.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011



Tản văn của Huỳnh Kim Bửu

Thưởng vị trà
Kích thước chữ: Decrease font Enlarge font


Nâng chén trà, ít ai uống vội vàng, uống một hơi (như người cày đồng về nhà, khát nước, “kéo gáo” bên vò nước lã) mà thường uống khoan thai, chậm rãi để lắng nghe hương vị của trà: Trà có vị đậm đà? Có hương thơm? Trà lài hay trà sen? Trà ngây hay trà ngọc lan? Trà Lâm Đồng hay trà Bắc Thái?...


Uống trà là cái thú thứ nhất đối với nhiều người: “Một  trà, một rượu, một đàn bà/  Ba cái lăng nhăng nó quấy ta” (Trần Tế Xương).
Nâng chén trà, ít ai uống vội vàng, uống một hơi (như người cày đồng về nhà, khát nước, “kéo gáo” bên vò nước lã) mà thường uống khoan thai, chậm rãi để lắng nghe hương vị của trà: Trà có vị đậm đà? Có hương thơm? Trà lài hay trà sen? Trà ngây hay trà ngọc lan? Trà Lâm Đồng hay trà Bắc Thái?...

Chiều hôm trước, Hòa thượng Tịnh Như đã bơi thuyền ra giữa hồ sen trước cổng bam quan chùa Viên Giác, đặt những túi trà Đài Loan nho nhỏ (gói trong giấy quyến) vào các búp sen hàm tiếu, đặng ướp cái hương nhụy của sen qua đêm.
Sáng ngày sau, Hòa thượng lại bơi thuyền ra, thu lại những gói trà ấy và hứng luôn những giọt sương đêm đọng trên lá sen, lá súng để rồi đem cả hoa, cả nước vào chùa quạt lò, đun nước, pha trà và đợi khách mộ đạo về chùa chùng ngồi đối ẩm chén trà “hầu tàn” vừa mới dâng cúng Phật.
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương cũng đi tìm cái thú thanh cao không kém khi ông đi tìm một “áng hương trà”: “Hương biếc tràn quanh nắp đậy hờ/ Ấm sành nho nhỏ khói lên tơ/ Hồn sen thoảng ngát trà dâng đượm/ Ai biết mình sen rụng xác xơ” (Qua áng hương trà).
Nhà thơ Quách Tấn tiễn bạn ra đi: “Hương trà chưa cạn chén hàn ôn/ Thuyền đã buông theo tiếng sóng dồn/ Ngắm vọi mây thu ùn mặt biển/ Gác chuông thành cổ động hoàng hôn” khiến những người trong cuộc bịn rịn tấc lòng, không muốn chia tay nhau.
Uống chén trà trong sương sớm (Bình minh sổ trảng trà) là cái thú của người dậy sớm để chào đón ngày mới, tận hưởng vẻ đẹp rực rỡ của một buổi bình minh.
Uống trà cũng như uống rượu, ít khi người ta chịu uống một mình (độc ẩm). Mà dẫu có độc ẩm thì cũng tìm bạn nơi chính mình (là hai), với vầng trăng tình tứ nữa (là ba). Trong mỗi cuộc trà, tùy theo số người “đối ẩm” mà có tên gọi khác nhau: “Song ẩm” (hai người, có chén tống, chén quân) “tam, tứ ẩm” hay “quần ẩm” (ba, bốn người…).
Và cũng bởi người ta uống trà “vị nghệ thuật” như thế cho nên mới có đủ thương hiệu trà. Trà Bắc Thái, trà Lai Châu… cho người ưa trà Bắc; trà Lâm Đồng, trà Bảo Lộc… cho dân nghiện trà cao nguyên. Trà lài, trà ngâu hay trà sói, trà ngọc lan hay trà sen…
Mỗi người, mỗi giới ưa chuộng ở trà một hương vị riêng. Lại còn trà của hãng nào nữa? –Xưa, có Kim Tiền, Đài Loan… là trà hảo hạng; nay có Ô Long, Tín Thái, Việt Nam Danh Trà… là trà có tiếng. Đó thật là cả một sự cố công của giới kinh doanh trà.
Giới đệ tử của trà (vì bên Nhật có Trà đạo) đâu chỉ nghiện nước trà mà còn nghiện cả cái thú chơi đồ trà. Tôi ở Quy Nhơn, bạn tôi trong giới đệ tử nhỏ của trà, ở thị trấn Bình Định. Tôi lên chơi nhà bạn thường mỗi năm cũng mươi lần. Mươi lần tôi lên chơi, mươi lần bạn đem ra bộ ấm chén “bóc tem” giới thiệu và pha trà thết tôi để chứng tỏ rằng, mình là dân chơi đồ trà danh bất hư truyền.
Dân buôn đồ cổ và dân chơi đồ trà xưa nay vẫn chưa làm sao thay đổi được câu xếp hạng những bộ đồ trà “độc”: “Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần” đã lưu truyền từ xa xưa.
Người bạn thâm giao đã thuyết cho tôi nghe tới trăm lần về cái đặc điểm của ấm Thế Đức gan gà mà gia đình anh đã “thủ đắc” tới đời anh là đời thứ năm.
Anh bảo: “Giống ấm đó khi chùi thì đừng có chùi lòng ấm vì đó là chỗ vị trà lưu cữu; thử cho biết có phải ấm này thứ thật thì hãy cứ úp xuống mặt gương của bàn anh đang ngồi uống trà, nếu thấy bộ ba vòi-miệng- quai ấm mà nằm cắn chỉ tăm tắp trên mặt gương, thì đó là ấm Thế Đức gan gà chính hiệu; ấm trà nóng mới pha tức thì mà đưa tay sờ da ấm, sẽ thấy lạnh tanh như anh đang sờ tay vào vỏ bình thủy; khi đi mua ấm trà hãy coi chừng tay bán hàng phỉnh anh, nó giấu cái nắp ấm mà chỉ bán cái thân ấm, để bữa sau lại đem bán một mình cái nắp ấm, buộc anh mua với giá chém ngọt cái cần cổ của anh”.
Nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa ẩm thực Nguyễn Phúc vẫn khoe bộ đĩa trà mà đĩa và ba chén trà đều sứ men xanh, vẽ tiều phu gánh củi. Chủ- khách, ba người, mỗi người một chén trà, hô một hai ba, cầm trôn chén “bong” như bong vụ, rồi thả chén ra mặt chiếu cho nó xoay tít, xoay tít… Thét một chặp, chén hết “tua” ngã lăn, rồi tự đứng dậy cho ông rót ba chén trà Ô Long, tiếp khách quý.

Theo: Giác Ngộ online 

Không có nhận xét nào: