.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011



Tản văn của Huỳnh Văn


Từ Tết ông Táo sang chuyện giữ lửa
        
         Táo quân, tức Vua Táo, dân gian gọi nôm na là Ông Táo. Trong một năm, chúng ta có nhiều ngày Tết: Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ mồng năm tháng Năm, Tết Trung Thu Rằm tháng Tám…Và còn có một Tết nữa là Tết Táo quân, tục gọi là Tết Ông Táo 23 tháng Chạp Âm lịch.
          Ông Táo “thường trú”, ngự trên trang Táo của mỗi nhà. Và về trời theo lệ mỗi năm một lần vào đêm 23 tháng Chạp Âm lịch. Khuya đêm đó, nhà nào cũng tổ chức Tết Táo quân với nhiều đèn nến, mâm cơm, hoa qủa, vàng mã để cúng kính, tiễn đưa ông Táo về trời. Tương truyền thật khôi hài, ông Táo mặc áo mà không mặc quần, cưỡi cá chép rẽ mây đi lên trời. Cho nên trong bộ vàng mã kia không thể thiếu 3 bộ áo và con cá chép. Tại sao lại 3 bộ áo? Vì cũng theo tương truyền, nhà Táo có 3 vợ chồng, mà lại một vợ 2 chồng, khác quá với thế gian, làm người thế gian không hiểu nổi!.
         Ông Táo đi lên trời để làm việc gì? -Người ta bảo là để dự họp Thiên đình, tâu việc lành dữ của thế gian sau một năm cho Nhà trời nghe. Thế gian, nhà nào làm nhiều việc thiện thì được trời khen, ban phúc cho, nhà nào phạm điều ác thì bị trời quở và giáng họa. Việc họp này kéo dài đúng một tuần, từ 23 đến 30 tháng Chạp, cho nên phải quan trọng lắm.  
         Cúng ông Táo không phải mỗi năm một lần là ngày Tết Táo quân – 23 tháng Chạp mà còn nhiều lần nữa: Ngày cuối năm, 30 tháng Chạp, cúng rước Ông Bà về ăn tết cùng con cháu, đồng thời cũng là ngày cúng rước ông Táo trở về nhà; rồi nhân các ngày giỗ kỵ gia tiên, ngày sóc vọng hàng tháng... Chẳng biết có ai nghĩ rằng việc cúng kính đó là một hình thức chủ nhà hối lộ cho ông Táo – vị Thần giám sát công việc của nhà mình hay không?
         Ngoài việc giám sát, Táo còn giúp việc giữ lửa nữa. Tại sao lửa phải được giữ ở trong nhà?
         Ai cũng biết lửa cần cho cuộc sống của chúng ta. Hồi nguyên thủy, tìm ra lửa là một phát kiến vĩ đại của con người, để nhờ đó con người từ ăn sống, uống sống chuyển sang ăn chín, uống chín…Nhưng đã có lửa rồi mà với hoàn cảnh hồi xưa giữ cho luôn luôn có lửa cũng không phải là chuyện dễ; chớ đâu như bây giờ, người ta đánh cái que diêm, bật cái quẹt ga, lò ga là có được ngọn lửa. Bởi khó như thế, cho nên khi đã có lửa rồi thì phải lo mà giữ, duy trì cho lửa không tắt. Bà nội trợ làm bếp xong, vùi cái than hồng hay ủ lớp trấu hồng dưới lớp tro bếp để dành lửa cho bữa nấu ăn sau. Nhà có lửa là nhà ấm cúng, bếp có lửa là bếp của nhà có ăn, trái lại nhà ai lạnh bếp là nhà thiếu đói. Những người tốt bụng vẫn cầu mong điều tốt lành cho nhau, cho nên lòng họ sướng vui, mắt họ thấy vẻ nên thơ, vẻ đẹp nơi sợi khói lam chiều tỏa lên từ những mái tranh.
         Thuở lên 9 – 10 của tôi, mỗi khi cha mẹ đi vắng nhà, đi làm đồng, tôi vẫn ở nhà giữ nhà, trông đàn em nhỏ. Đến giờ nấu cơm, vo gạo xong, bắc nồi cơm lên bếp, tôi bới lớp tro ủ lửa để nhen bếp. Hôm nào tro lạnh, lửa không còn, thế là tôi phải bế thằng em nhỏ nhất, chạy sang nhà hàng xóm là nhà bác Tần để xin lửa. Tôi đặt cái than hồng vào lòng cái gói rơm giống như một cái tổ chim, cầm nó trên tay ù té chạy về nhà để thổi bùng lên thành một bếp lửa.
           Lửa ban đầu có giá trị thực dụng, cho ta bếp lửa để nấu ăn, ngọn đèn dầu lạc đêm đêm chong sáng trong ngôi nhà, chậu lửa hồng nổ tí tách sưởi ấm ta ngày Đông tháng giá… Nhưng về sau, lửa còn có thêm một ý nghĩa tâm linh. Ngày nay, ta có lắm kiểu thùng quẹt để cho ta ngọn lửa khi cần, vậy mà ta vẫn “giữ lửa” như giữ một báu vật linh thiêng. Ta có ngôi nhà mới, hôm đưa cả gia đình về ngôi nhà mới ở, ta chong ngọn đèn dầu hôi trên trang Táo đủ 3 ngày 3 đêm, vợ ta ủ một lò than hồng (cũng phải đủ 3 ngày 3 đêm) đặt nơi nhà bếp, cạnh cái lò ga hễ bật cái là có ngọn lửa màu xanh cháy rực.
           Ta làm cho có lửa, cố công giữ lửa, nhưng ngọn lửa có được duy trì hay không, việc đó ta còn cần đến oai thần và sự phù hộ của ông Táo, vua Bếp, của “Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân định quốc, hộ trạch đại thiên tôn” (Lời khấn của chủ nhà trong mỗi bữa cúng ông Táo).
          Chao ôi, người ta sợ mất ngọn lửa hồng trong bếp, nhưng cớ sao có mấy ai sợ mình mất ngọn lửa trong trái tim? Vì mất lửa trong trái tim, cho nên trái tim ta lạnh giá, ta sống lạnh lùng, vô cảm với người chung quanh, với cộng đồng xã hội; ta đành lòng làm một công chức chây lười, ngại khó, giỏi gian dối và ưa uốn lưỡi nịnh hót rất đáng trách. Vì mất lửa nhiệt tình cho nên người có chức có quyền mới sinh ra bao thói hư (quan liêu, bệnh thành tích, mất dân chủ, gây mất lòng dân…) chọn cho mình cuộc sống vinh thân phì gia bằng tiền của tham nhũng.
          Một cái Tết Nguyên đán nữa sắp đến rồi, và chúng ta cũng sẽ có một cái Tết Ông Táo đến trước đó đúng một tuần. Nói Tết là nói đến nghỉ ngơi và ăn chơi theo nghĩa “ăn Tết”. Nhưng đó là cảnh Tết của những người có cuộc sống phong lưu trở lên. Còn đối với những người nghèo khổ, bất hạnh, nạn nhân thiên tai lũ lụt miền Trung kia thì sao? -Họ sẽ cầu cho có “đỏ lửa ba ngày Tết”. Nhưng lời cầu đó có “thiêng” hay không, có trở thành hiện thực hay không thì không phải tùy thuộc ở Ông Táo, ở Táo phủ thần quân định quốc hộ trạch mà ở tấm lòng của tất cả chúng ta, của “Người trong một nước phải thương nhau cùng” mà dành sự cứu giúp thơm thảo cho họ.
          Và tôi cũng mong sao từ mùa Xuân này, những “công bộc” của dân, ai cũng có lửa nhiệt tình để lo cho dân, cho nước; cô hàng xóm lỡ duyên, lỡ phận của tôi không còn than câu: “Đời em đã tắt lửa lòng từ lâu” trước những chàng trai có cảm tình với nàng.




Thơ Huỳnh Kim Bửu




Tứ bình Xuân ý



Khai bút
Thầy Đồ khai bút đầu Xuân
Động tình giấy trắng, dè chừng nghiên son.
Nặng lòng, chữ nghĩa véo von
Lộng trong trời đất vạnh tròn Nguyên tiêu.

Khai hội
Giêng hai xuống tận trăm miền
Trống chầu, trống chiến, ngả nghiêng hội làng.
Trăng đồng cởi áo lên ngàn
Những nàng đi hội nhuộm vàng gió sông.

Khai tâm
Lên tư  rồi lại lên năm
Xuân này đời đã khai tâm bé rồi.
Quan trên đi chùa trăm nơi
Khai tâm học một câu “Vừa lòng dân”.

Khai trương
Mùa Xuân khai trương đất trời
Người khai trương những mối lời nhỏ to
Em khai trương những hẹn hò
Tôi khai trương những tình cờ có không.

Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

Bình: CHUYỆN NGÀY XƯA KỈ NIỆM MÙ GIĂNG (Huỳnh Kim Bửu)

by Trần Hà Nam on Tuesday, December 21, 2010 at 9:08am Đọc Mùa thu biết thở ra hương của Huỳnh Kim Bửu, tôi cảm nhận một không khí bàng bạc của những hồi ức, những kỉ niệm thấm đẫm nhớ nhung. Đúng như tên gọi bao trùm tập thơ này, những bài thơ của Huỳnh Kim Bửu mang theo cái hương vị bâng khuâng man mác, cái chiêm nghiệm từng trải, chắt lọc từng vẻ đẹp cuộc đời. Bài thơ nào cũng dễ cảm, đem lại một cảm giác khoan khoái như uống một chén trà hay nhấm nháp từng ngụm cà phê trong buổi sớm. Tôi nhận ra một Huỳnh Kim Bửu rất rõ trong bài thơ ngắn nhan đề Góp cho ngày:
Hoa phong lan sáng ngày bừng nở
Một nét ban mai rực rỡ thay
Hiên sương ông lão uống trà sớm
Thả một làn hương góp cho ngày
          Nhiều bài thơ khác của anh cũng mang theo cảm giác cho người đọc như đang đắm mình vào làn hương thu hoài niệm ấy. Con người khi đã đi qua bao thăng trầm cuộc sống, mới thấy quý vô cùng những vẻ đẹp và trân trọng nâng niu tình đời tình người. Tôi đã dừng lại rất lâu ở bài thơ Chuyện ngày xưa kỉ niệm mù giăng.
          Bắt đầu bằng một lời thơ tự sự "Tôi trở về Quy Nhơn ngày ấy...", anh dẫn dắt chúng ta về với một Quy Nhơn xưa rất đẹp và rất thơ, với những địa danh rất đặc trưng Khu Sáu, Xuân Quơn, Khu Hai... Một Quy Nhơn với đường bàn cờ, động cát, làng nhỏ trồng rau, thuyền buồm san sát với kí ức tràn ngập nắng và gió biển. Cũng là những hình ảnh ta thường gặp đấy thôi, nhưng soi chiếu qua lời thơ Huỳnh Kim Bửu, bỗng nhiên nôn nao gợi nhớ gợi thương lạ lùng:
          Tôi trở về Quy Nhơn ngày ấy
          Đường bàn cờ Khu Sáu nắng chang
          Đâu biết được tình em động cát
Cho nên chiều Khu Sáu rất vàng
Và: Chị dưới ruộng xoay chiều tán lá
Che nắng mai che tiếp nắng chiều
Có lẽ ai từng gắn bó Quy Nhơn mới nhận ra cái lam lũ cát lầm bình dị của mảnh đất này mới chính là điều dễ để thương để nhớ. Quy Nhơn của Huỳnh Kim Bửu là những hồi ức từ thưở học trò chăng, nên hiện tại lại mang bóng hình kí ức:
Quy Nhơn thời "sôi kinh nấu sử"
Học trò nghèo gác trọ đèn chong.
Tô phở nhỏ đâu ấm lòng sĩ tử
Hè phố nào cũng áo trắng bay ngang
Tôi không muốn bình giá về nghệ thuật, về hình tượng hay ngôn từ gì ở đây, mà chỉ muốn như một người thưởng thức thuần túy để thơ bất chợt đến với mình. Để nghe từ lời thơ, một tiếng nhạc lòng đồng điệu, để cùng nhớ cùng thương với thi sĩ về Quy Nhơn trong ánh trăng dậy tiếng thơ Hàn:
Tôi trở về Quy Nhơn ngày ấy
Câu thơ Hàn lạnh buốt đêm trăng
Bạn bè cũ nửa quên nửa nhớ
Chuyện ngày xưa kỉ niệm mù giăng
Nhớ một Quy Nhơn bình dị, nên những câu thơ cũng bình dị như trải lòng với đất với người. Bài thơ kết rồi, nhưng dư ba còn đó, đánh thức ân tình, làm ta quên đi những mệt mỏi thường nhật mà nhớ một Quy Nhơn với bao gương mặt bạn bè, với tình thơ làm ta yêu ta quý hơn mảnh đất này.
Cảm ơn nhà thơ, và chúng ta hãy cùng nghe lại một lần nữa những vần thơ ân tình trong Chuyện ngày xưa kỉ niệm mù giăng  của anh.
                                TRẦN HÀ NAM

Mộ Hàn Mặc Tử - Gành