Tản văn của Huỳnh Kim Bửu
ăn
cháo lươn,
tản
mạn nghề bắt lươn
Ở Quy Nhơn bây giờ, mọc dày những quán cháo
lươn, miến lươn trên các đường phố. Món này phục vụ ăn sáng cho mọi giới: dân
sành ăn, dân “cựu” gốc rạ ra phố chưa quên hương vị đồng quê. Lại không như
phở, bún, món cháo lươn bình dân (10. 000đ / bát ngon miệng, chưa có bánh
tráng).
Một
sáng Chủ nhật, bạn đã vào một quán cháo lươn đang đông khách. Vì đông khách,
cho nên chắc là quán ngon. Một bát cháo lươn đã được đặt ở trước mặt bạn. Nhìn,
bạn đã thấy ngon: Bát cháo vàng tươm, đậm đặc, váng trên mặt những sợi thịt
lươn (lớn bằng sợi phở hoặc gấp đôi sợi phở tươi), mùi thơm lựng từ bát cháo
bốc lên mũi bạn … Xung quanh bát cháo đặt thẩu con bột nghệ dẻo, thẩu con riềng
xắt lát, đĩa con nước mắm trong - nổi mấy lát ớt chín đỏ - một đĩa con nữa đựng
những lát chanh tươi… Bạn hãy nêm
thêm các thứ đó, rồi trộn đều bát cháo mới ăn. Chủ quán vừa đặt thêm vào bàn đĩa
bánh tráng bẻ làm tư cho gọn. Không ăn vội, ăn tới đâu, bạn bẻ bánh tráng giòn
giòn thơm thơm tới đó. Bạn hãy nhìn xem, thực khách xung quanh bạn cũng ăn như
thế. Họ ăn chăm chỉ, vì cái ngon đang thu hút đầu óc họ. Chắc là bạn cũng như
họ, nhưng có thể bạn còn nghe thêm một chút xa xăm: Hương vị đậm đà, khá quen
thuộc của bát cháo lươn ngày xưa mẹ vẫn nấu cho mình ăn?
Trong
đồng ruộng, mương lạch ngày trước đây, con lươn có nhiều lắm. Nhưng nay ít rồi,
vì lươn chịu chung số phận với con cua, con cá ngoài đồng: Không sống nổi với thuốc
trừ sâu, phân hóa học của các bác nông dân cầu miếng cơm ăn mà quên con cá, con
lươn – mấy đời vẫn có mặt trong mâm cơm của mình. Ngày nay, người ta bắt lươn ở
các đầm, vũng lớn hoặc đào hồ trong vườn nhà mà nuôi, cho ăn thực phẩm.
Lươn
mình trơn, thân to bằng cuốn lá đu đủ, thon đều, dài bốn – năm tấc, đầu chai cứng,
giỏi dụi bùn, chuyên đào đất làm mà (hang)
ở: “Thân lươn bao quản lấm đầu” (Truyện
Kiều – Nguyễn Du).
Cái
trúm là dụng cụ lợi hại nhất đối với con lươn. Có hai loại trúm: Trúm nan tre và trúm ống tre. Trúm đan nan tre hình quả chùy (ta thấy trong sân thể
thao) đầu bầu trúm có toi, đầu thon
là miệng trúm, có nắp đậy. Trúm ống tre là một đoạn thân tre già 2 mắt. Một đầu
làm miệng trúm, lấy mắt làm nắp đậy, đục bỏ mắt giữa cho thông nhau; đầu còn
lại bỏ mắt, lắp toi. Loại dụng cụ
trúm nào cũng có hai thanh tre dài, chắc chắn đâm xuyên qua trúm, để vừa giữ cố
định cho toi trúm, miệng trúm, lại cũng để khi đi dắt trúm, hai thanh tre ghim chặt
trúm vào bờ ruộng, bờ mương. Trong lòng trúm, đựng mồi. Mồi là những xác trùn,
xác cua đồng ủ ươn, tanh. Sau khi đã chuẩn bị cho “cuộc” đánh trúm xong (đủ mồi
nhử, kiểm tra lại thân trúm, miệng trúm, toi trúm) dân đánh trúm đợi chiều xẩm
đến, “làm gánh”, gánh trúm đi ra đồng. Họ thường đi từng đoàn 4 – 5 người. Khi
đi trên đường làng, ngõ xóm, người gánh trúm vừa đi vừa thả mùi tanh lại nơi
cuối ngọn gió, khiến người ta quở, bịt mũi. Những nơi họ gánh trúm đến là đồng,
vũng, mương lạch, những nơi có độ bùn dày, lùng lác rậm rạp cho trúm ở và dễ kiếm
con mồi ăn. Thường mỗi bữa dắt trúm xong, đêm hết canh một, họ kéo nhau về, kể
chuyện gặp ma đuốc, ma cà rồng cho vợ con nghe, vui. Rồi đi ngủ, cho kịp sáng hôm
sau thức dậy sớm, đi giở trúm. Bữa gặp hên, trúm nào cũng giở lên nặng trịch, lươn
vắt cục trong bụng trúm; trái lại, không
ít bữa “đói”, đi có về không.
Sau
đánh trúm, đến câu lươn. Câu lươn là cách làm ăn tùy hứng, không “nghề” như
đánh trúm. Đang trưa hè, trời nắng chang chang, anh nông dân trẻ muốn cải thiện
bữa ăn, bèn vác cuốc ra vườn đào mấy con trùn, gói theo, rồi đội nón mê, cầm
“cần” câu, đi câu lươn. Phải câu lươn vào giữa trưa, nắng gắt, vì đây là lúc
lươn sợ nắng chui vào mà, tìm mát.
Người giỏi, đi câu một buổi, thả câu mười mà,
kiếm được mười con lươn lớn nhỏ. Dụng cụ câu lươn là lưỡi câu uốn khớp miệng
lươn. Lưỡi câu được cột chặt với một đầu sợi dây gai xe săn, lớn bằng thân cây
kim đan len, dài chừng 1 thước. Đầu kia sợi dây, cho tay cầm. Người câu lươn đi
dọc bờ ruộng, tìm mà. Gặp chỗ miệng mà có sủi bọt (do lươn thở) dừng lại,
thả câu. Ngồi với tư thế 1 chân bờ, 1 chân ruộng, tay xoăn xoăn sợi dây câu đã
móc mồi (một khúc trùn) đằng lưỡi câu, để đưa dây câu vào sâu trong mà. Lươn nghe động và mùi tanh thì há miệng
bập, nuốt ực cả mồi và lưỡi câu vào
bụng. Bị đau, biết bị tấn công, lươn chui sâu vào mà “thủ thế”, gây nên sự trì níu với anh đi câu. Người câu lươn lập
tức kéo sợi dây câu ra khỏi mà, giơ
cao lên, thân lươn vặn lại như cái mũi khoan, cái lò xo, tòong teng dưới lưỡi
câu. Anh ta lấy ba ngón tay giữa ngoéo chặt lươn, cho vào đụt. Trong trường
hợp, nghi rằng lươn “ngủ”, không nghe thấy mồi đến miệng, anh lấy ngón tay bật
bật nước, đánh thức lươn dậy mà ăn
mồi.
Gặp
con lươn “khôn” không chịu ăn mồi để khỏi mắc câu, người ta đào bờ ruộng ra mà
bắt lươn trong mà. Lươn không thoát
khỏi, nhưng bờ ruộng bị vỡ ra. Người câu lươn đào bờ ruộng nhà, không can; chứ
đào bờ ruộng người khác, hãy coi chừng “ăn” cán cuốc của ông chủ ruộng đến bất
thình lình.
Mùa
mưa lụt, nước tràn đồng, nhiều tay vác rổ xúc ra đồng xúc cua. Nhiều mẻ, kéo lên được cả cua, lẩn cá, lươn…
Bắt
lươn không dễ, vì lươn khá mạnh và thân lươn trơn cực kỳ. Dân “thiện nghệ” bắt
lươn bằng ba ngón tay: Giữa – trỏ - áp út. Phát hiện con lươn đang dụi bùn đó, người
ta dùng bàn tay chộp lấy, rồi lập tức kẹp giữa thân nó bằng 3 ngón tay, dùng
ngón giữa ngoéo chặt, khóa lại, làm cho thân lươn in hình bị gãy đôi: đầu lươn
chóc lên cao chới với, đuôi lươn ngo ngoe, yếu ớt, như bị tê liệt hẳn, không
còn nữa sức mạnh vốn có của nó. Lươn bây giờ chỉ còn chui vào đụt.
Bà
nội trợ giỏi, chế biến được nhiều món lươn ngon: Cháo lươn, miến lươn, lươn um…Ở
Bình Định, món lươn um dầu, hành, tiêu bắp chuối chát thái nhỏ, trái chuối chát
xắt lát dày kèm lá ngổ, đỗ phộng hạt rang chín …Um cho tới khi mở nắp vung ra nghe
thơm ngát, sực nức mũi, thế là được món ngon trong cỗ giỗ nhà giàu, bên cạnh
món gà hầm, cá ám, vịt tiềm.
Thịt
lươn chứa nhiều loại vitamin và chất khoáng, như vitamin A, B1, B6, sắt, natri,
kali, calci. Sách Đông y mách: Ăn thịt lươn có tác dụng bồi bổ khí huyết, tiêu
trừ phong thấp, có thể chữa được bệnh suy dinh dưỡng… Với đặc tính bồi dưỡng và
sinh khí huyết, máu lươn có tác dụng giúp lưu thông máu huyết, tăng cường dương
khí, khả năng tình dục…
Cùng
“gia tộc” với lươn, có chình. Ai về Bình Định, ghé ra Phù Mỹ sẽ được thưởng
thức thịt chình và được nghe nói nhiều về chình Trà Ổ. Đầm này có loại chình
mun, các nơi khác không có. Thịt chình mun ngon, chế biến được nhiều món: Chình
nướng lá chanh, chình hấp, cháo chình…Món nào cũng tuyệt ngon, khiến du khách
ăn rồi, không khỏi hẹn ngày trở lại. Chình bông cũng ngon nổi tiếng, có nhiều ở
vùng đầm, hồ Kẻ Thử - Phù Cát.
Ở
làng An Định, có xóm mang tên: xóm “Câu lươn”. Đây là một xóm nghèo. Hỏi tại
sao? Người ta trả lời, bởi lươn nhớt, đồng tiền kiếm được từ lươn cứ tuột khỏi
tay, không giữ được. Đàn ông ngày xưa thường mặc quần lưng bầu lươn (lưng quần may bản chừng 1 tấc). Tại sao gọi cái
lưng quần to bản 1 tấc đó là lưng bầu lươn? Có phải vì, các cụ xưa cất các thứ
vào cái lưng quần đó? Tờ bạc, tờ giấy nợ, thư từ…trải dọc, xe tròn như thân lươn, đút vô đó, chắc ăn hơn
đút vô túi sợ bị trồi đi mất. Các cụ mình chơi “tiện lợi” còn hơn cả người thời
nay, không phải mỗi cái quần bà ba kia có một dây lưng rút mà chỉ có một dây
lưng rút chung cho hết thảy các cái quần. Dây lưng rút đó là một sợi dây trân
hay dây mây (không dây vải, vì sợ nó thấm mồ hôi, thấm nước mục sớm) cột quanh bụng.
Khi mặc, kéo quần lên, vắt lưng bầu lươn
vào sợi dây cột sẵn đó, thế là mặc xong quần, an toàn, không sợ sút quần; có
hứng tới, mặc thêm áo, cầm dù là đủ “lệ bộ” đi thăm sui gia, dự đám tiệc, cứ
được. Trong dân gian cũng có thành ngữ “Trật
bầu lươn” để nói về việc làm ăn gặp rủi, mà thất bại, nghèo khó. Thảm thay
cho những người lấy câu “Thân lươn bao
quản lấm đầu” mà than thân trách phận, biện hộ cho cảnh ngộ không may của
mình. Mấy hôm nay, bác nông dân nọ câu được chục con lươn đang rộng trong chậu, sáng nay chợt nhớ ngày
giỗ người bà con đến, bèn làm cái đụt bẹ chuối xanh tươi bẻ gập lại, đựng lươn,
mang đi ăn giỗ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét