.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010








 Bút ký của Huỳnh Kim Bửu

  Ký ức phố Quy Nhơn

                                                 

        Quy Nhơn của thời kỳ phát triển này đã làm đổi thay rất nhiều dáng dấp của Quy Nhơn ngày xưa (những năm giữa thế kỷ trước), trong đó có dáng dấp những đường phố.

       Đường phố Gia Long (nay là đường Trần Hưng Đạo) giữ vai trò trung tâm thương mại của Quy Nhơn: Cửa hàng, hiệu người Việt, người Hoa, người Ấn … nối tiếp nhau. Cũng có đoạn khu biệt thành dãy toàn phố người Hoa: đoạn nằm giữa hai ngã tư Trần Hưng Đạo - Mai Xuân Thưởng và Trần Hưng Đạo - Trần Cao Vân. Các tiệm người Việt buôn bán tạp hóa, máy móc; người Ấn chuyên buôn bán vải (thường treo bảng đại hạ giá); người Hoa chế biến thực phẩm, mở quán ăn (Cơm Dương Châu, mì hoành thánh), tiệm trà, tiệm thuốc Bắc… Cảnh bán buôn ở đây sầm uất, nhộn nhịp. Chiều thứ Bảy, ngày Chủ nhật giới công chức đổ ra đi phố và mua sắm, học sinh chúng tôi thích chúi mũi vào các tiệm sách Đại Chúng, Văn Hóa, Khai Trí… chứa nhiều sách quý. Bây giờ, trong nhiều người vẫn còn giữ ấn tượng đẹp về một phụ nữ trẻ, chủ một hiệu sách mặc áo dài đứng quầy, vóc dáng thanh tú, nói năng dịu dàng, bao giờ cũng đón tiếp khách hàng một cách niềm nỡ. Ban đêm, các biển hiệu hộp đèn, các quầy, tủ kính trưng bày hàng sáng choang, rực rỡ dưới ánh điện.     
        Đường Bạch Đằng,  đường của chùa chiền, hội quán và lễ hội. Được đặt tên là đường Bạch Đằng, vì con đường này chạy dọc theo đầm nước sâu Thị Nại, nơi lịch sử còn ghi vua Trần Duệ Tông (1337 - 1377) rồi vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) đã dẫn quân vào đây để tiến lên đánh lấy thành Đồ Bàn của vua Chiêm. Vua Trần Duệ Tông đánh không thành, tử trận; vua Lê Thánh Tông đánh thắng. Con đường chạy qua khu phố Trần Hưng Đạo tập trung nhiều người Hoa, mọc lên nhiều đền chùa, hội quán. Các đền chùa, hội quán uy nghiêm, cổ kính, vẫn thường nghi ngút khói hương và quanh năm có nhiều lễ hội. Trong các lễ hội, có lễ hội đổ giàn tại Chùa Bà Phúc Kiến, tổ chức Rằm tháng Bảy, là lớn, nhưng cảnh tranh cướp heo không hấp dẫn bằng lễ hội đổ giàn ở đất võ An Thái. Cứ đến lễ Vu Lan – Rằm tháng Bảy, các chùa tổ chức phóng sanh đăng trên đầm Thị Nại, hoạt động này giàu ý nghĩa cầu siêu tế độ, giải thoát chúng sinh, cho nên thu hút nhiều người xem. Trên đường Bạch Đằng, trồng hàng cây bàng đã thành cổ thụ, đặt đoạn đường sắt chạy xuống cầu tàu - cảng Quy Nhơn. Cứ vài ngày, có chuyến tàu lửa chạy qua, kéo còi inh ỏi và nhả khói đen kịt, lâu lâu gặp một cảnh hàng bàng trút lá ào ào xuống mặt đường, xuống sân các đền chùa bởi một trận cuồng phong bất thình lình từ mặt đầm nổi lên.
         Đường Tăng Bạt Hổ đường Hàng Keo. Quy Nhơn có hai con đường trồng cây keo: Đường Tăng Bạt Hổ và đường Nguyễn Thái Học (đoạn chạy qua xóm Bàu Sen). Quanh năm các hàng keo xanh đậm, mùa xuân cho hoa, mùa hè cho trái. Nơi gốc keo sù sì trước tam quan Chùa Phật giáo Tỉnh Hội (nay gần nhà sách Thanh Niên), treo trên cành mấy lốp xe đạp cũ mục, hàng ngày có ông thợ vá xe đạp với đôi bàn tay lấm lem ngồi vá xe, thường có mấy khách hàng ngồi chòm hỏm vừa trò chuyện vừa đợi ông. Hiện nay, tôi vẫn còn thấy ông ngồi đây vá xe đạp, mặc dầu đã già yếu. Và tôi cũng không hiểu tại sao, ông có thể vá xe đạp lâu đến 50 năm, giữa thời buổi có không biết bao người đã đổi thay nhanh chóng đời mình? Lũ học sinh chúng tôi rất thân quen với đường Tăng Bạt Hổ, vì đó là đường đến trường hằng ngày (Nếu lấy Chùa Hội làm tâm điểm, thì các trường Trung học lớn Cường Đễ (nay là trường PTTH Quốc Học), Nữ Trung học Ngô Chi Lan (nay là trường PTTH Trưng Vương), Trung học Nhân Thảo (nay là THCS Trần Hưng Đạo, Nữ Trung học Trinh Vương (nay là Đại học Quang Trung) đều cách đó một bán kính chừng nửa cây số. Trung học Bồ Đề thì trên đường này. Chúng tôi không gọi đường này là đường Tăng Bạt Hổ mà thích gọi là đường Hàng Keo, cho có vẻ nên thơ như trong thơ Xuân Diệu: “Những nhành keo đêm trăng Quy Nhơn / Nở hoa trắng nhỏ bíu cành tuôn / Nhánh dài rũ xuống như tơ liễu / Gió biển đung đưa khe khẽ mơn” (Hoa keo ở Quy Nhơn). Sớm chiều, khách mộ đạo Phật đi trên đường Tăng Bạt Hổ sẽ được lắng nghe tiếng tụng niệm, tiếng chuông từ Chùa Hội vọng ra mà thấy lòng thanh thản, là dịp hướng tâm về nẻo thiện.  
        Đường Phan Bội Châu thơm mùi cà phê rang. Con đường có nhiều nếp nhà cổ với mái ngói âm dương, cửa ván dày hai tấm đặt trên ngạch gỗ săng cao; cũng có nhà dựng cửa bàn khoa chạm hoa văn thủng, đứng sau hàng cổng lửng sơn màu xanh, đỏ. Chủ nhân các ngôi nhà thường là người Hoa, họ mở phòng ngủ, quán kem Flanc, tiệm xay cà phê bán sỉ. Mùi cà phê rang thơm nức thường lan tỏa trong không gian, đáp nhẹ vào mũi người đi đường. Nếu gặp một chiều gió mưa lạnh lẽo, và bạn là khách đi phố đang co ro rảo bước dưới mưa, mùi ấy chắc sẽ gây cho bạn cảm giác ấm lòng, giảm bớt cô đơn. Trên đường Phan Bội Châu, đầu đường có Nhà hát Trung Hoa (sau đổi tên là Rạp chiếu bóng Tân Châu, nay là Rạp 31 / 3), cuối đường gặp cửa Bắc Chợ Quy Nhơn. Nghe nói, tại Nhà hát Trung Hoa đã có đôi lần tổ chức diễn thuyết, tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh giữa các nhà thơ, nhà lý luận phê bình theo các trường phái khác nhau. Cũng nghe nói, thời Quy Nhơn bị Pháp tạm chiếm, du kích đã đánh vào đây mấy trận để tiêu diệt sĩ quan Pháp đang họp; đây là địa điểm tổ chức một số cuộc họp của Ủy ban Quốc tế kiểm soát đình chiến, theo Hiệp định Geneve - 1954, với sự hiện diện của đại diện Quân sự các nước thành viên Ấn Độ - Ba Lan – Canada.
       Đường Nguyễn Huệ… dạo bãi biển. Thả bộ trên đường này là cái thú của nhiều người Quy Nhơn và khách du lịch: Họ ngắm biển, những đoàn tàu thuyền vào ra, hứng ngọn gió nồm thổi, lắng nghe bản nhạc thùy dương…Họ đang tìm sự thư dãn cho tâm hồn. Sáng, chiều người các phố đổ ra tắm biển, đủ nam phu lão ấu và đồ tắm biển cũng đủ màu sắc…Đường Nguyễn Huệ, đoạn trên dưới trường Nữ Trung học Ngô Chi Lan, mùa hè rực lửa hoa phượng đỏ, ai cũng bảo, đó báo hiệu mùa thi đến; khúc chạy qua Khu 2, thường tanh mùi cá tôm, mùi rong rêu, nhất là gặp khi những đoàn thuyền của ngư dân trúng mẻ cá tôm trở về. Đường Nguyễn Huệ đã từng có vai trò chứng nhân của lịch sử: Một cuộc xuống tàu đi tập kết của cán bộ, chiến sĩ Bình Định và các tỉnh Miền Nam diễn ra năm 1955; một cuộc nữa, ngày kết thúc thắng lợi ở Bình Định cuộc chiến tranh chống Mỹ kéo dài 21 năm. Ngày nay trên đường này đã dựng Tượng đài kỷ niệm 2 sự kiện lịch sử đó.

        Trên, nói những đường phố đã thay đổi nhiều, còn giữ lại rất ít những dấu tích xưa. Đường phố Quy Nhơn, còn nhiều, mỗi con đường mỗi vẻ, nhưng có chung một vẻ yên tĩnh, hiền lành, dễ thương, gần gũi với thiên nhiên, chưa có gì là to lớn (chưa có nhà lầu, một ít nhà có gác lỡ) thiếu cái hối hả của cuộc sống đô thị: “Những lúc hiu hiu thổi gió nồm / Hồn trong võng mát như ôm / Những chiều kéo lưới thuyền về nặng / Lảnh lảnh nghe rao “cá bánh đường” (Xuân Diệu – Tâm sự với Quy Nhơn). Cái nổi bật của đường phố Quy Nhơn về đêm là những tiếng rao dài hun hút: phở, hột vịt lộn, tẩm quất… của những người bán hàng rong, người kiếm sống trên đường phố về đêm.
        Sông có lúc, đường phố có khúc chăng? Đường Bạch Đằng, do bị lấn đầm lập khu dân cư mới, mà xa bến nước là một sự lạc lõng, bơ vơ, tội nghiệp cho con đường. Ngày xưa thi sĩ Xuân Diệu về quê Gò Bồi: “Nằm một đêm đò, sáng tới nơi” , chắc con đò đó phải xuất phát từ bến Bạch Đằng? Ngày xưa, ở Quy Nhơn, ai đi dạo phố, mua sắm thì ra đường Gia Long, khu phố Trần Hưng Đạo, xuống Chợ Lớn…Nói chung, khi cần gì, thảy người ta ra đó, đi phố là ra đó. Ngày nay ngược lại, ai đi Siêu thị, Metro, Hội chợ – Triển lãm thì vào Khu 6; ai thưởng ngoạn Quy Nhơn về đêm thì vào đường Nguyễn Tất Thành, đến Ngã 6, Khu Đại học, ra đường Xuân Diệu... cũng là vào Khu 6.  

                                                               

Không có nhận xét nào: