Tản văn của Huỳnh Kim Bửu
Nắng mới
Trong cái giá lạnh của Mùa Đông, vạn vật thu
mình lại và diễn ra một cảnh Đông tàn. Người ta bảo, đó là vạn vật ngủ Đông. Nhưng rồi theo lẽ tuần hoàn, Đông
qua cho mùa Xuân lại, đem theo về nắng mới.
Vạn vật đến Xuân thì bừng thức: Cây cỏ đâm chồi
nẩy lộc, muông chim tưng bừng ca hót …Hòa cùng niềm vui đó, con người hớn hở đón
chào chúa Xuân và nắng mới. Nắng mới đẹp lắm, người ta có nhiều chữ nghĩa để
gọi tên nắng mới: Ánh thiều quang (Ngày
Xuân con én đưa thoi / Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi (Thơ Kiều –
Nguyễn Du), ánh dương quang, ánh hồng,
nắng tươi, nắng vàng, nắng rực rỡ... Cái tên gọi nắng Xuân (vẫn đồng nghĩa
với nắng mới) để đi cùng với gió Xuân (Xuân phong, Đông phong) sông Xuân (Xuân
giang) núi Xuân (Xuân sơn), tuổi thanh xuân, ngày Xuân, đêm Xuân… Ngôn ngữ thời
nay còn gọi nắng mới là nắng thủy tinh. Cái gì bền vững, trong suốt là thủy
tinh, pha lê: Tình yêu đạt đến mức bền vững, trong suốt là tình yêu pha lê, thủy
tinh. Nắng mới làm cho màu sắc thắm tươi, hương ngạt ngào, cho thiếu nữ má hồng
môi thắm, cho những cụ bà “Nụ cười đen
nhánh sau tay áo” (thơ Lưu Trọng Lư)… Hơn thế, người ta còn cảm nhận ở nắng
mới bao điều cô lẻ, nhớ nhung mà sâu xa, huyền diệu hơn: “Ôi! Nắng vàng sao mà nhớ nhung / Có ai đàn lẻ để tơ chùng / Có ai tiễn
biệt nơi xa ấy / Xui bước chân đây cũng ngại ngùng… “ (Huy Cận).
Thời tuổi thơ của mình, tôi có nhiều kỷ niệm với
nắng mới, những kỷ niệm mãi vương vấn trong tôi. Đó là ngày tôi được nhìn thấy
ba tôi từ bỏ chiếc áo tơi chiếu nặng
nề, sũng nước mà người vẫn mang đi làm đồng ngày mưa bay gió vãi, nước lũ ngập
trắng đồng. Đó là một buổi sáng, tôi được nhìn thấy má tôi đem chiếc mền bông
gòn thủng nhiều lỗ (vì sự cháy leo của chậu lửa sưởi ấm đêm đêm đặt ở gầm
giường) ra phơi trước nắng. Má bảo, trông cho nắng tốt, mền mau khô, đặng tối,
lũ anh em chúng tôi có mà đắp, bởi vì vẫn còn cái rét muộn. Rồi những giàn bầu
bí trong sân nở hoa vàng rực, rủ rê ong bướm bay về, dệt nên một cảnh đẹp làm
lòng tôi sướng vui. Tôi nhớ hình bóng những cô gái quê ngồi bên giếng khơi, gội
đầu bằng nước hương nhu dưới màu nắng ban mai ấm áp mà rực rỡ. Tôi còn nhớ như
in, kỷ niệm được mặc quần áo mới, được đeo cặp sách mới đến trường trong ngày
đầu năm mà ở đâu cũng tràn ngập một màu nắng vàng tươi. Vẫn chưa phai mờ cảm
giác mát thịt mát da mỗi khi được tắm mát dòng sông quê lấp lánh màu nắng Xuân;
cảm giác dịu êm nơi đôi bàn chân những hôm đi dạo trên những thảm cỏ xanh trải
rộng dưới nắng vàng trên những ngọn đồi úp bát quanh vùng thành Hoàng Đế…Dưới
nắng mới, lũ nhỏ trong cái xóm vẫn hàng ngày nghe thập thình tiếng chày giã gạo
của những nhà hàng xáo, thường rủ nhau kéo ra đồng làng, bày đủ thứ trò chơi:
Đào đất sét bờ sông nặn tu hú đem phơi nắng, ném thia lia trên mặt những ao
sâu, hái cỏ chỉ, cỏ gà chơi đá gà, thắt bầy trâu, đàn nai, xếp hình để đọ sừng,
đọ gạc…ăn thua với nhau. Chao ôi, làm
sao tôi kể hết những kỷ niệm êm đềm mà khó quên của thời thơ ấu mình được sống
ở quê và được vui cùng nắng mới. Có thể nói, nắng mới và quê nhà vùng Phủ An là
niềm hạnh phúc của tuổi thơ tôi. Chúng lặng lẽ để lại trong tôi một tình yêu
dấu, những kỷ niệm êm đềm về một vùng quê cha đất tổ.
Từ bao năm nay, tôi sống ở thành phố. Dù cuộc
kiếm sống ở đây bắt tôi phải luôn tất bật, nhưng bao giờ cũng vậy, sau buổi
Đông tàn, lòng tôi vẫn rạo rực một tình cảm đón Xuân và nắng mới về. Rồi có một
ngày, nắng mới lên. Từ hôm đó, hồn tôi như bao giờ cũng bỏ ngỏ để xao xuyến cùng
với gió Đông, với sông Xuân, với màu nắng mới nơi tà áo nữ sinh mà tôi đã cho
là đôi cánh thiên thần trong các pho truyện cổ tích. Tôi cũng xao xuyến mỗi lần
được ngắm nắng mới nơi màu áo của các anh công nhân đang lao động hết mình vì sự
nghiệp dựng xây cuộc sống mới. Tôi thực tình xao xuyến mỗi lần được ngắm nắng
mới nơi các công viên xanh mà người ta vẫn bảo, đó là những lá phổi của thành
phố đang phấn đấu trở thành một thành phố xanh – sạch – đẹp.
Tôi đã thật no nê chưa với cái thú vui cùng nắng
mới nơi thành phố mà tôi đang cư trú?
Nhưng dù cho có ra sao, lòng tôi vẫn không khỏi
hoài nhớ cái nắng mới của một vùng quê dưới chân thành Hoàng Đế. Nơi vùng quê
đó, mùa Xuân và nắng mới bao giờ cũng huy hoàng rực rỡ, bầu trời cứ cao xanh
cho muôn chim én bay về, mặt đất trải một màu xanh bao la rợn ngợp, và hồn
người thì chất chứa bao niềm tươi vui, hoan hỷ.
1 nhận xét:
Rất mừng. Vì chủ nhân vẫn viết như xưa
Đăng nhận xét