.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Tản văn của Huỳnh Văn

Chõng tre

                                              

           Đồ dùng trong nhà nông thôn, gần gũi với giường, phản, võng, còn có cái chõng. Chõng làm bằng tre cho nên thường được gọi là chõng tre.
          Cũng có cái chõng khung gỗ nhưng không phổ biến. Chõng tre kích thước nhỏ, gọn (bề rộng vừa bằng đôi vai, bề dài vừa bằng hoặc ngắn hơn chiều cao của người nằm chõng). Chõng không để nằm mà chủ yếu để ngồi chơi, hóng mát, dùng trà, chủ nhân ngồi tiếp ông khách hàng xóm vẫn siêng đến chơi nhà… Chõng tre không trải chiếu, trải vạc thôi. Vạc làm bằng thanh tre cật, bện liên kết lại bằng sợi mây. Dùng lâu, chõng mỗi ngày mỗi láng lên nước. Chõng tre không bỏ gối bông, gối rơm, thớ lỡ muốn nằm thì có sẵn đầu chõng cái gối săng (khúc gỗ đặc) hoặc gối bện mây. Nằm gối săng, gối mây sạch, vì không dính được giọt mồ hôi và nó đồng bộ với cái chõng phơi trần, không trải chiếu.
         Làm cái chõng tre, không mất công mấy. Có sẵn vài cây trảy ngoài bờ tre, năm sợi mây để sẵn trên gác bếp là bác nông dân nào (không cần tay thợ) cũng làm được một cái chõng tre, 1 ngày là xong. Chõng tre có bán ngoài các chợ, trong cửa hàng đồ vật dụng gia đình làm bằng tre, mây với giá rẻ. Dù được tính chân quê, tiện lợi là vậy, nhưng đa số người nông thôn thời nay không còn ưa chuộng cái chõng tre nữa, người ta thích hơn cái ghế xích đu, giường xếp khung INOX hoặc khung sắt sơn tĩnh điện. Họ bảo, bây giờ ở nhà bê – tông, nền gạch bông, tường sơn trắng, phòng nào cũng đặt Ti – vi, bộ máy tính, nó không còn chỗ cho chõng tre, giường tre thô sơ, ộp ẹp.
         Chõng tre có vị trí ở trong các nhà tranh vách đất. Cái nhà tranh vách đất đó được kể từ túp lều tranh che nắng mưa đến ngôi nhà ba gian hai chái – năm gian hai chái, đến nhà khung gỗ chạm trổ có tên gọi nhà lá mái (nhà sang nhất ở nông thôn thời xưa)… Trong những mái nhà đó, chõng tre không đặt ở nhà trên, nhà dưới, cũng không đặt ở nhà buồng mà thường đặt ở nhà cầu nối, nhà bếp, hiên lai ở trước nhà.
          Nhiều chủ nhà là người khá giả, treo ở hiên lai mành sáo tre, giò lan, trồng ở chỗ giọt nước bụi hồng tường vi, bụi bông trang trắng…Và cũng đặt ở hiên cái chõng tre. Mỗi sáng sớm, chủ nhà thức dậy, đun ấm nước, rồi ra trước hiên lai, hái vài hoa tường vi nở trong đêm. Cho trà búp Đài Loan, cho hoa vào bình, rót nước sôi vào hãm giây lát là có được một bình trà ngon hảo hạng. Bưng kỷ trà tỏa hương đặt trên chõng, ngồi ngó ra sân còn đặc sương mai, uống trà với tâm thế người chào đón buổi bình minh, thế là chủ nhân có được một bữa thưởng thức trà ngon, sánh được với cái thú “Bình minh sổ trản trà” của người xưa. Những hôm, chủ nhà được ông khách quý hàng xóm sang chơi thì cái thú uống trà kiểu đó được nhân lên gấp bội. Phân ngôi chủ khách, mỗi người ngồi một đầu chõng tre, kỷ trà đặt ở giữa, rồi cùng “đối ẩm”. Ngày dần lên, sương dần tan nhường chỗ cho nắng mới và bình trà cuối cùng cũng đã nhạt, ấy vậy mà không ai muốn đứng dậy rời chõng trà của mình.
          Ở trong các nhà tranh vách đất sơ sài, chật chội, chõng tre thường được dùng như chiếc giường phụ. Tối, đem chõng tre đâu với giường là có thêm chỗ nằm cho mấy thằng nhóc con có tật vừa ngủ vừa quẫy đạp; sáng ngày thức dậy, đưa chõng tre ra chỗ cũ ngoài hè, vậy là được rộng nhà. Chõng tre còn cơ động hơn nữa. Mùa Hè nóng bức, chỗ nào mát, (tỉ như bụi tre già, cái nhà ngõ hứng ngọn gió nồm từ ruộng thổi lên), thì đem chõng tre ra đó ngồi chơi. Trong nhà tôi, mấy anh em tôi ngồi chõng tre học từ Tiểu học cho tới Trung học, mãi sau này ba mới sắm được cái bàn học bằng gỗ tạp cho thằng em Út. Ông Tú Kép làng Bình An, ngồi nhà dạy học, học trò cả tổng Háo Đức Thượng đến học, đông tới mấy chục. Lớp học ông, hằng ngày thầy đồ ngồi chõng tre giảng sách, giảng đạo lý Thánh hiền, học trò ngồi chõng tre lắng nghe sách, nghe lời thầy giảng. Tới chừng đi thi hương ở trường thi Bình Định, những sĩ tử này vác chõng vào trường thi, cho đủ lệ bộ lều chõng: “Tấp tểnh người đi tớ cũng đi / Cũng lều cũng chõng cũng vô thi” (Đi thi - Trần Tế Xương). Khoa thi nào, học trò ông Tú kép cũng có nhiều người thi đỗ. Hình như mọi việc trong gia đình tôi, ba má tôi đều ngồi chõng tre để bàn bạc và quyết định. Có lần tôi nghe lỏm câu chuyện ba má ngồi chõng tre hỏi ý nhau để đưa ra quyết định gả chị Hai tôi cho anh Hiến, cho bây giờ anh chị được hạnh phúc. Lần khác, ba má ngồi chõng tre nói chuyện, có tôi bắc ghế ngồi bên cạnh nghe hai người. Bàn một đỗi, ba má nhất trí đem đi thục hai công cấy ruộng cho ông Hương hào Nhuệ để có tiền cho tôi đi học trên trường tỉnh.
          Hình như trong các sinh hoạt của người quê tôi, thường có mặt cái chõng tre. Chõng tre theo anh sĩ tử đi thi như đã nói. Chõng tre ra chợ Bồ Đề, cho bà hàng gạo, chị hàng cau, ông Các chú bán nước chanh nước é…Những cậu học trò trường làng như tôi vẫn ra chợ Bồ Đề mua tập vở, lọ mực, tiểu thuyết Thủy Hử, Thuyết Đường… bày bán trên cái chõng tre của bà hàng xén trong chợ. Ở quê tôi, gặp đêm trăng gió mát, có ông chủ nhà chỉ cần có vài khách mê tuồng đến chơi là có thể tổ chức được một đêm hát bội. Chủ nhà bỏ ra sân vài cái nong, mấy cái chõng tre vây quanh nong là có được một cái sân khấu, có chỗ cho khán giả ngồi xem hát. Thế là Tạ Ôn Đình, Tạ Lôi Nhược, Địch Thanh, Trại Ba công chúa …lần lượt ra sân khấu (chỗ mấy cái nong) với đủ câu Nam, câu Khách, đủ điệu bộ, kèn trống (bằng miệng) chỉ thiếu thương giáo, hóa trang.    
         Ông lão Tư Đồ có cái miệng hay cười mủm mỉm, cái tính thích chơi với lũ trẻ nhỏ, còn cái bụng của ông được lũ con cháu ông thích gọi là cái kho chứa truyện cổ tích. Hằng ngày, ông vẫn thường ngồi trên chõng tre trước hiên nhà mình chờ lũ con nít trong xóm tới chơi, nghe ông kể chuyện đời xưa. Có những chuyện, như Trầu cau, Ăn khế trả ngàn vàng, Tấm Cám … lũ nhỏ nghe ông Tư Đồ kể trước, sau được cái thích thú gặp lại trong những trang sách giáo khoa mà chúng đang học.
         Có những cuộc đời cứ gắn với cái chõng tre: Sơ sinh được mẹ ngồi chõng tre bế bồng, cho bú mớm; ấu thơ được mẹ ngồi đất lót khăn êm cho nằm chõng tre để ru giấc ngủ; niên thiếu ngồi chõng tre ê a học bài; trung niên ngồi chõng tre bên vợ sau buổi cày đồng về; lão niên ngồi chõng tre phe phẩy quạt nan thường được đàn con cháu quấn lấy …  

Không có nhận xét nào: