VĂN HOÁ - NGHỆ THUẬT |
THƠ BÌNH ĐỊNH NĂM 2010: |
Những gam màu sáng |
22:2', 2/1/ 2011 (GMT+7) |
Năm 2010 là một năm khá thành công của thơ Bình Định trên nhiều phương diện. Những tập thơ mới xuất bản được đánh giá cao, những giải thưởng thơ uy tín và những chuyển biến tích cực trong đội ngũ kế cận… Có lẽ, để lại dấu ấn đậm nét nhất trong thơ Bình Định năm 2010 là sự ra đời của tập thơ “Hương của đất” (NXB Thời đại) của Trịnh Hoài Linh. Có phần chậm so với các bạn thơ, ở tuổi 54, nhà thơ nông dân đất An Nhơn này mới trình làng tập thơ đầu tay của mình. Thơ viết về nông dân, về ruộng đồng, bờ bãi, anh không chọn thể lục bát hiền lành, mượt mà vần điệu. 39 bài thơ được anh chuyển tải qua thể thơ tự do, ngắn, cô đọng. “Hương của đất” là những lời gan ruột đượm màu thế sự nông thôn. Trịnh Hoài Linh không có cơ hội đi nhiều nơi, cũng không thông thạo tích cũ chuyện xưa để thơ anh giàu tính suy ngẫm. Anh gieo thơ bằng thứ “lúa giống” do anh ủ lấy, bằng thái độ nghiêm cẩn, toàn tâm nên anh gặt được thứ quả hạt chắc mẫm, vị mặn mòi, đậm hương. Cũng chủ đề thân thuộc gắn liền với làng quê dân dã, nhưng “Mùa thu biết thở ra hương” (NXB Hội Nhà văn) của Huỳnh Kim Bửu nhẹ nhàng tỏa ra cái hương vị bâng khuâng, man mác; cái chiêm nghiệm từng trải, chắt lọc từng vẻ đẹp cuộc đời. Từng trang thơ bàng bạc hồi ức, kỷ niệm đẫm đầy nhung nhớ, làm người đọc như hòa mình vào bầu không khí đầy hoài niệm. Đó cũng là đặc trưng của phong cách Huỳnh Kim Bửu - cả trong thơ cũng như tản văn, tùy bút… Trước “Hương của đất”, một tập thơ đầu tay khác cũng được bạn viết, bạn đọc ở Bình Định chào đón là “Ngày rêu xanh” (NXB Hội Nhà văn, tháng 12.2009) của Đào Viết Bửu. Tập thơ ra mắt khi Đào Viết Bửu đã cầm bút 40 năm và đúng tuổi 60; khi anh đã có vị trí nhất định trong lòng bạn thơ, bởi những cảm xúc chân thật, ngôn ngữ thơ khá mới mẻ cùng những tứ thơ là lạ... Vào những ngày đầu năm 2010, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã công bố giải thưởng Cuộc thi Thơ và Truyện ngắn 2008-2009 chào mừng Kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong đó, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng đã đoạt giải A về thơ với bài “Hào phóng thềm lục địa”. Tuy vẫn có những nhận định trái chiều, song nhiều tên tuổi trong làng thơ Việt đã công nhận: “Hào phóng thềm lục địa” là một bài thơ hay, xứng đáng nhận giải. Trong năm qua, ngoài giải thưởng trên, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng còn đoạt giải Ba Cuộc thi thơ Lục bát “Ngàn năm thương nhớ” với bài thơ “Phù Đổng Thiên Vương”. Trong 25 tác giả góp mặt ở tuyển tập thơ “Tôi đi tìm tôi” (Nhà xuất bản Trẻ - Tủ sách Tuổi Trẻ ấn hành tháng 3.2010), Bình Định có 8 tác giả. Đây là những tác giả trẻ gây ấn tượng với Ban Giám khảo Cuộc thi Bút Mới lần thứ 8 do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Cây bút trẻ Đặng Thiên Sơn cũng đoạt giải Khuyến khích ở cuộc thi này. Nhắc đến thơ trẻ, không thể không nhắc đến những CLB văn học - nghệ thuật trẻ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh như: CLB Văn nghệ trẻ Đại học Quy Nhơn, CLB Áo trắng, CLB Nghệ thuật Trường Cao đẳng Bình Định, CLB Văn học Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, CLB Trường Thi… Bằng nhiều hình thức tổ chức, hoạt động khác nhau, các CLB này ít nhiều đã đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy hoạt động sáng tác văn học, trong đó, chủ yếu là thơ.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét