.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Tản văn của Huỳnh Kim Bửu

Mục đồng

     Làm nghiệp nông, bên cạnh anh thợ cày, chị thợ cấy…còn có chú bé mục đồng.

       Mục đồng là ai nhỉ? – Trong gia đình nông dân, thường có sự phân công: “Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”, thì đứa con trai lên mười cũng thường được giao cho “nhiệm vụ” cầm roi chận bò, như một cách giúp đỡ cha mẹ. Chú bé chăn bò được gọi là mục đồng. Nơi các làng quê, nhiều nhà nghèo phải đem đứa con trai đang tuổi ăn tuổi lớn gởi cho nhà giàu nuôi làm trẻ chăn trâu thuê. Đây là “lực lượng” đông đảo trong giới mục đồng.

        Công việc hằng ngày của mục đồng là chăn dắt đàn trâu bò (nhưng cũng có khi là đàn ngựa, dê…). Sáng ngày, mục đồng dậy sớm lùa trâu ra đồng, cho trâu cùng với ông thợ cày bắt đầu một ngày cày bừa, làm cái việc nặng nhọc nhất của nhà nông. Việc cày bừa mà gặp phải khi “nông vụ tấn thời” thì phải từ sáng sớm đến chiều tối. Trong khi trâu sức cày bừa, thì mục đồng phải vừa chăn dắt mẹ con trâu cái vừa cắt cỏ non “nhận” đầy giỏ bội đặng kịp chiều về cho trâu ăn. Trâu là loài tham ăn, cho nên mục đồng phải chận, đừng cho trâu ăn cây lúa non ngoài đồng; trâu là loài hăng máu, không để cho trâu báng lộn mà mất sức; trâu là loài mạnh, không để cho trâu theo cái nhiều mà mất điều độ, xuống sức… Hằng ngày, chăn dắt trâu mà để trâu đói, bị muỗi mòng đốt, đỉa cắn, không sạch sẽ…là lỗi của mục đồng. Gặp thời buổi nhiễu nhương, bọn kẻ gian lừa bò trâu trộm đông như rươi, mục đồng còn phải ngày đêm canh giữ, không để trâu bị lừa trộm. Vì mất trâu là mất cái đầu cơ nghiệp của nông dân. Mục đồng phải làm lụng tối ngày, vất vả, khổ cực lắm. Trẻ chăn trâu thuê đâu chỉ chăn trâu mà còn phải làm bao việc “bế em, xay lúa” cho nhà chủ nữa.

        Xưa nay, người ta vẫn hay nói “cái thú chăn trâu”. Nói để thi vị hóa nghề chăn trâu khổ cực cũng có, nhưng để mô tả một sự thực cũng có. Thú chăn trâu, trước hết phải kể thú cưỡi lưng trâu, vuốt đuôi trâu, sờ sừng trâu, đội nón mê như lọng che, ngồi mình trâu thổi sáo…Ngồi mình trâu không thú sao có Lão Tử cuối đời cưỡi trâu mà biến mất, không còn để lại tung tích gì hết; Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu tập đánh trận; Nguyễn Công Trứ “nhạc ngựa bò vàng đeo ngất ngất ngưởng” đến Chế Lan Viên cũng tự xưng: “Tôi chỉ là nhà thơ cưỡi trâu” (Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh, trong tập Thơ Chế Lan Viên, NXB Đồng Nai – 2006) ? Kế đó là đủ thú chơi khác với bạn mục đồng cùng trang lứa: Nào thú, tập họp lại 9 – 10 đứa bạn để chia 2 phe chơi cờ lau tập trận như Đinh Bộ Lĩnh hồi xưa, hát ống, hát đồng dao, đá kiện, đá cầu…Chơi một chỗ chán, kéo nhau đi, lùng sục trong các đồi gò, sông suối tìm cảm giác mới lạ: Bắt gặp chỗ này những chùm chim chim, dú dẻ, chà là chín; chỗ kia chim kêu vượn hót; nơi nọ con suối chảy cá bơi, hoa rừng nở … mà ngất ngưởng, hạnh phúc bảo với nhau rằng: “Đó là vườn địa đàng, là thế giới riêng của chúng mình”. Chăn trâu không thú, sao nhiều học trò trường làng, trường tổng vẫn tranh thủ thời gian được nghỉ học để đi chăn trâu, chơi với bạn chăn trâu? 
 
       Những câu chuyện về mục đồng được chép trong sử sách không ít. Sử sách Việt kể, Đinh Bộ Lĩnh thời trẻ đi chăn trâu và thường tổ chức cho các bạn mục đồng tập đánh trận, lấy bông lau làm cờ hiệu lệnh, sau lớn lên ông thành người tài, cầm quân dẹp loạn 12 sứ quân rồi lên ngôi vua, xưng Đinh Tiên Hoàng. Danh nhân văn hóa Đào Duy Từ, khi phải rời bỏ xứ đàng ngoài để đi vào xứ đàng trong tìm minh chủ, ông đã phải vào ở chăn trâu cho một gia đình giàu có (ở phủ Hoài Nhơn - Bình Định) mà chờ thời. Sau nhờ có quan khám lý Trần Đức Hòa tiến cử mà Đào Duy Từ được chúa Nguyễn Phúc Nguyên trọng dụng. Chuyện Ninh Thích chăn trâu trong sử sách Trung Quốc xưa, ai cũng biết: Ninh Thich đời Xuân Thu, xuất thân là người có tài kinh bang tế thế mà thuở hàn vi vị ngộ phải đi ở chăn trâu, sau nhờ có người tiến cử mà vào được dưới trướng Tề Hoàn Công, lập công to, làm quan tới chức Đại phu. Vào các làng quê, người ta dễ gặp những cái miếu cổ mục đồng, xây bằng đá ong và vôi vữa lở lói, tọa lạc giữa đồng không mông quạnh, tựa lưng vào ụ gò mối, bụi cây dúi già hang hốc. Có lẽ ban đầu, đó là một túp lều lá mục đồng dựng lên để trú mưa nắng lúc ở giữa đồng, rồi sau phát hiện ra điều gì linh thiêng, mới lập nên miếu thờ. Ở làng Phong Lệ thuộc xã Hòa Châu - huyện Hòa Vang – Đà Nẵng, có lễ hội mục đồng tổ chức 3 năm một lần tại đền Thần nông ở trong làng. Đây là một lễ hội nổi tiếng cả nước. Lễ hội diễn ra 3 ngày đêm, trẻ chăn trâu được tập họp lại để diễu hành, rước xách và để cho mọi người… tôn trọng.
 
       Trong thơ, họa, bài hát, thường gặp hình ảnh mục đồng, nhất là những sáng tác về đồng quê, hồn quê hương trong nỗi thương nhớ của người xa xứ…Có bài thơ thật hay: “Phong như lợi kiếm ma sơn thạch / Hàn tự tiêm phong thích thụ chi / Viễn tự chung thanh thôi khách bộ / Mục đồng xuy địch dẫn ngưu quy” (Hồ Chí Minh – Nhật ký trong tù), đã được dịch: Gió sắc tự gươm mài đá núi / Rét như dùi nhọn chích cành cây / Chùa xa chuông giục người nhanh bước / Trẻ dắt trâu về tiếng sáo bay. Bằng nghệ thuật thi vị hóa, bài Tập đọc sau đây vẫn đọng lại trong bao thế hệ học trò: “Ai bảo chăn trâu là khổ? – Không, chăn trâu sướng lắm chứ ! Đầu tôi đội nón mê như lọng che. Tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bươm bướm lượn trên đám cỏ. Trong khoảng trời xanh, lá biếc, tôi với con trâu thảnh thơi vui thú, tưởng không còn gì sung sướng cho bằng! (Quốc văn giáo khoa thư – bài Chăn trâu). Ca dao tả mục đồng chăn trâu không phải ít: “Chú Cuội ngồi gốc cây đa / Thả trâu ăn lúa gọi cha ời ời / Cha thời ở tận trên trời / Con trâu ăn lúa no thời tắm sông”; “Con cóc ngồi góc cây vông / Chép răng chép lưỡi đợi mục đồng đi qua / Mục đồng nhắm mắt đi qua / Chép răng chép lưỡi chửi cha mục đồng”. Vẽ mục đồng chăn trâu là đề tài và cũng là nguồn cảm hứng của các nhà nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ vẽ tranh dân gian Đông Hồ.