.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010





Tản văn Huỳnh Kim Bửu


THÔN NỮ



    “Bao cô thôn nữ hát trên đồi” (Thơ Hàn Mạc Tử). Đó là một màn trình diễn giữa tự nhiên mà người ta thường gặp ở các làng quê xưa. Thôn nữ là thiếu nữ nông thôn, cô gái quê tuổi chừng 15 -17 , chưa lấy chồng.

         Và người ta cũng có “thôn nữ mở rộng” (theo kiểu nói ASEAN, G7 mở rộng của thế giới ngày nay), để kể luôn vào đó những thiếu phụ (vợ trẻ) những gái một con (trông mòn con mắt) và cả những gái lỡ thì, gái goá, gái nạ ròng, gái già nữa…Từ khi cô thôn nữ đi lấy chồng, thì cô trở thành phụ nữ, thành đàn bà.
         Thôn nữ đẹp, vẻ đẹp của tuổi xuân thì. Do cách ăn nói của người nông thôn, vẻ đẹp đó thường được gọi là xinh: “Trúc xinh trúc mọc bờ ao / Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh / Trúc xinh trúc mọc sân đình / Em xinh em đứng một mình cũng xinh “ (Ca dao). Thôn nữ tóc xanh, môi hồng, má thắm, thân hình đáy thắt lưng ong: “Những người đáy thắt lưng ong / Chồng thương chồng ẵm chồng bồng, chồng hát ru” (Ca dao). Cái màu xanh mơn mởn của cây lúa nhảy lên bờ ruộng ngày sắp trổ đòng, được ví với tuổi thôn nữ: Cây lúa thì con gái. Với vẻ xinh đẹp ấy, khi làm duyên, thôn nữ càng xinh đẹp hơn. Thôn nữ làm duyên là thôn nữ rụt rè e lệ, chúm chím môi cười, “yểu điệu thục nữ” … Bên cạnh đó, nàng còn có cái duyên do bác mẹ sinh ra: Răng khểnh, má lúm đồng tiền, giọng nói thanh tao; cái duyên nhờ biết trang điểm: cổ treo dải yếm, cổ đeo bùa, tóc bỏ đuôi gà, nhuộm răng đen nhánh hạt huyền…. Bao nhiêu đó, gọi là nhan sắc; và cô thường soi gương giếng nước để ngắm nhìn nhan sắc và tự “biết” mình: “Chìm đáy nước, cá lừ đừ lặn” (Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều).
          Thôn nữ còn có vẻ đẹp tâm hồn nữa, vì nhan sắc mới là vẻ đẹp bề ngoài. Cái vẻ đẹp đó được thể hiện trong tình yêu quê hương, cha mẹ, chồng con của cô sau này… mà tình yêu nào ở cô cũng thủy chung, son sắt. Với quê hương thì: “Anh đưa em đến vườn đào / Màu tươi sắc thắm em nào dám chê / Nhưng em luống nặng lòng quê / Nhớ hương cảnh cũ bốn bề núi non / Nhớ nơi làng xóm con con / Nhớ thương cây quế cho von trên đồi” (Lòng quê – Hằng Phương); với cha me thì nàng thật lo lắng và quan tâm: “Mẹ già như chuối chín cây / Gió đưa mẹ rụng con rày mồ côi” (Ca dao); với chồng con thì thôn nữ: “Sạch như nước, trắng như ngà trong như tuyết / Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ” (Thi ca Nguyễn Công Trứ). Trong cuộc sống hằng ngày, vẻ đẹp tâm hồn thôn nữ thể hiện bằng cái nết: Nết ăn, nết ở, nết đứng ngồi, nết siêng năng làm lụng…Cái nết quan trọng đến mức được người ta bảo: “Cái nết đánh chết cái đẹp” (Tục ngữ); “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn / Xấu người tốt nết còn hơn tốt đồ (Ca dao).     
          Thôn nữ sinh ra là để làm lụng: Nhỏ thì trông nhà, bế em; 9 – 10 tuổi bắt đầu giúp mẹ bao công việc trong nhà, từ quét dọn, nấu cơm; lớn một chút, theo mẹ ra đồng ra sông để đi cấy, nhổ cỏ, mò cua bắt ốc… Người ta thấy bóng dáng thôn nữ nơi ngõ xóm, đường làng, ruộng đồng, sông nước, chợ búa … Cô thường tay cầm liềm hái, không thì vai vác đòn gánh hoặc hông cặp thúng rổ... Mà điệu bộ thì như con sáo sang sông, con chim sơn ca trên bầu trời, nhưng cũng có khi hấp tấp vội vàng chân nam đá chân chiêu. Trong các công việc thôn nữ phải làm, việc ngoài đồng là vất vả, nặng nhọc nhất: “Người ta đi cấy lấy công / Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề…” (Ca dao). Và cũng như bao người nông thôn khác, nàng chỉ hưởng nhàn những khi hết việc đồng áng. Đó là lúc mà người ta gọi là nông nhàn, cho làng quê tổ chức lễ hội với bao người đi xem. Bây giờ, nàng đi lễ hội, nàng mừng gặp người quen, nàng xởi lởi mời trầu, nàng hò hát đối đáp cùng bao bạn trai nơi đồng trăng khuya khoắt, trên sông nước mênh mông… Không biết chừng chẳng bao lâu, nàng có người tâm đầu ý hợp.
         Hồi xưa, các gia đình quyền quý và các nhà bình dân vẫn sống chung với nhau trong một cộng đồng làng xã. Con gái nhà quyền quý được gọi là tiểu thư, con gái nhà bình dân được kêu thôn nữ. Các tiểu thư được ông bà cha mẹ dạy công ngôn dung hạnh, các thôn nữ được ông bà cha mẹ dạy làm ăn, nết na. Nguyễn Trãi viết cả một cuốn sách (Gia huấn ca) để dạy dỗ vợ con nhà mình và vợ con muôn nhà khác. Nguyễn Đình Chiểu mở đầu Lục Vân Tiên viết: “Trai thời trung hiếu làm đầu / Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”.  
          Thôn nữ không có điều kiện đến trường học tập như con trai: “Trai thời đọc sách ngâm thơ / Dồi mài kinh sử để chờ kịp khoa / Gái thời giữ việc trong nhà / Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa” (Ca dao). Con gái có học chữ thì cũng học với cha, anh ở nhà mình. Tuy vậy, tài gái đã không kém gì tài trai: Làm nữ sĩ có bà Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương…; làm thái hậu, mẫu nghi thiên hạ, như bà Dương Vân Nga, bà Ỷ Lan, bà Từ Dũ… trong lịch sử Việt Nam. Tây Thi trong lịch sử Trung Quốc, từ cô gái giặt lụa ở thôn Trữ  La, bỗng một hôm được người ta đem xa giá rước về làm ái phi, thần thiếp, được yêu vì hết mực. Trong lịch sử chống ngoại xâm, sử nước nhà ghi Bà Trưng, Bà Triệu, bà Bùi Thị Xuân, đội quân tóc dài, thanh niên xung phong, o du kích…
          Ở quê tôi bao đời, con gái giỏi lắm: Giỏi võ chẳng kém gì con trai, đến được ca ngợi: “Ai về Bình Định mà coi / Con gái Bình Định múa roi đi quyền” (Ca dao). Bình Định được gọi là cái nôi của hát tuồng, đào thanh sắc, hát hay ở Bình Định thời nào cũng có (thời gần đây, nổi tiếng Minh Đức, Ngọc Cầm…). Con gái quê tôi cũng giỏi nghề nữ công gia chánh, làm nên món ngon: cái bánh ít lá gai, nem chợ Huyện, rượu Bàu Đá, bún Song thằng …Giỏi nghề thủ công với bao mặt hàng: nón Gò Găng, đồ đúc đồng Bả Canh - Đập Đá, tơ lụa Phú Phong nổi tiếng, cũng từ bàn tay họ. Có một thời, quê tôi sống tự cấp tự túc (hồi chín năm kháng chiến 1945 – 1954), thợ thủ công thị trấn Bình Định, Đập Đá, Gò Găng (đa số là con gái) dệt vải Xi – ta chỉ đánh may quân trang cho bộ đội; làm được cây bút máy KAOLÔ (bằng đất sét nung) cho học sinh, cho văn phòng; cây đàn Mandolin, đàn Ghita, sáo trúc…cho trong các làng quê luôn có tiếng đàn ca…
         Mối tình của cô thôn nữ thường là mối tình với anh trai làng: “Trâu đồng nào ăn cỏ đồng nấy” (Tục ngữ), chứ với trang anh hùng, đấng quân vương thì triệu triệu người may có một. Cô – chàng có nhiều dịp gặp nhau lắm: Nhờ ở gần nhà nhau: “Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn” (Thơ Nguyễn Bính); trong lao động: “Hôm qua tát nước đầu đình / Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen” (Ca dao), hôm đi dự hội làng, một buổi chợ đông… Họ gặp tình cờ cũng có mà hẹn trước cũng có: “Sương sa ướt cả trăng tà / Bởi anh lỗi hẹn ngọn cỏ gà nó đẫm sương” (Ca dao).
         Thường thì chàng trai tỏ tình trước, theo kiểu “trâu tìm cột”. Nhưng đôi khi thôn nữ cũng phá lệ, vì chàng trai quá nhút nhát: “Hỡi anh đi đường cái quan / Dừng chân đứng lại em than vài lời”…(Ca dao). Con gái hồi xưa thường lấy chồng sớm: “Lấy chồng từ thuở mười ba / Đến năm mười tám thiếp đà năm con...”. (Ca dao). Và như thế là họ kết thúc tuổi con gái sớm để bước vào cuộc đời làm phụ nữ, đàn bà, làm vợ, làm mẹ với 12 bến nước trong nhờ đục chịu, sang nhờ hèn chịu “Thân em như hạt mưa rào / Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa” (Ca dao). Nhưng không phải cô thôn nữ nào cũng “hanh thông” trên đường tình duyên. Người ta thường bảo cái duyên con gái có thì, ví như bông hoa sớm nở tối tàn; đã biết thế đừng để lỡ thì, lỡ duyên, buồn lắm: “Còn duyên kẻ đón người đưa / Hết duyên đi sớm về trưa một mình” (Ca dao). Cô thôn nữ kén chồng là kén những ai? Thường thì kén người tài trai: “Trai ham sắc gái ham tài” (Tục ngữ), chàng trai biết làm ăn, người tâm đầu ý hợp. Con gái lỡ thì, không khéo giữ gìn, bỗng đâu: “Phận liễu sao đành nảy nét ngang” (Thơ Hồ Xuân Hương), nàng không chồng mà lại có con, cho làng bắt vạ nặng. Ta cứ xem chèo cổ Quan Âm - Thị Kính thì rõ.
          Từ khi lấy chồng, cô có bổn phận làm vợ: thuỷ chung với chồng; làm mẹ thì cùng chồng nuôi dạy con, đó là chưa nói chuyện “nuôi già dạy trẻ” (Chinh Phụ ngâm khúc – Đoàn Thị Điểm) khi chồng xa vắng, khi nàng là chinh phụ còn chàng là chinh phu…Trên đất nước, đi đâu cũng gặp hòn Vọng phu, đá Vọng phu để tạc ghi những câu chuyện tình đầy cảm động, dựng hình tượng người vợ trẻ kiên trinh đợi chồng đi xa lâu ngày về. Thoại Khanh (Trong Thoại Khanh, Châu Tuấn - Truyện cổ dân gian) cõng mẹ chồng đi xin ăn và đã có khi lén mẹ tự lóc thịt mình cho bà ăn đỡ đói, không phải chỉ là hư cấu của nghệ thuật văn chương. Không ít cô vợ trẻ đã phải lo làm lụng để nuôi chồng ăn học: “Sáng trăng trải chiếu hai hàng / Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ” (Ca dao) với hy vọng có ngày chồng thi đỗ: “Võng anh đi trước võng nàng theo sau” (Ca dao). Cô ít có thời gian để lo cho bản thân mình “Chưa chồng đi dọc đi ngang / Có chồng cứ thẳng một đàng mà đi”, đó là lời than chung của những người làm mẹ, làm vợ trẻ trung, cái thời con gái của họ cứ như vừa mới hôm qua. Không biết cô thôn nữ có buồn không? Khi cô nhìn thấy nhan sắc mình tàn phai: “Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa / Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha / Khi cô vui thú là khi đã / Bồng bế con thơ đón tuổi già! “ (Cảm xúc - Hồ DZếnh).
          Ngày nay, cô thôn nữ vắng bóng dần ở các làng quê. Mặc dù ở quê vẫn còn khó nghèo, nhưng thật khó gặp đâu đó cô gái, chị phụ nữ mặc áo bà ba, đội nón lá, tay cầm gàu tát nước đi ra mương, ra đồng, như mẹ ta, chị ta hồi xưa. Bây giờ, gái quê mặc đồ bộ, đồ tây, đi xe máy, nói chuyện điện thoại di động, một đêm mất điện không làm sao cho nàng khỏi bực bội… Cũng may là dân gian đã sớm khắc họa bóng hình cô thôn nữ ngày xưa: “Một thương tóc bỏ đuôi gà / Hai thương ăn nói mặn mà có duyên / Ba thương má lúm đồng tiền / Bốn thương răng lánh hạt huyền kém thua”… (Ca dao). Cô tới mười thương, lận!

2 nhận xét:

Nguyễn Chơn Hiền nói...

Chào anh Huỳnh Kim Bửu!
Chơn Hiền vào xông nhà anh đây.

huỳnh kim bửu nói...

Cảm ơn Chơn Hiền đã ghé lại và mình cũng chúc mừng nhà mới của bạn. Thân, HKB