.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010





Tản văn của Huỳnh Kim Bửu


CÀY ĐỒNG

(Cày đồng dưới buổi ban trưa / Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày – Ca dao).




Bây giờ ở nhiều vùng nông thôn, đã thấy vắng bóng cảnh cày bừa bằng sức con trâu con bò. Không chừng mươi năm nữa, cảnh này sẽ biến mất hẳn, đâu đâu cũng thấy người ta cày bừa bằng máy, bằng sức con trâu sắt của thời hiện đại. Nghĩ vậy mà tôi viết bài này để ghi chép lại một chuyện cũ:  “Cày bừa vốn nghiệp nông gia / Ta đây trâu đấy dám mà quản công” (Ca dao).
Đó là cảnh diễn ra từ mấy ngàn năm nay, nó cũ kỹ đến phải có một thành ngữ: “Con trâu đi trước cái cày theo sau” để nói về nguyên nhân và hệ quả của sự chậm phát triển của một nền nông nghiệp, một nền kinh tế. Nhưng rồi vì cuộc sống, vì thói quen, người ta vẫn phải yêu mến nghề nông và cảnh con trâu cày ruộng.
Khi đồng ruộng vừa gặt hái xong thì công việc tiếp theo là cày bừa. Gặt hái với cày bừa đi liền nhau để cho mùa nối mùa, đem lại sự no đủ quanh năm cho con người. Quê tôi năm có hai mùa làm ruộng: mùa tháng ba và mùa tháng mười. Vậy thì năm có hai lần cày bừa: một vào tháng ba, một vào tháng mười.
Cách đây mấy mươi năm, lũ chúng tôi là những cậu học sinh trường làng, rồi lên trường tổng, trường phủ học. Trên đường đi học, băng qua mấy nẻo đường làng, mấy cánh đồng làng nối tiếp nhau, có bao cảnh vật quyến rủ tâm hồn non trẻ của chúng tôi. Khi thì chúng tôi đắm say một cảnh ban mai mọc lên mặt trời rực rỡ cùng lảnh lót tiếng chim ca trên lũy tre làng, hôm mê hồn bởi sắc cầu vồng hiện lên nơi phía chân trời cùng đàn trâu gặm cỏ trên đê… Lắm khi, chúng tôi đứng mãi không muốn dời bước chân trong cảnh trời chiều bởi say ngắm một cảnh cày bừa nhộn nhịp, hoặc một cảnh ruộng nước trắng xóa mênh mông cộng thêm đàn cò trắng đậu…
Vì đã học hết cuốn Quốc văn giáo khoa thư, những cậu học trò trường Phủ chúng tôi biết rằng, đó mình đã khéo thi vị hóa cảnh cày bừa, chứ thực ra việc cày bừa, cũng như bao việc khác của nhà nông, là nặng nhọc lắm. Cày đồng trong tiết tháng ba thì trên nắng dưới nước, trong tiết tháng mười mưa bay gió vãi, cái rét như dao cắt thịt da. Đó là chưa tả cảnh chân lấm tay bùn, mổ hôi trộn nước mắt: “Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày” (Ca dao).
Trong các làng quê hồi xưa, có ông thợ cày bên cạnh bà thợ cấy, chị thợ gặt… Thợ cày có người là nông dân, chủ vài sào ruộng, nuôi đôi con bò kiêm nghề cày ruộng để: “Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”, khỏi phải thuê mướn. Nhưng bên cạnh đó còn có những thợ cày chuyên kiếm sống bằng nghề cày thuê. Phần lớn, họ nghèo khổ, không có ruộng, cũng không có con trâu, cái cày cái bừa. Có người vào nhà ông phú hộ, ông chủ ruộng từ thuở bé con, tóc cạo nhẵn để miếng vá trên đầu, rồi ở mãi đó cho kịp đi từ chú bé chăn trâu “tiến” lên anh thợ cày ruộng cho chủ nhà. Thợ cày giỏi là anh thợ cày sâu (Cày sâu cuốc bẩm) cày không lỏi, lật vỉa cày sát góc ruộng; đến khi bừa thì băm cắt kỹ, ban bằng, nhìn suốt đám ruộng thấy bằng hấn, phẳng lỳ, không chỗ ngập nước chỗ bày khô. Anh cũng là người làm lụng có năng suất cao, cày già buổi thì xong một sào ruộng sâu, non buổi - một sào ruộng cạn. Không phải hiếm anh thợ cày có duyên may, được ông chủ ruộng chọn thằng con trai biết làm ăn, bất luận giàu nghèo, gả cô con gái cưng, cho anh làm con rể chí nguyện.
Quê tôi thuộc vùng đông Phủ An, xa hòn An Tượng ở phía Nam mà cũng xa núi Bà phía Bắc, cho nên hiếm có cây gỗ mộc. Mỗi năm một lần, vào tháng ba, tháng tư cày cấy xong, nông dân rủ nhau vào An Tượng đẵn gỗ, đẽo cày ở trong đó…Ở lại trong núi mấy ngày đêm, nghe cọp gầm, vượn hú và ăn hết gạo mắm dỡ theo, thì xong công việc để có một sáng sớm, đoàn người vác cày mới đẽo ra về với nước gỗ còn tươi, mùi gỗ còn thơm. Đó là chưa nói, bên cạnh nông dân còn có những người thợ đẽo cày chuyên nghiệp kiếm sống. Quanh năm, trừ lúc “nông vụ tấn thời” (lo ruộng đất) những thợ này ở trong núi, nhiều hơn ở nhà. Người ta hạ cây, đẽo cày, rồi đem về bán sỉ và bán lẻ ở các chợ quê trong vùng. Thợ đẽo cày, nhiều người bị con mắt lác, vì anh ta ngắm nhiều: ngắm cái cây thẳng đứng trong rừng để chọn, ngắm cái bắp cày đang đẽo để xem nó đã thẳng, đã thon từ gốc đến ngọn chưa. Lựa được cây gỗ chắc như gỗ trâm, xay làm cày thì cái cày bền, cày lâu trạnh cày, bắp cày, ách cày lên nước bóng láng, sờ vào nhẵn thín, mát tay, không hề sợ cái mảnh dằm đâm.
Không ai yêu trâu bò bằng cha con, vợ chồng gia đình nông dân. Nông dân vẫn coi con trâu, bò là tài sản quý giá nhất của mình: “Con trâu là đầu cơ nghiệp” (Tục ngữ) con trâu bò là bạn đồng cam cộng khổ và cùng chung ước mơ hy vọng với mình: “Trâu ơi ta bảo trâu này / Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta / Cấy cày vốn nghiệp nông gia / Ta đây trâu đó dám mà quản công / Bao giờ cây lúa còn bông / Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn” (Ca dao). Trong gia đình nông dân, cha cày xong đám ruộng, giao thằng con trai út chăn dắt, cho trâu tắm táp, ăn cỏ bờ đê; xẩm tối lùa về, có vợ hun muỗi bắt mòng cho trâu ngủ, bỏ rơm cỏ cho trâu ăn…Gặp thời tao loạn, nông dân không yên giấc ngủ, vì phải thức để canh chừng thằng ăn trộm lẻn vào, tháo nhẹ cổng chuồng, lừa con trâu đi mất lúc đêm hôm.
Ở chợ Phủ - Gò Chàm, có chợ Gia súc mở trên đường lên ga xe lửa Bình Định. Dân trong vùng không gọi đúng tên chợ mà cứ gọi nôm na là chợ Bò. Chợ Bò họp tháng 6 phiên, trùng phiên chợ Gò Chàm. Ai cần con bê, con nghé lanh lợi đem về nuôi, con trâu bò đực sức đem về cày, cứ đợi tới ngày phiên chợ Bò. Trâu bò cả trong vùng phủ An, thêm Vĩnh Thạnh, Bình Khê (nay là Tây Sơn)… đem tới đó bán, không thiếu con tướng tốt cho khách hàng mặc sức chọn. Tướng con trâu, con bò cày tốt là tướng khỏe, lông mượt, chân cao, đuôi dài tới đất, thịt bắp vai u...Trái lại là tướng xấu, đem về nuôi thì nó chỉ là thứ vô tích sự: “dựa bắp cày ăn rơm” (Câu nói dân gian).
Cày ruộng tuy khổ nhưng lại là chuyện căn cơ, cho nên người quê tôi bao đời vẫn chọn làm nghề nông, làm nông dân. Ai ai theo đuổi việc gì, đi làm gì, tâm chí hoài bão gởi đâu đâu mà chẳng may mộng cao tài thấp, công không thành, danh không toại, thì giống nhau một nguyện vọng sau cùng là: “Trở về làng cũ học cày cho xong” (Ca dao). Ai giấu cái tài để đợi thời, đợi buổi đời biết “chiêu hiền đãi sĩ” mà ra giúp đời thì bắt chước ông Y Doãn, Phó Duyệt mang áo tơi đội nón lá đi cày ruộng, gánh đất ở ngoài đồng.
Người xưa xếp việc đi cày trong các cái thú của đời người: Ngư, tiều, canh, độc. Chẳng biết vì cớ sao, người ta vẫn thích ví nghề văn với nghề cày ruộng? Chỉ nói thêm một chút: nhà văn thì cày trên trang giấy, trên cánh đồng chữ nghĩa, còn nhà nông thì cày trên ruộng sâu ruộng cạn, trên cánh đồng mỗi năm cho mấy mùa vàng.
H. K. B






Thơ Huỳnh Kim Bửu

Những người thợ xưa xây
tháp đi đâu rồi?



Đi trên nền đá ong sâu thẳm, mênh mông
Không tìm thấy đâu cửa Ngọ môn
Hành cung, Tử Cấm thành…
Chỉ thấy hiu hắt bông cỏ may khô
Và lũ chim trời tìm bạn, tìm mồi, tha rác…

Còn đây lầu Bát Giác
Hai con voi đá lặng yên đứng kề
Có phải đang lắng nghe
Những lời buồn vui của đất?

Đứng dưới tháp Cánh Tiên
Ngàn năm trang sử thiêng
Ngàn năm nhật nguyệt soi tháp cổ
Những người thợ xưa xây tháp đi đâu rồi?

Hỡi những ai ngậm ngùi gương kim cổ
Lòng có như ngọn gió bổi hổi bồi hồi
Thổi vun vút chiều nay trên đồi cỏ may hiu hắt
Bông cỏ may trắng trời…

(1)     Trên đất thành Đồ Bàn, trước là kinh đô vua Champa,
sau là kinh đô của vua Thái Đức nhà Tây Sơn (được đổi tên thành Hoàng Đế).


Tiết Bạch lộ - Canh Dần, 2010.








 Bút ký của Huỳnh Kim Bửu

  Ký ức phố Quy Nhơn

                                                 

        Quy Nhơn của thời kỳ phát triển này đã làm đổi thay rất nhiều dáng dấp của Quy Nhơn ngày xưa (những năm giữa thế kỷ trước), trong đó có dáng dấp những đường phố.

       Đường phố Gia Long (nay là đường Trần Hưng Đạo) giữ vai trò trung tâm thương mại của Quy Nhơn: Cửa hàng, hiệu người Việt, người Hoa, người Ấn … nối tiếp nhau. Cũng có đoạn khu biệt thành dãy toàn phố người Hoa: đoạn nằm giữa hai ngã tư Trần Hưng Đạo - Mai Xuân Thưởng và Trần Hưng Đạo - Trần Cao Vân. Các tiệm người Việt buôn bán tạp hóa, máy móc; người Ấn chuyên buôn bán vải (thường treo bảng đại hạ giá); người Hoa chế biến thực phẩm, mở quán ăn (Cơm Dương Châu, mì hoành thánh), tiệm trà, tiệm thuốc Bắc… Cảnh bán buôn ở đây sầm uất, nhộn nhịp. Chiều thứ Bảy, ngày Chủ nhật giới công chức đổ ra đi phố và mua sắm, học sinh chúng tôi thích chúi mũi vào các tiệm sách Đại Chúng, Văn Hóa, Khai Trí… chứa nhiều sách quý. Bây giờ, trong nhiều người vẫn còn giữ ấn tượng đẹp về một phụ nữ trẻ, chủ một hiệu sách mặc áo dài đứng quầy, vóc dáng thanh tú, nói năng dịu dàng, bao giờ cũng đón tiếp khách hàng một cách niềm nỡ. Ban đêm, các biển hiệu hộp đèn, các quầy, tủ kính trưng bày hàng sáng choang, rực rỡ dưới ánh điện.     
        Đường Bạch Đằng,  đường của chùa chiền, hội quán và lễ hội. Được đặt tên là đường Bạch Đằng, vì con đường này chạy dọc theo đầm nước sâu Thị Nại, nơi lịch sử còn ghi vua Trần Duệ Tông (1337 - 1377) rồi vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) đã dẫn quân vào đây để tiến lên đánh lấy thành Đồ Bàn của vua Chiêm. Vua Trần Duệ Tông đánh không thành, tử trận; vua Lê Thánh Tông đánh thắng. Con đường chạy qua khu phố Trần Hưng Đạo tập trung nhiều người Hoa, mọc lên nhiều đền chùa, hội quán. Các đền chùa, hội quán uy nghiêm, cổ kính, vẫn thường nghi ngút khói hương và quanh năm có nhiều lễ hội. Trong các lễ hội, có lễ hội đổ giàn tại Chùa Bà Phúc Kiến, tổ chức Rằm tháng Bảy, là lớn, nhưng cảnh tranh cướp heo không hấp dẫn bằng lễ hội đổ giàn ở đất võ An Thái. Cứ đến lễ Vu Lan – Rằm tháng Bảy, các chùa tổ chức phóng sanh đăng trên đầm Thị Nại, hoạt động này giàu ý nghĩa cầu siêu tế độ, giải thoát chúng sinh, cho nên thu hút nhiều người xem. Trên đường Bạch Đằng, trồng hàng cây bàng đã thành cổ thụ, đặt đoạn đường sắt chạy xuống cầu tàu - cảng Quy Nhơn. Cứ vài ngày, có chuyến tàu lửa chạy qua, kéo còi inh ỏi và nhả khói đen kịt, lâu lâu gặp một cảnh hàng bàng trút lá ào ào xuống mặt đường, xuống sân các đền chùa bởi một trận cuồng phong bất thình lình từ mặt đầm nổi lên.
         Đường Tăng Bạt Hổ đường Hàng Keo. Quy Nhơn có hai con đường trồng cây keo: Đường Tăng Bạt Hổ và đường Nguyễn Thái Học (đoạn chạy qua xóm Bàu Sen). Quanh năm các hàng keo xanh đậm, mùa xuân cho hoa, mùa hè cho trái. Nơi gốc keo sù sì trước tam quan Chùa Phật giáo Tỉnh Hội (nay gần nhà sách Thanh Niên), treo trên cành mấy lốp xe đạp cũ mục, hàng ngày có ông thợ vá xe đạp với đôi bàn tay lấm lem ngồi vá xe, thường có mấy khách hàng ngồi chòm hỏm vừa trò chuyện vừa đợi ông. Hiện nay, tôi vẫn còn thấy ông ngồi đây vá xe đạp, mặc dầu đã già yếu. Và tôi cũng không hiểu tại sao, ông có thể vá xe đạp lâu đến 50 năm, giữa thời buổi có không biết bao người đã đổi thay nhanh chóng đời mình? Lũ học sinh chúng tôi rất thân quen với đường Tăng Bạt Hổ, vì đó là đường đến trường hằng ngày (Nếu lấy Chùa Hội làm tâm điểm, thì các trường Trung học lớn Cường Đễ (nay là trường PTTH Quốc Học), Nữ Trung học Ngô Chi Lan (nay là trường PTTH Trưng Vương), Trung học Nhân Thảo (nay là THCS Trần Hưng Đạo, Nữ Trung học Trinh Vương (nay là Đại học Quang Trung) đều cách đó một bán kính chừng nửa cây số. Trung học Bồ Đề thì trên đường này. Chúng tôi không gọi đường này là đường Tăng Bạt Hổ mà thích gọi là đường Hàng Keo, cho có vẻ nên thơ như trong thơ Xuân Diệu: “Những nhành keo đêm trăng Quy Nhơn / Nở hoa trắng nhỏ bíu cành tuôn / Nhánh dài rũ xuống như tơ liễu / Gió biển đung đưa khe khẽ mơn” (Hoa keo ở Quy Nhơn). Sớm chiều, khách mộ đạo Phật đi trên đường Tăng Bạt Hổ sẽ được lắng nghe tiếng tụng niệm, tiếng chuông từ Chùa Hội vọng ra mà thấy lòng thanh thản, là dịp hướng tâm về nẻo thiện.  
        Đường Phan Bội Châu thơm mùi cà phê rang. Con đường có nhiều nếp nhà cổ với mái ngói âm dương, cửa ván dày hai tấm đặt trên ngạch gỗ săng cao; cũng có nhà dựng cửa bàn khoa chạm hoa văn thủng, đứng sau hàng cổng lửng sơn màu xanh, đỏ. Chủ nhân các ngôi nhà thường là người Hoa, họ mở phòng ngủ, quán kem Flanc, tiệm xay cà phê bán sỉ. Mùi cà phê rang thơm nức thường lan tỏa trong không gian, đáp nhẹ vào mũi người đi đường. Nếu gặp một chiều gió mưa lạnh lẽo, và bạn là khách đi phố đang co ro rảo bước dưới mưa, mùi ấy chắc sẽ gây cho bạn cảm giác ấm lòng, giảm bớt cô đơn. Trên đường Phan Bội Châu, đầu đường có Nhà hát Trung Hoa (sau đổi tên là Rạp chiếu bóng Tân Châu, nay là Rạp 31 / 3), cuối đường gặp cửa Bắc Chợ Quy Nhơn. Nghe nói, tại Nhà hát Trung Hoa đã có đôi lần tổ chức diễn thuyết, tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh giữa các nhà thơ, nhà lý luận phê bình theo các trường phái khác nhau. Cũng nghe nói, thời Quy Nhơn bị Pháp tạm chiếm, du kích đã đánh vào đây mấy trận để tiêu diệt sĩ quan Pháp đang họp; đây là địa điểm tổ chức một số cuộc họp của Ủy ban Quốc tế kiểm soát đình chiến, theo Hiệp định Geneve - 1954, với sự hiện diện của đại diện Quân sự các nước thành viên Ấn Độ - Ba Lan – Canada.
       Đường Nguyễn Huệ… dạo bãi biển. Thả bộ trên đường này là cái thú của nhiều người Quy Nhơn và khách du lịch: Họ ngắm biển, những đoàn tàu thuyền vào ra, hứng ngọn gió nồm thổi, lắng nghe bản nhạc thùy dương…Họ đang tìm sự thư dãn cho tâm hồn. Sáng, chiều người các phố đổ ra tắm biển, đủ nam phu lão ấu và đồ tắm biển cũng đủ màu sắc…Đường Nguyễn Huệ, đoạn trên dưới trường Nữ Trung học Ngô Chi Lan, mùa hè rực lửa hoa phượng đỏ, ai cũng bảo, đó báo hiệu mùa thi đến; khúc chạy qua Khu 2, thường tanh mùi cá tôm, mùi rong rêu, nhất là gặp khi những đoàn thuyền của ngư dân trúng mẻ cá tôm trở về. Đường Nguyễn Huệ đã từng có vai trò chứng nhân của lịch sử: Một cuộc xuống tàu đi tập kết của cán bộ, chiến sĩ Bình Định và các tỉnh Miền Nam diễn ra năm 1955; một cuộc nữa, ngày kết thúc thắng lợi ở Bình Định cuộc chiến tranh chống Mỹ kéo dài 21 năm. Ngày nay trên đường này đã dựng Tượng đài kỷ niệm 2 sự kiện lịch sử đó.

        Trên, nói những đường phố đã thay đổi nhiều, còn giữ lại rất ít những dấu tích xưa. Đường phố Quy Nhơn, còn nhiều, mỗi con đường mỗi vẻ, nhưng có chung một vẻ yên tĩnh, hiền lành, dễ thương, gần gũi với thiên nhiên, chưa có gì là to lớn (chưa có nhà lầu, một ít nhà có gác lỡ) thiếu cái hối hả của cuộc sống đô thị: “Những lúc hiu hiu thổi gió nồm / Hồn trong võng mát như ôm / Những chiều kéo lưới thuyền về nặng / Lảnh lảnh nghe rao “cá bánh đường” (Xuân Diệu – Tâm sự với Quy Nhơn). Cái nổi bật của đường phố Quy Nhơn về đêm là những tiếng rao dài hun hút: phở, hột vịt lộn, tẩm quất… của những người bán hàng rong, người kiếm sống trên đường phố về đêm.
        Sông có lúc, đường phố có khúc chăng? Đường Bạch Đằng, do bị lấn đầm lập khu dân cư mới, mà xa bến nước là một sự lạc lõng, bơ vơ, tội nghiệp cho con đường. Ngày xưa thi sĩ Xuân Diệu về quê Gò Bồi: “Nằm một đêm đò, sáng tới nơi” , chắc con đò đó phải xuất phát từ bến Bạch Đằng? Ngày xưa, ở Quy Nhơn, ai đi dạo phố, mua sắm thì ra đường Gia Long, khu phố Trần Hưng Đạo, xuống Chợ Lớn…Nói chung, khi cần gì, thảy người ta ra đó, đi phố là ra đó. Ngày nay ngược lại, ai đi Siêu thị, Metro, Hội chợ – Triển lãm thì vào Khu 6; ai thưởng ngoạn Quy Nhơn về đêm thì vào đường Nguyễn Tất Thành, đến Ngã 6, Khu Đại học, ra đường Xuân Diệu... cũng là vào Khu 6.  

                                                               





Tản văn Huỳnh Kim Bửu
                                                            
    
Kỷ niệm chiều

                                                         
       
       Chiều xuống rồi trên phế thành Đồ Bàn (sau vua Thái Đức - từ mậu tuất, 1778 - đặt tên là thành Hoàng Đế, làm đế kinh của mình).
       Buổi chiều thật bãng lãng; nắng chiều vàng vọt trên khu thành, trên mấy ngọn tháp Chăm. Trên lối cũ hành cung, xà ích đang dắt những chú ngựa thồ về, những thợ thủ công làng dệt Phương Danh, làng đúc đồng Bằng Châu, những bà những cô buôn bán ở các chợ trên đất thành… đang rảo bước về nhà. Đây cũng là lúc người ta nghe được tiếng còi tàu vào ga Vân Sơn, tiếng còi tàu báo hiệu rời ga, nghe được hồi chuông chiêu mộ ngân nga vọng tới. Chiều nơi đây thường gợi buồn, bắt người ta hay nghĩ suy về cái lẽ thịnh suy, còn mất, thành bại của một Non nước, một Cơ đồ cũ, một vương triều từng làm nên lịch sử. Cuộc kháng thuế năm 1908 bị đàn áp, nhưng cái âm vang của cuộc nổi dậy vẫn còn. Có chàng thư sinh trường Phủ, chiều nào cũng cố lần theo “tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn” (thơ Bà Huyện Thanh Quan) từ trong thành vọng ra để tìm xem ở đâu trong thành kia là chỗ đồn lính khố xanh của viên quan Tổng đốc Bình Định? Đâu là chỗ giam nhốt ông Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo và những đồng chí của ông bị bọn Pháp và Nam triều bắt cầm tù?  
       Chiều cũng đã xuống rồi trên bao làng quê ở hai bên bờ con sông Côn, khúc chảy qua địa phận từ thủ phủ cũ An Thái trở xuống. Các làng quê trong cảnh trời chiều trông thật thanh bình, yên ả. “Trâu bò về rợp những nương ngô”. Bún Song thằng hãy còn phơi trên các bãi sông An Thái. Trên đồng ruộng, nông phu lững thững về nhà, cò trắng từng đôi hạ cánh xuống những đám ruộng nước trắng xóa để tìm mồi cho bữa tối… Trên các con đường làng, đàn con trẻ thi nhau thả diều, nhiều khoảng trời đặc diều. Và trong các xóm nhà, đã thấy tỏa lên những ngọn khói lam chiều quen thuộc. Bữa cơm chiều các gia đình, thường có món cá tươi biển Quy Nhơn được các bà nội trợ vừa mới mua về. Chợ quê lúc chiều về thường bày ra cảnh hắt hiu buồn, bán buôn lèo tèo: “Chợ chiều nhiều khế ế chanh / Nhiều cô gái hóa nhiều anh chàng ràng…” (Ca dao).
        Chiều trên sông Côn có một vẻ đẹp riêng. Người đứng trên cầu Phụ Ngọc nhìn ra xung quanh, thấy mặt trời đang lặn xuống ngã ba sông; những hôm có ráng chiều, màu nước sông Côn nhuộm màu ráng đỏ, rồi cái màu ráng đó cùng sông mà trôi đi biền biệt. Chiều rồi mà những đò dọc vẫn xuôi ngược trên sông; còn đò ngang thì đang bắt đầu thưa khách, nhưng ông lái đò thì vẫn cắm sào đợi khách suốt đêm thâu. Chiều xuống cũng là lúc cho người ta ra sông Côn tắm mát, bến sông nào cũng chật người, đủ nam, phụ, lão, ấu. Quê tôi không có sông Vu, đền Vũ Vu, nhưng có những người như Công Tôn Hoa ngày xưa, có cái thú đợi chiều về đi tắm mát sông Côn, hóng gió sông Côn, rồi hát nghêu ngao mà về. Bóng chiều tắt là lúc màu sương khói trùm lên đôi bờ sông Côn, những ánh lửa chài được thắp trên sông. Nhà thơ Yến Lan đã viết nên cảnh chiều trên bến sông quê Trường Thi: “Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh / Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng” (Bến My Lăng).
        Trên kia là những cảnh chiều thường gặp, “những buổi chiều êm” (Thơ Xuân Diệu). Nhưng mỗi mùa còn cho một cảnh chiều riêng. Chiều Xuân, đâu cũng tràn hương sắc mai vàng, cúc trắng, bông trang đỏ... Chiều Hạ, hết ngọn nam non đến nam cồ thổi, xoài, mít, mận, ổi nặng trĩu trên cành cây… Chiều Thu, mưa Thu bất chợt, trăng Thu sáng, hoa cúc tần nở sớm… Chiều Đông ảm đạm, mây mưa che khuất Núi Bà, cầu Phụ Ngọc, bến đò Bầu Sáo…
        Người quê tôi hay ngóng chiều về để thương để nhớ. Thương nhớ một người – tương truyền là Ngọc Hân công chúa sau khi cơ đồ nhà Tây Sơn sụp đổ: “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều / Nhớ người đãy gấm khăn điều vắt vai / Chiều chiều lại nhớ mai mai / Nhớ người đãy gấm vắt vai khăn điều” (Ca dao). Thương nhớ người nghĩa khí lâm nàn: “Chiều chiều én liệng truông Mây / Cảm thương chú Lía bị vây trong thành” (Ca dao). Con gái lấy chồng xa nhớ mẹ: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau / Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều” (Ca dao). Anh con trai đi làm ăn xa nhớ quê nhà: “Đồng Nai, Long Khánh ai xui / Bây giờ xa xứ bùi ngùi nhớ quê / Nhớ đồng, nhớ bãi chiều về / Sông Tân An nước chảy, ba ngọn tháp kề bên sông” (Ca dao).
          Trên đây là chiều xưa, kỷ niệm chiều xưa của tôi. Chiều quê tôi bây giờ, màu chiều đã mất đi ít nhiều: Không còn ngọn khói lam chiều tỏa lên từ những mái tranh (vì không còn nhà tranh vách đất, nhiều nhà đã dùng bếp ga, bếp dầu thay bếp rơm củi) không còn những ngã ba sông mênh mông bát ngát, những đò chiều tấp nập như xưa…
           Mong rằng dầu cuộc sống có phát triển đến đâu, cũng đừng để mất quá nhiều những cảnh chiều, màu chiều ở quê. Vì đó là một mảnh hồn quê của ta.

Thơ Ở Sài Gòn ăn bún cá Quy Nhơn

Thơ Huỳnh Kim Bửu

Ở Sài Gòn ăn bún cá Quy Nhơn
Sài Gòn những chiều mưa
Quán bún cá Quy Nhơn trên đường Cô Bắc
Có người ngồi nhìn cơn mưa hiu hắt
Như một nỗi buồn.

Ăn bún cá Quy Nhơn giữa Sài Gòn hoa lệ
Cũng mênh mang trời đất quê mình
Cũng chớp bể mưa nguồn tháng bảy
Cũng giêng, hai trống hội sân đình.

An bún cá Quy Nhơn giữa Sài Gòn hòn ngọc
Cảm ơn quê cho chút vị nồng
Cảm ơn đời cho những môi hồng
Cảm ơn em giữ màu tươi thắm.

An bún cá Quy Nhơn giữa Sài Gòn xa em
Anh sẽ về nhà sau cơn mưa vừa tạnh
Sẽ đi trên con đường hàng me tĩnh lặng
Cho nỗi nhớ em sâu thẳm đường về.

10 / 2005
Huỳnh Kim Bửu. 

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Tản văn Mùi đồng

Tản văn của Huỳnh Kim Bửu

Mùi đồng
“Thú quê thuần hức bén mùi” (Truyện Kiều – Nguyễn Du).


   Cũng như bao người, tôi có một làng quê. Làng quê đó có cái mùi quê, mùi đồng quê đã đi vào hồn trí tôi từ thuở tôi còn là một chú bé con, để rồi cho tới bây giờ phơ phơ đầu bạc mà tôi vẫn còn yêu nhớ.

   Có một sớm mai và một chú bé đang tung tăng trên đường làng. Chú đang đi đến trường với cặp sách trên vai. Con đường dẫn chú đến trường mở ra hai bên những ruộng đồng xanh tốt. Đây là lúc hồn trí chú rất ngất ngây. Vì cái mùi tanh bùn đất, cùng mùi hăng hắc phân trâu bò từ ruộng bốc lên…Tất cả quyện vào mũi chú, không làm chú khó chịu, mà ngược lại, khiến chú cảm thấy có chút gì thân thiện, đến thành tình yêu, cuộc sống của chính mình. Nhưng lại có hôm, cũng trên con đường đi học đó và cũng một ban mai như thế đó, chú được tận hưởng một mùi khác, mùi thơm đồng nội: Mùi bông lúa chín ngợp đồng và mùi hương sen ngát của một mùa sen nở rực rỡ trong đầm ở trước mắt chú…Chú ta tự nhủ, đó thực là niềm hạnh phúc mình đang tận hưởng. Và chú rất chân tình mong mọi người, được như mình, tận hưởng cái hạnh phúc tuyệt vời mà dễ có này (Của trời trăng gió kho vô tận / Cầm hạc tiêu dao đất nước này – Nguyễn Công Trứ) của cuộc sống đồng quê.
  Tuổi nhỏ của chú lớn lên mỗi ngày ở đồng quê. Khi đã là trang niên thiếu, chú biết rằng, cuộc sống nhà nông là một nắng hai sương trên mảnh đất vẫn thường được gọi là “nước mặn đồng chua”. Chú lắng nghe cái mùi chua của cánh đồng làng, mùa chua loét của những bác nông dân trong những bộ quần áo đang mặc làm lụng bám chặt mấy lớp mồ hôi khô và những vệt bùn đất tươi. Rồi cái mùi đó chú nghe hoài, nghe mãi, đến trở thành trong chú một mối yêu thương, một cảm tình thực sự từ lúc nào, chú không hay.
  Là người chân ruộng lưu lạc lâu ngày ở thị thành, nay bạn làm một chuyến ngắn ngày về quê. Bước chân bạn đang trên đường làng hay đã vào một ngõ xóm trùm mát những bóng hàng tre xanh thẫm. Ở chỗ kia, bạn nghe được mùi khói đốt đồng; ở chỗ này, bạn gặp mùi của hoa trái thơm ngát, ngọt ngon trong vườn. Và cả mùi hăng hăng của rạ rơm, của những mái tranh cũ nát, những nền đất ẩm mốc, mùi của những đống phân ủ hoai để chờ ngày đem ra bón ruộng… Tất cả sẽ đưa bạn trở về với ký ức ngày xưa, cái ngày bạn còn sống với quê nhà, lăn lộn với ruộng đồng, sa giọt mồ hôi lên cây lúa để kiếm sống và có được những điều kiện mà từ đó bạn ra đi. Có thể ký ức ngày xưa về một làng quê đó giúp bạn tìm lại hình bóng người mẹ thân yêu của mình. Tôi biết người mẹ thân yêu của bạn cũng giống như má thân yêu của tôi, những bà mẹ trẻ làng An Định: Các người có mái tóc dài óng mượt và mùi dầu xức (dầu dừa để dưỡng tóc) nằng nặng trên mái tóc. Mái tóc dầu xức là mái tóc trang điểm của các bà mỗi khi có dịp đi lễ hội, đi ăn hỏi, đi đám cưới cùng chồng hay cùng cô con gái xinh đẹp của mình. Nhưng cũng phải kể, đôi khi những mái tóc đó còn thơm mùi bồ kết, mùi hương chanh, hương bưởi gội đầu còn để lại một mùi thơm lâu…
   Tôi phải nói lời cảm ơn quê đã cho tôi đủ mùi, đủ hương, khiến cho thời niên thiếu của mình thật đáng nhớ và hạnh phúc.
    Cho tới bây giờ, nhắc tới mùi đám giỗ của quê, tôi vẫn có cảm giác mùi đó đang còn phảng phất đâu đây. Có người đã ví vui vui, mùi đám giỗ, đám tiệc thuộc hạ tầng cơ sở, còn mùi hoa trái trong vườn là thuộc thượng tầng kiến trúc. Nấu nướng, (ngôn ngữ thời nay gọi là chế biến) thết đãi một đám giỗ ở quê tôi, thường có mấy món chính: nem chua, giò chả lụa (để khai vị) gà hầm, vịt tiềm, cá ám, lươn um (để thưởng thức) thịt luộc, thịt kho, canh, cơm (để ăn no), sau cùng là bánh trái (để tráng miệng). Mùi đám giỗ thơm phức, nồng nàn, ngào ngạt, lan tỏa từ nhà bếp, lên nhà trên, sang tận các nhà hàng xóm, quyện lâu vào mũi những ông bà hàng xóm láng giềng và gieo vào họ một “tâm trạng” bâng khuâng chờ đợi: “Nghe như có đám giỗ gần / Bụng dạ lần khần, chẳng muốn nấu cơm (Ca dao). Bởi đó, trong xóm miễu Tây của tôi, một nhà có đám giỗ là cả xóm đều biết.
Là người sống ở quê, tôi cảm thấy mình biết đủ cái mùi quê của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Quê tôi mùa xuân, đất trời ngan ngát mùi thơm của trăm hoa đua nở: Có thứ hoa như mai, hồng… thả hương thoang thoảng.  Có cái mùi hương e ấp, kín đáo của hoa cúc tần, hoa hồng tường vi … Có thứ hương thơm vương giả của lan trinh nữ, hồ điệp, dạ lý hương…
Mùa hè không riêng của hương sen dịu dàng, lãng đãng mà còn ngự trị mùi thơm mật ngọt của xoài, mít chín, mía đường nấu chín, cốm lớ, cốm nếp, cốm ngô đem đi bán dạo khắp xóm làng…Còn nhớ ngày thơ, tôi, thằng Tí, con Út… vẫn thường có những đêm vùi giấc ngủ trong mùi thơm quả thị chín vàng, chùm trâm chín tím, chùm sim chín hồng…Đó là những quà bà thương cháu, mua về từ chợ chiều, mà lũ cháu thì chưa muốn ăn liền, cất bên giường ngủ, để giữ thơm lâu. Thu đến, quê tôi đẫm mùi hương hoa cúc, hoa nhài, hoa thiên lý…
Các cụ già làng An Định vẫn đón vầng trăng Thu không thể thiếu chén rượu đối ẩm Hoàng hoa nồng nàn, ấm trà đối ẩm Cúc kim ngát mùi hương mà các cụ cho là mùi hương chỉ dành cho những tâm hồn tri âm, tri kỷ vẫn đến với nhau. Đông về, ra ngõ gặp mưa bay gió vãi và cũng dễ gặp mùi bánh xèo thơm ngậy lan tỏa trong không gian sũng nước, gây bao cảm giác ấm lòng trong cảnh ngày Đông giá lạnh …Nghĩ mà thương quá tình yêu và lòng thơm thảo của má, của ba. Ba trồng những vồng nấm rạ, nấm hương ủ kỹ ở trong sân. Gặp ngày nấm mọc rộ, ba thường bảo má, xay bột đúc bánh xèo nấm để ba gọi những đứa con xa dẫn các cháu ngoại, cháu nội về ăn, và má có món quà mọn đem sang biếu các nhà hàng xóm.
Mấy ai thiếu mùi đồng quê trong tình cảm yêu thương của mình? Thi sĩ Tản Đà đeo túi thơ đi khắp ba kỳ để làm thơ mà cũng để thưởng thức các món ngon vật lạ của mỗi vùng đất nước, và chắc ông đã gật gù, đắc ý lắm khi viết: “Tuồng Bình Định rạp Phú Phong / Nam Ô nước mắm, tỉnh Đông chè Tàu”. Xuân Diệu đã viết trong bài Đêm ngủ ở Tuy Phước: “Ngủ không được bởi gió nồm từ biển lên cứ nhắc / Trọn mình anh đã nằm giữa lòng tôi / Khi mà anh sinh ra / Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi /
             Mấy ai thiếu mùi đồng quê trong tình cảm yêu thương của mình? Thi sĩ Tản Đà đeo túi thơ đi khắp ba kỳ để làm thơ mà cũng để thưởng thức các món ngon vật lạ của mỗi vùng đất nước, và chắc ông đã gật gù, đắc ý lắm khi viết: “Tuồng Bình Định rạp Phú Phong / Nam Ô nước mắm, tỉnh Đông chè Tàu”. Xuân Diệu đã viết trong bài Đêm ngủ ở Tuy Phước: “Ngủ không được bởi gió nồm từ biển lên cứ nhắc / Trọn mình anh đã nằm giữa lòng tôi / Khi mà anh sinh ra / Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi / Nên tới giờ thơ anh còn được đậm đà thấm thía”, như thế đó, cái mùi vị quê hương qua tài nghệ chắt lọc, chưng cất của thi sĩ nó đã cho ta thơ hay, thơ trác tuyệt, món ăn tinh thần thỏa thuê đến vậy.             
      Ôi, cái mùi quê, mùi đồng quê, cũng như bao cái khác của quê hương, thực đáng nhớ, đáng yêu, đáng quý!

                                                                                         H. K. B

Bút ký của Huỳnh Văn


Trong làng có người lão nông


Trong các làng quê, nói về tuổi tác, giới tính: có cô thôn nữ, anh trai làng, người quá niên (Quá niên trạc ngoại tứ tuần…Truyện Kiều – Nguyễn Du)… Và còn có ông lão nông nữa.
Ông lão nông là ai? –Hồi xưa, tuổi già đến sớm lắm,  “mười lăm trẻ, năm mươi già không kể” (thơ Nguyễn Công Trứ) cho nên lão nông thời đó, được kể từ tuổi 50 trở lên. Bây giờ, bước vào lão nông, chắc cũng phải tuổi từ 60.
Lão nông có một quãng đời trực tiếp làm nông, làm nông dân, tức ông đã từng cầm cày, cầm cuốc, lên bờ xuống ruộng với bao nông dân khác. Nhưng nay thì ông đã ở tuổi cao niên rồi và được mọi người gọi là lão nông, nhiều khi còn được gọi là lão nông tri điền. 
Bây giờ, ông lão nông đang sống cuộc đời “hậu nông dân” của mình như thế nào? Việc của nông dân là việc ruộng vườn, hết ruộng tới vườn. Từ nay, ông lão nông về với mảnh vườn của nhà mình, giao lại việc ruộng cho con cái, thường là anh trưởng nam. Người ta bảo có thú “điền viên”. Đúng là có cái thú ấy, và cái thú ấy dành cho mọi người, nhưng hình như giới quan lại, công chức về hưu là được hưởng nhiều nhất. Nguyễn Bỉnh Khiêm viết: “Một mai, một cuốc, một cần câu / Thong thả nào ai vui thú nào” , khi ông đã từ bỏ “chốn lao xao”, tìm về “nơi vắng vẻ”.
Không phải lão nông không làm ruộng nữa. Ông vẫn có làm ruộng đấy chứ, nhưng làm những việc nhẹ nhàng thôi. Thường thì sớm ngày vác cuốc thăm đồng. Người ta vẫn thấy, có những ông lão nông đi đâu cũng vác cuốc trên vai, thậm chí đi ăn giỗ nhà bà con, nhà từ đường tộc họ gần, xa. Tới nơi rồi, dựng cuốc ngoài giếng, rửa chân, bước thẳng vào nhà trên. Đó là do thói quen của lão nông. Ai đã xem tuồng hát  Lòng già yêu nước (Còn gọi là Ngọn lửa Hồng Sơn), còn nhớ: Ông Tạ Ngọc Lân (cha) đến dinh cơ ông quan to Tạ Kim Hùng (con), được Tạ Kim Hùng mời ngồi ghế, ông ngồi bệt xuống đất. Tạ Kim Hùng hỏi, tại sao? Ông trả lời: - “Tôi quê mùa, hằng ngày đi cày ruộng, ngồi đất đã quen”. Đó là thái độ cứng cỏi của ông cha nông dân trung nghĩa đang tìm cách trừng trị thằng con bất hiếu, bất trung, theo giặc, làm điều phản nước hại dân. Nhờ có cây cuốc “thường trực” ở trên vai, cho nên ông lão nông đi đâu, cũng “kết hợp” thăm được đám ruộng: Gặp khô thì tháo nước vào, gặp úng xả nước ra; gặp lỗ mội thì dện; đi đường mỏi, sẵn cán cuốc ngồi lên nghỉ chân, cũng tiện…
Mặc dù, các lão nông không còn cày ruộng, nhưng “chủ trương” việc làm ruộng của gia đình, làng xóm đều từ lão nông mà ra. Năm có hai vụ mùa tháng ba và tháng mười. Trước khi vào vụ, hương chức làng thường mời các lão nông đến để “trưng cầu ý kiến”, hỏi các cụ xem, thời tiết sắp tới ra sao? (thời xưa chưa có cơ quan dự báo thời tiết như bây giờ), ngâm giống, gieo mạ lúc nào? giống lúa nào được, giống lúa nào không chắc ăn? ruộng chân cao, ruộng chân thấp, mỗi ruộng cấy giống gì cho hợp? … Thường thì các cụ cho phép đến đâu, làng xóm y án làm theo đến đó, bằng không cho phép thì dẫu làng có muốn, cũng đành thôi.
Ba năm có một lần, làng tổ chức quân cấp ruộng cho toàn dân. Việc quân cấp ruộng cũng được mời lão nông đến tham gia. Lão nông thuộc vanh vách, nằm lòng từng đám ruộng một ở trong làng, nhờ đó giúp cho làng việc lập sổ bộ, vẽ sơ đồ, lên phương án quân cấp sao cho công bằng, dân không có chỗ kiện thưa lôi thôi. Có nhiều trường hợp lão nông ngăn chận được Lý trưởng, Hương bộ có bụng tham, để ruộng ra ngoài sổ bộ mà thủ lợi riêng.
Hồi còn sức trai, ông Sáu Ngật cày ruộng, nuôi trâu, đẽo cày, giao du với nông dân, hút kèn thuốc lá, ngồi đâu nói chuyện ruộng sâu trâu nái, cái đập, con mương đó …Nay, bước sang tuổi lão nông, vẫn tính nào tật nấy, như người ngứa nghề, ít khi ông chịu ở nhà, nhỡ hôm nào kẹt quá, không ra đồng được là ông đứng ngồi không yên. Ông vẫn bảo, ra đồng sẽ có khối việc làm: Bước xuống ruộng đỡ cây lúa ngã, gặp cái thằng biết ăn mà không biết cày ruộng, thì chỉ nó vài đường cày, cho nó khôn… Bằng không làm gì thì ngắm đồng cho thỏa mắt, cũng hay. Nhiều hôm, chiều rồi, gió nồm rộ, hay ngọn gió nam non, cơn gió bấc lạnh lùng thổi, khiến cánh đồng lúa xanh lên tiếng rì rào và từng đợt sóng lúa nổi lên. Trên sóng lúa, hình bóng ông Sáu Ngật với nón lá trên đầu, cái cuốc trên vai trôi dập dềnh, dập dềnh...
Hồi tôi ở làng, cách nay cũng chừng 40 năm, vậy mà tôi còn nhớ như in các lão nông ở trong làng. Nước lụt trắng đồng, có mấy lão nông đi đầu, chống sõng cứu người, cứu lúa; làng hát bội có mấy lão nông trực tiếp chỉ huy, sai bảo đám nhân công cất sân khấu làm tự nguyện cúng Thần; đám ma có lão nông cầm sanh gõ cắc cắc… để điều khiển dân phu đòn; hát hò giã gạo đêm trăng, hò kéo gỗ trên sông, có lão nông chủ trò…
Nhiều lão nông là ông lão trồng hoa, dành kinh nghiệm và bàn tay quen cầm cuốc, xới đất để chăm chút khóm hoa, chậu cây cảnh, mấy chùm hoa trước giậu, dăm gốc cây ăn quả… Như vậy là hằng ngày lão nông có thú vui uống trà ướp hoa tươi, có quả ngọt ngon cho con cháu ăn. Rồi có một ngày, lão nông sẽ thấy mình phơ phơ đầu bạc, mắt mờ chân yếu, không làm gì nổi nữa. Bây giờ, ông ở nhà trông cháu, kể chuyện đời xưa cho con cháu xúm nghe. Mỗi chuyện đời xưa của ông đều dạy việc luân thường đạo lý, ở ăn có nghĩa có nhân, có ích cho đời…Ngày nay, trong các làng nghề trồng hoa Xuân (đã được công nhận) của huyện An Nhơn, vẫn nổi tiếng những lão nghệ nhân trồng hoa Hai Ngữ, Ba Sự, Mười Khoa, Sáu Long, Phàng Chiểu, Kim Vân… đều ở tuổi 60 – 70 hoặc mới về hưu, còn mạnh khỏe. Họ đang sống đời sôi nổi và đang cùng nhau làm nên danh tiếng của một vùng đất.   
Người có học thức ở trong làng thì khéo tiếp nhân xử vật, còn lão nông thì giỏi ruộng vườn, cho nên cả hai đều được nể trọng. Hồi xưa, làng tôi có lệ làm lễ hạ điền hằng năm, vào dịp sau Tết Âm lịch. Làng vẫn mời ông lão nông cao tuổi nhất trong làng, đứng chủ lễ và bước xuống ruộng, mở đường cày đầu tiên để bắt đầu một năm canh tác mà người ta tin rằng nhờ phúc đức của vị lão nông sẽ được mưa thuận gió hòa, phong đăng hòa cốc.

H. V.
Tản văn của Huỳnh Kim Bửu

Thiền trà


         Tôi có mấy lần được Hòa thượng Tịnh Như, trụ trì chùa Viên Giác, mời đến uống trà.           
          Hòa thượng trụ trì là người yêu thơ, có sáng tác mấy tập thơ đượm vị thiền. Tôi yêu hai câu thơ dịch của ngài:
            “Trời xanh bát ngát mây vương núi
Hồ biếc êm đềm nước động trăng”
            Nguyên văn chữ Hán cùng thủ bút của tác giả khắc trên tam quan chùa cổ Viên Giác nay vẫn còn:
            “Nguyệt hạ bất xao kim tỏa đoạn
Sơn tiền chỉ nhậm bạch vân phong”
(Hòa thượng Bích Liên - Chủ bút Tạp chí Từ Bi Âm, trước 1945)
            Có lần, chủ khách uống cạn mấy ấm trà, ngài hứng khởi hỏi tôi:
-Ông giáo nè, ông có chịu với tôi là thơ văn viết về thú uống trà nhiều lắm và có nhiều bài hay?”.
Tôi liền đáp:
-Dạ thưa ngài, trong Truyện Kiều danh tác, Nguyễn Du đã viết hai câu thực hay:
Thiền trà cạn nước hồng mai
Thong dong nối gót thư trai cùng về
để tả cảnh Hoạn Thư dẫn Thúc Sinh về nhà sau khi hai người đã dùng trà xong tại Quan Âm Các, do Thúy Kiều thiết đãi, và để lại cho Thúy Kiều thêm một nỗi kinh hoàng nữa. Nhà văn Nguyễn Tuân viết tùy bút Những chiếc ấm đất tài hoa lắm.
            Hoà thượng tơ mơ, gật gù:
         -Theo tôi nghĩ, việc uống trà ở nhà chùa chúng tôi được gọi là “thiền trà” có lẽ kể từ đó. Còn ông nhà văn viết tùy bút kia là bực văn tài, lại sành điệu uống trà, có thể xếp vào hàng đệ tử của “Trà đạo”. Tôi yêu biết mấy bài thơ Qua áng hương trà của thi sĩ Vũ Hoàng Chương:
            “Hương biếc tràn quanh nắp đậy hờ
Ấm sành nho nhỏ khói lên tơ
Hồn sen thoảng ngát trà dâng đượm
Ai biết mình sen rụng xác xơ”.
            Đến khổ kết của bài thơ thì “nên câu tuyệt diệu” giàu ý nghĩa nhân văn, thức tỉnh ta quay về với Tâm không của nhà Phật, ông giáo nhé:
“Nâng chén mời anh thưởng vị trà
Đừng quên tan tác mấy đời hoa
Cạn từng hớp nhỏ cho Sen đượm
Vớt lại trần ai một chút Ta”.
           Nhân ngài dừng lại nhấp ngụm trà, tôi hầu chuyện tiếp:
         -Thưa ngài, Quách Tấn còn có bài “mời bạn chén trà đưa tiễn”.
            Ngài hỏi tôi:
         -Có phải ông giáo muốn nói bài Động hoàng hôn đấy chứ? Rồi ngài cảm khái đọc bài thơ và kèm theo lời bình:
 “Hương trà chưa cạn chén hàn ôn
Thuyền đã buông theo tiếng sóng dồn
Ngắm vọi mây thu ùn mặt biển
Gác chuông thành cổ động hoàng hôn”.
            Tiễn người ra đi bằng một tiệc trà như thế, tôi chắc là người đi hương trà còn bay theo người mãi, cho tới khơi xa. Và tôi cũng cho rằng ông nhà thơ cũng cắc cớ.  Tại sao không làm cuộc tiễn bằng rượu như thông lệ mà lại bằng trà?
            Hương trà đang còn thoảng, Hoà thượng vẫn xắn tay áo tràng rót “chén tống chén quân” mời tôi. Tôi tiếp lời ngài:
         -Thi nhân xưa nay, thơ với rượu đi kèm là thông lệ, cho nên ông Tản Đà mới viết: “Không thơ không rượu sống như thừa”. Ông Quách Tấn đã cắc cớ tiễn người ra đi bằng trà mà ông bạn thơ thân thiết của ông cũng không kém:
           “Chè đọt đang kỳ điểm lá ba
            Giọt sương lách tách cửa song nhòa
            Thơ ngồi suốt buổi không ra tứ
            Cháu đã đun tràn ấm nước pha” (Yến Lan).
            Hòa thượng Tịnh Như, trụ trì chùa Viên Giác, nay không còn nữa, chắc là ngài đã về cõi của Như Lai, nhưng cái phong cách uống trà, cái dáng đi nhẹ thênh như mây như khói và cái hồn yêu thơ của ngài thì tôi không thể nào quên cho được.
H. K. B



Thơ Huỳnh Kim Bửu

Thu phân



Thành phố vội vàng một dáng Thu
em chọn nẻo về: phố hàng cây long não
để đủ độ chiều cho em khép đôi tà áo
e ấp một tình Thu mòn mỏi đợi mong…

Một dòng Thu chảy xa tháng ngày bịn rịn
kỷ niệm mọc đôi bờ lau sậy xôn xao
sương khói chừng như một dải lụa đào
và có những lòng muốn làm bến bãi.

Một trận Thu phong trút vàng Thu… vàng Thu…
ngập lối đi những đôi nhân tình trong vườn tình tự
đó một nhịp Thu đi trong tình sử
để lại mùa sau vệt nắng soi thềm.

Em đã nghe thấy chưa lời dịu êm ấp ủ
về cuộc tình từ những ban mai
mặt trời trên ngọn tre và chim non tập hót
rồi ngày Thu phân đi qua để lại dấu hài.
.

Tiết Thu phân, Canh Dần