.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Tản văn Huỳnh Kim Bửu

Ngồi buồn nhớ những rạ,rơm

Chủ Nhật, Ngày 26/09/2010 07:27 AM
Ta yêu các làng quê, một phần vì nơi đó, ta còn có những kỷ niệm xưa cũ và những "nét quê" mà  thị thành nơi ta đang ở không có. Trời nắng tháng ba chang chang, cây lúa chín trĩu bông đứng ngoài đồng được cắt về, tuốt lấy hết bông lúa, thì phần còn lại là rạ, rơm.
Rạ là phần thân lúa cũ; rơm là phần nhánh và lá bị bứt ra, không còn dính với thân lúa. Rạ, rơm trải phơi trong sân, trong vườn, cột thành bó móc phơi trên hàng rào các nhà, lan ra tới ngõ xóm, đường làng. Cảnh đó khiến người ta đi đến đâu cũng bực cái vướng chân, nhưng cũng được hưởng cái vui, nghe thấy mùi hương đồng nội thơm lừng: "Đường trong làng: hoa dại với mùi rơm/Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm". (Đi giữa đường thơm  - Huy Cận).
Rạ rơm phơi 1 - 2 ngày đến khô, chờ ngày người ta gom lại, chất cao thành đụn ở chỗ mặt đất bằng phẳng, cao ráo trong sân hoặc trong vườn nhà. Giữa đụn rạ, rơm có trụ, thường gọi là trụ rơm, bằng gỗ săng, chôn sâu, đứng thẳng vững chải. Đụn rạ thân hình trụ, trên ngọn xếp những lớp bó rạ tạo mái che, đỉnh rút lại vừa đủ bung một bó rạ nữa làm ngù cho kín mái. Trông đụn rạ giống như một cây nấm khổng lồ, có đụn to đường kính tới 3 - 4 met, chiều cao 4 - 5 met.Bên cạnh đụn rạ là đụn rơm hình tháp, to hơn nhiều ngôi bảo tháp nơi các nhà chùa trong làng. Trước nhà, mọc đụn rạ, rơm là có thêm nữa tiếng chim sẻ ríu...ran, ríu... rít suốt ngày cho vui, vì đó là nơi chúng bay về bươn chải, tìm hạt thóc ăn.
Ngày xưa khách vô nhà, khác với bây giờ, nhìn thấy mấy đụn rạ, rơm lồ lộ trong sân là đoán ngay được chủ nhà thuộc thành phần kinh tế nào: Có nhiều ruộng hay ít ruộng? Giàu hay nghèo? - Nhà có đụn rạ, đụn rơm to, hẳn nhiều ruộng, nhà giàu; nhà có đụn rạ, đụn rơm vừa là nhà ruộng dăm sào, non mẫu, nhà trung lưu; nhà được một đống rơm con con bằng cái quạt gió giê lúa nơi nhà ông hàng xóm là nhà không mảnh đất cắm dùi, nghèo rớt mồng tơi, chỉ đi nhặt góp rạ rơm rơi vãi đem về.
Nói ngày xưa khác bây giờ, vì bây giờ sự giàu có được tính bằng những tiêu chí khác: Ông chủ có mấy ngôi nhà ở các thành phố lớn, tiền vàng gởi ở những ngân hàng nào, sự hưởng thụ cuộc sống thường nhật, từ ông bà chủ cho tới các cô chiêu cậu ấm, ra sao?...

Rạ, rơm thân thiết với cuộc sống vật chất và tinh thần của người trong các làng quê. Rơm, rạ cho người cái đun bếp, tấm lợp nhà. Nhà nông nhờ có rạ, rơm mà nuôi con trâu, con bò làm đầu cơ nghiệp: "Trâu ơi, ta bảo trâu này / Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta..." (Ca dao). Cho người cái ổ rơm nằm ấm đêm Đông lạnh lẽo, cái gối gối đầu cho êm giấc ngủ, cho tròn giấc mơ mà cũng cho cái ngẫm nghĩ về thân phận: "Gối rơm theo phận gối rơm/Có đâu dưới thấp lại chòm lên cao  (Ca dao). Đâu cũng rạ rơm. Có con chim trời tha cọng rơm về làm tổ, cái hình nộm bện rơm, làm bù nhìn giữ ruộng dưa, và cả thơ Vịnh bù nhìn của một ông vua thương dân: "Quyền trọng ra uy trấn cõi bờ/Vốn lòng vì nước há vì dưa!..." (Lê Thánh Tông), nhà nông trộn rạ rơm với phân trâu bò bón ruộng, vườn. Có một thời khó khăn quá, người ta đã ngâm nước tro bếp giặt quần áo, thay xà phòng; nhà công sở (trường học, bệnh viện, hội trường, nhà hát...) là những dãy nhà dài lợp tới nhiều thiên tranh.
Ai đã có lần bưng miếng cơm ăn bốc mùi ẩm mốc của hạt gạo giũ rạ, mới thấu hiểu cái nghèo đến đáy của một bộ phận dân quê làm nghề giũ rạ đánh tranh, cái nghề đi tìm hạt thóc sót trong các đụn rạ cũ! Người nghệ sĩ làng quê nhờ rạ rơm mà có cái nhìn phân biệt giả, chân: "Anh hùng là anh hùng rơm/Ông cho mồi lửa hết cơn anh hùng" (Ca dao), nói thẳng lời hơn thiệt mà nhắc nhở người hãnh tiến đừng quên gốc quên nguồn: "Ai ơi đừng có quên rằng/Mình từ gốc rạ tung tăng lên ngài" (Ca dao). Rạ rơm thật chung thuỷ với con người, vì còn theo người trong bộ hậu sự cho người lâm chung, làm bó đuốc tiễn người ra đi ra cửa huyệt.

Những tháng 4, 5, 6, 7, 8 trong năm trôi qua, thóc trong lẫm trong bồ nuôi người, lúa lép, lúa lừng ngoài hiên, ngoài hè cho gà, lợn ăn... vơi dần, rồi hết sạch để  nhường chỗ cho cái ngày giáp hạt tới. Còn những đụn rạ, rơm kia, cũng theo thời gian mà còm cõi, rồi tan biến, nhường chỗ cho những đụn rạ, đụn rơm mùa sau. Những đụn rạ rơm bị còm cõi theo ngày tháng, là do bị rút ruột cho trâu bò ăn, đun bếp, ủ phân, lên vồng trồng nấm... để rồi được chống đỡ bằng những trụ rơm phụ. Có những đám hoả hoạn, đụn rạ rơm đã cháy thành tàn tro mà những trụ rơm vẫn còn bốc khói tới mấy ngày sau. Không ít trường hợp, đám cháy để lại những trụ sù sì, đen nhẻm như những cánh tay đưa cao lên với trời.
Vùng Nam Trung Bộ có câu: "Tiếng đồn Bình Định tốt nhà/Phú Yên tốt lúa, Khánh Hoà tốt trâu" (Ca dao). Khách du lịch vào các làng quê Bình Định dễ dàng gặp những ngôi nhà lá mái lợp tới 4 - 5 thiên tranh với nội thất bóng lộn những đồ gỗ chạm trổ, hoành phi liễn đối cẩn xà cừ giàu tính mỹ thuật...

Nhớ ngày thơ, đụn rạ, đụn rơm là chỗ cho lũ nhỏ làng An Định chúng tôi bày bao trò chơi: cút bắt,  5 - 10, đánh giặc giả...Được làm vua, lũ thằng Cu Nhín, Cu Loi... vẫn làm ngựa chưng đưng cho bọn tôi và thằng Hoành - con ông Hương bộ Nhuệ - cỡi.

Bây giờ nhớ quê, mong được dịp về quê để tìm cảnh cũ, nét quê xưa: Đàn chim dồng dộc treo trăm tổ đung đưa trên các bụi tre, "trâu bò về rợp những nương ngô", những bầu cốm ngô, cốm nếp giống như cái bầu ve quá khổ mà toả hương thơm phức các bà gánh bán dạo quanh làng...Nhưng đã không gặp, không thấy! Những đụn rạ, đụn rơm cũng theo đó mà vắng bóng thực rồi, vì cây lúa bây giờ ngắn, thấp, cho năng suất cao mà rạ rơm không bao nhiêu. Vả lại, từ lâu người ta đã cắt đập bằng máy tại ruộng, rạ rơm thì đốt đồng, vừa đỡ công gánh gồng vừa sẵn đó làm phân bón ruộng.

Không có nhận xét nào: