Tản văn của Huỳnh Kim Bửu
KÝ ỨC THÀNH CỔ
BÌNH ĐỊNH (bài 2)
BÌNH ĐỊNH (bài 2)
Ít có đâu
như An Nhơn, một miền đất nhỏ mà hai lần là kinh đô của hai vương triều và một
lần là thủ phủ của một tỉnh. Thành Đồ Bàn là kinh đô của Chiêm Thành, kể từ
thời vua Ngô Nhật Hoan ( thế kỷ thứ X) tám thế kỷ sau thành này được đổi tên là
thành Hoàng Đế, làm đế kinh của Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc, triều Tây Sơn.
Tới thời nhà Nguyễn với chủ trương trả thù, xóa bỏ tàn tích cũ của nhà Tây Sơn,
thành Hoàng Đế bị triệt hạ để lấy gạch nung và đá ong xây thành mới là thành
Bình Định ở phia Nam, cách chừng năm cây số, để làm thủ phủ của tỉnh Bình Định.
Thủ phủ này kéo dài cho tới khi Nguyễn Hy làm Tổng đốc Bình Định (khoảng 1934 –
1935) mới được dời về Quy Nhơn (1).
Thành Bình
Định trong ký ức tuổi thơ của tôi là một ngôi thành bị đập phá từ hồi nào, đã
trở thành hoang phế. Trong thành không còn hành cung, dinh thự nhà cửa gì hết,
nền cũ, thềm xưa còn trơ ra mấy nếp, mấy bậc lở lói… Đường trong thành còn để
lại dấu tích là các ô đường bàn cờ, nhưng đã bị trùm lấp bởi các loại dây leo
và giống cỏ dại, có sức lan tỏa rất nhanh; kế đến là những hàng cây gòn thân
cao, đứng thẳng, xòe tán rộng trên cao thường có chim chóc bay về… Cũng có một
ngôi chùa cổ là chùa Bửu Long ở gần cửa Tiền (còn gọi là cửa Nam – thành quay
mặt hướng Nam), dành riêng cho các quan chức và gia đình của họ đi lễ Phật. Khi
ngôi thành trở thành hoang phế, tiếng chuông chùa sớm chiều vẫn ngân nga xuống
phố, nhưng dường như có vẻ u trầm hơn, thường gợi cho người mộ đạo hiểu sâu xa
thêm cái lẽ vô thường nơi cõi trần thế.
Cây gòn ở
đây nhiều lắm và còn được trồng lan ra ở cả ngoài phố chợ nữa. Tán gòn giao
nhau trùm mát các lối đi, nhiều khoảng đất rộng rãi trong thành, nó tạo nên một
vùng xanh um cổ thụ. Hiếm thấy ở bất kỳ
đâu như ở thành Bình Định, khi vô số những trái gòn kia đến mùa nở bông
và sẵn sàng tung lên bầu trời, thả bay theo chiều gió những chùm bông sợi màu
trắng tinh anh, trông rất mênh mông, phiếu diểu. Bạn đang đi trên đường phố,
một mảng bông gòn thình lình đáp nhẹ lên mũ, lên đầu, lên mặt bạn…Bạn vừa đi
vừa gỡ mảng bông gòn tinh nghịch ấy, cũng thấy vui vui.
Thành còn để
lại tường cao, hào sâu vây bọc xung quanh và ba cửa thành mở ra ba hướng khác
nhau.
Tường cao
cho những người chăn thả trâu bò lên đó ăn cỏ, và người ta cũng thích lên cao
để tìm cái “bát ngát xa trông” ở quang cảnh trời đất bốn bên. Hào sâu mọc đầy
bèo lục bình, cho cá quẫy, cũng có chỗ cho người ta thả những dề rau muống nước
nở hoa màu tím trên cái nền rau xanh ngắt trải ra dưới nắng.
Thành có ba
cửa còn để lại dấu tích:
-In đậm
trong ký ức tôi là cửa Tiền (còn gọi là cửa Nam
– thành quay mặt hướng Nam ).
Dấu tích còn lại của cửa này (mãi với thời gian gần đây) là bóng kỳ đài với trụ
cờ hình xương cá cao chót vót, cho người trong thành đứng đâu cũng nhìn thấy. Trước
mặt cửa Tiền là một bến sông hằng ngày vẫn còn nghe được tiếng mái chèo khua
nước và tiếng gọi đò vang vọng tới – bến Trường Thi. Cách bờ bên kia bến Trường
Thi không xa (trong làng Hòa Nghi – quê ngoại của nhà thơ Yến Lan) là trường
thi Hương Bình Định lập ra để tuyển chọn cử nhân cho mấy tỉnh trong vùng Nam
Trung Kỳ. Bến Trường Thi sẽ mãi gắn liền với lịch sử khoa cử Triều Nguyễn, còn
bến "My Lăng'' của nhà thơ Yến Lan (trong nhóm Bàn Thành tứ hữu: Quách Tấn
– Hàn Mạc Tử – Chế Lan Viên – Yến Lan) thì cùng với nhà thơ mà lưu danh mãi:
"Bến My Lăng nằm không
thuyền đợi khách
Rượu hết rồi, ông lái chẳng
buông câu
Trăng thì đầy rơi vàng trên
mặt sách
Ông lái buồn để gió lén mơn râu".
-Cửa Tây mở
ra cho người các làng phía Tây thành như Kim Châu, Hòa Cư đi chợ Bình Định, cửa
Đông cho dân phố chợ, dân làng An Ngãi, người các nơi khu Đông thành đi lên ga
xe lửa Bình Định, đi đất võ An Thái ở phía cực tây huyện, non mươi cây số.
Thỉnh thoảng có những chuyến xe ngựa ngược xuôi, chở hành khách chạy qua thành,
chui vào các cửa Đông, Tây, thường được nghe mùi ẩm ướt và rêu mốc từ vách đá
ong của cửa thành tỏa ra. Tựa vào cửa Tây, có ông lão chuyên trồng hoa và bán
kẹo kéo dựng nhà tranh vách lá ở tạm. Không ai biết, ông lão từ đâu đến, một
người ngụ cư, cô độc. Ngày ngày, ông làm kẹo kéo, mang đi bán rong ngoài phố
huyện với chiếc bàn xếp quay số trên vai; thì giờ còn lại ông trồng hoa và chăm
hoa. Ông có những chậu hoa nở tứ thời, rồi cứ mỗi độ đến Tết thì vườn hoa của
ông nở rộ. Những chậu hoa cúc, mai, hồng, thược dược... khoe hương sắc từ bàn
tay ông trồng, được người trong phố huyện Bình Định và các vùng phụ cận đua
nhau đến mua, đem về thưởng xuân.
-Cửa Đông mở thông thương với khu phố
thương mại và chợ Bình Định (Còn gọi là chợ Gò Chàm) với phố xá và cảnh bán
buôn. Nghe nói, ngày xưa cửa Đông chính là cửa để đón quan Công sứ, các quan ta
về kinh lý. Cửa Đông sẽ mãi gắn liền với lịch sử đấu tranh chống Pháp và triều
đình Huế bằng cuộc nổi dậy đòi giảm sưu thuế, bị đàn áp đẫm máu, hồi năm 1908.
Nhà ở của các nhà thơ Yến Lan, Chế Lan Viên cạnh cửa Đông. Cho nên, đây cũng là
nơi nhóm “Bàn thành tứ hữu” thường hội tụ lại để ngâm vịnh và gắn kết keo sơn
thêm tình thi hữu bền vững hiếm có. Cách nay mấy năm, người ta xây dựng lại cửa
Đông với ý tưởng phục hồi lại cửa này, nhưng đã không thành, vì cửa mới là cửa
lầu, hoành tráng và hiện đại quá, không giống chút gì với cửa Đông cũ đơn sơ mà
đậm nét cổ xưa. Ngày xưa, đường phố không rộng, nhà phố lợp ngói âm dương, mái
hiên thấp, trồi sụt khác nhau. Nhà nào cũng mở tiệm, tiệm người Việt, người Hoa
san sát nhau. Người Việt buôn bán hàng trống, hàng vải, hàng đồng, hàng đường;
người Hoa bán thuốc Bắc, trà Tàu, hàng mã, nước tương …Con phố sầm uất nhất là
đoạn Quốc lộ số 1 chạy ngang qua, trên phố này có nhà Bưu điện và mấy tiệm bán
sách, báo. Chợ Bình Định là chợ Khu Vực, chung cho các tỉnh Bình Định, Phú Yên,
Gia Lai, Đắc Lắc…cho nên chợ được xây dựng với quy mô to lớn (cột lều bê tông –
cốt thép, khung lều sắt tây, mái lợp ngói Phú Phong ) hàng hóa nhiều, không
thiếu những mặt hàng nổi tiếng của Bình Định, như đồ cẩn xà cừ, đồ đồng thau,
đồ thêu thùa, tơ lụa, đường cát... Và có cả trâu khỏe, bò sức, ngựa hay… bán ở
Chợ Gia súc gần đó.
-Cửa Bắc, theo các cụ cao niển kể, đây là cửa dành cho việc dẫn giải tù
nhân bị án tử hình đi xử chém. Cửa này đã lấp kín từ rất sớm, đâu sau thời đòi
giảm sưu thuế (1908), có nhiều người bị hành hình.
Đứng trên mặt tường thành bao bọc
bốn bên, nhìn bao quát, sẽ thấy phía Đông với bốn ngôi cổ tháp có tên là tháp
Bánh Ít như bốn dấu chấm than chấm lên vòm trời xanh lơ. Phía Nam là hòn Ông,
hòn Bà hùng vĩ, uy nghi; tương truyền hòn Ông là núi đá nam châm, cho nên người
ta đồn rằng, thời kháng chiến chống Pháp, máy bay Pháp không dám bay ngang qua,
vì sợ núi “hít”! Phía Tây, dòng sông Côn chảy lững lờ giữa ruộng đồng mênh
mông, bát ngát. Có một ngã ba sông với cái đập nước Bảy Yển thường đổ nước ầm
ào, bọt tung trắng xóa, và hay nhuộm màu ráng đỏ mỗi chiều về. Phía Bắc xa xa,
một quần thể danh lam thắng cảnh: thành Hoàng Đế, núi Bà, hòn Mò O (còn gọi là
hòn Mù U) tháp Cánh Tiên, tháp Phốc Lốc, chùa Thập Tháp A Di Đà... Nó có cái kỳ
vĩ, cẩm tú, hữu tình của nước non, nhưng cũng chứa chan vị ngậm ngùi của mấy
lớp phế hưng, dâu bể trong chiều dài lịch sử.
Có câu ca dao cũng là câu hát ru em của vùng nầy:
''Ngó lên hòn núi Mù U
Thấy ba ông cọp đội dù nấu cơm
Một ông xách chén đi đơm
Hai ông ứ hự nồi cơm mới vần''.
Người ta vẫn
bảo, đó là câu ca dao tả việc bếp núc, ăn uống của đạo quân ông Nhạc khi về tập
luyện và dưỡng quân ở đây. Lại có chuyện kỵ binh Tây Sơn tập trận ở tháp Bánh
Ít. Sau mỗi buổi tập, đàn voi ngựa xuống
bến sông Tân An (dưới chân tháp) tắm mát và uống nước :
“Nước Tân An có bao giờ
cạn
Dẫu trăm voi, ngàn ngựa uống
tối ngày
Nghĩ người Nhạc, Huệ tài
thay
Cờ đào áo vải mà dày nghĩa
nhơn''.
Má tôi
thường đọc ''Vè ông Tiến sĩ'', tả cảnh ông Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo thủ lĩnh phong
trào kháng thuế năm 1908 ở Bình Định bị bắt giam, cùng với các đồng chí của
ông, cho anh em tôi nghe. Bị ám ảnh bởi tiếng kèn trong mấy câu vè ''Đêm năm canh kèn thổi tò toe / Ngày sáu
khắc đứng ngồi chẳng tiện / Thiếu chi kẻ thiên kinh vạn quyển / Lâm cảnh tù
hiền giả hóa ngu'' cho nên khi đi học tiểu học ở trưòng huyện lỵ Bình Định,
tôi thường thơ thẩn trong thành vào những buổi nghỉ học để tìm xem, đâu là dấu
tích còn lại của đồn lính, trại giam ngày xưa, nơi Tổng đốc Bình Định giam cầm
những người đi biểu tình.
Cho tới bây giờ, mỗi khi nhắc lại
hào khí đánh Pháp những năm đầu của cuộc kháng chiến, người Bình Định, nhất là
người An Nhơn, không thể nào không nhắc lại những ngày đêm rầm rập, khẩn
trương, cả huyện đi phá thành Bình Định để “tiêu thổ kháng chiến”, ngăn bước
tiến quân thù. Hồi ấy, tâm trạng chung của nhiều người là rất tiếc ngôi thành
cổ, một công trình kiến trúc to đẹp không còn nữa, nhưng họ đành lòng chấp
nhận. Vì người ta tin rằng ngày mai mình sẽ được cái rất lớn là nước nhà độc
lập, nhân dân ta thoát khỏi đêm trường nô lệ, bước ra đón ánh sáng của cuộc đời
tự do mà người ta đã từng trăm năm, ngàn năm đấu tranh và mơ ước.
An Nhơn ngày nay là một thị xã có cơ cấu kinh tế công – nông – thương
mại – dịch vụ hiện đại trên cơ sở “An Nhơn - đất trăm nghề” có truyền thống từ
xưa giờ. Các thành phần kinh tế này đang hoạt động có hiệu quả. Thành cổ Bình
Định được quy hoạch và xây dựng thành khu vực hành chánh của thị xã với nhiều
khối nhà to đẹp, bề thế. Cửa Lầu (tên gọi sau khi người ta đã gỡ bỏ hai chữ Cửa
Đông) là địa điểm thường tổ chức các sinh hoạt văn hóa – văn nghệ của Hội Văn
học – Nghệ thuật và Trung tâm văn hóa thị xã.
(1)
Theo Nước non Bình Định của Quách Tấn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét