Lắng Nhe Để Cải Thiện Các Mối Quan Hệ
(ảnh trên mạng)
Lưu Xuân Thanh
Ngày vui thường đi nhanh, tết Nguyên Đán Mậu Tuất trôi qua mau, thời gian nghỉ đã hết . Bọn học trò chúng tôi về trường tiếp tục học tập . Ngày ấy toàn tỉnh chỉ có ba trường cấp hai ( nay là phổ thông cơ sở ) và duy nhất một trường cấp ba . Hầu hết học sinh đều phải đem gạo tiền đi ở trọ xa nhà để học . Thời đó các ông bà chủ nhà không lấy tiền trọ , cũng chẳng ai đề cập việc này . Chủ nhà coi chúng tôi như con cháu …Một tối sau khi đã làm bài xong .Trời mưa phùn se se lạnh , anh Nguyễn Văn Chương ( nay là nhà thơ Nguyễn Văn Chương ) sang nhà trọ của tôi chơi . Bác chủ nhà đãi ấm chè xanh . Vừa uống trà vừa nói chuyện học hành . Anh học trên tôi , nên tôi nhờ anh giảng cho vài bài khó … Rồi anh đọc thơ Nguyễn Bính :
…Đêm ấy mưa xuân lất phất bay
Hoa xoan từng lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Nghe nói thôn Đoài hát tối nay …
Đọc xong bài thơ , anh bảo tôi : Tớ và cậu thư giãn bằng cách xứng họa thơ với đề là Tiền và anh đọc luôn :
Thứ sáu tuần nay tớ hết tiền
Tôi họa tiếp : Phải đi mượn gạo mấy bữa liền
Anh Chương : Nhìn vào hũ muối ôi đã nhẵn
Tôi : Mó đến chai tương lại phát phiền
Anh Chương : Mực cạn dầu hao càng nhăn nhó
Tôi : Tiền hết gạo không tưởng đến điên
Anh Chương : Chạy vạy làm sao qua thứ bảy
Tôi : Đến chiều chủ nhật mới có tiền
Bài thơ hoàn tất chúng tôi thấy vui vui . Bỗng nhiên bác chủ nhà là thày giáo từ thời Tây hỏi : Các cháu làm thơ gì vạy ?
Tôi đáp lời bác chủ nhà : Dạ thơ Đường ạ
Bác nói tiếp : Tình , ý , Tứ thì được , về liêm luật thì chưa ổn .
Anh Chương im lặng , còn tôi chống chế : Thơ Đường theo kiểu học trò bác ạ ( thật ra lúc đó tôi nghĩ đây là bài thơ Đường hay) . Bác chủ nhà ôn tồn dạy bảo : Đã là thơ Đường tất phải giữ đúng liêm luật. Học trò lại cần phải giữ dúng phép tắc . Nay, còn là học trò liêm luật văn thơ đã vậy , mai sau Luật Đời sẽ sao đây . Ông nói tiếp : Cách ứng xử đôi khi quyết định thành công hay thất bại của một người trong cuộc sống . Cậu Chương sau này cuộc sống sẽ tốt hơn cậu .Vì biết lắng nghe nên không biện bạch . Cậu sẽ gặp nhiều trắc trở trong cuộc đời . Nếu như cậu không biết lắng nghe những lời từ người khác , cho dù đó là lời chê bai rất nghịch nhĩ . Cậu có biết không câu tôi hỏi là hỏi cậu Chương , người đề xướng họa thơ .Vả lại cậu Chương học trước cậu , lẽ thường là hiểu biết hơn cậu . Chương chưa kịp lên tiếng trả lời, cậu đã giành quyền “ nói hộ” cậu ấy . Lắng nghe để hoàn thiện mình , để cải thiện các mối quan hệ với người khác. Đừng bao giờ quên câu : “ Nói hay không bằng nghe giỏi ” . Sau đó ông thấp giọng như thì thầm : Cháu ơi, cuộc đời đầy gai chướng . Đâu có bằng phảng , đâu có đơn giản như luật thơ Đường . Cháu hãy nhớ những gì bác nói hôm nay …Anh Chương lúc này mới lên tiếng : Cháu cảm ơn những lời dạy của bác . Còn tôi đứng lặng như “Từ Hải … ” . Kể cũng lạ sau buổi tối hôm ấy bác chủ nhà quan tâm tôi hơn , dạy tôi nhiều điều .Ông chẳng nói ra nhưng tôi cảm nhận được tình thương của ông cho tôi
Ông giáo đã quy tiên vào ngày này ba mươi tám năm trước . Đêm nay tôi bày hương hoa , trái cây lên bàn thờ phụ thân . Cầm nhang trên tay, lòng bồi hồi tôi khấn nguyện : Tâm Hương này con xin gửi đến vong Hồn phụ thân và bác Đào Văn Tiến , cầu mong hai người cha an lạc trong thế giới vĩnh hằng . Đã năm mươi tư năm . Lời dạy của bác , con vẫn mang theo trong đầu từ ngày ấy đến nay . Con coi đó là một phần hành trang không thể thiếu trên đường đời đầy bất trắc . Bác ơi , có lẽ do Vận Mệnh đẩy đưa, nên trước đây có những lúc rất quan trọng , quyết định cuộc đời cần nhớ lời dạy của bác để bình tâm ứng xử cho đúng thì con lại quên …
Quy Nhơn đêm 05 tháng 11 năm 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét