.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

Bút ký của Huỳnh Kim Bửu



Cau


    Tản văn của Huỳnh Kim Bửu                                

         Cau
                                   

         Trong các làng quê, cây tre được trồng nhiều nhất, đứng thứ hai là cây cau. Tre trồng thành hàng, thành lũy bao bọc lấy xóm làng, cho người ta gọi cuộc sống trong các làng quê đó là “cuộc sống sau lũy tre làng”. Ít có nhà không trồng cau. Các ngôi nhà vườn, thường trồng cây theo câu nói dân gian: “Phía trước trồng cau, phía sau trồng chuối” để vừa cho khí hậu mát mẻ, vừa cho cảnh quan đẹp, lại cũng vừa cho lợi ích kinh tế.

        Cây cau đẹp thật. Thân cây thẳng, cao. Đọt cau là một khóm tàu lá xanh đậm nổi lên dưới vòm trời xanh lơ. Hồi nhỏ, nhìn tàu cau trên cao, tôi thường bảo đó là chiếc lược trời, rồi chiếc lược má tôi, chị tôi cầm trên tay chải tóc, dắt trên mái đầu kia là những chiếc lược trời thu nhỏ lại. Chim vẫn bay về làm tổ và rộn tiếng ca trên những ngọn tàu cau. Người đi đường, nhìn vào một xóm nhà, thấy hàng cau khi thì lặng yên, khi phất phơ cùng ngọn gió nồm mát mà cảm giác, đó là cảnh yên ả, thanh bình của một miền quê. Người đi xa lâu ngày, trở về, trông cho mau tới chỗ đầu làng để được nhìn thấy hàng cau nhà mình. Ở nông thôn, nhiều nhà trồng cả một vườn cau liên phòng. Mỗi cây cau thường có dây trầu quấn lấy. Cái rễ của dây trầu mọc từ gốc trầu đến đọt trầu vẫn bám chặt vào thân cau, dẫu phải gió mưa cũng không sờn, không rời? Có phải chăng, vì lẽ đó người ta đã lấy trầu cau làm vật nghi lễ cho cưới xin, như muốn nói lên một điều mong muốn bền vững cho lứa đôi? 
       Trồng cau được nhiều lợi ích. Cau trổ buồng về đêm. Một đêm yên tĩnh, cái mo cau rụng xuống, là lúc cái buồng cau và hoa cau nở xòe và tỏa hương thơm cho đêm trường. Cau một năm bốn mùa hoa trái. Mỗi mùa cau, buồng trổ trước được gọi buồng chị, buồng trổ sau gọi buồng em. “Buồng chị - buồng em”, nghe thân thương như mấy chị em nhà nọ! Từ khi cau trổ buồng, người ta theo dõi buồng cau lớn lên mỗi ngày: Thuở đầu là cái “quả cau nho nhỏ / cái vỏ vân vân” (Ca dao), cho tới khi cau chín, vỏ ngã từ màu xanh đậm sang màu đỏ tươi. Chẳng biết bác nông dân nào giỏi liên hệ, đặt tên cho phần chóp của quả cau là cái cau? Và lũ trẻ nhỏ các xóm quê vẫn vừa chơi “đánh trổng âm u” vừa hát: “Hú hồ…hú hột / Cơm sốt cơm nhão / Cá đão hồng đơn / Cá sơn, cá diếc / Cá liệt ăn trầu / Bỏ cau bỏ vú / Vú già vú non / Có đứa cầm hòn / Mà u mà chạy / Chạy thẳng vườn cau / Mà ngồi mà nghỉ…” (Đồng dao). Buồng cau không chờ chín mới hái mà hái lúc nào, tùy ở nhu cầu. Vào bữa cưới xin, thì cần một buồng cau xanh, nhưng phải là cau dầy (cau vừa nhai, không phải cau non mà cũng không phải cau già) để xong lễ, theo tục lệ, cầm đi biếu bà con, hàng xóm. Nhai trầu thì nhai cau tươi (cau dầy) hoặc cau khô ngâm nước cho mềm. Gặp khi cau nhiều quá, nhai tươi không hết, thì đem bổ ba, bổ bốn, phơi khô để dành nhai dần.
         Đời là một cuộc đổi thay. Trải nhiều năm nay, lớp người ăn trầu ít dần, cây cau bị bỏ quên. Người ta chỉ trồng cau cảnh, và có ai đó vì “thương hoài ngày xưa” của bà mình, đã không chặt hạ cây cau đứng trong sân. Ngày nay, nghe nói có chỗ thu mua quả cau tươi, cho nên ở vài nông thôn, vài hộ nông dân bắt đầu để ý tới cây cau: cau được trồng và chăm sóc trở lại. Nhớ hồi 9 năm kháng chiến (1945 – 1954), bộ đội, dân quân sắm ống cau khô, ống muối hột đeo bên hông làm thuốc cứu thương dự phòng, thay thuốc kháng sinh.
        Trên đây mới nói về hữu ích của hột cau. Cây cau, còn bao hữu ích nữa: Thân cau làm cột nhà, bắc cầu phập phù qua mương nước, sả dọc làm đòn tay nhà, chẻ nan đan rá cải, bọc vườn rau, chận lũ gà xộc vào bươi bới. Tàu cau tước lấy sống lá bó chổi, lấy mo làm gàu xách nước (uống cho mát), làm quạt mo quạt phành phạch lúc đêm Hè, nắm cơm dỡ cho người đi đường xa. Nhớ thuở đi học trường Tiểu học xa nhà, sáng nào tôi cũng được má dậy sớm, nấu cơm dỡ, nắm trong mo cau cấp cho tôi mang đi học. Thường, má vẫn gói kèm theo nắm cơm bì muối đỗ (có khi bì muối mè). Tôi cũng không quên kỷ niệm những lần chờ đợi chiếc tàu cau từ màu xanh chuyển sang màu vàng, rụng xuống, để kịp nhặt lấy, làm con ngựa tàu cau cỡi quanh sân nhà mình, rồi quành ra ngõ xóm để chơi với bạn.
         Dầu sao, lợi ích văn hóa, tinh thần của cau mới đáng kể hơn. Từ ngàn xưa, đã có sự tích trầu cau để “vinh danh” một mối tình ngang trái mà chung thủy. Ông bà mình vẫn lấy “Miếng trầu là đầu câu chuyện” (Tục ngữ) trong mọi lễ nghi, ứng xử, tiếp đãi nhau. Để nên miếng trầu, không thể thiếu miếng cau (vẫn đi với trầu và cả miếng vôi, miếng rễ…). Ông tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo chống Pháp, hồi kháng thuế (1908) ở Bình Định, bị Công sứ Pháp và Tổng đốc Bình Định bắt bỏ tù. Ở trong lao tù chịu nhiều thiếu thốn, ông thường than vãn: “Có miếng trầu mà không miếng cau / Có miếng rễ mà không miếng thuốc” (Vè ông Tiến sĩ). Trong tình yêu nam nữ ngày xưa, không thể thiếu miếng trầu, miếng cau. Nhờ có nó mà tình yêu trở nên thi vị: “Trầu xanh, cau trắng, chay (quả chay) hồng / Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên” (Ca dao) “Nhà em có một giàn giầu / Nhà tôi có một hàng cau liên phòng / Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông / Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?” (Tương Tư - Nguyễn Bính). Lễ hội mùa Xuân – mời trầu là dịp cho nam nữ thanh niên gặp gỡ và trao nhau duyên mới trong cảnh đất trời tươi đẹp của mùa xuân mới. Xưa nay, cái quạt lông gà của ông quân sư Khổng Minh thì được người ta khen, còn cái quạt mo của mấy ông thầy dùi  bày dại, bị người ta mắng: “Đồ quân sư quạt mo”. Cái quạt mo của thằng Bờm, dẫu xưa mà thời nào cũng có người thích đi tìm một lời giải mã mới cho câu chuyện.
        Chuyện bên lề của cây cau là trèo cau, bẻ buồng. Tôi dám chắc, là trẻ thơ trong các làng quê, ít chú nào không một lần trèo cau. Trèo cau bẻ buồng, thì người lớn không sai bảo, vì sợ nguy hiểm. Nhưng mấy chú bé tinh nghịch vẫn lén người lớn mà trèo cau bắt tổ chim non. Chim sáo, chim sẻ… vẫn làm tổ trên ngọn cây cau. Một tổ chim bị bắt đem đi mất, là trong vườn diễn ra một cảnh chim trời tao tác, bay đi tìm chim non thất lạc, nhưng thường là vô vọng. Người hái cau “không chuyên” tròng cái nài (làm bằng bẹ chuối khô) vào đôi bàn chân mà cứ nhún nhảy tại chỗ, lưng tom lại, hai tay ôm ghì thân cau, mặt ngước nhìn đọt cau, không chịu trèo. Vì anh ta nhát. Trái lại, người trèo cau “chuyên nghiệp”, không cần nài, thoắt cái, anh ta đã ở trên ngọn cây, bẻ buồng, cột dây thả xuống. Trong vườn cau liên phòng rậm rạp, các ngọn cau giao nhau. Bởi đó, người hái cau cứ nhẹ nhàng, nhanh nhẹn chuyền từ đọt cây cau này sang đọt cây cau kia, khỏi mất công trèo lên tuột xuống nhiều lần. Trẻ con thành phố mà về quê, nhìn thấy anh “thợ” hái cau chuyền trên đọt cây cau, đàng nào cũng liên hệ tới mấy chú khỉ leo trèo không ngớt trong sở thú, trong thảo cầm viên chú thường ra chơi.

         Chợ quê ngày xưa, sắp bày một dãy hàng cau. Người mua đông, vì nam giới, nữ giới đều ăn trầu, biếu trầu, mời trầu nhau. Đến cuối năm là mùa cưới, hàng cau bán khá chạy. Người mua cau cho đám cưới hỏi, thường mua nguyên buồng trăm trái, có dư. Ý chúc cho đôi lứa sánh duyên được câu “Bách niên giai lão” có dư. Người mua cau ăn, mua vài chục trái. Người mua cau sỉ, tính cau bằng thiên (= ngàn) trái. Chắc ngày xưa, ông Biện Nhạc buôn trầu, không khỏi  kèm theo mua sỉ bán lẻ cau tươi? Chọn cau, thường người ta chọn buồng trái mởn đều mà xanh đậm, vú cau tròn đều mướt rượt. Người mua cũng cần bổ cau cho xem hột. Cau được bổ bằng dao cau (con mắt dao cau là con mắt sáng, hay liếc). Cái dao cau thật sắc, bổ cau phải ngọt xớt, không cho bị nhầy nát ruột cau. Trái cau phơi ruột ra đó, cho người xem: trắng, mịn, mềm, vừa nhai, không sâu đục…là cau ngon.

        Những hàng cau, bụi tre, bến nước, mái đình…tạo nên mảnh hồn làng thiêng liêng, người ta lấy đó làm cội nguồn, biết đâu là nguồn cội của mình: “Sao anh không về chơi thôn Vỹ / Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên” (Đây thôn Vỹ Dạ - Hàn Mạc Tử). Quê tôi bây giờ, cũng như nhiều quê khác, cây cau còn lại rất ít và cũng khó gặp người ăn trầu. Tôi nhớ những hàng cau liên phòng, những vườn cau xanh chim chóc bay về.

Không có nhận xét nào: