.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010





Tản văn của Huỳnh Kim Bửu


CÀY ĐỒNG

(Cày đồng dưới buổi ban trưa / Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày – Ca dao).




Bây giờ ở nhiều vùng nông thôn, đã thấy vắng bóng cảnh cày bừa bằng sức con trâu con bò. Không chừng mươi năm nữa, cảnh này sẽ biến mất hẳn, đâu đâu cũng thấy người ta cày bừa bằng máy, bằng sức con trâu sắt của thời hiện đại. Nghĩ vậy mà tôi viết bài này để ghi chép lại một chuyện cũ:  “Cày bừa vốn nghiệp nông gia / Ta đây trâu đấy dám mà quản công” (Ca dao).
Đó là cảnh diễn ra từ mấy ngàn năm nay, nó cũ kỹ đến phải có một thành ngữ: “Con trâu đi trước cái cày theo sau” để nói về nguyên nhân và hệ quả của sự chậm phát triển của một nền nông nghiệp, một nền kinh tế. Nhưng rồi vì cuộc sống, vì thói quen, người ta vẫn phải yêu mến nghề nông và cảnh con trâu cày ruộng.
Khi đồng ruộng vừa gặt hái xong thì công việc tiếp theo là cày bừa. Gặt hái với cày bừa đi liền nhau để cho mùa nối mùa, đem lại sự no đủ quanh năm cho con người. Quê tôi năm có hai mùa làm ruộng: mùa tháng ba và mùa tháng mười. Vậy thì năm có hai lần cày bừa: một vào tháng ba, một vào tháng mười.
Cách đây mấy mươi năm, lũ chúng tôi là những cậu học sinh trường làng, rồi lên trường tổng, trường phủ học. Trên đường đi học, băng qua mấy nẻo đường làng, mấy cánh đồng làng nối tiếp nhau, có bao cảnh vật quyến rủ tâm hồn non trẻ của chúng tôi. Khi thì chúng tôi đắm say một cảnh ban mai mọc lên mặt trời rực rỡ cùng lảnh lót tiếng chim ca trên lũy tre làng, hôm mê hồn bởi sắc cầu vồng hiện lên nơi phía chân trời cùng đàn trâu gặm cỏ trên đê… Lắm khi, chúng tôi đứng mãi không muốn dời bước chân trong cảnh trời chiều bởi say ngắm một cảnh cày bừa nhộn nhịp, hoặc một cảnh ruộng nước trắng xóa mênh mông cộng thêm đàn cò trắng đậu…
Vì đã học hết cuốn Quốc văn giáo khoa thư, những cậu học trò trường Phủ chúng tôi biết rằng, đó mình đã khéo thi vị hóa cảnh cày bừa, chứ thực ra việc cày bừa, cũng như bao việc khác của nhà nông, là nặng nhọc lắm. Cày đồng trong tiết tháng ba thì trên nắng dưới nước, trong tiết tháng mười mưa bay gió vãi, cái rét như dao cắt thịt da. Đó là chưa tả cảnh chân lấm tay bùn, mổ hôi trộn nước mắt: “Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày” (Ca dao).
Trong các làng quê hồi xưa, có ông thợ cày bên cạnh bà thợ cấy, chị thợ gặt… Thợ cày có người là nông dân, chủ vài sào ruộng, nuôi đôi con bò kiêm nghề cày ruộng để: “Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”, khỏi phải thuê mướn. Nhưng bên cạnh đó còn có những thợ cày chuyên kiếm sống bằng nghề cày thuê. Phần lớn, họ nghèo khổ, không có ruộng, cũng không có con trâu, cái cày cái bừa. Có người vào nhà ông phú hộ, ông chủ ruộng từ thuở bé con, tóc cạo nhẵn để miếng vá trên đầu, rồi ở mãi đó cho kịp đi từ chú bé chăn trâu “tiến” lên anh thợ cày ruộng cho chủ nhà. Thợ cày giỏi là anh thợ cày sâu (Cày sâu cuốc bẩm) cày không lỏi, lật vỉa cày sát góc ruộng; đến khi bừa thì băm cắt kỹ, ban bằng, nhìn suốt đám ruộng thấy bằng hấn, phẳng lỳ, không chỗ ngập nước chỗ bày khô. Anh cũng là người làm lụng có năng suất cao, cày già buổi thì xong một sào ruộng sâu, non buổi - một sào ruộng cạn. Không phải hiếm anh thợ cày có duyên may, được ông chủ ruộng chọn thằng con trai biết làm ăn, bất luận giàu nghèo, gả cô con gái cưng, cho anh làm con rể chí nguyện.
Quê tôi thuộc vùng đông Phủ An, xa hòn An Tượng ở phía Nam mà cũng xa núi Bà phía Bắc, cho nên hiếm có cây gỗ mộc. Mỗi năm một lần, vào tháng ba, tháng tư cày cấy xong, nông dân rủ nhau vào An Tượng đẵn gỗ, đẽo cày ở trong đó…Ở lại trong núi mấy ngày đêm, nghe cọp gầm, vượn hú và ăn hết gạo mắm dỡ theo, thì xong công việc để có một sáng sớm, đoàn người vác cày mới đẽo ra về với nước gỗ còn tươi, mùi gỗ còn thơm. Đó là chưa nói, bên cạnh nông dân còn có những người thợ đẽo cày chuyên nghiệp kiếm sống. Quanh năm, trừ lúc “nông vụ tấn thời” (lo ruộng đất) những thợ này ở trong núi, nhiều hơn ở nhà. Người ta hạ cây, đẽo cày, rồi đem về bán sỉ và bán lẻ ở các chợ quê trong vùng. Thợ đẽo cày, nhiều người bị con mắt lác, vì anh ta ngắm nhiều: ngắm cái cây thẳng đứng trong rừng để chọn, ngắm cái bắp cày đang đẽo để xem nó đã thẳng, đã thon từ gốc đến ngọn chưa. Lựa được cây gỗ chắc như gỗ trâm, xay làm cày thì cái cày bền, cày lâu trạnh cày, bắp cày, ách cày lên nước bóng láng, sờ vào nhẵn thín, mát tay, không hề sợ cái mảnh dằm đâm.
Không ai yêu trâu bò bằng cha con, vợ chồng gia đình nông dân. Nông dân vẫn coi con trâu, bò là tài sản quý giá nhất của mình: “Con trâu là đầu cơ nghiệp” (Tục ngữ) con trâu bò là bạn đồng cam cộng khổ và cùng chung ước mơ hy vọng với mình: “Trâu ơi ta bảo trâu này / Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta / Cấy cày vốn nghiệp nông gia / Ta đây trâu đó dám mà quản công / Bao giờ cây lúa còn bông / Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn” (Ca dao). Trong gia đình nông dân, cha cày xong đám ruộng, giao thằng con trai út chăn dắt, cho trâu tắm táp, ăn cỏ bờ đê; xẩm tối lùa về, có vợ hun muỗi bắt mòng cho trâu ngủ, bỏ rơm cỏ cho trâu ăn…Gặp thời tao loạn, nông dân không yên giấc ngủ, vì phải thức để canh chừng thằng ăn trộm lẻn vào, tháo nhẹ cổng chuồng, lừa con trâu đi mất lúc đêm hôm.
Ở chợ Phủ - Gò Chàm, có chợ Gia súc mở trên đường lên ga xe lửa Bình Định. Dân trong vùng không gọi đúng tên chợ mà cứ gọi nôm na là chợ Bò. Chợ Bò họp tháng 6 phiên, trùng phiên chợ Gò Chàm. Ai cần con bê, con nghé lanh lợi đem về nuôi, con trâu bò đực sức đem về cày, cứ đợi tới ngày phiên chợ Bò. Trâu bò cả trong vùng phủ An, thêm Vĩnh Thạnh, Bình Khê (nay là Tây Sơn)… đem tới đó bán, không thiếu con tướng tốt cho khách hàng mặc sức chọn. Tướng con trâu, con bò cày tốt là tướng khỏe, lông mượt, chân cao, đuôi dài tới đất, thịt bắp vai u...Trái lại là tướng xấu, đem về nuôi thì nó chỉ là thứ vô tích sự: “dựa bắp cày ăn rơm” (Câu nói dân gian).
Cày ruộng tuy khổ nhưng lại là chuyện căn cơ, cho nên người quê tôi bao đời vẫn chọn làm nghề nông, làm nông dân. Ai ai theo đuổi việc gì, đi làm gì, tâm chí hoài bão gởi đâu đâu mà chẳng may mộng cao tài thấp, công không thành, danh không toại, thì giống nhau một nguyện vọng sau cùng là: “Trở về làng cũ học cày cho xong” (Ca dao). Ai giấu cái tài để đợi thời, đợi buổi đời biết “chiêu hiền đãi sĩ” mà ra giúp đời thì bắt chước ông Y Doãn, Phó Duyệt mang áo tơi đội nón lá đi cày ruộng, gánh đất ở ngoài đồng.
Người xưa xếp việc đi cày trong các cái thú của đời người: Ngư, tiều, canh, độc. Chẳng biết vì cớ sao, người ta vẫn thích ví nghề văn với nghề cày ruộng? Chỉ nói thêm một chút: nhà văn thì cày trên trang giấy, trên cánh đồng chữ nghĩa, còn nhà nông thì cày trên ruộng sâu ruộng cạn, trên cánh đồng mỗi năm cho mấy mùa vàng.
H. K. B

Không có nhận xét nào: