.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010


Bút ký của Huỳnh Văn


Trong làng có người lão nông


Trong các làng quê, nói về tuổi tác, giới tính: có cô thôn nữ, anh trai làng, người quá niên (Quá niên trạc ngoại tứ tuần…Truyện Kiều – Nguyễn Du)… Và còn có ông lão nông nữa.
Ông lão nông là ai? –Hồi xưa, tuổi già đến sớm lắm,  “mười lăm trẻ, năm mươi già không kể” (thơ Nguyễn Công Trứ) cho nên lão nông thời đó, được kể từ tuổi 50 trở lên. Bây giờ, bước vào lão nông, chắc cũng phải tuổi từ 60.
Lão nông có một quãng đời trực tiếp làm nông, làm nông dân, tức ông đã từng cầm cày, cầm cuốc, lên bờ xuống ruộng với bao nông dân khác. Nhưng nay thì ông đã ở tuổi cao niên rồi và được mọi người gọi là lão nông, nhiều khi còn được gọi là lão nông tri điền. 
Bây giờ, ông lão nông đang sống cuộc đời “hậu nông dân” của mình như thế nào? Việc của nông dân là việc ruộng vườn, hết ruộng tới vườn. Từ nay, ông lão nông về với mảnh vườn của nhà mình, giao lại việc ruộng cho con cái, thường là anh trưởng nam. Người ta bảo có thú “điền viên”. Đúng là có cái thú ấy, và cái thú ấy dành cho mọi người, nhưng hình như giới quan lại, công chức về hưu là được hưởng nhiều nhất. Nguyễn Bỉnh Khiêm viết: “Một mai, một cuốc, một cần câu / Thong thả nào ai vui thú nào” , khi ông đã từ bỏ “chốn lao xao”, tìm về “nơi vắng vẻ”.
Không phải lão nông không làm ruộng nữa. Ông vẫn có làm ruộng đấy chứ, nhưng làm những việc nhẹ nhàng thôi. Thường thì sớm ngày vác cuốc thăm đồng. Người ta vẫn thấy, có những ông lão nông đi đâu cũng vác cuốc trên vai, thậm chí đi ăn giỗ nhà bà con, nhà từ đường tộc họ gần, xa. Tới nơi rồi, dựng cuốc ngoài giếng, rửa chân, bước thẳng vào nhà trên. Đó là do thói quen của lão nông. Ai đã xem tuồng hát  Lòng già yêu nước (Còn gọi là Ngọn lửa Hồng Sơn), còn nhớ: Ông Tạ Ngọc Lân (cha) đến dinh cơ ông quan to Tạ Kim Hùng (con), được Tạ Kim Hùng mời ngồi ghế, ông ngồi bệt xuống đất. Tạ Kim Hùng hỏi, tại sao? Ông trả lời: - “Tôi quê mùa, hằng ngày đi cày ruộng, ngồi đất đã quen”. Đó là thái độ cứng cỏi của ông cha nông dân trung nghĩa đang tìm cách trừng trị thằng con bất hiếu, bất trung, theo giặc, làm điều phản nước hại dân. Nhờ có cây cuốc “thường trực” ở trên vai, cho nên ông lão nông đi đâu, cũng “kết hợp” thăm được đám ruộng: Gặp khô thì tháo nước vào, gặp úng xả nước ra; gặp lỗ mội thì dện; đi đường mỏi, sẵn cán cuốc ngồi lên nghỉ chân, cũng tiện…
Mặc dù, các lão nông không còn cày ruộng, nhưng “chủ trương” việc làm ruộng của gia đình, làng xóm đều từ lão nông mà ra. Năm có hai vụ mùa tháng ba và tháng mười. Trước khi vào vụ, hương chức làng thường mời các lão nông đến để “trưng cầu ý kiến”, hỏi các cụ xem, thời tiết sắp tới ra sao? (thời xưa chưa có cơ quan dự báo thời tiết như bây giờ), ngâm giống, gieo mạ lúc nào? giống lúa nào được, giống lúa nào không chắc ăn? ruộng chân cao, ruộng chân thấp, mỗi ruộng cấy giống gì cho hợp? … Thường thì các cụ cho phép đến đâu, làng xóm y án làm theo đến đó, bằng không cho phép thì dẫu làng có muốn, cũng đành thôi.
Ba năm có một lần, làng tổ chức quân cấp ruộng cho toàn dân. Việc quân cấp ruộng cũng được mời lão nông đến tham gia. Lão nông thuộc vanh vách, nằm lòng từng đám ruộng một ở trong làng, nhờ đó giúp cho làng việc lập sổ bộ, vẽ sơ đồ, lên phương án quân cấp sao cho công bằng, dân không có chỗ kiện thưa lôi thôi. Có nhiều trường hợp lão nông ngăn chận được Lý trưởng, Hương bộ có bụng tham, để ruộng ra ngoài sổ bộ mà thủ lợi riêng.
Hồi còn sức trai, ông Sáu Ngật cày ruộng, nuôi trâu, đẽo cày, giao du với nông dân, hút kèn thuốc lá, ngồi đâu nói chuyện ruộng sâu trâu nái, cái đập, con mương đó …Nay, bước sang tuổi lão nông, vẫn tính nào tật nấy, như người ngứa nghề, ít khi ông chịu ở nhà, nhỡ hôm nào kẹt quá, không ra đồng được là ông đứng ngồi không yên. Ông vẫn bảo, ra đồng sẽ có khối việc làm: Bước xuống ruộng đỡ cây lúa ngã, gặp cái thằng biết ăn mà không biết cày ruộng, thì chỉ nó vài đường cày, cho nó khôn… Bằng không làm gì thì ngắm đồng cho thỏa mắt, cũng hay. Nhiều hôm, chiều rồi, gió nồm rộ, hay ngọn gió nam non, cơn gió bấc lạnh lùng thổi, khiến cánh đồng lúa xanh lên tiếng rì rào và từng đợt sóng lúa nổi lên. Trên sóng lúa, hình bóng ông Sáu Ngật với nón lá trên đầu, cái cuốc trên vai trôi dập dềnh, dập dềnh...
Hồi tôi ở làng, cách nay cũng chừng 40 năm, vậy mà tôi còn nhớ như in các lão nông ở trong làng. Nước lụt trắng đồng, có mấy lão nông đi đầu, chống sõng cứu người, cứu lúa; làng hát bội có mấy lão nông trực tiếp chỉ huy, sai bảo đám nhân công cất sân khấu làm tự nguyện cúng Thần; đám ma có lão nông cầm sanh gõ cắc cắc… để điều khiển dân phu đòn; hát hò giã gạo đêm trăng, hò kéo gỗ trên sông, có lão nông chủ trò…
Nhiều lão nông là ông lão trồng hoa, dành kinh nghiệm và bàn tay quen cầm cuốc, xới đất để chăm chút khóm hoa, chậu cây cảnh, mấy chùm hoa trước giậu, dăm gốc cây ăn quả… Như vậy là hằng ngày lão nông có thú vui uống trà ướp hoa tươi, có quả ngọt ngon cho con cháu ăn. Rồi có một ngày, lão nông sẽ thấy mình phơ phơ đầu bạc, mắt mờ chân yếu, không làm gì nổi nữa. Bây giờ, ông ở nhà trông cháu, kể chuyện đời xưa cho con cháu xúm nghe. Mỗi chuyện đời xưa của ông đều dạy việc luân thường đạo lý, ở ăn có nghĩa có nhân, có ích cho đời…Ngày nay, trong các làng nghề trồng hoa Xuân (đã được công nhận) của huyện An Nhơn, vẫn nổi tiếng những lão nghệ nhân trồng hoa Hai Ngữ, Ba Sự, Mười Khoa, Sáu Long, Phàng Chiểu, Kim Vân… đều ở tuổi 60 – 70 hoặc mới về hưu, còn mạnh khỏe. Họ đang sống đời sôi nổi và đang cùng nhau làm nên danh tiếng của một vùng đất.   
Người có học thức ở trong làng thì khéo tiếp nhân xử vật, còn lão nông thì giỏi ruộng vườn, cho nên cả hai đều được nể trọng. Hồi xưa, làng tôi có lệ làm lễ hạ điền hằng năm, vào dịp sau Tết Âm lịch. Làng vẫn mời ông lão nông cao tuổi nhất trong làng, đứng chủ lễ và bước xuống ruộng, mở đường cày đầu tiên để bắt đầu một năm canh tác mà người ta tin rằng nhờ phúc đức của vị lão nông sẽ được mưa thuận gió hòa, phong đăng hòa cốc.

H. V.

1 nhận xét:

Nguyễn Chơn Hiền nói...

Chào anh Huỳnh Kim Bửu!
anh theo địa chỉ có hình ảnh của em để sang blog Hiền mà xông nhà cho vui nhé.Chào anh