.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

Bút ký của Huỳnh Kim Bửu


Bấm vào ảnh để xem phóng to


CHỢ RƯỢU
        
Chợ Rượu tọa lạc bên cạnh đình làng Thuận Thái, tổng Háo Đức Thượng (nay thuộc xã Nhơn An, huyện An Nhơn). Đất này là đất ngoại ô của kinh thành Hoàng Đế. Tương truyền, Chợ Rượu được hình thành để đáp ứng nhu cầu ăn chơi, hưởng thụ của giới quan lại, hàng công tử vương tôn trong triều đình và thị dân giàu có. Như vậy, Chợ Rượu là chợ phù hoa ở chốn kinh đô, rất nổi tiếng thời bấy giờ.


             Chợ Rượu xưa. Minh họa: Phúc
Năm 1776, Nguyễn Nhạc xưng vương, lấy hiệu Thái Đức, xây dựng lại thành Đồ Bàn - đế kinh của vương quốc Chămpa xưa - thành kinh đô và đặt tên mới là thành Hoàng Đế. Từ trung tâm thành Hoàng Đế đi Chợ Rượu, có đường bộ và đường sông, đều tiện lợi. Du khách đi ngựa hoặc xuôi thuyền buồm trên sông Côn, đi từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lên cao vài sào thì tới nơi.
"Buôn có bạn, bán có phường", rượu ngon trong vùng, dẫu ở đâu cũng đổ về Chợ Rượu: rượu nếp hương, rượu nếp lưu niên, rượu cơm nếp của vùng Phú Đa, Háo Lễ; rượu gạo tăm của Cảnh Hàng, An Tây, Chánh Mẫn; rượu nho tươi xứ Kim Châu, rượu Bàu Đá "danh bất hư truyền" ở miền Tây…; rượu cần của người Chăm, người Bana ở vùng Tây Sơn thượng đạo, Tây Sơn hạ đạo cũng theo thuyền chở trầu nguồn, măng le xuôi sông Côn mà đổ xuốùng. Chợ Rượu, lều quán dãy dài. Rượu bày bán ngoài lều phục vụ cho đủ hạng tửu đồ: nông dân, hàn sĩ, dân trác táng, lính lệ, con buôn, thậm chí người thất tình thất chí, người cơ nhỡ ăn xin… Rượu bày bán trong các hàng quán chăng đèn kết hoa dành cho giới thượng lưu: quan lại, công tử, khách hào hoa phong nhã… Chốn này, tửu đồ uống rượu thường kèm theo ngâm vịnh đầy hứng chí và hay gọi đào nương, kỹ nữ đến để mua vui; không ngoài chuyện trêu hoa ghẹo nguyệt, phục vụ ca xang cùng là mời chuốc chén tạc chén thù.

Tiềm đựng cơm rượu nếp.
Ảnh: Huỳnh Văn
Trong sách Huyền Tích Kinh Xưa, hai tác giả Nguyễn Thanh Mừng và Trần Thị Huyền Trang có viết đại ý, tương ứng với các chủng loại rượu là hàng trăm thứ chai bình đựng rượu kỳ khu, bắt mắt và gợi cảm đối với giới tửu đồ và giới vung tiền ra chơi đồ cổ. Quả thực, xung quanh kinh thành Hoàng Đế là cả một kho đồ cổ quý giá nói chung và kho đồ cổ độc đáo có liên quan với rượu. Phải kể trước hết là các loại ve, bình đựng rượu. Nào là ve vòi, ve củ tỏi bằng sứ men xanh, ve cổ ngỗng bằng sứ men xanh cổ chụp đồng thau hoặc chụp bạc; nào bì da lươn, ve ngỗng thủy tinh hoa văn chìm nổi; rồi ú da lươn, thạp đất nung, vò ché đất nung, chai sen; rồi vỏ bầu nậm, bong bóng lợn… Thứ đến là cái chung, cái chén uống rượu: chung thủy tinh, chén sứ tráng men xanh bịt miệng, chén đất nung màu gan gà; chúng đủ kiểu, có chân hay không chân, có hoa văn nổi hay hoa văn chìm, có chụp bạc hay không chụp bạc ở chân, ở đáy… Còn cái đài, cái kỷ đặt chung rượu, chén rượu lên trên thì lần lượt có đài đồng thau, đài gỗ mun, kỷ gỗ mun chạm trổ cẩn xà cừ, kỷ thiếc tráng men… Rồi cái kỷ dùng để bưng rượu "ngang mày" mời quý khách, cái đài đặt trên bàn thờ gia tiên để dâng rượu cúng ông bà ông vải ngày nhà có giỗ kỵ. Tùy khách thuộc hạng nào, có nhu cầu gì mà người bán rượu đưa ra những thứ chai, bình, chung, chén đựng rượu thích hợp. Khách quyền quý phong vận thì có ve vòi, ve củ tỏi đi với chung, chén con thanh nhã, kiểu dáng "gà đồng hạc nội"; khách "hũ chìm hũ nổi" thì đưa ra hũ, vò đi với bát vại bát sành; khách đi hỏi vợ thì đưa chai sen dán nhãn đỏ viết chữ Nho bằng mực Tàu, khằn miệng; khách lữ thứ, giang hồ có sẵn vỏ bầu nậm, bong bóng lợn; khách yêng hùng khắp chốn học đòi làm nhân vật trong truyện Thủy Hử thì đưa ra một gánh rượu với hai vò đựng đầy rượu trong đôi giỏ ki đan nan tre cùng cái đòn gánh cật tre láng bóng giọt mồ hôi. 
 
       Bộ khay rượu. Ảnh: Huỳnh Văn
Chợ Rượu họp năm ngày một phiên, nhưng phiên cuối tháng thì khách kinh thành đổ về đông như kiến. Khách kinh thành tiêu tiền như nước, uống rượu như sông suối chảy và không chỉ vì rượu ngon mà còn vì cô hàng rượu xinh đẹp nữa: "Còn trời còn nước còn non / Còn cô hàng rượu anh còn say sưa" (Ca dao).

Chợ Rượu có cuộc đời thăng trầm như cuộc đời của một con người.

Thời tuổi thơ ngày hai buổi đến trường làng, đi ngang qua Chợ Rượu xưa, tôi vẫn thấy quang cảnh chợ quê mình lều quán hắt hiu: "Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ" (Đoàn Văn Cừ). Trong khu chợ chỉ còn vài hàng xén, hàng gạo, hàng rau cá vịt gà, một hiệu thuốc cao đơn hoàn tán, một ông thầy đồ ngồi viết liễn thuê, một gia đình làm nghề bịt trống ngày nào cũng chưng ra trước nhà mấy cái trống chầu, trống chiến, trống tum với cái mặt trống da trâu phẳng lì, cái tang trống khoét bộng cây, sơn màu đỏ cổ trầu, chờ người mua… Không thấy đâu có hàng rượu và cô hàng rượu! Đó là thời kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954). Chợ Rượu - làng Thuận Thái - có vị trí mới trong cuộc kháng chiến, vị trí cửa ngõ của nhiều trung tâm lớn của tỉnh Bình Định: Bệnh viện Song Thanh, trường Trung học Hòa Bình, trụ sở Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh huyện An Nhơn, nơi bộ đội vẫn về đóng quân rồi lại đi ngay… Cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế, bộ đội, văn nghệ sĩ, giáo viên, học sinh… đi về đơn vị công tác, vẫn đi ngang qua Chợ Rượu - làng Thuận Thái - và thường dừng chân lại. Họ mua sắm, tắm mát sông Côn, thăm viếng một cảnh chùa thanh u tĩnh mịch… Có người ghé thăm người yêu bé bỏng đợi chờ. Chợ Rượu - làng Thuận Thái - cung cấp một ít lương thực, thực phẩm; là nơi cho cán bộ, bộ đội, học sinh về dạy bình dân học vụ, tuyên truyền giáo dục ý thức vệ sinh phòng bệnh, tăng gia sản xuất, giúp dân tổ chức lực lượng sẵn sàng đánh giặc giữ làng…

Chợ Rượu thời hậu Tây Sơn. Tranh: Phúc
Thành Hoàng Đế không còn là kinh thành nữa kể từ khi Nguyễn Nhạc chết năm 1793. Chợ Rượu với tư cách là chợ của tửu đồ mọi giới, chợ phù hoa ở xứ kinh kỳ thực sự cũng không còn kể từ đó. Ngôi Chợ Rượu bây giờ, vừa mới được xây dựng lại theo kiểu chợ nông thôn, hướng ra con đường tỉnh lộ chạy ngang trước mặt. Con đường đưa du khách về Khu Đông, Khu di tích Núi Bà, Khu kinh tế Nhơn Hội. Dừng chân trên đất Chợ Rượu - làng Thuận Thái bây giờ, ngồi quán lặng lẽ uống ly bia giải khát với bạn đồng hành, du khách sẽ thấy bao cảm khái dâng lên trong lòng: vui mừng trước những đổi thay nhanh chóng và lớn lao của quê hương hôm nay, nhưng cũng ngậm ngùi cho một triều đại đã đi qua vì cái lẽ thành bại, phế hưng và những cảnh cũ người xưa đã không còn.
"Được thua hơn kém lưng hồ rượu, Hay dở khen chê một trận cười." www.hieuco.blogspot.com Email: netaz@yahoo.com.vn 

Không có nhận xét nào: