.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012




Tản văn Huỳnh Kim Bửu



Vườn cũ






Bây giờ, ngồi với tuổi bóng xế của mình, người ta hay nhớ quê, nhớ cha nhớ mẹ nay đã không còn, nhớ những kỷ niệm ngày xưa…Tôi cũng vậy, và tôi cũng hay nhớ những mảnh vườn cũ – nơi tôi tin rằng sẽ còn lưu giữ mãi mãi những kỷ niệm thời tuổi thơ của tôi.

Ngôi nhà của Ba Má tôi tọa lạc giữa một mảnh vườn rộng rãi. Từ tuổi lên tư - năm, hằng ngày tôi đã ra vườn dạo chơi một mình. Tôi thích cưỡi “ngựa phi đàng xa…” trên con ngựa gỗ Ba đặt ở một góc vườn, dành cho tôi. Vườn có bóng râm mát, cho tôi thích tung tăng với bóng mình, bóng lá trên đầu. Mỗi lần ra vườn cùng các chị, tôi luôn được chị hái cho ăn những quả ngon, thường là chuối, xoài, mận, ổi… chín bói hoặc dơi ăn dở, rứt từ trên cành xuống.

Tuổi tôi mỗi ngày mỗi lớn và mỗi ngày tôi thêm quấn quít với mảnh vườn nhà mình: Đi học về, vội nhảy ra vườn; leo trèo, hái quả, “múa gậy vườn hoang” (lời các chị mắng tôi) …là ở vườn. Tôi cũng hay rủ bạn nhỏ hàng xóm sang chơi. Nhiều khi, chúng tôi chọn một góc vườn làm “sân khấu” cho một “đêm” hát bội. Tuồng tích để diễn thì mới vừa xem nơi lễ hội đình làng, còn mũ mão, xiêm, giáp, chằm bằng lá mít, lá chuối; lấy mo tre, mo cau, tổ dồng dộc làm giày hia, trông cũng oai lắm. Tôi cũng đã không ngại, sau cuộc chơi xong, vẫn thường đãi bạn một mâm ngũ quả chín… héo (thường thì chuối ngả non, xoài rụng…) mà tôi đã ra công thu gom để dành từ hôm trước.

Tôi nhận ra mảnh vườn quanh năm cho mình nhiều hương thơm và mật ngọt. Tháng giêng – hai, tôi được hưởng cái ngan ngát thơm hoa bưởi, hoa chanh, hoa xoài, hoa mận…Tháng ba – tư - năm, tôi được hít thở khoan khoái mùi thơm lựng mật ngọt của đủ thứ trái chín: xoài, mít, mía mưng, nhãn lồng, ổi xá lị…Tôi có cảm giác mùi đó nó đang đặc quánh ở trong vườn, cho tôi hít thở no nê, đã đời, lấy đó làm niềm hạnh phúc của một cậu bé con tham ăn và hảo ngọt. Đây là lúc mùa Hè đến, mùa trái cây chín. Những năm đi học xa nhà ở trường Phủ An, cứ đến Tết Đoan Ngọ tôi được về nhà ăn tết với gia đình, ăn một cái tết mà người ta gọi là “Tết trái cây”. Má bảo, Hè đến trái cây chín rộ, cho nhà nhà có nhiều hoa trái mà ăn Tết, dâng cúng ông Khuất Nguyên, mỗi năm một lệ vào ngày mồng năm tháng năm. Hồi đó, tôi thắc mắc, không biết sao, mọi nhà cúng ông Khuất Nguyên bằng trái cây? Rồi cũng Má trả lời, bởi ông ta là nhà thơ có tâm hồn rất mực thanh tao, cao nhã. Tháng chín - mười gió mưa sụt sùi, lụt lội, tôi không thích đi đâu, chỉ thích ngồi nhà nhìn mưa rơi ngoài vườn. Một cái vườn sũng nước, một màn mưa trắng đục, cây cối vật vã và nhòa trong cơn gió mưa. Nhiều lần trong cảnh ấy, tôi được nghe chú Tư (em trai Ba tôi) đi học College Quy Nhơn về, đứng ngồi trông mưa mà hứng thú ngâm thơ: “Mưa chi mưa mãi / Lòng nhớ nhung hoài / Nào biết nhớ nhung ai!...” (Lưu Trọng Lư). Giọng ngâm thơ của chú như lời năn nỉ, thở than, một niềm nhung nhớ xa vời vợi…nó bắt tôi phải mủi lòng đồng cảm với tác giả bài thơ và thương cho chú mình, thương cho cái tâm hồn đa sầu đa cảm của chú. Những khi Ba Má đi về Ngoại, có dẫn tôi đi. Có phải chăng, tại mảnh vườn cho tôi nhiều thụ hưởng, cho nên đi đâu xa ít ngày là tôi nhớ vườn và cứ mong về? Tôi nhớ nhất, con ngựa gỗ ngoài vườn Ba cho, để tôi “cưỡi phi đàng xa”, nhớ những cây lành, quả ngọt ở trong cái  vườn mà sau này hồi tưởng lại, tôi không khỏi bảo, đó là cái vườn địa đàng tuổi thơ của mình …    

Tôi thích làm vườn. Được nghỉ học, thế nào tôi cũng ra vườn để cùng Ba Má, cùng chị xách nước tưới cây, cắm thêm cành chái cho dây dưa leo đang tìm chỗ bò, săm soi mấy nụ hoa cà tím tím vừa có con ong bay về thụ phấn, rồi bay đi… Công việc tôi làm, nhiều khi không thành, để cho Ba phải sửa lại, các chị có cớ mắng rằng, tôi là thằng táy máy, con khỉ thấy gì cũng bắt chước. Đi ngoài đường, gặp cây ổi chim ăn rớt hột, mọc bờ mương, tôi nhổ đem về trồng góc vườn; trồng thêm cây chanh, cây bưởi bên thềm giếng cho thêm hương thơm những khi mẹ và các chị ngồi gội tóc…

Tôi không thể không nhắc tới vườn chùa Phước Đức của làng tôi. Tòa chánh điện của chùa thấp thoáng dưới tán xanh um cổ thụ, cổng tam quan soi bóng nước hồ sen dập dờn phía trước. Vườn chùa Phước Đức rộng rãi, râm mát bóng những hàng cây hoa đại, hoa ngọc lan, cây thị sai quả ngan ngát mùi thơm; đứng sừng sững từ bao giờ những ngôi bảo tháp mà tôi biết đó là nơi cất giữ hài cốt của các vị Tổ quá cố của chùa. Mỗi lần đi trong vườn chùa tĩnh lặng, tán lá mát rượi trên đầu, tôi luôn cảm giác rằng đây là một cảnh giới đã lọc hết bụi trần vốn gây bao điều khổ đau, phiền não cho con người.

Và tôi cũng có những mảnh vườn hoang để cùng chúng bạn lui tới, thường là các bạn chăn thả trâu bò. Vườn hoang đa phần là vườn vô chủ, bày ra cảnh nền cũ, giếng lạn, đâu cũng trùm lấp lá khô và cỏ dại. Cũng còn lại vài bóng cây cao đứng ở mấy góc vườn. Đến vườn hoang, lũ trẻ nhỏ này thích lục lạo, tìm kiếm cái quả ngon, vật lạ: chùm trâm chín tím, chùm chà là chín sẫm, quả trứng cá chín đỏ, chùm sung hườm hườm… Có cái vườn hoang, hôm bới đất chơi, trồi lên ông bình vôi bằng sứ men xanh mà sứt miệng, cái xâu đồng tiền nửa han rỉ, hỏi ra, biết là tiền Quang Trung Thông Bửu…Thằng cu Lia, cu Mọi đi đâu cũng thủ sẵn ná cao su, chực bắn cái này, vật nọ. Nhưng vào vườn hoang, chúng chỉ dám bắn con cu cườm nhảy mặt đất, con chim cuốc lủi bờ rào, chứ đâu dám giương ná bắn con chèo bẻo, con chim khách tinh nghịch trên cành cây cao, ỉa sọt sẹt cục cứt trắng non, rớt xuống đầu chúng. Vì chúng sợ hòn đất vô tình bắn ra nhằm phải Cô Bà khuất mặt, linh thiêng đang ngự trên đó, như điều người lớn vẫn dạy bảo chúng, chớ đừng quấy phá mà bị quở. Nhưng người ta đã bảo đi đêm, gặp ma mà. Có hôm, ông chủ mảnh vườn hoang kia học đâu phép độn thổ thình lình xuất hiện giữa vườn, như vừa đội đất chun lên. Thế là ông rượt bắt bọn này, hụt hết, chỉ tóm được Cu Mọi. Chủ vườn xách tai nó đến hỏng chân cho đau trào nước mắt ra, và bảo để trị cái tội nó là thả trâu giẫm nát bờ rào vườn ông.

Vườn cũ bây giờ đã thay đổi nhiều. Ba tôi mới mất vài năm nay, nhưng ông đã không còn làm chủ ngôi vườn của mình từ mấy chục năm trước. Xã quê nhà, bây giờ đã là xã chuyên canh cây mai xuân và cây bonsai. Người ta đã có thói quen tính toán, một mét vuông đất đặt được bao nhiêu chậu kiểng. Mà chậu kiểng đặt đến đâu thì tre pheo, xoài, mận, ổi, cam, rau, ớt… phải nhường chỗ, cho nhà nào nhà nấy hằng ngày ra chợ mua rau, cà, chanh, ớt đem về ăn. Việc tính toán này chẳng những ở trong các vườn nông dân mà còn lan đến vườn chùa Phước Đức, cùng mấy mảnh vườn hoang trước kia chỉ để cho cỏ dại mọc. Cũng phải thôi, vì cây mai xuân và cây bonsai An Nhơn đang có thương hiệu mạnh, được cả nước ưa chuộng và đang tạo nên cảnh ăn nên làm ra vui vẻ cho vùng đất này.

Việc đổi thay những mảnh vườn nằm trong cuộc đổi thay cuộc đời chung ở một miền quê. Dẫu sao, tôi cũng không khỏi luyến tiếc những cái vườn cũ của quê tôi. Tôi nhớ nhung, luyến tiếc lắm tiếng chim vườn cũ, tiếng gió đập tàu tiêu, màu nắng râm mát, cái hương, cái mật của vườn…

Không có nhận xét nào: