.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012



 
tiểu thuyết
truyện ngắn
thơ
lý luận phê bình văn học
những bài báo
điện ảnh, âm nhạc và 
hội họa
truyện dân gian Việt Nam 
và Thế giới
tư liệu sáng tác
tìm kiếm
Khách thăm: 4283143
16.05.2012
Huỳnh Kim Bửu
Chùm tản văn gửi từ Bình Định (1)
Cau

  Trong các làng quê, cây tre được trồng nhiều nhất, đứng thứ hai là cây cau. Tre trồng thành hàng, thành lũy bao bọc lấy xóm làng, cho người ta gọi cuộc sống trong các làng quê đó là “cuộc sống sau lũy tre làng”. Ít có nhà không trồng cau. Các ngôi nhà vườn, thường trồng cây theo câu nói dân gian: “Phía trước trồng cau, phía sau trồng chuối” để vừa cho khí hậu mát mẻ, vừa cho cảnh quan đẹp, lại cũng vừa cho lợi ích kinh tế.



        Cây cau đẹp thật. Thân cây thẳng, cao. Đọt cau là một khóm tàu lá xanh đậm nổi lên dưới vòm trời xanh lơ. Hồi nhỏ, nhìn tàu cau trên cao, tôi thường bảo đó là chiếc lược trời, rồi chiếc lược má tôi, chị tôi cầm trên tay chải tóc, dắt trên mái đầu kia là những chiếc lược trời thu nhỏ lại. Chim vẫn bay về làm tổ và rộn tiếng ca trên những ngọn tàu cau. Người đi đường, nhìn vào một xóm nhà, thấy hàng cau khi thì lặng yên, khi phất phơ cùng ngọn gió nồm mát mà cảm giác, đó là cảnh yên ả, thanh bình của một miền quê. Người đi xa lâu ngày, trở về, trông cho mau tới chỗ đầu làng để được nhìn thấy hàng cau nhà mình. Ở nông thôn, nhiều nhà trồng cả một vườn cau liên phòng. Mỗi cây cau thường có dây trầu quấn lấy. Cái rễ của dây trầu mọc từ gốc trầu đến đọt trầu vẫn bám chặt vào thân cau, dẫu phải gió mưa cũng không sờn, không rời? Có phải chăng, vì lẽ đó người ta đã lấy trầu cau làm vật nghi lễ cho cưới xin, như muốn nói lên một điều mong muốn bền vững cho lứa đôi? 

       Trồng cau được nhiều lợi ích. Cau trổ buồng về đêm. Một đêm yên tĩnh, cái mo cau rụng xuống, là lúc cái buồng cau và hoa cau nở xòe và tỏa hương thơm cho đêm trường. Cau một năm bốn mùa hoa trái. Mỗi mùa cau, buồng trổ trước được gọibuồng chị, buồng trổ sau gọi buồng em. “Buồng chị - buồng em”, nghe thân thương như mấy chị em nhà nọ! Từ khi cau trổ buồng, người ta theo dõi buồng cau lớn lên mỗi ngày: Thuở đầu là cái “quả cau nho nhỏ / cái vỏ vân vân” (Ca dao), cho tới khi cau chín, vỏ ngã từ màu xanh đậm sang màu đỏ tươi. Chẳng biết bác nông dân nào giỏi liên hệ, đặt tên cho phần chóp của quả cau là cái vú cau? Và lũ trẻ nhỏ các xóm quê vẫn vừa chơi “đánh trổng âm u” vừa hát: “Hú hồ…hú hột / Cơm sốt cơm nhão / Cá đão hồng đơn / Cá sơn, cá diếc / Cá liệt ăn trầu / Bỏ cau bỏ vú / Vú già vú non / Có đứa cầm hòn / Mà u mà chạy / Chạy thẳng vườn cau / Mà ngồi mà nghỉ…” (Đồng dao).Buồng cau không chờ chín mới hái mà hái lúc nào, tùy ở nhu cầu. Vào bữa cưới xin, thì cần một buồng cau xanh, nhưng phải là cau dầy (cau vừa nhai, không phải cau non mà cũng không phải cau già) để xong lễ, theo tục lệ, cầm đi biếu bà con, hàng xóm.Nhai trầu thì nhai cau tươi (cau dầy) hoặc cau khô ngâm nước cho mềm. Gặp khi cau nhiều quá, nhai tươi không hết, thì đem bổ ba, bổ bốn, phơi khô để dành nhai dần.

         Đời là một cuộc đổi thay. Trải nhiều năm nay, lớp người ăn trầu ít dần, cây cau bị bỏ quên. Người ta chỉ trồng cau cảnh, và có ai đó vì “thương hoài ngày xưa” của bà mình, đã không chặt hạ cây cau đứng trong sân. Ngày nay, nghe nói có chỗ thu mua quả cau tươi, cho nên ở vài nông thôn, vài hộ nông dân bắt đầu để ý tới cây cau: cau được trồng và chăm sóc trở lại. Nhớ hồi 9 năm kháng chiến (1945 – 1954), bộ đội, dân quân sắm ống cau khô, ống muối hột đeo bên hông làm thuốc cứu thương dự phòng, thay thuốc kháng sinh.

        Trên đây mới nói về hữu ích của hột cau. Cây cau, còn bao hữu ích nữa: Thân cau làm cột nhà, bắc cầu phập phù qua mương nước, sả dọc làm đòn tay nhà, chẻ nan đan rá cải, bọc vườn rau, chận lũ gà xộc vào bươi bới. Tàu cau tước lấy sống lá bó chổi, lấy mo làm gàu xách nước (uống cho mát), làm quạt mo quạt phành phạch lúc đêm Hè, nắm cơm dỡ cho người đi đường xa. Nhớ thuở đi học trường Tiểu học xa nhà, sáng nào tôi cũng được má dậy sớm, nấu cơm dỡ, nắm trong mo cau cấp cho tôi mang đi học. Thường, má vẫn gói kèm theo nắm cơm bì muối đỗ (có khi bì muối mè). Tôi cũng không quên kỷ niệm những lần chờ đợi chiếc tàu cau từ màu xanh chuyển sang màu vàng, rụng xuống, để kịp nhặt lấy, làm con ngựa tàu cau cỡi quanh sân nhà mình, rồi quành ra ngõ xóm để chơi với bạn.

         Dầu sao, lợi ích văn hóa, tinh thần của cau mới đáng kể hơn. Từ ngàn xưa, đã có sự tích trầu cau để “vinh danh” một mối tình ngang trái mà chung thủy. Ông bà mình vẫn lấy “Miếng trầu là đầu câu chuyện” (Tục ngữ) trong mọi lễ nghi, ứng xử, tiếp đãi nhau. Để nên miếng trầu, không thể thiếu miếng cau (vẫn đi với trầu và cả miếng vôi, miếng rễ…). Ông tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo chống Pháp, hồi kháng thuế (1908) ở Bình Định, bị Công sứ Pháp và Tổng đốc Bình Định bắt bỏ tù. Ở trong lao tù chịu nhiều thiếu thốn, ông thường than vãn: “Có miếng trầu mà không miếng cau / Có miếng rễ mà không miếng thuốc” (Vè ông Tiến sĩ). Trong tình yêu nam nữ ngày xưa, không thể thiếu miếng trầu, miếng cau. Nhờ có nó mà tình yêu trở nên thi vị: “Trầu xanh, cau trắng, chay (quả chay) hồng / Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên” (Ca dao) “Nhà em có một giàn giầu / Nhà tôi có một hàng cau liên phòng / Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông / Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?” (Tương Tư - Nguyễn Bính). Lễ hội mùa Xuân – mời trầu là dịp cho nam nữ thanh niên gặp gỡ và trao nhau duyên mới trong cảnh đất trời tươi đẹp của mùa xuân mới. Xưa nay, cái quạt lông gà của ông quân sư Khổng Minh thì được người ta khen, còn cái quạt mo của mấy ông thầy dùi bày dại, bị người ta mắng: “Đồ quân sư quạt mo”. Cái quạt mo của thằng Bờm, dẫu xưa mà thời nào cũng có người thích đi tìm một lời giải mã mới cho câu chuyện.

        Chuyện bên lề của cây cau là trèo cau, bẻ buồng. Tôi dám chắc, là trẻ thơ trong các làng quê, ít chú nào không một lần trèo cau. Trèo cau bẻ buồng, thì người lớn không sai bảo, vì sợ nguy hiểm. Nhưng mấy chú bé tinh nghịch vẫn lén người lớn mà trèo cau bắt tổ chim non. Chim sáo, chim sẻ… vẫn làm tổ trên ngọn cây cau. Một tổ chim bị bắt đem đi mất, là trong vườn diễn ra một cảnh chim trời tao tác, bay đi tìm chim non thất lạc, nhưng thường là vô vọng. Người hái cau “không chuyên” tròng cái nài (làm bằng bẹ chuối khô) vào đôi bàn chân mà cứ nhún nhảy tại chỗ, lưng tom lại, hai tay ôm ghì thân cau, mặt ngước nhìn đọt cau, không chịu trèo. Vì anh ta nhát. Trái lại, người trèo cau “chuyên nghiệp”, không cần nài, thoắt cái, anh ta đã ở trên ngọn cây, bẻ buồng, cột dây thả xuống. Trong vườn cau liên phòng rậm rạp, các ngọn cau giao nhau. Bởi đó, người hái cau cứ nhẹ nhàng, nhanh nhẹn chuyền từ đọt cây cau này sang đọt cây cau kia, khỏi mất công trèo lên tuột xuống nhiều lần. Trẻ con thành phố mà về quê, nhìn thấy anh “thợ” hái cau chuyền trên đọt cây cau, đàng nào cũng liên hệ tới mấy chú khỉ leo trèo không ngớt trong sở thú, trong thảo cầm viên chú thường ra chơi.



         Chợ quê ngày xưa, sắp bày một dãy hàng cau. Người mua đông, vì nam giới, nữ giới đều ăn trầu, biếu trầu, mời trầu nhau. Đến cuối năm là mùa cưới, hàng cau bán khá chạy. Người mua cau cho đám cưới hỏi, thường mua nguyên buồng trăm trái, có dư. Ý chúc cho đôi lứa sánh duyên được câu “Bách niên giai lão” có dư. Người mua cau ăn, mua vài chục trái. Người mua cau sỉ, tính cau bằng thiên (= ngàn) trái. Chắc ngày xưa, ông Biện Nhạc buôn trầu, không khỏi  kèm theo mua sỉ bán lẻ cau tươi? Chọn cau, thường người ta chọn buồng trái mởn đều mà xanh đậm, vú cau tròn đều mướt rượt. Người mua cũng cần bổ cau cho xem hột. Cau được bổ bằngdao cau (con mắt dao cau là con mắt sáng, hay liếc). Cái dao cau thật sắc, bổ cau phải ngọt xớt, không cho bị nhầy nát ruột cau. Trái cau phơi ruột ra đó, cho người xem: trắng, mịn, mềm, vừa nhai, không sâu đục…là cau ngon.



        Những hàng cau, bụi tre, bến nước, mái đình…tạo nên mảnh hồn làng thiêng liêng, người ta lấy đó làm cội nguồn, biết đâu là nguồn cội của mình: “Sao anh không về chơi thôn Vỹ / Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên” (Đây thôn Vỹ Dạ - Hàn Mạc Tử).Quê tôi bây giờ, cũng như nhiều quê khác, cây cau còn lại rất ít và cũng khó gặp người ăn trầu. Tôi nhớ những hàng cau liên phòng, những vườn cau xanh chim chóc bay về.



        H. K. B



                  Chiều

 Một dòng sông quê, tiếng ve râm ran buổi trưa hè, một đêm trăng rải vườn chè… Trong bao vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng đó, ta còn có vẻ đẹp của những chiều.



        Mỗi mùa trong năm cho chiều một vẻ đẹp riêng. Chiều Xuân thì êm đềm, tràn sắc hương; Hạ bầu trời cao, nồm thổi ngọt; Thu nước trời ảo diệu (Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc – Thơ cổ); Đông ảm đạm, giá rét…Thi nhân đã viết về chiều Xuân:“Chiều xuân sang chuyến đò đông / Trai tơ khăn lục, gái hồng thắm môi / Da sông mát rải da trời / Đây mùa xuân bén trên màu cỏ hoa / Hiu hiu… chiều ngả tà tà …/ Buồn lên xóm vắng, cây nhòa khói xanh” (Chiều xuân Trung Kỳ - Hồ DZếnh). Buổi chiều về thường đượm một vẻ buồn, người ta chẳng gọi “chiều buồn” đó sao? Có người một bữa chợt kêu lên: “Hôm nay trời nhẹ lên cao / Tôi buồn không hiểi vì sao tôi buồn…”(Chiều – Xuân Diệu)Chiều làm cho người có cảnh ngộ éo le thêm nỗi tê tái lòng:“Chiều chiều mây kéo về kinh / Ếch kêu giếng loạn thảm tình đôi ta” (Ca dao).

        Vì buồn, cho nên chiều gợi màu nhung nhớ, màu chiều cũng là màu nhung nhớ. Tuy âu duyên mới, bao cô gái lấy chồng xa vẫn nhớ mẹ mỗi chiều: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau / Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều” (Ca dao). Dù yêu phong cảnh đổi thay, những miền quê xa đất lạ đến đâu, khách lữ thứ cũng chạnh nhớ nhà: “Tôi là người lữ khách / Màu chiều khó làm khuây / Ngỡ lòng mình là Rừng / Ngỡ hồn mình là Mây / Nhớ nhà châm điếu thuốc / Khói huyền bay lên cây” (Chiều - Hồ DZếnh). Đến như bộ đội bận với hành quân, với chiến dịch, anh cũng tranh thủ ngóng về quê hương: “Cách biệt bao lần quê Bất Bạt / Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì” (Quang Dũng). Người chiến sĩ cách mạng gặp cảnh đẹp cũng để hồn mông lung với chiều:“Nhớ gì như nhớ người yêu / Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương” (Việt Bắc - Tố Hữu).  

         Chiều là lúc trở về. Anh là người đi xa lâu ngày, nay vừa bước chân tới đầu làng đã gặp lại cảnh chiều xưa, khiến lòng anh bồi hồi cảm xúc: “Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn / Tiếng ốc xa đưa, vẳng trống đồn / Gác mái ngư ông về viễn phố / Gõ sừng mục tử lại cô thôn…” (Bà Huyện Thanh Quan). Người xa xứ trở về làng, người đi làm lụng kiếm sống trở về nhà mà người phong lưu đi “du xuân” cũng trở về nhà:“Tà tà bóng ngả về tây / Chị em thơ thẩn dang tay ra về” (Kiều - Nguyễn Du). Mấy người lỡ độ đường, dễ thường có anh học trò lều chõng ra kinh dự thi, vội vàng hỏi thăm quán trọ để tìm chỗ ngủ đêm. Và rồi nơi chân mây kìa, cánh chim hải hồ bay về tổ hình như cũng đã mỏi. Người xa xứ, người làm lụng trở về để rồi sẽ được mẹ lam làm, vợ tần tảo thổi bùng bếp lửa chiều hôm (có người gọi đó là bếp lửa ân tình), lo cho bữa cơm chiều sớm dọn lên. Đó là bữa cơm gia đình đoàn tụ, bữa “cơm dưa muối khó khăn mới có” của nhà nông, của người quê. Nhưng còn những người lỡ độ đường qua đêm trong quán trọ kia thì sao? Có kẻ may được “giấc kê vàng”, không ít kẻ “túi rỗng không mà lòng cũng rỗng không” đành chịu cơn đói run người, mong cho mau trời sáng, vì đường còn xa. Nhưng chiều rồi mà người phương xa cứ lỗi hẹn chưa về, thì đó cũng là lúc người trong song cửa đợi trông: “Mười ba năm trắc trở / Không hẹn về thăm nhau / Song chiều thơ thẩn đợi / Đêm xuống lạnh tàu cau” (Quách Tấn).

         Nhưng ô kìa, chiều cũng là lúc ra đi. Từ xóm chài đang nhộn nhịp cảnh chiều, bao chàng trai tráng dong buồm ra biển khơi để kịp một đêm đuổi theo luồng nục, luồng thu mà có được mẻ cá lớn. Trên sông quê vừa lúc con nước lên, mấy thuyền ngư phủ tiếp tục gõ lưới, chờ màn đêm xuống mà thắp lên ánh lửa chài, cái ánh lửa chài đã làm nên thơ xưa trác tuyệt: “Giang phong ngư hỏa đối sầu miên” (Phong Kiều dạ bạc – Trương Kế. Mai Lăng dịch: Đèn chài cây bến đêm khơi giấc sầu). Buổi tịch liêu trùm lên xóm vắng, có cô thôn nữ ra ngõ đứng nhìn trời, nhìn những ánh sao vừa mới mọc, rồi bất giác khe khẽ ngâm câu ca diễm tình xưa: “Sao Hôm chờ đợi sao Mai / Trách lòng sao Vượt nhớ ai băng ngàn / Trách lòng đò đã sang ngang / Xin người giữ kỹ sợi tơ vàng hôm trao” (Ca dao). Một chiều kia, vì muốn xa thị thành chật chội và bởi quen thói giang hồ vùng vẫy, có mấy chàng lãng tử say men rượu và say vị đời đang sẵn sàng cho một cuộc khởi hành làm chuỗi ngày viễn du: “Men đã ngấm bọn ta chờ nắng tắt / Treo buồm cao cùng cao tiếng hò khoan / Gió đã nổi, nhịp giăng chiều hiu hắt / Thuyền ơi thuyền! theo gió hãy cho ngoan (Thơ say – Vũ Hoàng Chương). Chủ nhà không còn cầm chân được khách “viễn phương lai” mà chỉ còn có cách lưu luyến tiễn biệt: “Đương lúc hoàng hôn xuống / Là giờ viễn khách đi / Nước đượm màu ly biệt / Trời vương hương biệt ly” (Viễn khách – Xuân Diệu). Thực là một cuộc chia tay đến mây nước ngậm ngùi.

        Ai yêu chiều, thường ít khi bỏ qua những dịp ngắm chiều về. Ai ngắm chiều về, sẽ được thấy chiều tô điểm vẻ đẹp khắp muôn nơi. Nầy, một bức tranh thủy mặc hiếm có bày ra trên mặt đất: “Đi rồi khuất ngựa sau non / Nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn tịch liêu / Trơ vơ buồn lọt quán chiều / Mái nghiêng nghiêng gởi buồn theo hút người(Lửa thiêng – Huy Cận); kìa một hội đất trời khác đang du hồn ta: “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc / Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa / Lòng quê dợn dợn vời con nước / Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” (Lửa thiêng – Huy Cận).

        Trên kia, nói chiều đẹp, chiều buồn, chiều nhung nhớ, “Chiều tương tư” (tên một bài thơ của Xuân Diệu)… Mà cũng chính cái hồn chiều đó là chiều quê yên ả, thanh bình... Ta có gặp chiều nữa với “gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi / Đồng quê vờn lượn chân trời / Đường quê quanh quất bao người về thôn” (Bàng Bá Lân) với màu khói lam tỏa lên từ mái tranh, ngọn khói đốt đồng trong gió, màu ráng chiều phía trời tây cuốn hồn ta …cũng là để xác tín thêm điều đó thôi.

         Dù không muốn, ta không thể không nhắc tới cái trời chiều đen kịt của ngày thiên tai bão lũ, của thời khói lửa chiến tranh khó mờ phai trong ký ức. Thiên tai bão lũ sẽ còn quay trở lại, gây thảm họa cho con người, nhưng nguyện vọng hòa bình sẽ làm tiêu tan những đám mây đen tích đầy âm khí chiến tranh.

         Đời chiều, đời chạng vạng có hẳn là đời buồn, đời vô ích? Chiều sẩm rồi, có chàng trai trẻ bách bộ trên đường phố, hồn trí đang bâng khuâng với cảnh trời chiều, bỗng nghe một làn hương sực nức từ đâu đưa lại: mùi dạ hương sớm tỏa. Thử hỏi, mấy ai chưa  một lần tìm đến gốc cây cổ thụ mà nương nhờ bóng mát?



                        Đồng trăng

  Từ khi ra thành phố, tôi thường quên mất những đêm trăng tỏ, những đêm trăng đẹp hồi còn ở quê. Cũng như bao thị dân khác, tôi có cuộc sống tất bật mỗi ngày, còn bị ánh điện, những dãy phố nhà cao tầng, những âm thanh ồn ào náo nhiệt, những tốc độ chóng mặt … là những thứ vẫn che khuất gương mặt chị Hằng khả ái của tôi.

         Nhưng dù sao, tôi cũng phải chiều Nguyệt mà về quê với nàng, mỗi năm được đôi lần. “Về quê, được thưởng trăng là cái thú thứ nhất, và đã có nhiều đêm trăng làm cho chúng mình say đắm, không sao ngủ được”, Nguyệt từng nói với tôi như vậỵ

                Đêm nay, trăng hè mà là trăng thượng tuần, gần giữa tháng. Trăng phủ xuống các xóm nhà và chảy lênh láng trên đồng làng. Chúng tôi đi dạo trên đường làng. Tôi có cảm giác trăng yêu kiều, thướt tha; và đi bên tôi, Nguyệt cũng yêu kiều thướt tha như trăng. Cả Nguyệt và tôi đều thấy mình được sống trong một niềm thơ và đã có thơ nói hộ giùm: “Chúng tôi lặng lẽ bước trong thơ / Lạc giữa niềm êm chẳng bến bờ / Trăng sáng trăng xa, trăng rộng quá / Hai người, nhưng chẳng bớt bơ vơ” (Thơ Thơ - Xuân Diệu). Khi trăng đã lên cao và  thật sáng tỏ, thì từ trong mấy xóm nhà vọng ra tiếng hát hò đối đáp nhặt khoan. Nghe tiếng hò, Nguyệt vui lắm. Tôi nói với Nguyệt, đó là tiếng hát hò “giã gạo đêm trăng” của quê tôi. Từ lúc này, cứ mỗi chặp, chúng tôi lại nghe tiếng vạc kêu thảng thốt giữa thinh không, chắc là vì lạc đàn. Nguyệt tỏ vẻ hơi sợ, mặc dù không phải, đây lần đầu tiên, Nguyệt nghe tiếng loài chim đi ăn đêm ấy kêu trong màn sương dày đặc. Đêm trăng cứ dẫn chúng tôi đi, và chúng tôi đã đến dưới chân cột cờ thành Bình Định cao chót vót; và cách không xa là sông Trường Thi với bến sông quê Trường Thi của tôi lấp lánh ánh trăng. Không có tiếng gọi đò (vì sông nay đã có cầu) nhưng tiếng gọi đò ngày xưa lại hiện về trong tâm trí tôi: “Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách / Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng” (Bến My Lăng, Yến Lan). Trong khi tôi “nghe” tiếng gọi đò bằng cả niềm tâm cảm xót thương cái thuở ngày xưa không còn nữa thì Nguyệt chú ý mấy ánh lửa chài leo lét trên bến sông.

           Nguyệt có còn nhớ không, cái lần về quê ngoại Kim Châu năm ngoái, có ngày kỵ của Ngoại đó? Chúng mình lại gặp một đêm trăng quê tháng sáu và Nguyệt lại đòi tôi dẫn đi dạo đêm trăng. Vầng trăng còn vài hôm nữa là đến rằm vành vạnh. Ngọn nam cồ mới tối đã bắt đầu thổi, đẩy trăng dập dờn liên hồi trên sóng lúa đang thì trổ bông. Sóng lúa cứ rào rào từng đợt, từng đợt, nổi lên một điệp khúc nhạc đồng quê thật đáng yêu. Nguyệt có còn nhớ không, khi trăng đã quá đỉnh đầu và sương đêm đã ướt rượt trên cỏ, bỗng từ trong một xóm quê, vẳng đến tai chúng mình tiếng sáo trúc véo von? Tôi có nói với Nguyệt, chắc là tiếng sáo trúc của người nghệ sĩ đồng quê quen thuộc của làng này. Từ hồi nào tới giờ, làng này vẫn có thói quen thức khuya chờ đợi “tiếng sáo đêm trăng” của người nghệ sĩ trước khi đi tìm cho mình một giấc ngủ ngon dưới đêm trăng.

         Lần này, vì cô giáo Nguyệt của tôi đang nghỉ hè, chúng tôi về quê ở lại hơi lâu. Lại một đêm trăng tháng sáu nữa. Bóng chiều vừa buông xuống, người ta đã thấy gương mặt chị Hằng lấp ló giữa hai rặng tre làng. Trăng từ từ lên cao và trải rộng cùng với tiếng chuông chùa làng thời công phu tối ngân nga…Bầu trời tháng sáu cao xanh, trăng càng tỏ thì sao trời càng thưa thớt, thi thoảng băng ngang nền trời vài ánh sao băng. Chúng tôi đi lên đường làng, đi ra với đồng trăng. Nguyệt mừng trăng, đi dung dăng dung dẻ hồn nhiên như trẻ thơ. Vì là đêm hè nóng bức khó ngủ, cho nên buổi sinh hoạt dưới đêm trăng ở trong thôn trang, nào cảnh “bên anh đọc sách bên nàng quay tơ”, “đạp chuồn chuồn xỏ luồn bánh ú” của lũ trẻ nhỏ, cảnh các cô thôn nữ ra giếng làng “gánh nước đêm trăng” nói cười khúc khích… vẫn còn kéo dài. Nhưng rồi, trong các xóm bắt đầu có sự yên lặng, đêm tĩnh mịch trở về. Chúng tôi vẫn đi trên đồng trăng. Đêm trôi dần về khuya, những bụi tre, bụi rù rì, cây ngô đồng… trùm ánh trăng ngủ ngon; trong khi đó, tiếng đổ nước ình… ịch nơi những sòng “tát nước đêm trăng” vẫn thức cùng trăng, cùng cây lúa đang khát nước… Chẳng biết động tĩnh gì làm giật mình thức dậy đàn cò trắng, đàn sáo sậu… đang ngủ trên ngọn các bụi cây, đồng loạt vỗ cánh bay táo tác vào không gian tràn ngập và đẫm ướt trăng. Hùn vào cảnh tượng đó, từ trong xóm, cất gáy vang tiếng mấy chú gà trống mớ ngủ, thức dậy nhìn trăng, tưởng chừng trời sáng; và còn nữa, tiếng mấy chú vằn vện dỡn trăng, cắn vu vơ vào đêm trăng.

           Nguyệt sinh ra và lớn lên ở thành phố, còn tôi đàng nào cũng gốc chân quê. Khi hai người mới quen nhau, có lần Nguyệt hỏi: “Trăng tháng tám ở quê chắc đẹp lắm, Bình nhỉ?”. Tôi nói, trăng thu mà lị. Biết ý Nguyệt, tôi đã đưa Nguyệt về quê nội để Nguyệt thưởng trăng thu. Đêm trăng ở quê, hai người cùng đi trên con đường làng ngai ngái mùi ruộng lúa mới sục bùn và mùi cỏ úa, ấy thế mà Nguyệt cứ bảo một cách nên thơ là mình đang đi trên đường trăng. Trên bầu trời cao xanh treo lơ lửng một vầng trăng, còn sao trời thì thưa thớt, và dưới mặt đất bày ra một cảnh thu sáng láng, êm đềm. Đi ngang qua một bờ hồ, Nguyệt reo lên “ô kìa” và chỉ cho tôi một cảnh đẹp đang diễn ra trước mắt: Một hồ rộng, một mặt gương soi, bầu trời đáy nước là một…Lại còn có tiếng gõ lưới  lốc cốc, đều đều và khô khốc của mấy chiếc thuyền câu nhẹ thênh, bé tẻo teo như mấy chiếc lá tre khô trôi trên mặt hồ.  

          Khi các con của chúng tôi đến tuổi đi học cấp I – cấp II, cứ mỗi lần đến Tết Trung thu, chúng tôi lại đưa chúng về quê để đón mừng Trăng. Những năm không về quê được, Nguyệt vẫn bày biện cho các con cùng với ông bà, ba mẹ đón trăng thu trên sân thượng nhà mình. Dưới đường phố, các đoàn múa lân đi qua, rất náo nhiệt. Thật tội nghiệp, tiếng là múa lân để đón mừng Trăng thu, nhưng mọi người (trẻ em và người lớn), không trông thấy trăng thu ở đâu hết. Trên sân thượng, cả nhà chúng tôi ngắm trăng, các con vui thích. Nhưng thằng Tuấn thì bảo: “Chúng con thích hơn trăng thu ở quê nội kia, nó thanh bình và yên ả; gương mặt chị Hằng ở đó như lúc nào cũng cười tươi với trẻ nhỏ và với người dân quê”. Còn thằng Tài vòi vĩnh: “Năm tới, thế nào ba mẹ cũng phải đưa con về quê đón ông Trăng Rằm tháng tám, cơ”. 

          Khỏi nói đồng trăng mùa đông, mùa của  mưa bão, mây đen kéo đầy trời tối ngày, nhìn đâu thấy trăng. Nói đồng trăng mùa hè, mùa thu mà chưa nói mùa xuân là chưa nói hết cái vẻ đẹp của trăng trong một năm. Nguyệt có còn nhớ không, lần đầu chúng mình về quê là một ngày xuân, cách đây cũng vài mươi xuân? Và chúng mình đã ở lại để ngắm trăng quê trong một đêm xuân theo nguyện vọng của cả hai người. Đêm trăng ấy, chúng mình cũng dạo làng, dạo đồng để ngắm trăng, nô dỡn với trăng một cách hồn nhiên và trẻ trung như lứa tuổi đôi mươi của chúng mình hồi ấy. Sương xuống, gây gây lạnh. Dưới trăng, đồng ruộng tháng giêng lúa thì con gái trải một màu xanh mơn mởn, mang nhựa sống dâng lên lá cây ngọn cỏ. Còn nhớ không, hả Nguyệt, hôm ấy đến gần khuya sương xuống đậm, tôi giục mãi, Nguyệt mới chịu quay về nhà? Và trên đường trở về ngôi nhà của ba mẹ tôi đang phủ ánh trăng khuya, Nguyệt đòi tôi ngâm thơ một chút cho vui, vì cảnh đêm xuân đang rất đẹp. Và tôi đã hứng khởi ngâm: “Khuya nay mùa động đầu cành / Đồng trăng lục nhạt, vàng thanh lối gần”. Nguyệt nghe xong, ngả người vào tôi, bảo: “Tiếng thơ Bùi Giáng đã nhập hồn vào trăng diễm ảo rồi, Bình nhỉ!”.



                        Bút ký  Gác trọ

                      “Gác lạnh về khuya cơn gió lùa…”

                          

          Những nhà ở phố chợ hồi xưa, phần nhiều có gác xếp. Gác không rộng, xây cất đơn sơ: thả đà gỗ, lát ván, cửa mở ra lan can, có cửa sổ chấn song để đón gió mát và nhìn xuống đường phố yên tĩnh hoặc vườn cây xanh um. Bởi nhỏ nhoi thế, cho nên gác được gọi là gác xếp.



        Trên gác xếp, ở mấy cậu con trai hoặc mấy cô gái (con chủ nhà) cho các cậu (hoặc cô) có chỗ riêng biệt, tiện cho sinh hoạt, học hành, trang điểm… Cũng có gia đình kinh doanh, khi xây cất nhà không quên nhô lên cái gác xếp, để vừa chứa hàng dự trử vừa cho con cái ở.

          Từ ngày nền giáo dục phát triển, những gia đình hiếu học thuộc các vùng quê cho con em quảy “đàn sách” đi học xa nhà. Vậy là xã hội có nhu cầu cung cấp chỗ ở cho đám sĩ tử ngày một đông. Trong số đông sĩ tử, may chỉ có một số ít cô cậu học giỏi hoặc gia đình khá giả, quyền thế được vào Ký túc xá; phần còn lại thì ở ngoài, họ lấy điều du học để tìm chỗ trọ, phần nào giống như tình cảnh chàng Kim thuở trước:“Tần ngần đứng suốt giờ lâu / Dạo quanh chợt thấy mé sau có nhà / Là nhà Ngô Việt thương gia / Phòng không để đó, người xa chưa về / Lấy điều du học hỏi thuê / Túi đàn cặp sách đề huề dọn sang”  (Kiều - Nguyễn Du). Thế là các gác xếp sẵn có của người phố chợ, thị thành kia bỗng chốc trở thành gác trọ, đón các cô cậu sinh viên, học sinh vào ở. Và cũng có lẽ từ đó mà có từ “gác trọ” được dùng phổ biến. Thường, những gác trọ được cho thuê với giá rẻ, vừa với túi tiền của các bạch diện thư sinh. Nhưng cũng có gác trọ cho ở nhờ, vì sĩ tử vốn người quê cũ của ông chủ nhà. Cũng có không ít trường hợp, chủ nhà đón học sinh, sinh viên ưu tú vào trọ học để phong họ làm gia sư, kèm cọc việc học của các con cái nhà.

           Ở quê tôi hồi xưa, có “nhà trọ” (vì hồi xưa ở nông thôn ít gặp nhà gác!). Ấy là thuở trường College Quy Nhơn theo kháng chiến (1945 – 1954) tạm thời dời lên làng Hoà Bình, thuộc xã Nhơn Phong (An Nhơn), đặt tên mới là Trung học An Nhơn, nhưng nhân dân thích gọi tắt là trường Hoà Bình. Bà con địa phương đã sẵn sàng nhường “nhà trên” với đủ giường phản, tràng kỷ…cho học sinh chúng tôi ở trọ học. Ở thành phố Quy Nhơn, khoảng những năm  60 thế kỷ trước, nhiều gia đình làng Xuân Quơn (tên một làng quê cũ thuộc thành phố Quy Nhơn) nhường nhà mình cho học sinh vào trọ học, còn gia đình thì dọn về bên nhà nội hoặc nhà ngoại ở.

         

          Nơi căn gác trọ, những cô cậu sinh viên, học sinh chung ngọn đèn, chồng sách, cây đàn, ánh trăng soi trước cửa… Rất nhiều gác trọ, các cô cậu còn chung mâm cơm, chung miếng ngọt bùi. Học sinh trường Hoà Bình, nhóm chúng tôi, có tôi quê An Nhơn có lúa, Đoan – Phù Cát củ mì, củ lang, Huấn - vạn Gò Bồi – quê Ngoại nhà thơ Xuân Diệu mắm cá: “Khi mà anh sinh ra / Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi” (Xuân Diệu). Những hôm nghỉ học về quê; rồi hôm từ quê lên, chúng tôi có gì mang theo nấy về nhà trọ, góp vào cái bếp chung. Việc học hành, sinh hoạt cứ thế trôi qua, ông chủ nhà trọ, khách hàng xóm, khách khu phố nhìn vào thấy các tròtiến bộ, tâm hồn rất đỗi trẻ trung, yêu đời mà khen ngợi. Rồi có một ngày, các trò thấy rằng mùa thi như cơn lũ đến chân, và thế là họ tăng tốc việc học cùng với màu huyết phượng nở đỏ rực ngoài đường phố. Họ uống cà phê để thức đêm học, giảm hẳn những chuyến đi dã ngoại cuối tuần trên thành Bình Định, mộ Hàn Mạc Tử ở Ghềnh Ráng, núi Huỳnh Mai – Tuy Phước (nơi có mộ Đào Tấn)… Không ít đêm, đầu óc nơi trang sách mở mà bụng họ  vẫn nghe được cái đói, tai họ vẫn nghe được tiếng sanh gõ cốc cốc… từ chiếc xe phở, xe mì hoành thánh quen thuộc đang lăn bánh bán rong trên đường phố, vọng tới. Họ rủ nhau ra đón, xúm nhau một bữa ăn khuya quanh xe hàng và dưới ánh đèn đường mờ nhạt.

         

         Tình bạn học thường được khởi sự từ tình chung gác trọ (đồng song) rồi mới đến chung thầy (đồng sư) chung lớp trường (đồng môn). Sự khó khăn của hoàn cảnh, họ vẫn thường gặp: “Rũ áo phong sương trên gác trọ / Lặng nhìn thiên hạ ngắm Xuân sang” (Thơ Thế Lữ).  Hồi xưa đường phố hẹp và yên tĩnh, cho nên gác xếp hai nhà đối diện tưởng chừng hôn nhau được. Gác trọ bên này nam sinh viên thuê, gác trọ bên kia nữ sinh viên thuê, chẳng biết vì tình ý gì mà “cửa sổ hai nhà vẫn mở”…Một tình yêu ban đầu chợt đến, rồi chợt đi, để lại nỗi buồn: “Gác lạnh về khuya cơn gió lùa / Trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa / Nhớ ai mà ánh đèn hiu hắt / Lá vàng nhè nhẹ đưa” (Ca khúc Nỗi buồn gác trọ của Mạnh Phát).  Không phải không có những gác trọ là cái nôi sáng tác của nhiều văn nhân, thi sĩ, nhà nghệ sĩ sớm thành danh. Trong đó, không biết chừng có thi sĩ Hoàng Cầm, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn? Không phải không có những gác trọ là nơi người trí thức trẻ được đón đọc “tân thư”, giác ngộ lý tưởng yêu nước thương nòi mà từ đó dấn thân vào con đường hoạt động “hội kín”, hoạt động cách mạng? Người ngoài cuộc nghe nói gác trọ có thể vô tình bỏ qua, nhưng nhiều người trong cuộc nghe nhắc lại thì bồi hồi, xúc động, vì coi đó như là một phần đời, những kỷ niệm đẹp, khó quên của chính mình thời mài đủng quần ở các ghế trường học với bao niềm khát khao đi tìm tri thức, lẽ yêu đời, lý tưởng sống…



         Tôi thường suy nghĩ, cái gác trọ “đèn mờ theo hơi khói” ngày xưa đã có vai trò lịch sử của nó. Và chẳng biết cái phòng trọ với nhiều tiện nghi ngày nay có làm được hơn thế không, khi mà xã hội đang rất cần đến tài năng và lý tưởng cống hiến của thế hệ trẻ? Mỗi lần ký ức thời học sinh, sinh viên trở về, trong tôi như được sống lại quãng thời gian xưa cũ với những lớp bạn bè cùng nối khố và những căn gác trọ chất đầy sách mà không thiếu tiếng đàn trầm nửa khuya…



H.K.B





       Những cuốn sách và nông dân xưa

          Ngày xưa, cái học “thiên kinh vạn quyển”, chắc là cái học ở chốn kinh thành, ở nơi có các trường thi dành cho các sĩ tử “cướp cờ, cướp biển”, như ở quê tôi có trường thi Hương Bình Định. Chứ còn ở các vùng nông thôn thì cái học trường lớp hiếm hoi lắm, số người đi học ít mà sách cũng ít.



         Sách Tam thiên tự (tác giả Đoàn Trung Còn) dạy vỡ lòng chữ Nho. Trẻ con nông thôn học ông thầy đồ ở trong làng sách Tam thiên tự với những câu: “Thiên – trời, địa – đất, cử - cất, tồn – còn, tử - con, tôn – cháu”…Ai học hết sách thì có vốn 3000 từ làm “hành trang” buổi đầu đi học. Nhiều trẻ con học chưa hết sách đã phải nghỉ học, vì nhà nghèo, cần ở nhà giúp đỡ cha mẹ. Những trẻ này tới khi lớn lên thành anh trai làng, bác nông dân, nhờ chút học đó, mà không bị xấu hổ, vì: Không biết được chữ Nhất là một.

         Tam tự kinh (Sách ba chữ, do Vương Ứng Lân, Trung Quốc biên soạn) tập hợp những tinh hoa của Nho giáo. Ở trong các làng quê xưa, nhiều bác nông dân vừa mới rửa chân tay cho sạch bùn đất để đi ăn giỗ, nhưng đã ngồi vào cỗ là “nói chữ”, “xổ Nho”: từ “Nhân chi sơ Tánh bản thiện. Tính tương cận Tập tương viễn” (Người thuở đầu, tánh vốn lành. Tánh nhau gần, thói nhau xa.)…đến “Dưỡng bất giáo Phụ chi quá Giáo bất nghiêm Sư chi đọa”: (Sinh không dạy, lỗi ở cha. Dạy không nghiêm, lỗi tại thầy). Cảnh ngồi cỗ giỗ mà đối đáp, rượu vào lời ra thế cũng vui, thường khi làm được việc giáo hóa điều gì đó.  Từ “xổ Nho” (cũng nói xổ Nho chùm) cũng có ý thầm phục: Các vị có học đàng hoàng, có Hán rộng!

          Sách Minh tâm bảo giám (tác giả Trương Vĩnh Ký) được nông dân thích học, cứ bảo: “Đó là gương báu soi lòng”.  Nhiều câu trong sách Minh Tâm nghe nói hoài giống như ăn cơm bữa, và sớm nhập tâm, trở thành nếp sống, nếp nghĩ của mọi người: “Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác Thiện hữu thiện báo Ác hữu ác báo” (Chứa lành thì gặp lành, chứa ác gặp ác. Thiện có lành báo, ác có dữ báo). Rồi những câu khuyên dạy: “Phàm nhơn bá nghệ hảo tùy thân / đổ bác môn trung mạc khứ thân / năng sử anh hùng vi hạ tiện/ giải giao phú quý tác cơ bần”…(Hễ biết nghề nào cũng ấm thân. Mấy nơi cờ bạc chẳng nên gần.  Anh hùng mắc phải ra hèn hạ. Phú quý lâm rồi lại khó khăn)… Rất phổ cập, đến thành bài học, thành “câu hát” mùi mẫn ở trong các làng quê.

           Trên là những sách “giáo khoa” nông dân ít nhiều có thời trẻ thơ được học với ông thầy đồ hoặc với cha, anh ở nhà.

          Tứ thư, Ngũ kinh là những sách dành cho nho sĩ. Những nho sinh, sĩ tử có mộng khoa danh thì cố “ôn nhuần kinh sử”. Còn đa số nông dân, nhờ cuộc sống làng quê có sự chung đụng giữa nho sĩ và nông dân mà kiến thức được chia sẻ cho nhau. Nông dân vẫn “nói chữ”: “Quân quân thần thần phụ phụ tử tử” (Vua -  tôi, cha – con, ai có bổn phận nấy - Luận ngữ ) mỗi khi muốn nhắc nhở cái bổn phận phải lo cho tròn, cái quan hệ, kỷ cương phải giữ. Ngoại tôi là nông dân, ông đã chọn một câu hay trongKinh Thi: “Quan Quan Thư Cưu Tại Hà Chi Châu Yểu Điệu Thục Nữ Quân Tử Hảo Cầu” (Chim thư cưu kêu quan quan… trên cồn sông Hoàng Hà. Gặp người gái đẹp, quân tử phải lòng) mà đặt tên cho các người con của Ngoại. Ngoại có 16 người con trai gái, má tôi thứ 8 xinh đẹp, trúng tên Châu: Nguyễn Thị Minh Châu, cũng đẹp.



          Sau này, hết thời chữ Hán lâu đến ngàn năm bước sang thời chữ Quốc ngữ mới ra đời.

         Đại Nam quốc sử diễn ca (của Phạm Đình Toái) được dạy ở trường Tiểu học. Vẫn thường vang vọng trong xóm thôn tiếng ôn tập bài học của các học trò trường Huyện. Khi thì: “Hùng vương đô ở Châu Phong / Ấy nơi Bạch Hạc hợp dòng Thao giang / Đặt tên là nước Văn Lang / Chia mười lăm bộ bản chương cũng liền…”.  Khi thì: “Bà Trưng quê ở Châu Phong / Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên / Chị em nặng một lời nguyền…”.  

         Đến sách Quốc văn giáo khoa thư (QVGKT – nhóm ông Trần Trọng Kim biên soạn), được những “nông dân” ấu thơ học với cả lòng hứng thú. Bài nào học cũng mau thuộc, mau nhớ. Bài Rắn đầu biếng học (của Lê Quý Đôn): “Chẳng phải liu điuvẫn giống nhà! / Rắn đầu biếng học quyết không tha / Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ /Nay thét, mai gầm rát cổ cha…” là một trong những bài trong sách được học một lần là nhớ cả đời. Người ta nói, có “tình nghĩa giáo khoa thư” để chỉ cho tình bạn, tình huynh đệ giữa những người cùng học chung cuốn sách đó. Chẳng bao lâu, những chú bé học trò ngày trước học QVGKT trở thành các bác nông dân thuộc sử nước nhà, biết cảm thụ, biết thế nào là một bài văn hay.

        Từ nhỏ tới lớn, ta vẫn nghe ông cha cứ dặn bảo “Học làm người”, bài học cần học cả đời. Và ai cũng biết cái phẩm chất bao trùm của làm người là hiếu thảo, cho nên những nhà chứa sách (tích thư) đều có cuốn Nhị thập tứ hiếu (tác giả Lý Văn Phức). Bác nông dân nhân khi nhàn rỗi, vẫn ngồi đó “giảng sách” Nhị thập tứ hiếu cho con cháu nghe mà cũng là dịp cho chính mình ôn lại: “Người tai mắt đứng trong trời đất / Ai là không cha mẹ sinh thành / Gương treo, đất nghĩa trời kinh / Ở sao cho xứng chút tình làm con…”…vẫn kể rành rẽ 24 gương hiếu cảm động trời đất được ghi trong sách cũng như được truyền khẩu trong dân gian. Trong xóm thôn, những nhân vật Tử Lộ, Mẫn Tử Khiên… hình như ai cũng biết.

         Bên cạnh cuốn Nhị thập tứ hiếu, trên giá sách của các gia đình, còn có quyểnGia huấn ca. Từ khi quan đại thần Nguyễn Trãi viết Gia huấn ca, trong cả nước (Đại Việt hồi đó, nước Việt sau này), thì nhà nhà đọc, nhà nhà dạy Gia huấn ca. Người ta hứng hát, ngồi không với nhau hát: “Đặt quyển sách vắt tay nằm nghĩ / Hễ làm người dạy kỹ thì nên”. Người nông dân vẫn bảo “Dạy con từ thuở còn thơ…”, thật đã cảm hứng từ bài học Gia huấn ca. Thực là ông cha ta đã đề cao vai trò quan trọng bậc nhất của giáo dục.



         Tuy không thiên kinh vạn quyển như đã nói, nhưng bằng mấy cuốn sách đó, kết hợp với kinh nghiệm bản thân, nông dân đã nâng cao kiến thức, học được bao điều lợi ích. Không ai nghi ngờ chuyện nông dân thuộc Sử Việt, trong tâm thức nông dân có niềm tự hào lịch sử nước nhà có Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lê Lợi, Quang Trung…Nông dân không cục mịch như người ta tưởng mà trái lại họ có một tâm hồn đa cảm, luôn tìm đến với văn chương – nghệ thuật. Người ta vẫn ham thích đọc tiểu thuyết chương hồi (Trung Quốc), văn biền ngẫu, truyện cười dân gian… bằng cách ai biết chữ thì đọc, ai không biết đọc biết viết thì nhờ con cháu đọc cho nghe. Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn viết về phong tục, chuyện tình đôi lứa không thành; thơ Tiền chiến viết về đồng quê của Nguyễn Bính, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ… vẫn đem lại sự yêu thích cho các nông dân biết đọc biết viết. Nông dân ta chẳng những đọc sách, “giảng sách”, “nghe sách” mà còn là người sáng tác nữa. Ca dao, dân ca, hò vè …là sáng tác đầy hứng thú từ những tâm hồn yêu thương, trong trẻo của nông dân.



         Bây giờ xin hỏi, nhờ đâu mà những cuốn sách xưa phổ cập tới những người nông dân sống trong các làng quê hẻo lánh như vậy? Chắc là trong các nguyên nhân được nêu ra, có nguyên nhân tôi cho không thể thiếu: Đó là sách hay, sách đem lại cho người ta cái thú đọc sách.



        Ngày nay, có ai về nông thôn (giữa thời buổi nhiều sách báo, có tủ sách xã thôn), mà tìm một nông dân thuộc năm ba câu Kiều, vài đoạn Lục Vân Tiên, biết chuyện Nỏ thần An Dương vương, Thánh Dóng…để cùng nhau hào hứng “trà dư tửu hậu” thì thật khó quá. Cái “thú đọc sách” (Trước đèn xem truyện Tây Minh – Lục Vân Tiên), cái từ “nghe sách”, “giảng sách”, rất quen hồi xưa, nay cũng không còn trông thấy, nghe thấy nữa.



H. K. B





            Ổ bánh mì nóng giòn

        Hồi xưa chỉ có dân thị thành mới ăn bánh mì, dân ở các làng quê ít có dịp. Bây giờ, người ở đâu cũng được ăn bánh mì, ăn cái ổ bánh mì nóng giòn; người ta đã có thói quen ăn bánh mì như ăn bánh tráng, bánh xèo, bánh bèo, bánh hỏi…



         Bánh mì có từ lúc nào? Chắc chắn là không có sớm như bánh tráng để làm lương khô cho đạo quân vua Quang Trung hành quân đi đánh đuổi giặc Thanh, ở cuối thế kỷ XVIII; cũng không có sớm như bánh ít để đi vào ca dao cổ: “Muốn ăn bánh ít lá gai / Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi” lưu truyền cho đến nay, chắc cũng đã nhiều đời rồi. Người quê tôi bảo, bánh mì có từ thời Pháp sang, nó theo cùng rượu Sâm banh, sữa bò, cùng những chức quan do Tây tuyển dụng vào bộ máy cai trị của nó: “Thôi có làm chi cái chữ Nho / Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co / Sao bằng đi học làm thầy Phán / Tối rượu Sâm banh sáng sữa bò” (Trần Tế Xương – Nho tàn).

        Bánh mì chế biến từ nguyên liệu chính là bột mì (không phải bột sắn, bột củ mì) ngoài ra còn có các thành phần nguyên liệu khác, như: muối, nước, trứng, men … cùng các phụ gia. Cái ổ bánh mì thông dụng là bánh mì vàng nóng giòn, bánh mì sanwich, còn bánh mì đen, trắng thì ít gặp... Thành phố Quy Nhơn hồi cách đây 40 - 50 năm, thấy làm ăn phát đạt, có lò bánh mì mà chủ nhân là một bà người Hoa ở đường Gia Long (nay là đường Trần Hưng Đạo). Những người thợ của bà phải làm việc từ nửa đêm để đến 3 – 4 giờ sáng cái bánh mì ra lò.

         Buổi sáng sớm là lúc hoạt động “cao trào” của việc phân phối bánh mì. Bánh mì nhanh chóng có mặt ở khắp các đường phố, vào các quán ăn, nhà hàng... Trong đội ngũ bán hàng rong ở thành phố, phải kể đội ngũ bán rong bánh mì, trong đội ngũ bán rong bánh mì, trước hết phải kể những em bé bán bánh mì dạo mà hầu hết là con em các gia đình nghèo. Sáng sớm nào, người ta cũng gặp các em trên đường phố với cái bao vải màu mỡ gà đựng bánh mì đeo trên lưng (chứ không phải túi sách trên lưng - le sac au dos - như một nhà văn Pháp tả trong một tiểu thuyết của ông). Đường phố thì dài hun hút, chân các em thì non nớt. Các em vừa đi, vừa chạy lúp xúp, vừa rao: “Bánh mì nóng giòn đ…â…y!… Bánh mì nóng giòn đ…â…y!…”. Tiếng rao của các em lanh lảnh trên các đường phố rộng, trong các con hẻm sâu, nghe như có chút khẩn cầu. Bạn đồng hành với các em là các xe tủ kính đẩy tay, thúng bưng trên nách, đội trên đầu của các bà, các cô bán rong bánh mì không,  bánh mì kẹp thịt, len lỏi cùng khắp, nhất là ở chỗ bến xe, nhà ga, trong chợ, ngoài trường học…. Rải rác còn có tủ kính bánh mì đặt cố định một chỗ trên các vỉa hè, trên các góc phố đông người. Mỗi sáng sớm, người ta cũng thường gặp những đoàn xe đạp chở bánh mì ra ngoại ô, về nông thôn. Trên “hành trình” xa ấy, bánh mì được giữ nóng bằng cách cho vào lồng đan nan tre phất hai lớp giấy bao xi măng và bao nhựa kín mít.

        Tô bún, tô phở, hộp xôi… đều là những món đắt tiền hơn ổ bánh mì kẹp thịt. Không ít người đồng tiền bát gạo khó kiếm, đã chọn giải pháp cho bữa ăn sáng bằng ổ bánh mì không hoặc ổ bánh mì chan nhờ nước tương nơi tủ bánh mì vỉa hè,  không dám mơ đến ổ bánh mì thịt. Ăn bát phở kèm ổ bánh mì là ăn cầu no; ăn ca ri – bánh mì,  bánh mì - ớpla, bánh mì -  pate, bánh mì chấm bơ, bánh mì chấm sữa nóng … là ăn theo gout của các ông Tây bà đầm. Giới làm ăn tất bật, mới sáng sớm, vào quán “kiếm” ly cà phê, nắm theo trên tay ổ bánh mì. Leo lên tàu, xe mà cầm theo ổ bánh mì là người tranh thủ thời gian, kẻo trễ xe tàu. Người lao động, nửa buổi, ăn ổ bánh mì, giản đơn mà lại “tái sản xuất sức lao động”, học sinh ôn thi tới khuya lơ khuya lắc, ăn ổ bánh mì, là “ăn vóc học hay”…  

        Ít ai không có kỷ niệm với ổ bánh mì. Hồi đi học ở Quy Nhơn, bạn bè vẫn phong tặng tôi danh hiệu nghệ sĩ Acmonica. Ấy, không phải vì tôi chơi tài tử món nhạc này mà bởi các bạn thường thấy tôi ăn bánh mì, động tác khá giống người thổi Acmonica; còn tôi thì chống chế lại bằng câu nói, cháy túi rồi, nhá bánh mì thôi. Ngày làm việc ở Hội Chữ Thập Đỏ Bình Định, tôi vẫn có dịp đi cùng các đoàn từ thiện xuống các vùng thiên tai bão lụt, và vẫn được “ngày 3 bữa” bánh mì ngay trên xe cùng các đoàn cứu trợ, ấy vậy mà thấy khỏe, thấy phấn khởi tinh thần, vì mình đang làm việc nhân đạo, cứu giúp người bị nạn. Hình như ít người thành phố lại “vô tư” đến không nắm địa chỉ những nơi bán bánh mì ngon. Ở Quy Nhơn, tới mua cái bánh mì bà Hường ở đường TBH, thấy bao nhiêu là điều bắt mắt: Tay cô con gái của bà thon búp măng, đeo nhẫn, cầm con dao Thái Lan thái chả, thái thịt, thái rau, rồi cũng bàn tay ấy rạch ổ bánh mì, kẹp thịt chả, kẹp dưa leo, cọng hành ngò xanh, lát ớt cay màu đỏ tươi, xịt nước tương vào cái ổ bánh, rồi đặt ổ bánh vào tờ giấy, cuộn lại, trao bằng hai tay hai mắt cho người khách đang vui vẻ đợi. Tất cả các động tác của cô bán hàng đều rất thành thạo, rất lịch sự, nó nhịp nhàng, khiến tôi nghĩ đến điều: Cô ta đang làm theo một điệu nhạc rất du dương ở trong hồn mình.

          Trong lịch sử thế giới, không ít cuộc đấu tranh với khẩu hiệu: “Bánh mì cho chúng tôi”, “Chúng tôi cần có bánh mì”... Phụ nữ thế giới, cách đây 100 năm (1910 – 2010) đã giương cao khẩu hiệu “Bánh mì và hoa hồng” để đòi quyền làm việc ngày 8 giờ, việc làm ngang nhau và bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Sự kiện đó để lại cho ngày nay tinh thần của ngày kỷ niệm Quốc tế Phụ nữ 8 / 3 hằng năm.



        Ngày nay, cái ổ bánh mì nóng giòn, cái bánh mì sanwich phổ cập đến mức, kể chi ở thành phố, ở nông thôn đám giỗ, đám cưới, người ta cũng đãi bánh mì ca -  ri thay cho bát cơm nóng như hồi xưa. Xế nào cũng vậy, nhắm chừng bụng cơm trưa đã đói, cái ổ bánh mì lại lên tiếng: “Bánh mì sữa, đặc ruột thơm ngon, 2000 một ổ”… “Bánh mì sữa, đặc ruột thơm ngon, 2000 một ổ”… vang vang các đường phố. Người ở các nước là quê hương của bánh mì, nhưng sang Việt Nam thì vẫn khen cái bánh mì Việt Nam ngon hơn. Vì bánh mì nước họ rất mềm hoặc rất cứng, đen hoặc trắng, nóng hoặc nguội ngắt, chứ không như bánh mì Việt Nam vừa giòn, vừa xốp, có cạnh bánh giòn, thơm, hơi cháy vàng… ăn ngon tuyệt. Có nữ du khách người Nhật nói, bà ta mê bánh mì kẹp thịt ở Việt Nam, không mê phở bằng mê bánh mì.

H.K.B

Tác giả gửi www.trieuxuan.info
Số lần xem: 34bản để in
Các tác phẩm đã đăng:Trở lại - Đầu trang
Những ngày Châu Á của thi hào Mỹ Latin Pablo Neruda - Phan Quang 17.05.2012
Chùm tản văn gửi từ Bình Định (2) - Huỳnh Kim Bửu 17.05.2012
Chùm tản văn gửi từ Bình Định (1) - Huỳnh Kim Bửu 16.05.2012
Khi nhà văn thôi làm Bộ trưởng - Phan Quang 16.05.2012
Thành tích trên đầu lưỡi - Võ Phiến 14.05.2012
Xem tướng nhà - Võ Phiến 11.05.2012
Anh Bình Định - Võ Phiến 07.05.2012
Mưa và thơ - Võ Phiến 03.05.2012
Nhớ nhà văn "lão bản" Vương Trung Nguyễn Anh Tuấn 02.05.2012
Ông và cháu - Võ Phiến 26.04.2012
xem thêm »

Không có nhận xét nào: