cái hiên bếp đó thì có nhiều hôm lạnh, không thấy đâu sợi khói lam chiều tỏa lên từ mái tranh.
Địa chỉ: Huỳnh Kim Bửu, 162 / 32 / 18 Nguyễn Thái Học , Quy Nhơn – Bình Định

Be the first to like this post.

4 phản hồi

  1. Đọc bài viết thấy thương bà mẹ miền trung tảo tần hôm sớm quá,xin chia sẽ cùng anh HV
  2. on 16.10.2009 lúc 12:14 | Trả lời chị Tám Râu
    Bài của anh viết gợi rất nhiều cảm xúc và nhiều hình ảnh . Nó gợi tả cho ta hình ảnh của một bà Mẹ xưa. Hết lòng vì chồng con. Anh đã vẽ được một bức tranh thật sống đông. Quê chồng tôi gốc ở An Lợi Nhơn thành.Thấp thóang tôi thấy cái bếp của mẹ chông tôi và hình ảnh bà trong ấy.
  3. Cảm ơn anh đã gửi bài cộng tác,hy vọng sẽ tiếp tục nhận được nhiều bài viết hay về Bình Đinh của anh.Chúc anh khỏe.
  4. Kính anh Huỳnh Kim Bửu,
    Nhà Bếp Của Má Tôi làm người Bình Định xa quê thèm mắm cua rau lang luộc quá.
    Cảm ơn tg “nơi con sông Côn chảy qua” rất nhiều.

Thương nhớ chợ quê

Trong các làng quê, bên cạnh đình, chùa, miếu mạo tôn nghiêm, còn có cái chợ cho người ta bán buôn, mua sắm – chợ quê. Từ chợ quê ta có thể hình dung ra một phần sức sống của vùng đất.

Thường thì tên làng thế nào thì tên chợ thế ấy. Thôn Háo Lễ (xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước) có chợ Háo Lễ; làng Suối Tre (huyện An Nhơn) có chợ Suối Tre. Nhưng dân gian đôi khi gọi tên chợ cũng rất ngẫu hứng. Có chợ gần chùa, sẵn đó gọi luôn là chợ Chùa; lại có chợ Dinh (phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) vì xưa gần dinh quan. Và dân gian cũng thông tuệ lắm, nên có cả chợ Phú Đa, chợ Cảnh Hàng (An Nhơn), chợ Trà Lương (huyện Phù Mỹ)- những chợ có tên chữ đẹp đẽ…
Chợ thường nằm ở vị trí gò cao, rộng rãi, trung tâm một làng quê, chỗ trục đường liên hương, bến xe ngựa, bến con sông chảy qua làng. Hồi xưa, đường bộ không tiện lợi bằng đường sông nước, nên chợ thường gần bến sông, hễ có cảnh trên bến dưới thuyền, là có chợ. Gò Bồi (Tuy Phước) sớm trở thành một thị tứ, vì ở đó gần cửa sông cửa biển. Đến khi đã có chợ rồi, chợ tác động trở lại, làm cho đường sông nước nhộn nhịp hơn.

Những vùng quê trù phú, nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ thì tập trung nhiều chợ để người dân mua sắm, còn nhà sản xuất bán sản phẩm. Chợ Đập Đá là chợ chính của thị trấn Đập Đá (An Nhơn), vì đó là vùng phát triển các ngành nghề truyền thống: cẩn xà cừ (Háo Đức, Nhơn An, Cẩm Tiên, Nhơn Hưng…); bún tươi, gốm (Nhơn Hậu); rèn đúc, nhang (Bằng Châu, Bả Canh, Thiết Trụ – Nhơn Hậu…). Quanh chợ Đập Đá, còn có những chợ “vệ tinh”: chợ Kén bán sản phẩm của nghề ươm tơ dệt kén, chợ Gò Găng bán nón lá. Tân Dân, An Cửu, Háo Lễ… thuộc khu Đông tốt lúa, tốt tre, nổi tiếng “gạo trắng, nước trong”, cho nên các chợ Phú Đa (Tân Dân, An Nhơn), Háo Lễ (Phước Hưng, Tuy Phước) bán buôn lúa nếp, cá đồng, cá biển (từ vạn Gò Bồi đưa lên) và đủ các mặt hàng đan nan tre. Chợ Cù Lâm “chuyên” bán cày bừa, vì gần rừng An Tượng, cung cấp nguyên liệu cho nghề đẽo bắp cày, trạnh cày đem ra chợ bán. Vùng Phước Lộc có chợ Huyện, bán nem chả Chợ Huyện…
3.
Chợ quê, phần nhiều gồm những dãy lều quán tranh tre nứa lá sơ sài. Một vài vùng quê trù phú, bán buôn phát đạt, người ta làm vài dãy nhà dựng cột gỗ, hoặc trụ gạch, mái lợp ngói, nền lát gạch đất nung. Vì không đủ che nắng đổ mưa tạt, cho nên, nhiều chợ nhỏ phải nấp dưới những tán cây to. Tuy nhiên, phần nhiều các chợ sau nhiều năm duy trì thường phát triển thành phố – phố chợ. Ở đó, có tiệm buôn bán, cửa hàng cung cấp các dịch vụ, kế đó là những lò sản xuất… Cũng như nhiều địa phương khác, các phố chợ ở Bình Định thường có tiệm thuốc Bắc, tiệm kim hoàn, tiệm hớt tóc, tiệm bịt trống da trâu, tiệm hàng mã…
Chợ quê họp theo phiên. Những ngày có phiên chính, chợ họp từ sáng sớm đến trưa tròn bóng mới tan, đông chợ là lúc nửa buổi. Người đi chợ mua sắm cũng là người ở các làng quê, cho nên, người mua kẻ bán quen mặt nhau, lấy việc mời gọi, trao đổi hàng hóa là chính, mặc cả chỉ là lấy lệ.
Công, dung, ngôn, hạnh của phụ nữ hồi xưa bộc lộ rất rõ ở ngoài chợ: Cô bán hàng duyên dáng, ăn nói dịu dàng, chào mời lễ phép thì bán chạy hàng; cô mua hàng có kinh nghiệm thì dễ dàng mua được món hàng “tiền nào của nấy”, món hàng ngon. Cái dở của phụ nữ cũng thường bộc lộ ngoài chợ: Mua phải mớ cá ươn, miếng thịt hôi… Dân gian còn có câu: “Trai khôn tìm vợ chợ đông” để vừa dạy con gái phải trau dồi nết na, tập làm ăn; vừa chỉ cho con trai “địa chỉ” để kén vợ đảm đang…
Cũng có chợ nhóm lại vào buổi chiều, nhưng không đông, thường để bán hàng tươi sống, như tôm cá vừa mới đánh bắt được hoặc con thú rừng vừa mới sa bẫy… Có chợ đặc biệt, chợ Gò (Tuy Phước) nhóm mỗi năm một phiên duy nhất vào sáng mùng một Tết, cho người ta vừa có một hội Xuân, vừa đi mua lộc Bà, cầu may cho cả năm.
4.
Hồi nhỏ, tôi vẫn thích được mẹ dẫn đi các chợ quê để cúp tóc, may đo quần áo cho ngày Tết, ngày tựu trường năm học mới; hay được mua cho quả thị chín vàng, ăn kẹo kéo bỏ đồng xu quay số… Tôi thích nhất được mỗi năm một lần, theo ba đi chợ Tết quê để xem gian hàng ông thầy đồ gò lưng viết chữ, tranh Đông Hồ vẽ gà lợn treo trên các cột lều chợ…
Nét quê ở chợ, dẫu là chợ ở làng xa, nay đã phai nhạt đi nhiều. Nhưng sự rộn rã, nhộn nhịp khi vào phiên vẫn vậy. Có một chút tiếc nuối, nhất là khi Tết đến Xuân về, nhưng đó là lẽ phát triển tất yếu ở đời. Và có vậy, thì xứ sở mình mới khá lên, người nhà quê mới khá lên, lại lấy đó làm vui.
  • Huỳnh Kim Bửu

Be the first to like this post.

7 phản hồi

  1. Mình cũng có đi chợ Gò vài lần,chợ tan khoảng giữa trưa bạn à
  2. Ngày xưa nghe các bạn kháo nhau, rủ nhau mồng Một tết đi chợ Gò với vẻ háo hức lắm. Mình thì không bao giờ được đi vì phải trông nhà cho Ba Mạ đi chúc Tết bà con xóm giềng. Hình như phải đi từ rất sớm để đón lộc. Và …cũng …hình như chợ Gò bán nhiều loại pháo , và đó cũng là một trong những điều hấp dẫn của chợ Gò. Đến khoảng hơn 7-8 giờ là chợ đã tan. Có đúng không hở các bạn?
  3. Anh làm Tiến nhớ đến chợ phiên tuổi nhỏ của Tiến. Đó là chợ phiên Bình Dương ( Mỹ Lợi, Phù Mỹ). Một chút ngậm ngùi khi trở lại cách đây 5 năm. Hình như nó không còn giống như xưa..mà vì sao mình lại cứ muốn nó như xưa…mình cũng đã thay đổi rồi mà! Cảm ơn anh HKB.
  4. Cái anh legiao này kì cục! Tác giả đã có giới thiệu sơ về chợ Gò (5 dòng,ngay trên mục số 4).Hay là hồi đó-còn chút xíu-mà anh đã gặp cô bé nào đó làm cho anh mê mẩn tới giờ nên anh mới yêu cầu tác giả viết “thật cụ thể” hơn về chợ Gò???
  5. Chào Huỳnh Kim Bửu.
    Đọc bài viết của anh tôi thật nhớ cái thời thơ ấu của mình ở Quy Nhơn quá đi! Tôi nhớ cái thời khoảng 5,6,7… tuổi, cứ mỗi lần xuân về, được mặc quần áo mới, theo cha mẹ về quê hoặc đi thăm bà con ngày tết, nhất là khi về Tuy Phước, đi ngang chợ Gò, cha tôi đã cho tôi vào chợ để mua Pháo tre – hồi đó ở Bình Định chỉ có chợ Gò có bán pháo tre – và những con Gà làm bằng đất sét, làm khô và sơn màu sắc sặc sở của con gà cồ, được gắn 1 cái còi tre ở gần phao câu, trên đường về tôi thổi toe toe thật là thích chí. Trong bài viết của Huỳnh Kim Bửu tôi không thấy nhắc đến chợ Gò, có phải do chợ này đặc biệt chỉ nhóm chợ có một hai ngày tết (mùng 1 , 2 tết gì đó). Lâu quá rồi, mình không ăn tết ở quê nhà mình, không biết bây giờ có còn cảnh chợ tết như xưa nữa không ? Ai bi biết nói cho minh biết đở nhớ, Cám ơn nhiều.
  6. Chỉ cần nghe thấy hai chữ CHỢ QUÊ là bao nhiêu người con của Bình định đã cảm thấy hình ảnh quê hương tuổi nhỏ của mình rộn ràng trong kí ức tuổi thơ rồi, nhất là những bạn nữ.
    Thời gian gần đây đài truyền hình VN liên tục phát sóng những chương trình nói về cảnh trí và con người Bình định. Giá như nhà đài có thêm về đề tài CHỢ QUÊ thì hay biết mấy.
    Cám ơn tác giả Huỳnh Kim Bửu đã có bài viết hay này.
  7. on 06.02.2010 lúc 07:00 | Trả lời Thẩm Đức Trung
    Đọc bài của anh, tôi nhớ thời thơ ấu quá
Tản văn của Huỳnh Kim Bửu

Ngày xưa, nhà tranh vách đất


11.10.2007 08:00 - 4849
Xem hình
Một trong số rất ít ngôi nhà tranh vách đất còn sót lại ở vùng nông thôn. Ảnh: Văn Cảnh
Bây giờ ở nhiều vùng nông thôn, nhà tranh đã vắng bóng thực rồi. Sau này mấy ai còn được biết cái nhà tranh vách đất là gì.Đó là cái nhà phổ thông của nông thôn hồi xưa. Nhà đủ che nắng mưa, cốt sao để người ta có được một mái gia đình.
 Nhà tranh vách đất được cất theo nhiều quy mô khác nhau: Nhà cặp là nhà ba gian hai chái (hoặc năm gian hai chái), có cột gỗ kèo tre làm khung chống đỡ, mái tranh dày. Nhà cặp có hè rộng, trước hè có hàng cột gỗ tròn. Nội thất nhà cặp có nền đất, trần bằng sìa tre, ở giữa đặt bàn thờ gia tiên, chái tây kê giường hoặc bộ ván (phản). Túp lều tranh là nhà ba gian hai chái, cất hoàn toàn bằng tranh tre. Nhiều nhà dừng vách cũng bằng tấm tranh, không làm vách đất. Bên trong túp lều tranh có giường thờ lạnh lẽo khói hương, giường người nhà nằm, đều làm bằng tre (ở đây không đề cập nhà lá mái, mặc dù đa số nhà lá mái cũng lợp tranh. Bởi nhà lá mái là nhà có móng xây đá ong, nền lát gạch Bát Tràng, có bộ khung nhà làm bằng gỗ quý được chạm trổ, có nội thất sang trọng gồm những đồ quý giá. Nhà lá mái là nhà của người giàu ở trong làng).Nhà tranh vách đất cũng cần ngăn nắp. Toàn bộ ngôi nhà cặp gồm có nhà trên, nhà dưới, nhà buồng, nhà bếp... Nhà trên có phần kỹ lưỡng hơn hết: Cửa vào nhà trên trổ ở giữa vách mặt tiền, hai cửa sổ ở hai bên, chái tây nhà còn có thêm cửa sổ, nhà trên có cửa thông với nhà dưới. Cũng có nhiều nhà trổ cửa nhà trên lệch bên trái nhà, tiếp theo là hàng phên giại (bằng nan tre đan) thay bức vách mặt tiền, không có cửa sổ. Khi nhà có đám tiệc thì mở phên giại cho được rộng rãi. Nhà dưới, nhà buồng, nhà bếp thường là những hiên lai từ nhà trên. Nhà tranh vách đất thường được cất thấp để phòng tránh gió bão; giọt tranh trước nhà thấp đến mức người bước vào nhà nếu quên cúi xuống là bị đụng đầu.




Nguyên, vật liệu làm nhà tranh vách đất chủ yếu chủ nhà tự túc. Cây cau, cây xoan trong vườn nhà thân thẳng chặt làm cột nhà; cây xoài, cây mít thân to hạ xuống, cưa xẻ lấy gỗ làm đà, làm kèo, ra ván làm cửa, làm phản... Cây tre ngoài bờ rào cung cấp nguồn nguyên liệu chính cho ngôi nhà, nhiều ngôi nhà cất toàn bằng tre, không cần đến gỗ. Rơm rạ thì nhà nông có sẵn, chờ giũ rạ, đánh tranh. Cũng có nhà lợp mái bằng tấm tranh săng, tấm tàu dừa. Vùng Tam Quan (Hoài Nhơn) là xứ dừa, cất nhà lợp lá dừa. Cây tre làm nhà thường được ngâm bùn 5-7 tháng, gọi là tre ngâm, không còn sợ mối mọt.




Ông thợ cất nhà tranh vách đất được gọi là ông thợ mái. Thợ mái làm phần tranh tre: khoét kèo, gác đòn tay, thả rui mè, dựng mầm trỉ, lợp mái, cắt đuôi tranh, trát vách... Ngoài thợ mái, chủ nhà còn phải kêu thợ đất để xe đất đắp nền;  thợ mộc làm phần gỗ: dựng cột, thả đà, đóng cửa, đóng giường... Chủ nhà có tay nghề thì cùng làm với thợ. Kêu thợ cất nhà thường theo kinh nghiệm dân gian: “Chữa bệnh rước thầy già, cất nhà kêu thợ trẻ”. Có những thợ mộc gõ dùi đục “cắc cụp cắc” tính ngày công (ý nói năng suất kém) bị chủ nhà không vừa ý. Cất túp lều tranh mà chủ nhà biết chẻ sợi mây, sợi lạt, biết đánh nên tấm tranh, cầm được cái đục khoét lỗ con sẻ thì tự làm lấy, không cần phải kêu thợ mái.




Thợ khéo tay nghề cất được cái nhà đẹp. Nhìn từ ngoài, nhà tranh vách đất được cho đẹp là nhà có hè đắp ngay thẳng, vách trát phẳng lì không nứt nẻ, mái tranh không lởm chởm, giọt tranh dày mà cắt bằng, vút hình mũi đao ở các góc; bên trong nhà, cột kèo câu kết với nhau vững chắc, mặt bào, nét chỉ, lỗ đục láng, sắc, thẳng mực, khít khao. Vẻ đẹp của nhà còn nhờ ở bối cảnh. Những nhà có ngõ trước vườn sau, giàn bầu, luống cải trong sân, trưa có tiếng chim cu gáy trong khóm tre già, chiều có mái nhà khói tỏa… thì đậm hồn quê lắm, không đẹp sao được.




Nhà tranh vách đất mau “xuống cấp”, trải chừng 2-3 mùa mưa dầm thì lở hè, rã vách, dột mái… Cho nên chủ nhà phải siêng năng sửa chữa. Có vậy, mới có những nhà từ đường truyền đến 4-5 đời con cháu, mới có chuyện cái nhà “bách niên” để kể cho con cháu nghe mà biết bổn phận phải gìn giữ cái mái ấm gia đình. Túp lều tranh ít níu giữ tình cảm và bước chân người trong buổi ra đi.

 
Một trong số rất ít ngôi nhà tranh vách đất còn sót lại ở vùng nông thôn. Ảnh: Văn Cảnh





Chủ nhân những ngôi nhà tranh vách đất thường là những nông dân nghèo, những nông dân bậc trung. Hạng khá giả trong làng thường ở nhà gạch, nhà lá mái. Cũng có những nhà nho lỡ vận, quan thanh liêm về hưu, thậm chí “anh hùng khi vị ngộ”… ở nhà tranh vách đất. Trần Tế Xương đã từng than: “Hai mái trống tung đành chịu dột”, còn Nguyễn Công Trứ từng cười ra nước mắt: “Bóng nắng dọi trứng gà trên vách, thằng bé tri trô / Hạt mưa xoi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó” (Hàn nho phong vị phú).




Bây giờ người xa xứ về thăm lại làng quê mình, nhìn thấy cảnh đổi thay, đâu cũng nhà ngói, chỗ kia chỗ nọ nhà đúc mái bằng, ắt lòng khôn xiết mừng vui. Thế nhưng, làm sao người ta không chạnh nhớ cái thuở ở nhà tranh vách đất, với những đêm gió bấc lạnh lùng nằm ngủ ổ rơm.







Tản văn Huỳnh Kim Bửu

Ngồi buồn nhớ những rạ,rơm

Chủ Nhật, Ngày 26/09/2010 07:27 AM
Ta yêu các làng quê, một phần vì nơi đó, ta còn có những kỷ niệm xưa cũ và những "nét quê" mà  thị thành nơi ta đang ở không có. Trời nắng tháng ba chang chang, cây lúa chín trĩu bông đứng ngoài đồng được cắt về, tuốt lấy hết bông lúa, thì phần còn lại là rạ, rơm.
Rạ là phần thân lúa cũ; rơm là phần nhánh và lá bị bứt ra, không còn dính với thân lúa. Rạ, rơm trải phơi trong sân, trong vườn, cột thành bó móc phơi trên hàng rào các nhà, lan ra tới ngõ xóm, đường làng. Cảnh đó khiến người ta đi đến đâu cũng bực cái vướng chân, nhưng cũng được hưởng cái vui, nghe thấy mùi hương đồng nội thơm lừng: "Đường trong làng: hoa dại với mùi rơm/Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm". (Đi giữa đường thơm  - Huy Cận).
Rạ rơm phơi 1 - 2 ngày đến khô, chờ ngày người ta gom lại, chất cao thành đụn ở chỗ mặt đất bằng phẳng, cao ráo trong sân hoặc trong vườn nhà. Giữa đụn rạ, rơm có trụ, thường gọi là trụ rơm, bằng gỗ săng, chôn sâu, đứng thẳng vững chải. Đụn rạ thân hình trụ, trên ngọn xếp những lớp bó rạ tạo mái che, đỉnh rút lại vừa đủ bung một bó rạ nữa làm ngù cho kín mái. Trông đụn rạ giống như một cây nấm khổng lồ, có đụn to đường kính tới 3 - 4 met, chiều cao 4 - 5 met.Bên cạnh đụn rạ là đụn rơm hình tháp, to hơn nhiều ngôi bảo tháp nơi các nhà chùa trong làng. Trước nhà, mọc đụn rạ, rơm là có thêm nữa tiếng chim sẻ ríu...ran, ríu... rít suốt ngày cho vui, vì đó là nơi chúng bay về bươn chải, tìm hạt thóc ăn.
Ngày xưa khách vô nhà, khác với bây giờ, nhìn thấy mấy đụn rạ, rơm lồ lộ trong sân là đoán ngay được chủ nhà thuộc thành phần kinh tế nào: Có nhiều ruộng hay ít ruộng? Giàu hay nghèo? - Nhà có đụn rạ, đụn rơm to, hẳn nhiều ruộng, nhà giàu; nhà có đụn rạ, đụn rơm vừa là nhà ruộng dăm sào, non mẫu, nhà trung lưu; nhà được một đống rơm con con bằng cái quạt gió giê lúa nơi nhà ông hàng xóm là nhà không mảnh đất cắm dùi, nghèo rớt mồng tơi, chỉ đi nhặt góp rạ rơm rơi vãi đem về.
Nói ngày xưa khác bây giờ, vì bây giờ sự giàu có được tính bằng những tiêu chí khác: Ông chủ có mấy ngôi nhà ở các thành phố lớn, tiền vàng gởi ở những ngân hàng nào, sự hưởng thụ cuộc sống thường nhật, từ ông bà chủ cho tới các cô chiêu cậu ấm, ra sao?...

Rạ, rơm thân thiết với cuộc sống vật chất và tinh thần của người trong các làng quê. Rơm, rạ cho người cái đun bếp, tấm lợp nhà. Nhà nông nhờ có rạ, rơm mà nuôi con trâu, con bò làm đầu cơ nghiệp: "Trâu ơi, ta bảo trâu này / Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta..." (Ca dao). Cho người cái ổ rơm nằm ấm đêm Đông lạnh lẽo, cái gối gối đầu cho êm giấc ngủ, cho tròn giấc mơ mà cũng cho cái ngẫm nghĩ về thân phận: "Gối rơm theo phận gối rơm/Có đâu dưới thấp lại chòm lên cao  (Ca dao). Đâu cũng rạ rơm. Có con chim trời tha cọng rơm về làm tổ, cái hình nộm bện rơm, làm bù nhìn giữ ruộng dưa, và cả thơ Vịnh bù nhìn của một ông vua thương dân: "Quyền trọng ra uy trấn cõi bờ/Vốn lòng vì nước há vì dưa!..." (Lê Thánh Tông), nhà nông trộn rạ rơm với phân trâu bò bón ruộng, vườn. Có một thời khó khăn quá, người ta đã ngâm nước tro bếp giặt quần áo, thay xà phòng; nhà công sở (trường học, bệnh viện, hội trường, nhà hát...) là những dãy nhà dài lợp tới nhiều thiên tranh.
Ai đã có lần bưng miếng cơm ăn bốc mùi ẩm mốc của hạt gạo giũ rạ, mới thấu hiểu cái nghèo đến đáy của một bộ phận dân quê làm nghề giũ rạ đánh tranh, cái nghề đi tìm hạt thóc sót trong các đụn rạ cũ! Người nghệ sĩ làng quê nhờ rạ rơm mà có cái nhìn phân biệt giả, chân: "Anh hùng là anh hùng rơm/Ông cho mồi lửa hết cơn anh hùng" (Ca dao), nói thẳng lời hơn thiệt mà nhắc nhở người hãnh tiến đừng quên gốc quên nguồn: "Ai ơi đừng có quên rằng/Mình từ gốc rạ tung tăng lên ngài" (Ca dao). Rạ rơm thật chung thuỷ với con người, vì còn theo người trong bộ hậu sự cho người lâm chung, làm bó đuốc tiễn người ra đi ra cửa huyệt.

Những tháng 4, 5, 6, 7, 8 trong năm trôi qua, thóc trong lẫm trong bồ nuôi người, lúa lép, lúa lừng ngoài hiên, ngoài hè cho gà, lợn ăn... vơi dần, rồi hết sạch để  nhường chỗ cho cái ngày giáp hạt tới. Còn những đụn rạ, rơm kia, cũng theo thời gian mà còm cõi, rồi tan biến, nhường chỗ cho những đụn rạ, đụn rơm mùa sau. Những đụn rạ rơm bị còm cõi theo ngày tháng, là do bị rút ruột cho trâu bò ăn, đun bếp, ủ phân, lên vồng trồng nấm... để rồi được chống đỡ bằng những trụ rơm phụ. Có những đám hoả hoạn, đụn rạ rơm đã cháy thành tàn tro mà những trụ rơm vẫn còn bốc khói tới mấy ngày sau. Không ít trường hợp, đám cháy để lại những trụ sù sì, đen nhẻm như những cánh tay đưa cao lên với trời.
Vùng Nam Trung Bộ có câu: "Tiếng đồn Bình Định tốt nhà/Phú Yên tốt lúa, Khánh Hoà tốt trâu" (Ca dao). Khách du lịch vào các làng quê Bình Định dễ dàng gặp những ngôi nhà lá mái lợp tới 4 - 5 thiên tranh với nội thất bóng lộn những đồ gỗ chạm trổ, hoành phi liễn đối cẩn xà cừ giàu tính mỹ thuật...

Nhớ ngày thơ, đụn rạ, đụn rơm là chỗ cho lũ nhỏ làng An Định chúng tôi bày bao trò chơi: cút bắt,  5 - 10, đánh giặc giả...Được làm vua, lũ thằng Cu Nhín, Cu Loi... vẫn làm ngựa chưng đưng cho bọn tôi và thằng Hoành - con ông Hương bộ Nhuệ - cỡi.

Bây giờ nhớ quê, mong được dịp về quê để tìm cảnh cũ, nét quê xưa: Đàn chim dồng dộc treo trăm tổ đung đưa trên các bụi tre, "trâu bò về rợp những nương ngô", những bầu cốm ngô, cốm nếp giống như cái bầu ve quá khổ mà toả hương thơm phức các bà gánh bán dạo quanh làng...Nhưng đã không gặp, không thấy! Những đụn rạ, đụn rơm cũng theo đó mà vắng bóng thực rồi, vì cây lúa bây giờ ngắn, thấp, cho năng suất cao mà rạ rơm không bao nhiêu. Vả lại, từ lâu người ta đã cắt đập bằng máy tại ruộng, rạ rơm thì đốt đồng, vừa đỡ công gánh gồng vừa sẵn đó làm phân bón ruộng.

Tản văn của Huỳnh Văn

Chõng tre

                                              

           Đồ dùng trong nhà nông thôn, gần gũi với giường, phản, võng, còn có cái chõng. Chõng làm bằng tre cho nên thường được gọi là chõng tre.
          Cũng có cái chõng khung gỗ nhưng không phổ biến. Chõng tre kích thước nhỏ, gọn (bề rộng vừa bằng đôi vai, bề dài vừa bằng hoặc ngắn hơn chiều cao của người nằm chõng). Chõng không để nằm mà chủ yếu để ngồi chơi, hóng mát, dùng trà, chủ nhân ngồi tiếp ông khách hàng xóm vẫn siêng đến chơi nhà… Chõng tre không trải chiếu, trải vạc thôi. Vạc làm bằng thanh tre cật, bện liên kết lại bằng sợi mây. Dùng lâu, chõng mỗi ngày mỗi láng lên nước. Chõng tre không bỏ gối bông, gối rơm, thớ lỡ muốn nằm thì có sẵn đầu chõng cái gối săng (khúc gỗ đặc) hoặc gối bện mây. Nằm gối săng, gối mây sạch, vì không dính được giọt mồ hôi và nó đồng bộ với cái chõng phơi trần, không trải chiếu.
         Làm cái chõng tre, không mất công mấy. Có sẵn vài cây trảy ngoài bờ tre, năm sợi mây để sẵn trên gác bếp là bác nông dân nào (không cần tay thợ) cũng làm được một cái chõng tre, 1 ngày là xong. Chõng tre có bán ngoài các chợ, trong cửa hàng đồ vật dụng gia đình làm bằng tre, mây với giá rẻ. Dù được tính chân quê, tiện lợi là vậy, nhưng đa số người nông thôn thời nay không còn ưa chuộng cái chõng tre nữa, người ta thích hơn cái ghế xích đu, giường xếp khung INOX hoặc khung sắt sơn tĩnh điện. Họ bảo, bây giờ ở nhà bê – tông, nền gạch bông, tường sơn trắng, phòng nào cũng đặt Ti – vi, bộ máy tính, nó không còn chỗ cho chõng tre, giường tre thô sơ, ộp ẹp.
         Chõng tre có vị trí ở trong các nhà tranh vách đất. Cái nhà tranh vách đất đó được kể từ túp lều tranh che nắng mưa đến ngôi nhà ba gian hai chái – năm gian hai chái, đến nhà khung gỗ chạm trổ có tên gọi nhà lá mái (nhà sang nhất ở nông thôn thời xưa)… Trong những mái nhà đó, chõng tre không đặt ở nhà trên, nhà dưới, cũng không đặt ở nhà buồng mà thường đặt ở nhà cầu nối, nhà bếp, hiên lai ở trước nhà.
          Nhiều chủ nhà là người khá giả, treo ở hiên lai mành sáo tre, giò lan, trồng ở chỗ giọt nước bụi hồng tường vi, bụi bông trang trắng…Và cũng đặt ở hiên cái chõng tre. Mỗi sáng sớm, chủ nhà thức dậy, đun ấm nước, rồi ra trước hiên lai, hái vài hoa tường vi nở trong đêm. Cho trà búp Đài Loan, cho hoa vào bình, rót nước sôi vào hãm giây lát là có được một bình trà ngon hảo hạng. Bưng kỷ trà tỏa hương đặt trên chõng, ngồi ngó ra sân còn đặc sương mai, uống trà với tâm thế người chào đón buổi bình minh, thế là chủ nhân có được một bữa thưởng thức trà ngon, sánh được với cái thú “Bình minh sổ trản trà” của người xưa. Những hôm, chủ nhà được ông khách quý hàng xóm sang chơi thì cái thú uống trà kiểu đó được nhân lên gấp bội. Phân ngôi chủ khách, mỗi người ngồi một đầu chõng tre, kỷ trà đặt ở giữa, rồi cùng “đối ẩm”. Ngày dần lên, sương dần tan nhường chỗ cho nắng mới và bình trà cuối cùng cũng đã nhạt, ấy vậy mà không ai muốn đứng dậy rời chõng trà của mình.
          Ở trong các nhà tranh vách đất sơ sài, chật chội, chõng tre thường được dùng như chiếc giường phụ. Tối, đem chõng tre đâu với giường là có thêm chỗ nằm cho mấy thằng nhóc con có tật vừa ngủ vừa quẫy đạp; sáng ngày thức dậy, đưa chõng tre ra chỗ cũ ngoài hè, vậy là được rộng nhà. Chõng tre còn cơ động hơn nữa. Mùa Hè nóng bức, chỗ nào mát, (tỉ như bụi tre già, cái nhà ngõ hứng ngọn gió nồm từ ruộng thổi lên), thì đem chõng tre ra đó ngồi chơi. Trong nhà tôi, mấy anh em tôi ngồi chõng tre học từ Tiểu học cho tới Trung học, mãi sau này ba mới sắm được cái bàn học bằng gỗ tạp cho thằng em Út. Ông Tú Kép làng Bình An, ngồi nhà dạy học, học trò cả tổng Háo Đức Thượng đến học, đông tới mấy chục. Lớp học ông, hằng ngày thầy đồ ngồi chõng tre giảng sách, giảng đạo lý Thánh hiền, học trò ngồi chõng tre lắng nghe sách, nghe lời thầy giảng. Tới chừng đi thi hương ở trường thi Bình Định, những sĩ tử này vác chõng vào trường thi, cho đủ lệ bộ lều chõng: “Tấp tểnh người đi tớ cũng đi / Cũng lều cũng chõng cũng vô thi” (Đi thi - Trần Tế Xương). Khoa thi nào, học trò ông Tú kép cũng có nhiều người thi đỗ. Hình như mọi việc trong gia đình tôi, ba má tôi đều ngồi chõng tre để bàn bạc và quyết định. Có lần tôi nghe lỏm câu chuyện ba má ngồi chõng tre hỏi ý nhau để đưa ra quyết định gả chị Hai tôi cho anh Hiến, cho bây giờ anh chị được hạnh phúc. Lần khác, ba má ngồi chõng tre nói chuyện, có tôi bắc ghế ngồi bên cạnh nghe hai người. Bàn một đỗi, ba má nhất trí đem đi thục hai công cấy ruộng cho ông Hương hào Nhuệ để có tiền cho tôi đi học trên trường tỉnh.
          Hình như trong các sinh hoạt của người quê tôi, thường có mặt cái chõng tre. Chõng tre theo anh sĩ tử đi thi như đã nói. Chõng tre ra chợ Bồ Đề, cho bà hàng gạo, chị hàng cau, ông Các chú bán nước chanh nước é…Những cậu học trò trường làng như tôi vẫn ra chợ Bồ Đề mua tập vở, lọ mực, tiểu thuyết Thủy Hử, Thuyết Đường… bày bán trên cái chõng tre của bà hàng xén trong chợ. Ở quê tôi, gặp đêm trăng gió mát, có ông chủ nhà chỉ cần có vài khách mê tuồng đến chơi là có thể tổ chức được một đêm hát bội. Chủ nhà bỏ ra sân vài cái nong, mấy cái chõng tre vây quanh nong là có được một cái sân khấu, có chỗ cho khán giả ngồi xem hát. Thế là Tạ Ôn Đình, Tạ Lôi Nhược, Địch Thanh, Trại Ba công chúa …lần lượt ra sân khấu (chỗ mấy cái nong) với đủ câu Nam, câu Khách, đủ điệu bộ, kèn trống (bằng miệng) chỉ thiếu thương giáo, hóa trang.    
         Ông lão Tư Đồ có cái miệng hay cười mủm mỉm, cái tính thích chơi với lũ trẻ nhỏ, còn cái bụng của ông được lũ con cháu ông thích gọi là cái kho chứa truyện cổ tích. Hằng ngày, ông vẫn thường ngồi trên chõng tre trước hiên nhà mình chờ lũ con nít trong xóm tới chơi, nghe ông kể chuyện đời xưa. Có những chuyện, như Trầu cau, Ăn khế trả ngàn vàng, Tấm Cám … lũ nhỏ nghe ông Tư Đồ kể trước, sau được cái thích thú gặp lại trong những trang sách giáo khoa mà chúng đang học.
         Có những cuộc đời cứ gắn với cái chõng tre: Sơ sinh được mẹ ngồi chõng tre bế bồng, cho bú mớm; ấu thơ được mẹ ngồi đất lót khăn êm cho nằm chõng tre để ru giấc ngủ; niên thiếu ngồi chõng tre ê a học bài; trung niên ngồi chõng tre bên vợ sau buổi cày đồng về; lão niên ngồi chõng tre phe phẩy quạt nan thường được đàn con cháu quấn lấy …  



Thơ Huỳnh Kim Bửu


Tiếng trưa

Những con mắt nắng
Tinh nghịch với cánh đồng vàng
Với rạ rơm ngập đường làng
Khô giòn một nỗi nhớ.

Dòng mương mát trong
Chảy vào đồng sâu đồng cạn
Vào đêm trăng
Cánh diều tuổi nhỏ.

Đêm hội làng tở mở
Những áo mớ bảy mớ ba
Cầm câu ca cũ đi hỏi bạn vàng:
“Người ơi người ở…”

Những cái ngõ ngủ vùi giấc trưa
Những vườn cây thơm tự ngày xưa
Con chim cườm thả
Tiếng trưa.

Như chiếc lá rụng về cội
Em về
Có lọc hồn mình qua tháng ba?

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010



Tản văn của Huỳnh Kim Bửu

Chiều
                                              
        Một dòng sông quê, tiếng ve râm ran buổi trưa hè, một đêm trăng rải vườn chè …Trong bao vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng đó, ta còn có vẻ đẹp của những chiều.

        Mỗi mùa trong năm cho chiều một vẻ đẹp riêng. Chiều Xuân thì êm đềm, tràn sắc hương; Hạ bầu trời cao, nồm thổi ngọt; Thu nước trời ảo diệu (Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc – Thơ cổ); Đông ảm đạm, giá rét…Thi nhân đã viết về chiều Xuân: “Chiều xuân sang chuyến đò đông / Trai tơ khăn lục, gái hồng thắm môi / Da sông mát rải da trời / Đây mùa xuân bén trên màu cỏ hoa / Hiu hiu… chiều ngả tà tà …/ Buồn lên xóm vắng, cây nhòa khói xanh” (Chiều xuân Trung Kỳ - Hồ DZếnh). Buổi chiều về thường đượm một vẻ buồn, người ta chẳng gọi “chiều buồn” đó sao? Có người một bữa chợt kêu lên: “Hôm nay trời nhẹ lên cao / Tôi buồn không hiểi vì sao tôi buồn…” (Chiều – Xuân Diệu). Chiều làm cho người có cảnh ngộ éo le thêm nỗi tê tái lòng: “Chiều chiều mây kéo về kinh / Ếch kêu giếng loạn thảm tình đôi ta” (Ca dao).
        Vì buồn, cho nên chiều gợi màu nhung nhớ, màu chiều cũng là màu nhung nhớ. Tuy âu duyên mới, bao cô gái lấy chồng xa vẫn nhớ mẹ mỗi chiều: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau / Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều” (Ca dao). Dù yêu phong cảnh đổi thay, những miền quê xa đất lạ đến đâu, khách lữ thứ cũng chạnh nhớ nhà: “Tôi là người lữ khách / Màu chiều khó làm khuây / Ngỡ lòng mình là Rừng / Ngỡ hồn mình là Mây / Nhớ nhà châm điếu thuốc / Khói huyền bay lên cây” (Chiều - Hồ DZếnh). Đến như bộ đội bận với hành quân, với chiến dịch, anh cũng tranh thủ ngóng về quê hương: “Cách biệt bao lần quê Bất Bạt / Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì” (Quang Dũng). Người chiến sĩ cách mạng gặp cảnh đẹp cũng để hồn mông lung với chiều: “Nhớ gì như nhớ người yêu / Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương” (Việt Bắc - Tố Hữu).  
         Chiều là lúc trở về. Anh là người đi xa lâu ngày, nay vừa bước chân tới đầu làng đã gặp lại cảnh chiều xưa, khiến lòng anh bồi hồi cảm xúc: “Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn / Tiếng ốc xa đưa, vẳng trống đồn / Gác mái ngư ông về viễn phố / Gõ sừng mục tử lại cô thôn…” (Bà Huyện Thanh Quan). Người xa xứ trở về làng, người đi làm lụng kiếm sống trở về nhà mà người phong lưu đi “du xuân” cũng trở về nhà: “Tà tà bóng ngả về tây / Chị em thơ thẩn dang tay ra về” (Kiều - Nguyễn Du). Mấy người lỡ độ đường, dễ thường có anh học trò lều chõng ra kinh dự thi, vội vàng hỏi thăm quán trọ để tìm chỗ ngủ đêm. Và rồi nơi chân mây kìa, cánh chim hải hồ bay về tổ hình như cũng đã mỏi. Người xa xứ, người làm lụng trở về để rồi sẽ được mẹ lam làm, vợ tần tảo thổi bùng bếp lửa chiều hôm (có người gọi đó là bếp lửa ân tình), lo cho bữa cơm chiều sớm dọn lên. Đó là bữa cơm gia đình đoàn tụ, bữa “cơm dưa muối khó khăn mới có” của nhà nông, của người quê. Nhưng còn những người lỡ độ đường qua đêm trong quán trọ kia thì sao? Có kẻ may được “giấc kê vàng”, không ít kẻ “túi rỗng không mà lòng cũng rỗng không” đành chịu cơn đói run người, mong cho mau trời sáng, vì đường còn xa. Nhưng chiều rồi mà người phương xa cứ lỗi hẹn chưa về, thì đó cũng là lúc người trong song cửa đợi trông: “Mười ba năm trắc trở / Không hẹn về thăm nhau / Song chiều thơ thẩn đợi / Đêm xuống lạnh tàu cau” (Quách Tấn).
         Nhưng ô kìa, chiều cũng là lúc ra đi. Từ xóm chài đang nhộn nhịp cảnh chiều, bao chàng trai tráng dong buồm ra biển khơi để kịp một đêm đuổi theo luồng nục, luồng thu mà có được mẻ cá lớn. Trên sông quê vừa lúc con nước lên, mấy thuyền ngư phủ tiếp tục gõ lưới, chờ màn đêm xuống mà thắp lên ánh lửa chài, cái ánh lửa chài đã làm nên thơ xưa trác tuyệt: “Giang phong ngư hỏa đối sầu miên” (Phong Kiều dạ bạc – Trương Kế. Mai Lăng dịch: Đèn chài cây bến đêm khơi giấc sầu). Buổi tịch liêu trùm lên xóm vắng, có cô thôn nữ ra ngõ đứng nhìn trời, nhìn những ánh sao vừa mới mọc, rồi bất giác khe khẽ ngâm câu ca diễm tình xưa: “Sao Hôm chờ 
đợi sao Mai / Trách lòng sao Vượt nhớ ai băng ngàn / Trách lòng đò đã sang ngang / Xin người giữ kỹ sợi tơ vàng hôm trao” (Ca dao). Một chiều kia, vì muốn xa thị thành chật chội và bởi quen thói giang hồ vùng vẫy, có mấy chàng lãng tử say men rượu và say vị đời đang sẵn sàng cho một cuộc khởi hành làm chuỗi ngày viễn du: “Men đã ngấm bọn ta chờ nắng tắt / Treo buồm cao cùng cao tiếng hò khoan / Gió đã nổi, nhịp giăng chiều hiu hắt / Thuyền ơi thuyền! theo gió hãy cho ngoan (Thơ say – Vũ Hoàng Chương). Chủ nhà không còn cầm chân được khách “viễn phương lai” mà chỉ còn có cách lưu luyến tiễn biệt: “Đương lúc hoàng hôn xuống / Là giờ viễn khách đi / Nước đượm màu ly biệt / Trời vương hương biệt ly” (Viễn khách – Xuân Diệu). Thực là một cuộc chia tay đến mây nước ngậm ngùi.
        Ai yêu chiều, thường ít khi bỏ qua những dịp ngắm chiều về. Ai ngắm chiều về, sẽ được thấy chiều tô điểm vẻ đẹp khắp muôn nơi. Nầy, một bức tranh thủy mặc hiếm có bày ra trên mặt đất: “Đi rồi khuất ngựa sau non / Nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn tịch liêu / Trơ vơ buồn lọt quán chiều / Mái nghiêng nghiêng gởi buồn theo hút người (Lửa thiêng – Huy Cận); kìa một hội đất trời khác đang du hồn ta: “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc / Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa / Lòng quê dợn dợn vời con nước / Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” (Lửa thiêng – Huy Cận).
        Trên kia, nói chiều đẹp, chiều buồn, chiều nhung nhớ, “Chiều tương tư” (tên một bài thơ của Xuân Diệu)… Mà cũng chính cái hồn chiều đó là chiều quê yên ả, thanh bình... Ta có gặp chiều nữa với “gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi / Đồng quê vờn lượn chân trời / Đường quê quanh quất bao người về thôn” (Bàng Bá Lân) với màu khói lam tỏa lên từ mái tranh, ngọn khói đốt đồng trong gió, màu ráng chiều phía trời tây cuốn hồn ta …cũng là để xác tín thêm điều đó thôi.
         Dù không muốn, ta không thể không nhắc tới cái trời chiều đen kịt của ngày thiên tai bão lũ, của thời khói lửa chiến tranh khó mờ phai trong ký ức. Thiên tai bão lũ sẽ còn quay trở lại, gây thảm họa cho con người, nhưng nguyện vọng hòa bình sẽ làm tiêu tan những đám mây đen tích đầy âm khí chiến tranh.
         Đời chiều, đời chạng vạng có hẳn là đời buồn, đời vô ích? Chiều sẩm rồi, có chàng trai trẻ bách bộ trên đường phố, hồn trí đang bâng khuâng với cảnh trời chiều, bỗng nghe một làn hương sực nức từ đâu đưa lại: mùi dạ hương sớm tỏa. Thử hỏi, mấy ai chưa  một lần tìm đến gốc cây cổ thụ mà nương nhờ bóng mát?

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010




Bút ký của Huỳnh Kim Bửu


  Gác trọ 
“Gác lạnh về khuya cơn gió lùa…”

                                    
                              
          Những nhà ở phố chợ hồi xưa, phần nhiều có gác xếp. Gác không rộng, xây cất đơn sơ: thả đà gỗ, lát ván, cửa mở ra lan can, có cửa sổ chấn song để đón gió mát và nhìn xuống đường phố yên tĩnh hoặc vườn cây xanh um. Bởi nhỏ nhoi thế, cho nên gác được gọi là gác xếp.

        Trên gác xếp, ở mấy cậu con trai hoặc mấy cô gái (con chủ nhà) cho các cậu (hoặc cô) có chỗ riêng biệt, tiện cho sinh hoạt, học hành, trang điểm… Cũng có gia đình kinh doanh, khi xây cất nhà không quên nhô lên cái gác xếp, để vừa chứa hàng dự trử vừa cho con cái ở.
          Từ ngày nền giáo dục phát triển, những gia đình hiếu học thuộc các vùng quê cho con em quảy đàn sách đi học xa nhà. Vậy là xã hội có nhu cầu cung cấp chỗ ở cho đám sĩ tử ngày một đông. Trong số đông sĩ tử, may chỉ có một số ít cô cậu học giỏi hoặc gia đình khá giả, quyền thế được vào Ký túc xá; phần còn lại thì ở ngoài, họ lấy điều du học để tìm chỗ trọ, phần nào giống như tình cảnh chàng Kim thuở trước: “Tần ngần đứng suốt giờ lâu / Dạo quanh chợt thấy mé sau có nhà / Là nhà Ngô Việt thương gia / Phòng không để đó, người xa chưa về / Lấy điều du học hỏi thuê / Túi đàn cặp sách đề huề dọn sang”  (Kiều - Nguyễn Du). Thế là các gác xếp sẵn có của người phố chợ, thị thành kia bỗng chốc trở thành gác trọ, đón các cô cậu sinh viên, học sinh vào ở. Và cũng có lẽ từ đó mà có từ gác trọ được dùng phổ biến. Thường, những gác trọ được cho thuê với giá rẻ, vừa với túi tiền của các bạch diện thư sinh. Nhưng cũng có gác trọ cho ở nhờ, vì sĩ tử vốn người quê cũ của ông chủ nhà. Cũng có không ít trường hợp, chủ nhà đón học sinh, sinh viên ưu tú vào trọ học để phong họ làm gia sư, kèm cọc việc học của các con cái nhà.
           Ở quê tôi hồi xưa, có nhà trọ (vì hồi xưa ở nông thôn ít gặp nhà gác!). Ấy là thuở trường College Quy Nhơn theo kháng chiến (1945 – 1954) tạm thời dời lên làng Hoà Bình, thuộc xã Nhơn Phong (An Nhơn), đặt tên mới là Trung học An Nhơn, nhưng nhân dân thích gọi tắt là trường Hoà Bình. Bà con địa phương đã sẵn sàng nhường nhà trên với đủ giường phản, tràng kỷ…cho học sinh chúng tôi ở trọ học. Ở thành phố Quy Nhơn, khoảng những năm  60 thế kỷ trước, nhiều gia đình làng Xuân Quơn (tên một làng quê cũ thuộc thành phố Quy Nhơn) nhường nhà mình cho học sinh vào trọ học, còn gia đình thì dọn về bên nhà nội hoặc nhà ngoại ở.
         
          Nơi căn gác trọ, những cô cậu sinh viên, học sinh chung ngọn đèn, chồng sách, cây đàn, ánh trăng soi trước cửa… Rất nhiều gác trọ, các cô cậu còn chung mâm cơm, chung miếng ngọt bùi. Học sinh trường Hoà Bình, nhóm chúng tôi, có tôi quê An Nhơn có lúa, Đoan – Phù Cát củ mì, củ lang, Huấn - vạn Gò Bồi – quê Ngoại nhà thơ Xuân Diệu mắm cá: “Khi mà anh sinh ra / Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi” (Xuân Diệu). Những hôm nghỉ học về quê; rồi hôm từ quê lên, chúng tôi có gì mang theo nấy về nhà trọ, góp vào cái bếp chung. Việc học hành, sinh hoạt cứ thế trôi qua, ông chủ nhà trọ, khách hàng xóm, khách khu phố nhìn vào thấy các trò tiến bộ, tâm hồn rất đỗi trẻ trung, yêu đời mà khen ngợi. Rồi có một ngày, các trò thấy rằng mùa thi như cơn lũ đến chân, và thế là họ tăng tốc việc học cùng với màu huyết phượng nở đỏ rực ngoài đường phố. Họ uống cà phê để thức đêm học, giảm hẳn những chuyến đi dã ngoại cuối tuần trên thành Bình Định, mộ Hàn Mạc Tử ở Ghềnh Ráng, núi Huỳnh Mai – Tuy Phước (nơi có mộ Đào Tấn)… Không ít đêm, đầu óc nơi trang sách mở mà bụng họ  vẫn nghe được cái đói, tai họ vẫn nghe được tiếng sanh gõ cốc cốc… từ chiếc xe phở, xe mì hoành thánh quen thuộc đang lăn bánh bán rong trên đường phố, vọng tới. Họ rủ nhau ra đón, xúm nhau một bữa ăn khuya quanh xe hàng và dưới ánh đèn đường mờ nhạt.
         
         Tình bạn học thường được khởi sự từ tình chung gác trọ (đồng song) rồi mới đến chung thầy (đồng sư) chung lớp trường (đồng môn). Sự khó khăn của hoàn cảnh, họ vẫn thường gặp: “Rũ áo phong sương trên gác trọ / Lặng nhìn thiên hạ ngắm Xuân sang” (Thơ Thế Lữ).  Hồi xưa đường phố hẹp và yên tĩnh, cho nên gác xếp hai nhà đối diện tưởng chừng hôn nhau được. Gác trọ bên này nam sinh viên thuê, gác trọ bên kia nữ sinh viên thuê, chẳng biết vì tình ý gì mà “cửa sổ hai nhà vẫn mở”…Một tình yêu ban đầu chợt đến, rồi chợt đi, để lại nỗi buồn: “Gác lạnh về khuya cơn gió lùa / Trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa / Nhớ ai mà ánh đèn hiu hắt / Lá vàng nhè nhẹ đưa” (Ca khúc Nỗi buồn gác trọ của Mạnh Phát).  Không phải không có những gác trọ là cái nôi sáng tác của nhiều văn nhân, thi sĩ, nhà nghệ sĩ sớm thành danh. Trong đó, không biết chừng có thi sĩ Hoàng Cầm, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn? Không phải không có những gác trọ là nơi người trí thức trẻ được đón đọc “tân thư”, giác ngộ lý tưởng yêu nước thương nòi mà từ đó dấn thân vào con đường hoạt động “hội kín”, hoạt động cách mạng? Người ngoài cuộc nghe nói gác trọ có thể vô tình bỏ qua, nhưng nhiều người trong cuộc nghe nhắc lại thì bồi hồi, xúc động, vì coi đó như là một phần đời, những kỷ niệm đẹp, khó quên của chính mình thời mài đủng quần ở các ghế trường học với bao niềm khát khao đi tìm tri thức, lẽ yêu đời, lý tưởng sống…

         Tôi thường suy nghĩ, cái gác trọ “đèn mờ theo hơi khói” ngày xưa đã có vai trò lịch sử của nó. Và chẳng biết cái phòng trọ với nhiều tiện nghi ngày nay có làm được hơn thế không, khi mà xã hội đang rất cần đến tài năng và lý tưởng cống hiến của thế hệ trẻ? Mỗi lần ký ức thời học sinh, sinh viên trở về, trong tôi như được sống lại quãng thời gian xưa cũ với những lớp bạn bè cùng nối khố và những căn gác trọ chất đầy sách mà không thiếu tiếng đàn trầm nửa khuya…

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010





Tản văn Huỳnh Kim Bửu


THÔN NỮ



    “Bao cô thôn nữ hát trên đồi” (Thơ Hàn Mạc Tử). Đó là một màn trình diễn giữa tự nhiên mà người ta thường gặp ở các làng quê xưa. Thôn nữ là thiếu nữ nông thôn, cô gái quê tuổi chừng 15 -17 , chưa lấy chồng.

         Và người ta cũng có “thôn nữ mở rộng” (theo kiểu nói ASEAN, G7 mở rộng của thế giới ngày nay), để kể luôn vào đó những thiếu phụ (vợ trẻ) những gái một con (trông mòn con mắt) và cả những gái lỡ thì, gái goá, gái nạ ròng, gái già nữa…Từ khi cô thôn nữ đi lấy chồng, thì cô trở thành phụ nữ, thành đàn bà.
         Thôn nữ đẹp, vẻ đẹp của tuổi xuân thì. Do cách ăn nói của người nông thôn, vẻ đẹp đó thường được gọi là xinh: “Trúc xinh trúc mọc bờ ao / Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh / Trúc xinh trúc mọc sân đình / Em xinh em đứng một mình cũng xinh “ (Ca dao). Thôn nữ tóc xanh, môi hồng, má thắm, thân hình đáy thắt lưng ong: “Những người đáy thắt lưng ong / Chồng thương chồng ẵm chồng bồng, chồng hát ru” (Ca dao). Cái màu xanh mơn mởn của cây lúa nhảy lên bờ ruộng ngày sắp trổ đòng, được ví với tuổi thôn nữ: Cây lúa thì con gái. Với vẻ xinh đẹp ấy, khi làm duyên, thôn nữ càng xinh đẹp hơn. Thôn nữ làm duyên là thôn nữ rụt rè e lệ, chúm chím môi cười, “yểu điệu thục nữ” … Bên cạnh đó, nàng còn có cái duyên do bác mẹ sinh ra: Răng khểnh, má lúm đồng tiền, giọng nói thanh tao; cái duyên nhờ biết trang điểm: cổ treo dải yếm, cổ đeo bùa, tóc bỏ đuôi gà, nhuộm răng đen nhánh hạt huyền…. Bao nhiêu đó, gọi là nhan sắc; và cô thường soi gương giếng nước để ngắm nhìn nhan sắc và tự “biết” mình: “Chìm đáy nước, cá lừ đừ lặn” (Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều).
          Thôn nữ còn có vẻ đẹp tâm hồn nữa, vì nhan sắc mới là vẻ đẹp bề ngoài. Cái vẻ đẹp đó được thể hiện trong tình yêu quê hương, cha mẹ, chồng con của cô sau này… mà tình yêu nào ở cô cũng thủy chung, son sắt. Với quê hương thì: “Anh đưa em đến vườn đào / Màu tươi sắc thắm em nào dám chê / Nhưng em luống nặng lòng quê / Nhớ hương cảnh cũ bốn bề núi non / Nhớ nơi làng xóm con con / Nhớ thương cây quế cho von trên đồi” (Lòng quê – Hằng Phương); với cha me thì nàng thật lo lắng và quan tâm: “Mẹ già như chuối chín cây / Gió đưa mẹ rụng con rày mồ côi” (Ca dao); với chồng con thì thôn nữ: “Sạch như nước, trắng như ngà trong như tuyết / Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ” (Thi ca Nguyễn Công Trứ). Trong cuộc sống hằng ngày, vẻ đẹp tâm hồn thôn nữ thể hiện bằng cái nết: Nết ăn, nết ở, nết đứng ngồi, nết siêng năng làm lụng…Cái nết quan trọng đến mức được người ta bảo: “Cái nết đánh chết cái đẹp” (Tục ngữ); “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn / Xấu người tốt nết còn hơn tốt đồ (Ca dao).     
          Thôn nữ sinh ra là để làm lụng: Nhỏ thì trông nhà, bế em; 9 – 10 tuổi bắt đầu giúp mẹ bao công việc trong nhà, từ quét dọn, nấu cơm; lớn một chút, theo mẹ ra đồng ra sông để đi cấy, nhổ cỏ, mò cua bắt ốc… Người ta thấy bóng dáng thôn nữ nơi ngõ xóm, đường làng, ruộng đồng, sông nước, chợ búa … Cô thường tay cầm liềm hái, không thì vai vác đòn gánh hoặc hông cặp thúng rổ... Mà điệu bộ thì như con sáo sang sông, con chim sơn ca trên bầu trời, nhưng cũng có khi hấp tấp vội vàng chân nam đá chân chiêu. Trong các công việc thôn nữ phải làm, việc ngoài đồng là vất vả, nặng nhọc nhất: “Người ta đi cấy lấy công / Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề…” (Ca dao). Và cũng như bao người nông thôn khác, nàng chỉ hưởng nhàn những khi hết việc đồng áng. Đó là lúc mà người ta gọi là nông nhàn, cho làng quê tổ chức lễ hội với bao người đi xem. Bây giờ, nàng đi lễ hội, nàng mừng gặp người quen, nàng xởi lởi mời trầu, nàng hò hát đối đáp cùng bao bạn trai nơi đồng trăng khuya khoắt, trên sông nước mênh mông… Không biết chừng chẳng bao lâu, nàng có người tâm đầu ý hợp.
         Hồi xưa, các gia đình quyền quý và các nhà bình dân vẫn sống chung với nhau trong một cộng đồng làng xã. Con gái nhà quyền quý được gọi là tiểu thư, con gái nhà bình dân được kêu thôn nữ. Các tiểu thư được ông bà cha mẹ dạy công ngôn dung hạnh, các thôn nữ được ông bà cha mẹ dạy làm ăn, nết na. Nguyễn Trãi viết cả một cuốn sách (Gia huấn ca) để dạy dỗ vợ con nhà mình và vợ con muôn nhà khác. Nguyễn Đình Chiểu mở đầu Lục Vân Tiên viết: “Trai thời trung hiếu làm đầu / Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”.  
          Thôn nữ không có điều kiện đến trường học tập như con trai: “Trai thời đọc sách ngâm thơ / Dồi mài kinh sử để chờ kịp khoa / Gái thời giữ việc trong nhà / Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa” (Ca dao). Con gái có học chữ thì cũng học với cha, anh ở nhà mình. Tuy vậy, tài gái đã không kém gì tài trai: Làm nữ sĩ có bà Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương…; làm thái hậu, mẫu nghi thiên hạ, như bà Dương Vân Nga, bà Ỷ Lan, bà Từ Dũ… trong lịch sử Việt Nam. Tây Thi trong lịch sử Trung Quốc, từ cô gái giặt lụa ở thôn Trữ  La, bỗng một hôm được người ta đem xa giá rước về làm ái phi, thần thiếp, được yêu vì hết mực. Trong lịch sử chống ngoại xâm, sử nước nhà ghi Bà Trưng, Bà Triệu, bà Bùi Thị Xuân, đội quân tóc dài, thanh niên xung phong, o du kích…
          Ở quê tôi bao đời, con gái giỏi lắm: Giỏi võ chẳng kém gì con trai, đến được ca ngợi: “Ai về Bình Định mà coi / Con gái Bình Định múa roi đi quyền” (Ca dao). Bình Định được gọi là cái nôi của hát tuồng, đào thanh sắc, hát hay ở Bình Định thời nào cũng có (thời gần đây, nổi tiếng Minh Đức, Ngọc Cầm…). Con gái quê tôi cũng giỏi nghề nữ công gia chánh, làm nên món ngon: cái bánh ít lá gai, nem chợ Huyện, rượu Bàu Đá, bún Song thằng …Giỏi nghề thủ công với bao mặt hàng: nón Gò Găng, đồ đúc đồng Bả Canh - Đập Đá, tơ lụa Phú Phong nổi tiếng, cũng từ bàn tay họ. Có một thời, quê tôi sống tự cấp tự túc (hồi chín năm kháng chiến 1945 – 1954), thợ thủ công thị trấn Bình Định, Đập Đá, Gò Găng (đa số là con gái) dệt vải Xi – ta chỉ đánh may quân trang cho bộ đội; làm được cây bút máy KAOLÔ (bằng đất sét nung) cho học sinh, cho văn phòng; cây đàn Mandolin, đàn Ghita, sáo trúc…cho trong các làng quê luôn có tiếng đàn ca…
         Mối tình của cô thôn nữ thường là mối tình với anh trai làng: “Trâu đồng nào ăn cỏ đồng nấy” (Tục ngữ), chứ với trang anh hùng, đấng quân vương thì triệu triệu người may có một. Cô – chàng có nhiều dịp gặp nhau lắm: Nhờ ở gần nhà nhau: “Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn” (Thơ Nguyễn Bính); trong lao động: “Hôm qua tát nước đầu đình / Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen” (Ca dao), hôm đi dự hội làng, một buổi chợ đông… Họ gặp tình cờ cũng có mà hẹn trước cũng có: “Sương sa ướt cả trăng tà / Bởi anh lỗi hẹn ngọn cỏ gà nó đẫm sương” (Ca dao).
         Thường thì chàng trai tỏ tình trước, theo kiểu “trâu tìm cột”. Nhưng đôi khi thôn nữ cũng phá lệ, vì chàng trai quá nhút nhát: “Hỡi anh đi đường cái quan / Dừng chân đứng lại em than vài lời”…(Ca dao). Con gái hồi xưa thường lấy chồng sớm: “Lấy chồng từ thuở mười ba / Đến năm mười tám thiếp đà năm con...”. (Ca dao). Và như thế là họ kết thúc tuổi con gái sớm để bước vào cuộc đời làm phụ nữ, đàn bà, làm vợ, làm mẹ với 12 bến nước trong nhờ đục chịu, sang nhờ hèn chịu “Thân em như hạt mưa rào / Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa” (Ca dao). Nhưng không phải cô thôn nữ nào cũng “hanh thông” trên đường tình duyên. Người ta thường bảo cái duyên con gái có thì, ví như bông hoa sớm nở tối tàn; đã biết thế đừng để lỡ thì, lỡ duyên, buồn lắm: “Còn duyên kẻ đón người đưa / Hết duyên đi sớm về trưa một mình” (Ca dao). Cô thôn nữ kén chồng là kén những ai? Thường thì kén người tài trai: “Trai ham sắc gái ham tài” (Tục ngữ), chàng trai biết làm ăn, người tâm đầu ý hợp. Con gái lỡ thì, không khéo giữ gìn, bỗng đâu: “Phận liễu sao đành nảy nét ngang” (Thơ Hồ Xuân Hương), nàng không chồng mà lại có con, cho làng bắt vạ nặng. Ta cứ xem chèo cổ Quan Âm - Thị Kính thì rõ.
          Từ khi lấy chồng, cô có bổn phận làm vợ: thuỷ chung với chồng; làm mẹ thì cùng chồng nuôi dạy con, đó là chưa nói chuyện “nuôi già dạy trẻ” (Chinh Phụ ngâm khúc – Đoàn Thị Điểm) khi chồng xa vắng, khi nàng là chinh phụ còn chàng là chinh phu…Trên đất nước, đi đâu cũng gặp hòn Vọng phu, đá Vọng phu để tạc ghi những câu chuyện tình đầy cảm động, dựng hình tượng người vợ trẻ kiên trinh đợi chồng đi xa lâu ngày về. Thoại Khanh (Trong Thoại Khanh, Châu Tuấn - Truyện cổ dân gian) cõng mẹ chồng đi xin ăn và đã có khi lén mẹ tự lóc thịt mình cho bà ăn đỡ đói, không phải chỉ là hư cấu của nghệ thuật văn chương. Không ít cô vợ trẻ đã phải lo làm lụng để nuôi chồng ăn học: “Sáng trăng trải chiếu hai hàng / Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ” (Ca dao) với hy vọng có ngày chồng thi đỗ: “Võng anh đi trước võng nàng theo sau” (Ca dao). Cô ít có thời gian để lo cho bản thân mình “Chưa chồng đi dọc đi ngang / Có chồng cứ thẳng một đàng mà đi”, đó là lời than chung của những người làm mẹ, làm vợ trẻ trung, cái thời con gái của họ cứ như vừa mới hôm qua. Không biết cô thôn nữ có buồn không? Khi cô nhìn thấy nhan sắc mình tàn phai: “Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa / Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha / Khi cô vui thú là khi đã / Bồng bế con thơ đón tuổi già! “ (Cảm xúc - Hồ DZếnh).
          Ngày nay, cô thôn nữ vắng bóng dần ở các làng quê. Mặc dù ở quê vẫn còn khó nghèo, nhưng thật khó gặp đâu đó cô gái, chị phụ nữ mặc áo bà ba, đội nón lá, tay cầm gàu tát nước đi ra mương, ra đồng, như mẹ ta, chị ta hồi xưa. Bây giờ, gái quê mặc đồ bộ, đồ tây, đi xe máy, nói chuyện điện thoại di động, một đêm mất điện không làm sao cho nàng khỏi bực bội… Cũng may là dân gian đã sớm khắc họa bóng hình cô thôn nữ ngày xưa: “Một thương tóc bỏ đuôi gà / Hai thương ăn nói mặn mà có duyên / Ba thương má lúm đồng tiền / Bốn thương răng lánh hạt huyền kém thua”… (Ca dao). Cô tới mười thương, lận!







Thơ Huỳnh Kim Bửu




CÕI THẦY HỌC TÔI


(Kính dâng thầy và tặng bạn ở trường
Háo Trung – Nhơn An xưa)





Trường làng tôi ngày hai buổi gió hàng cây
Mặt trời mọc soi dấu ngày cửa lớp
Mùi thơm lúa, thơm ngô nồng vào buổi học
Tiếng trẻ học bài lấp lánh cánh cò bay.

Học trò trường làng trông cũng hay hay
Cái khó, cái nghèo cũng theo vào lớp
Con gái thơm ổi xoài trong cặp sách
Con trai thường khét nắng trưa say.

Thầy giáo làng mái tóc khác chi mây
Giữ từng chút khuôn vàng thước ngọc
Vẫn cúi xuống nâng học trò từng nét bút
Thương học trò nghèo nhiều lúc lệ nhòa cay.

Những năm xa trường, nhớ thầy nhớ bạn
Vẫn hỏi thăm nhau tin tức bạn thầy xa
“Thầy còn đó với đàn em nhỏ”
Nghe mà thương những tóc râm hoa.

Năm mươi năm, con sông dài chảy chưa tới bể
Học trò xưa cũng đã mỏi cánh chim.
Nay trở về thắp nén nhang thầy cũ
Chắc cõi thầy không là cõi phiêu linh!

11 / 2005

Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

Tản văn Huỳnh Kim Bửu

Hình bóng cũ

        các làng quê xưa, hồi còn Nho học có ông thầy đồ dạy chữ Nho; thời kế tiếp có ông thầy giáo dạy chữ Quốc ngữ, ông này thường được gọi là ông giáo làng. Ong thầy đồ hay ông giáo làng được mọi người trong làng, trong xã trọng vọng.
         Có câu “Tiến vi quan thoái vi sư”, ai thi đỗ Cử nhân, Tiến sĩ thì được bổ làm quan, những người chỉ đỗ Tú tài thì không được bổ đi làm quan mà thường phải quay về làng mở trường dạy học và chờ khoa sau. Cũng có không ít ông quan vì chán cảnh quan trường thối nát mà sớm từ quan về địa phương mở trường dạy chữ Thánh hiền, họ cho như thế là có ích cho đời hơn. Thầy đồ thường là người ở trong làng, nhưng cũng có thầy đồ là người ở địa phương khác đến. Thầy giáo Hiến từ quê xa đến làng An Thái, phủ An Nhơn (Bình Định) mở trường “ngồi” dạy học, trong số các người thọ giáo, có ba anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, thật là một cuộc hội ngộ có quan hệ đến vận mệnh của lịch sử dân tộc. Học trò của thầy đồ là lũ con mình do bà đồ đẻ ra và lũ trẻ nhỏ trong làng cùng các làng khác. Ong thầy đồ có danh tiếng thì có đông học trò ở các nơi kéo đến học. Thầy đồ làng An Định là thầy Tú Lãng, người ở trong làng. Hằng ngày, học trò đến nhà thầy đồ nghe thầy giảng sách. Học trò học thầy Tú Lãng kiến thức và cách thầy tiếp nhân xử vật, lấy thầy làm khuôn mẫu để mà bắt chước. Hầu hết các thầy đồ đều gặp phải gia cảnh nghèo nàn. Thầy đồ Cao Bá Quát đã cực tả cảnh nghèo của mình:
 “Lều cỏ ba gian, một thầy một cô một chó cái
Học trò dăm đứa, nửa người nửa ngợm nửa đười ươi” (Câu đối dán ở trường học).
Ông thầy đồ dẫu nghèo đến đâu cũng không nhận học phí của học trò mà sống bằng sự tần tảo của bà đồ và niềm kỳ vọng vào sự thành đạt của học trò. Bởi vậy mà người học trò nào cũng thấy có bổn phận biết ơn thầy bằng việc “nấu sử xôi kinh” để chờ ngày đi thi đỗ đạt, cho “danh tôi đặng rạng, tiếng thầy đồn xa” (Truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu). Phụ huynh học sinh cũng biết ơn thầy, bởi vì “muốn con hay chữ phải yêu kính thầy”, bởi cái đạo “Quân – Sư – Phụ” đã ăn sâu trong người ta từ bao đời rồi. Học trò “đi Tết” thầy theo lệ: Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy (Tục ngữ) “bịt khăn” để tang thầy khi thầy mất, ấy cũng là cách biết ơn thầy. Xã hội càng kính trọng thầy, thầy càng thấy mình có bổn phận dạy học trò cho nên người. Thầy Tú Lãng vẫn giảng cho học trò nghe câu trong sách xưa: “Dưỡng tử bất giáo phụ chi quá, huấn đạo bất nghiêm sư chi đọa; phụ giáo, sư nghiêm lưỡng vô ngại, học vấn vô thành, tử chi tội” (Có nghĩa là: Cha nuôi con mà không có dạy là cha có lỗi, thầy dạy bảo mà không có nghiêm cho học trò theo thì thầy trễ nãi; nếu mà cha dạy, thầy nghiêm mà con trẻ học không nên thì con trẻ mắc tội).
Ông giáo làng học chữ Quốc ngữ ở trường tổng, trường huyện, đậu lấy bằng Primaire (Tiểu học) mà không có điều kiện đi học tiếp trường tỉnh thì xin bổ làm hương sư dạy trường làng (còn gọi là hương trường). Đây là ông giáo trường công, có ăn lương do Nhà nước trả. Trường làng dạy các lớp năm, tư, ba của những năm đầu bậc Tiểu học, để lên trường tổng, trường huyện học tiếp 3 năm nữa thi lấy bằng Primaire. Cũng như thầy đồ, thầy giáo trường làng mặc áo the, đi guốc mộc, sống đời thanh đạm, lấy nghề “gõ đầu trẻ” làm nghề cao qúy. Tại sao có chuyện “gõ đầu trẻ” ở đây? Vì hồi xưa, xã hội cho phép thầy giáo “lằn lưng chẳng khỏi vệt dăm ba” (Rắn đầu biếng học – Lê Qúy Đôn) đối với những học trò lêu lổng. Học trò trường làng là những trẻ nhỏ trong làng, tuổi lên 7 – 10. Ngày đầu mẹ dẫn đi học lòng cậu bé nào mà chẳng “hoang mang”: ”Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này, tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học (Thanh Tịnh). Tới tuổi cắp sách đến trường, cũng như bao đứa trẻ khác trong làng, tôi được mẹ dẫn đi học trường làng Háo Trung. Tôi cũng lòng hoang mang, e lệ, rụt rè như lũ thằng Ngà, thằng Ngọc đang đứng bên tôi. Trường Háo Trung ở một góc sân đình An Định, một dãy nhà tường xây gạch hôm vôi trắng, mái lợp ngói chia làm ba phòng học:
“Trường làng tôi hai buổi gió hàng cây
Mặt trời mọc soi dấu ngày cửa lớp
Mùi thơm lúa thơm ngô nồng vào buổi học
Tiếng trẻ học bài lấp lánh cánh cò bay”
(Huỳnh Văn).
Sân trường có cây bàng cổ thụ che bóng mát cho lũ học trò chúng tôi ra chơi. Thầy Huệ, thầy Bình, thầy Phương dạy tôi 3 năm học. Thầy Huệ là người trong làng. Qúy thầy giáo đã vắng bóng trên cõi đời này từ lâu lắm, còn lũ chúng tôi theo học qúy thầy thuở tóc xanh mà nay ai cũng phơ phơ đầu bạc. Vậy mà ngày nay mỗi lần gặp lại nhau, chúng tôi vẫn thi nhau nhắc lại chuyện trường xưa, thầy cũ. Tai tôi và bạn bè như đang nghe giọng thiết tha mà ấm áp của thầy Phương – thầy Đốc trường trong giờ lịch sử:
“Xoay vần trong cuộc tang thương
Trải bao phân loạn mới sang trị bình
Có ông Bộ Lĩnh họ Đinh
Con quan thứ sử ở thành Hoa Lư…” (Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca - Phạm Đình Toái).
Trước mắt tôi và bạn bè đang hiển hiện hình bóng thầy Huệ vẫn cúi xuống cầm tay cho thằng Tý, thằng Tỳ và bao đứa khác trong giờ Tập viết, thầy Bình một hôm giảng xong bài “Thương yêu kẻ tôi tớ”:
“Kẻ ăn người ở trong nhà
Sớm khuya công việc giúp ta nhọc nhằn
Thương người đày dọa chút thân
Chớ nên ngược đãi lòng nhân mới là” (Quốc Văn Giáo Khoa Thư, lớp Đồng ấu) thầy khóc hu, hu… khiến lũ học trò chúng tôi khóc theo. Trong lớp ba của tôi, có 30 trò, toàn là trò nam, không có ai nữ. Những học trò giỏi được thầy Đốc trường thương lắm; những trò học yếu kém được thầy Đốc trường gần gũi, chăm sóc hơn.   
           Thầy Tú Lãng là thầy đồ cuối cùng của làng An Định, ngày tôi lớn khôn một chút thì thầy đã là lớp người xưa nay hiếm. Nhà thầy Tú Lãng vẫn tiếp những người đến thưa thầy “xin chữ”, xin câu đối dán mấy ngày Tết, mời thầy xướng họa thơ phú... Và thầy Tú thì luôn có tấm lòng hoan hỷ với mọi người. Sau này, quý thầy giáo khác cũng vậy. Thầy Huệ về hưu rồi vẫn ngồi nhà tiếp người này người nọ, trong đó có nhiều học trò cũ, đến thăm và muốn nghe thầy giảng giải cho mấy câu ca dao tục ngữ, vài chuyện trong lịch sử mà họ muốn tìm hiểu. Nhà trọ thầy Bình vẫn có khách, thường là mấy người sắp đi làm phu đồn điền cà phê, cao su đến nhờ thầy dạy cho đôi câu tiếng Pháp để làm hành trang đi “tha phương cầu thực”, mấy anh thanh niên yêu nhạc đến xin học ngón đàn Mandoline réo rắt của thầy. Nhiều thầy giáo làng tiếp thu sớm nhất những tư tưởng mới lạ, tiến bộ nhờ thầy đọc được ở trong sách,  rồi thầy tuyên truyền, thức tỉnh những người khác (như Thầy giáo Thứ, nhân vật của nhà văn Nam Cao). Người cao niên, người trung niên, người trẻ trong làng An Định, ai cũng kính trọng gọi thầy Tú Lãng là nho sĩ, thầy Huệ, thầy Bình, thầy Phương là những nhà “mô phạm”.
           Nhiều người chiêm nghiệm ra một điều, ai biết nhớ tới trường làng, thầy giáo cũ là có thêm một niềm hạnh phúc, vì họ được gặp lại kỷ niệm êm đềm xưa, hình bóng dễ thương của mình thời thơ ấu:
 “Những năm tôi học ở trường quê
Tôi thấy lòng tôi cảm nặng nề
Những buổi thu sương buồn ảm đạm
Trống trường vang dội phía sau đê
Phía ấy thầy tôi thường hỏi hướng
Tôi vòng tay đáp: Dạ phương Đông (Sách Quốc văn cũ).