.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Tản văn Mùi đồng

Tản văn của Huỳnh Kim Bửu

Mùi đồng
“Thú quê thuần hức bén mùi” (Truyện Kiều – Nguyễn Du).


   Cũng như bao người, tôi có một làng quê. Làng quê đó có cái mùi quê, mùi đồng quê đã đi vào hồn trí tôi từ thuở tôi còn là một chú bé con, để rồi cho tới bây giờ phơ phơ đầu bạc mà tôi vẫn còn yêu nhớ.

   Có một sớm mai và một chú bé đang tung tăng trên đường làng. Chú đang đi đến trường với cặp sách trên vai. Con đường dẫn chú đến trường mở ra hai bên những ruộng đồng xanh tốt. Đây là lúc hồn trí chú rất ngất ngây. Vì cái mùi tanh bùn đất, cùng mùi hăng hắc phân trâu bò từ ruộng bốc lên…Tất cả quyện vào mũi chú, không làm chú khó chịu, mà ngược lại, khiến chú cảm thấy có chút gì thân thiện, đến thành tình yêu, cuộc sống của chính mình. Nhưng lại có hôm, cũng trên con đường đi học đó và cũng một ban mai như thế đó, chú được tận hưởng một mùi khác, mùi thơm đồng nội: Mùi bông lúa chín ngợp đồng và mùi hương sen ngát của một mùa sen nở rực rỡ trong đầm ở trước mắt chú…Chú ta tự nhủ, đó thực là niềm hạnh phúc mình đang tận hưởng. Và chú rất chân tình mong mọi người, được như mình, tận hưởng cái hạnh phúc tuyệt vời mà dễ có này (Của trời trăng gió kho vô tận / Cầm hạc tiêu dao đất nước này – Nguyễn Công Trứ) của cuộc sống đồng quê.
  Tuổi nhỏ của chú lớn lên mỗi ngày ở đồng quê. Khi đã là trang niên thiếu, chú biết rằng, cuộc sống nhà nông là một nắng hai sương trên mảnh đất vẫn thường được gọi là “nước mặn đồng chua”. Chú lắng nghe cái mùi chua của cánh đồng làng, mùa chua loét của những bác nông dân trong những bộ quần áo đang mặc làm lụng bám chặt mấy lớp mồ hôi khô và những vệt bùn đất tươi. Rồi cái mùi đó chú nghe hoài, nghe mãi, đến trở thành trong chú một mối yêu thương, một cảm tình thực sự từ lúc nào, chú không hay.
  Là người chân ruộng lưu lạc lâu ngày ở thị thành, nay bạn làm một chuyến ngắn ngày về quê. Bước chân bạn đang trên đường làng hay đã vào một ngõ xóm trùm mát những bóng hàng tre xanh thẫm. Ở chỗ kia, bạn nghe được mùi khói đốt đồng; ở chỗ này, bạn gặp mùi của hoa trái thơm ngát, ngọt ngon trong vườn. Và cả mùi hăng hăng của rạ rơm, của những mái tranh cũ nát, những nền đất ẩm mốc, mùi của những đống phân ủ hoai để chờ ngày đem ra bón ruộng… Tất cả sẽ đưa bạn trở về với ký ức ngày xưa, cái ngày bạn còn sống với quê nhà, lăn lộn với ruộng đồng, sa giọt mồ hôi lên cây lúa để kiếm sống và có được những điều kiện mà từ đó bạn ra đi. Có thể ký ức ngày xưa về một làng quê đó giúp bạn tìm lại hình bóng người mẹ thân yêu của mình. Tôi biết người mẹ thân yêu của bạn cũng giống như má thân yêu của tôi, những bà mẹ trẻ làng An Định: Các người có mái tóc dài óng mượt và mùi dầu xức (dầu dừa để dưỡng tóc) nằng nặng trên mái tóc. Mái tóc dầu xức là mái tóc trang điểm của các bà mỗi khi có dịp đi lễ hội, đi ăn hỏi, đi đám cưới cùng chồng hay cùng cô con gái xinh đẹp của mình. Nhưng cũng phải kể, đôi khi những mái tóc đó còn thơm mùi bồ kết, mùi hương chanh, hương bưởi gội đầu còn để lại một mùi thơm lâu…
   Tôi phải nói lời cảm ơn quê đã cho tôi đủ mùi, đủ hương, khiến cho thời niên thiếu của mình thật đáng nhớ và hạnh phúc.
    Cho tới bây giờ, nhắc tới mùi đám giỗ của quê, tôi vẫn có cảm giác mùi đó đang còn phảng phất đâu đây. Có người đã ví vui vui, mùi đám giỗ, đám tiệc thuộc hạ tầng cơ sở, còn mùi hoa trái trong vườn là thuộc thượng tầng kiến trúc. Nấu nướng, (ngôn ngữ thời nay gọi là chế biến) thết đãi một đám giỗ ở quê tôi, thường có mấy món chính: nem chua, giò chả lụa (để khai vị) gà hầm, vịt tiềm, cá ám, lươn um (để thưởng thức) thịt luộc, thịt kho, canh, cơm (để ăn no), sau cùng là bánh trái (để tráng miệng). Mùi đám giỗ thơm phức, nồng nàn, ngào ngạt, lan tỏa từ nhà bếp, lên nhà trên, sang tận các nhà hàng xóm, quyện lâu vào mũi những ông bà hàng xóm láng giềng và gieo vào họ một “tâm trạng” bâng khuâng chờ đợi: “Nghe như có đám giỗ gần / Bụng dạ lần khần, chẳng muốn nấu cơm (Ca dao). Bởi đó, trong xóm miễu Tây của tôi, một nhà có đám giỗ là cả xóm đều biết.
Là người sống ở quê, tôi cảm thấy mình biết đủ cái mùi quê của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Quê tôi mùa xuân, đất trời ngan ngát mùi thơm của trăm hoa đua nở: Có thứ hoa như mai, hồng… thả hương thoang thoảng.  Có cái mùi hương e ấp, kín đáo của hoa cúc tần, hoa hồng tường vi … Có thứ hương thơm vương giả của lan trinh nữ, hồ điệp, dạ lý hương…
Mùa hè không riêng của hương sen dịu dàng, lãng đãng mà còn ngự trị mùi thơm mật ngọt của xoài, mít chín, mía đường nấu chín, cốm lớ, cốm nếp, cốm ngô đem đi bán dạo khắp xóm làng…Còn nhớ ngày thơ, tôi, thằng Tí, con Út… vẫn thường có những đêm vùi giấc ngủ trong mùi thơm quả thị chín vàng, chùm trâm chín tím, chùm sim chín hồng…Đó là những quà bà thương cháu, mua về từ chợ chiều, mà lũ cháu thì chưa muốn ăn liền, cất bên giường ngủ, để giữ thơm lâu. Thu đến, quê tôi đẫm mùi hương hoa cúc, hoa nhài, hoa thiên lý…
Các cụ già làng An Định vẫn đón vầng trăng Thu không thể thiếu chén rượu đối ẩm Hoàng hoa nồng nàn, ấm trà đối ẩm Cúc kim ngát mùi hương mà các cụ cho là mùi hương chỉ dành cho những tâm hồn tri âm, tri kỷ vẫn đến với nhau. Đông về, ra ngõ gặp mưa bay gió vãi và cũng dễ gặp mùi bánh xèo thơm ngậy lan tỏa trong không gian sũng nước, gây bao cảm giác ấm lòng trong cảnh ngày Đông giá lạnh …Nghĩ mà thương quá tình yêu và lòng thơm thảo của má, của ba. Ba trồng những vồng nấm rạ, nấm hương ủ kỹ ở trong sân. Gặp ngày nấm mọc rộ, ba thường bảo má, xay bột đúc bánh xèo nấm để ba gọi những đứa con xa dẫn các cháu ngoại, cháu nội về ăn, và má có món quà mọn đem sang biếu các nhà hàng xóm.
Mấy ai thiếu mùi đồng quê trong tình cảm yêu thương của mình? Thi sĩ Tản Đà đeo túi thơ đi khắp ba kỳ để làm thơ mà cũng để thưởng thức các món ngon vật lạ của mỗi vùng đất nước, và chắc ông đã gật gù, đắc ý lắm khi viết: “Tuồng Bình Định rạp Phú Phong / Nam Ô nước mắm, tỉnh Đông chè Tàu”. Xuân Diệu đã viết trong bài Đêm ngủ ở Tuy Phước: “Ngủ không được bởi gió nồm từ biển lên cứ nhắc / Trọn mình anh đã nằm giữa lòng tôi / Khi mà anh sinh ra / Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi /
             Mấy ai thiếu mùi đồng quê trong tình cảm yêu thương của mình? Thi sĩ Tản Đà đeo túi thơ đi khắp ba kỳ để làm thơ mà cũng để thưởng thức các món ngon vật lạ của mỗi vùng đất nước, và chắc ông đã gật gù, đắc ý lắm khi viết: “Tuồng Bình Định rạp Phú Phong / Nam Ô nước mắm, tỉnh Đông chè Tàu”. Xuân Diệu đã viết trong bài Đêm ngủ ở Tuy Phước: “Ngủ không được bởi gió nồm từ biển lên cứ nhắc / Trọn mình anh đã nằm giữa lòng tôi / Khi mà anh sinh ra / Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi / Nên tới giờ thơ anh còn được đậm đà thấm thía”, như thế đó, cái mùi vị quê hương qua tài nghệ chắt lọc, chưng cất của thi sĩ nó đã cho ta thơ hay, thơ trác tuyệt, món ăn tinh thần thỏa thuê đến vậy.             
      Ôi, cái mùi quê, mùi đồng quê, cũng như bao cái khác của quê hương, thực đáng nhớ, đáng yêu, đáng quý!

                                                                                         H. K. B

1 nhận xét:

... nói...

...Và, cái mùi ấy góp sức làm nên thứ gọi là hồn sông núi.


NGƯỜI GIỮ GÁC KHUÊ VĂN