.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011



Tản văn của Huỳnh Kim Bửu



Tản mạn về cái đồng hồ
“Đi xem đất, về ngước mặt xem trời” (Tục ngữ)



Cái đồng hồ! Hồi thật xa xưa, cái này ở ta không có, còn cách nay chừng 50 -  70 năm thì nó vẫn còn là vật quý hiếm. Tôi còn nhớ, cả trường Tổng hồi tôi theo học, chỉ có thầy Hiệu trưởng (cấp trên thuyên chuyển đến) mới có cái đồng hồ đeo tay. Và trường đã làm việc theo giờ giấc cái đồng hồ của thầy Hiệu trưởng (nhỡ hôm thầy đi vắng thì cả trường chỉ còn nước làm việc theo bóng mặt trời). Sống là làm việc, sinh hoạt theo giờ giấc, tuân thủ giờ giấc. Cho nên, dù không có đồng hồ, người ta vẫn phải có cuộc sống như thế. Nhưng bằng cách nào?

Hình như để “xem” giờ, lỗ tai có vai trò chính. Và cũng bởi thế, giờ còn gọi là tiếng đồng hồ. Người trong các làng quê, ban đêm lắng tai nghe đủ thứ tiếng quen thuộc để biết giờ giấc: Tiếng trống (hay tiếng mõ) cầm canh của ông trương tuần, tiếng vạc kêu, tiếng gà gáy sáng… Nhà Nho chia thì giờ thành Tý, Sửu, Dần, Mẹo… Tuất, Hợi: Một ngày đêm có 12 giờ, “nửa đêm (là) giờ Tý canh ba” (Ca dao), giờ Dậu gà nhảy lên chuồng. Còn nông dân thì khác, họ chia đêm thành  5 canh, ngày ra 6 khắc. Nông dân nuôi con gà trống, cốt để nó gáy báo sáng mà lo thức dậy ra đồng, đi chợ sớm … Người ta còn lắng nghe hồi chuông chiêu mộ, tiếng chiêng thu không để biết lúc chiều về. Chắc Nguyễn Du đã thức nhiều đêm để viết Truyện Kiều, cho nên kết thúc áng thơ tuyệt tác, cụ mới viết: “Mua vui cũng được một vài trống canh”.    

Muốn xem giờ giấc bằng con mắt, bà con phải ngước mặt trông trời. Ban ngày, người ta xem bóng mặt trời và đo thời gian bằng sào (cây sào chống sõng hay sào chận vịt): “Mặt trời lên cao mấy sào rồi nhỉ?”, câu nói vẫn thường nghe ở nông thôn. Người đi đường ngước mặt nhìn thấy ông Mặt trời chói chang trên đỉnh đầu là biết giữa trưa, lo rảo nhanh chân kẻo say cái nắng gắt. “Tà tà bóng ngả về Tây” là lúc chị em Thúy Kiều quay gót về nhà sau một ngày đi du Xuân, gặp gỡ chàng Kim mà chẳng biết, đó là duyên may hay rủi. Người ta cũng ngước nhìn trời đêm đêm để tìm xem những chòm sao: lúc sao hôm mọc biết là đầu hôm, sông Ngân Hà lên thượng đỉnh trời tròn biết nửa khuya, sao mai, sao cày  mọc là gần sáng… Còn Hằng Nga thì luôn đúng giờ: “20 Tuất rốt, 21 nửa đêm / 22 trăng mọc gà kêu, 23 trăng mọc gà đều gáy tan” (Ca dao). Đám cưới thời xưa thường đi lúc nửa đêm, “lưỡng tộc” nhìn trăng, nhìn sao theo kinh nghiệm, để kịp đưa đón cô dâu về nhà chồng đúng giờ tốt đã chọn.  Người ta cũng cúi mặt xem đất: Khi tròn bóng mặt trời trong chân là giữa trưa, mặt trời gác núi là chiều. Thuở là những cậu học trò Tiểu học, ngày hai buổi đến trường, lũ chúng tôi vẫn xem bóng nắng trên sân để đến trường đúng giờ. Bà nội trợ đi chợ về cũng xem vệt bóng mình in trên đường cái để liệu mà nhanh chân kẻo về trễ, khiến chồng đợi, con trông.

Nếu nói cho hết, người ta còn có kiểu xem giờ bằng những diễn biến tâm sinh lý nơi chính mình nữa: Làm việc từ sáng, nghe mệt, mỏi, bụng đói là biết đến trưa rồi; thức đêm đọc sách, con mắt buồn ngủ, tức đêm đã về khuya. Người nông dân khỏe, ăn ngon, ngủ ngon vẫn nói: “Đêm nào cũng thế, tớ ngủ ngon một giấc là tới khuya, ngủ thêm giấc nữa, thức dậy thấy trời gần sáng”.    

Cứ thế, người nông thôn “đi xem đất về ngước mặt xem trời” (Tục ngữ) mà sinh hoạt, lao động có giờ giấc, năng suất, chất lượng để nuôi dân, cho đất nước trường tồn. Thử hỏi, ở thời đại văn minh ngày nay, người ta có cái đồng hồ chỉnh chu, liệu làm ăn hơn trước được bao nhiêu? Bao cậu thanh niên thời nay bảnh bao, trong người có đủ loại đồng hồ nhưng vẫn ngồi quán cà phê tối ngày!

Chẳng biết cho tới lúc nào thì người ta thôi, không tính thời gian bằng canh, bằng khắc mà tính bằng giờ: Một ngày đêm 24 tiếng? Có phải, từ cái ngày Tây sang, nó sang đây cũng mang theo cái đồng hồ 24 tiếng mỗi ngày? Có thể như vậy, vì ở quê tôi hồi ấy, có ông Xếp ga Diêu Trì người Tây mũi cao mắt xanh và ông đã cho treo nơi mặt tiền nhà ga này cái đồng hồ to tướng, chạy rất đúng giờ mà người quê tôi gọi là “Đồng hồ nhà ga”. Về sau, trước nhà Giây thép (Bây giờ gọi là Bưu Điện) phủ An Nhơn cũng có treo đồng hồ to, sáng luyminơ ban đêm. Hình như, người nông dân quê tôi thấy cái đồng hồ đầu tiên là đồng hồ nhà ga?
 
Xem thế, đủ thấy cái đồng hồ thời xưa là quý hiếm, còn thời nay thì cái này nhiều, thật nhiều. Bạn đang ở nhà tư của mình hay đang ngồi nơi văn phòng cơ quan, đang ở phòng bạn thuê nơi khách sạn…  Ở đâu, bạn cũng ở giữa một không gian đồng hồ: Đồng hồ tường, đồng hồ bàn (báo thức) , đồng hồ đeo tay, đồng hồ điện thoại (của vợ chồng, con cái), đồng hồ vi tính, đồng hồ LAPTOP, đồng hồ trên màn hình TV…

Người ta có thú chơi đồng hồ! Cũng do có cái thú chơi đó mà các nhà sản xuất, các cửa tiệm đánh đúng thị hiếu, tranh nhau cho ra đời và giới thiệu các loại đồng hồ: Đồng hồ Thụy Sĩ thật mỏng (hiệu Wyler, Lugran), đồng hồ Nhật automatic (Seiko), đồng hồ vỏ vàng dây vàng, đồng hồ dây da đeo êm cổ tay, đồng hồ chống vô nước… Còn đồng hồ treo tường thì đủ loại: quả lắc, chạy pin, lên giây, tấu nhạc, đổ chuông, có lịch, có hình phong cảnh… Đồng hồ treo tường thời thượng cách nay 50 năm là đồng hồ hiệu ODO thùng to, tấu đàn, gõ chuông, gắn nhãn hiệu ngựa chạy, chỉ nhà giàu mới sắm nổi. Thời nay, có đồng hồ điện tử là thông dụng, vì có nhiều ưu điểm: giá rẻ, chạy đúng giờ, bền… Học sinh lớp 2 sau bài học xem giờ cô giáo dạy, phần đông các em đều thích thực hành xem giờ và bắt đầu đeo đồng hồ.

Hình như người thời nay, ít ai không có kỷ niệm với cái đồng hồ: Đồng hồ mẹ mua cho, đồng hồ bạn tặng, đồng hồ đi mừng đám tiệc, đồng hồ phần thưởng… Anh Hai tôi vẫn thích kể chuyện: Ông Thanh tra Tiểu học và cái đồng hồ quả quít:
Có một hôm, ông Thanh tra Tiểu học về trường tổng Háo Đức Thượng. Thầy Đốc trường hướng dẫn ông vào các lớp học. Ở lớp Ba sơ học của anh Hai, cả lớp sợ nhưng cũng nhìn lén ông trong bộ Âu phục (khác với các thầy trò đều mặc Quốc phục: quần trắng, áo dài đen, đi guốc mộc), và cũng phát hiện ông có vật gì bỏ túi quần tây, được nối với một đai nịt bằng một sợi dây chuyền kim loại màu trắng bạc. Cứ một chặp, ông lại rút túi vật đó ra xem, rồi lại đút túi, cất. Sau này, nhờ đi học trường Phủ, đầu óc có mở mang thêm, anh tôi mới biết, đó là cái đồng hồ quả quít (vì nó tròn trĩnh và cũng to bằng trái quít anh ăn) cho ông biết giờ giấc để làm việc.

Nhiều người thành đạt đã nói về cái đồng hồ của mình hồi xưa như sau: Bằng tiếng tích tắc, đồng hồ vẫn nhắc nhở, này anh bạn trẻ, anh hãy tranh thủ thời gian để học tập, làm việc cho tương lai, sự nghiệp của mình; nếu không thế, anh sẽ bị một ngày không xa rất ảm đạm, và không khỏi sống đời hối tiếc. Nhiều nhà sản xuất lấy biểu tượng ngựa chạy làm lô - gô cho đồng hồ, có ý nhắn nhủ rằng, thời gian là vốn quý cho sự nghiệp của bạn, nhưng nó đi qua nhanh lắm (như ngựa chạy, bóng câu ngoài cửa sổ), cho nên bạn đừng bao giờ thờ ơ với thời gian.

Không có nhận xét nào: