VĂN HOÁ - NGHỆ THUẬT |
Người “vẽ” lại chân dung làng |
21:47', 24/9/ 2011 (GMT+7) |
Tình cờ được ông tặng cuốn sách “Trong như tiếng hạc bay qua”, tôi mới có điều kiện cảm nhận thêm về con người Huỳnh Kim Bửu, dù biết ông cũng đã lâu qua các tản văn, bút ký đăng trên báo… “Vẽ” làng quê bằng ký ức Nhà văn Lê Hoài Lương đã nhìn nhận rất sắc sảo về Huỳnh Kim Bửu: “Có rất nhiều kiến văn và sống động lớp lớp ký ức về phong hóa, phong vị một vùng đất nhưng “Nơi con sông Côn chảy qua” không phải là một cuốn sách biên khảo… Mạch khơi tới đâu, dòng xưa gọi theo những gì quanh nó: giọng kể, tả, kèm những ca dao, tục ngữ, những câu thơ nổi tiếng đâu đó có trong trí nhớ của ông kịp lúc phù hợp ấy, tất cả cuốn ông miên man…”. Huỳnh Kim Bửu tâm sự: “Kiến thức tôi có được là do không ngừng bồi đắp, tích lũy liên tục trong nhiều năm qua bằng việc đọc nhiều, tìm hiểu nhiều. Tôi chọn viết tản văn, bút ký vì yêu Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Thạch Lam, Tô Hoài… và cố gắng học hỏi, xây dựng cho mình một phong cách riêng”. Đọc hai tập tản văn, bút ký Nơi con sông Côn chảy qua (Nhà xuất bản trẻ - 2009) và Trong như tiếng hạc bay qua (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2011) với tổng cộng gần 600 trang sách, hơn 100 câu chuyện kể, cảm nhận riêng đã “vẽ” nên một bức tranh làng quê đậm sắc màu cảm xúc bằng ký ức sống động về Làng, Đình làng, Chùa làng, Trong các làng quê xưa, Thị trấn trên đất kinh cũ… hay những lúc Ngồi buồn nhớ những rạ rơm, Thương nhớ chợ quê, Một nỗi niềm với nhà chữ Đinh, Một thoáng hương xưa, Thương về làng cũ, Nhớ Giếng. Huỳnh Kim Bửu dành tình yêu đặc biệt cho con sông quê hương từ những năm tháng gắn bó, trân trọng để cảm nhận: “Chiều trên sông Côn có một vẻ đẹp riêng. Người đứng trên cầu Phụ Ngọc nhìn ra xung quanh thấy mặt trời đang lặn trên ngã ba sông; những hôm có ráng chiều màu nước sông Côn nhuộm màu ráng đỏ, rồi cái màu ráng đỏ cùng sông mà trôi đi biền biệt… Quê tôi không có sông Vu, đền Vũ Vu, nhưng có những người như Công Tôn Hoa ngày xưa, có cái thú đợi chiều về đi tắm mát sông Côn, hóng gió sông Côn, rồi hát nghêu ngao mà về..”. (Kỷ niệm chiều). Sông Côn chảy mãi trong tâm hồn Huỳnh Kim Bửu còn có hình những con người mưu sinh nơi dòng sông: “Mấy mươi năm rồi, tôi còn nhớ như in hình bóng lão Thận ngồi câu quẹt ở gần bến sông… Bữa nào cá nhiều, ăn không hết, chiều xẩm ông đem ra bến sông thả xuống gọi là “phóng sanh”, để rồi sáng hôm sau lại ra bến sông câu lại từng con một trong cảnh chim trời cá nước. Tôi nhớ ông như nhớ một con người kỳ lạ, có lòng từ tâm, còn chuyện đi câu chẳng qua là vì miếng ăn của ông bị thiếu…” (Những con sông quê ơi!). Trong hai tập tản văn, bút ký của Huỳnh Kim Bửu có rất nhiều bài viết đặc sắc về ẩm thực Bình Định. Thật hết sức thú vị khi được Huỳnh Kim Bửu kể về văn hóa ẩm thực truyền thống: “Người Bình Định ứng xử theo “văn hóa bánh tráng”. Đi ăn giỗ, các bà, các thím vẫn mang theo vài ràng bánh tráng, cột chữ thập trong khăn xéo, làm vật phẩm dâng cúng. Ngồi trong cỗ giỗ, người bẻ bánh tráng chia phần phải đứng lên, đặt cái bánh tráng ngay ngắn trên đầu, rồi dùng hai tay bẻ bánh một cách cung kính, đặt lên từng chén ăn” (“Bánh tráng bẻ giòn giòn”). Cách “kể chuyện ăn” của Huỳnh Kim Bửu còn để lại cảm xúc khi chuyển tải những điều đậm tính nhân văn: “Ở vùng Phú An xưa, ai cũng nghe danh ông Hai Hạng ở đâu có giỗ thì đến, không đợi ai mời. Ông đến với khăn áo chỉnh tề, thưa rằng: “Hôm này ngày kỵ đấng sinh thành, tôi đến với đạo cháu con, để được lạy Tiên linh bốn lạy”. Nghe nói, ông Hai Hạng hay chữ mà bị “học tài thi phận” mà sinh điên chữ, bởi điên chữ nên được cả làng xã nuôi bằng cách cho ăn giỗ”. (Giỗ). Sợ “bạn đọc chờ” Năm nay, Huỳnh Kim Bửu đã ở tuổi “thất thập” nhưng vẫn đều đặn mỗi ngày 8 tiếng làm việc trên máy tính. Đó là lý do ngoài ba tập tản văn, bút ký, thơ đã xuất bản, ông còn dự tính sẽ xuất bản thêm một tập tản văn, bút ký khoảng 300 trang sách nữa trong thời gian đến. “Già rồi nên cũng muốn nghỉ viết nhưng tưởng tượng bạn đọc của các báo quen thuộc chờ bài mình mà không thấy đâu… Thế là dù có mệt mỏi cũng cố gắng ngồi vào máy tính viết”, cụ Bửu bộc bạch. Tôi hơi bất ngờ khi nghe cụ Bửu nói không muốn “bạn đọc chờ”, lại càng bất ngờ hơn khi được biết ông đã có hơn 100 bài văn, thơ đã được đăng trên khoảng… vài chục tờ báo, tạp chí ở địa phương và Trung ương, trong đó có những bài đã được đăng trên 10 tờ báo như Thiền trà, Vương vấn mùa sen, Đồng Trăng, Mẹ, Thôn nữ, Lão nông, Giỗ… Ấn tượng hơn là đã có 30 tờ báo đăng bài của ông trên số báo Xuân Tân Mão 2011, trong đó có tờ đăng tới 2 bài. Cuốn Trong như tiếng hạc bay qua của Huỳnh Kim Bửu vừa được đưa vào Thư viện quốc gia Việt Lâu nay Huỳnh Kim Bửu thường chỉ được nhắc nhiều ở mảng bút ký, tản văn, nhưng nếu ai đã đọc tập thơ Mùa thu biết thở ra hương (Nhà xuất bản Hội Nhà văn – 2010) sẽ thấy được khả năng sáng tác thơ của ông. Đặc biệt bài thơ Mõ Sừng của Huỳnh Kim Bửu đã được thica.net xếp bên cạnh các bài thơ cùng một đề tài chiều của Hồ Dzếnh, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Đồng Đức Bốn… Nếu ai không tin hãy vào thica.net để cảm nhận: “Chiều - chim bay mỏi. Vật vã ngọn khói đồng. Nỗi niềm gửi hư không. Ngại chòm mây lữ thứ… Chầm chậm chiều. Mục đồng ngồi lưng trâu. Gõ niềm cô liêu. Vào mõ sừng.” (Mõ sừng). Riêng tôi cảm nhận rằng, tác phẩm của Huỳnh Kim Bửu trong văn có chất thơ và trong thơ có chất văn, điều này đã tạo nên một phong cách riêng cho người “vẽ” bức tranh làng quê đẹp sống động bằng sắc màu ký ức…
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét