Trần Đình Sử
Đọc thơ Bích Khê không ít người đã có nhận xét về yếu tố thân thể con người, đặc biệt là thân thể giai nhân và thân thể chủ thể trữ tình làm thành một nét đậm, nét chủ âm trong thơ ông. Đó là hiện tuợng độc đáo hợp quy luật phát triển của tư duy thơ hiện đại.
Nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của trực giác, mà trực giác luôn luôn gắn liền với thân thể. Không có trực giác bên ngoài thân thể. Thân thể là phạm trù quan trọng của triết học về con người, đặc biệt là triết học hiện tượng học. Nhà hiện tượng học người Pháp Maurice Merleau- Ponty trong sách Hiện tượng học tri giác đã nói: “Thân thể là phương tiện chung để chúng ta chiếm hữu thế giới.” Bản chất của thân thể là một “không gian biểu đạt”. Tính không gian của thân thể là điều kiện để hình thành thế giới ý nghĩa của con người. Thân thể cũng là một phạm trù của xã hội học về con người. John Oneill trong sách Năm hình thái thân thể đã nói đến thân thể vũ trụ, thân thể chính trị, thân thể giao tiếp, thân thể tiêu dùng, thân thể y học…Thân thể tự nó là một ngôn ngữ giao tiếp. Khi thân thể không đủ để giao tiếp thì con người sáng tạo ra một thế giới văn hóa xung quanh. Đó là các thứ trang phục, vật dụng, trang sức, thời trang…nhằm mở rộng khả năng biểu đạt của thân thể. Trong đời sống, thân thể (đầu, tóc, mình, tay, cổ, mắt, mũi, miệng, răng, lòng, ruột, trái tim, gan, mật, cơ quan sinh dục và tất cả các thứ phế thải, bỏ đi) cùng mọi hành động, động tác, cảm giác thân thể ( đi, chạy, ăn, cắn, hôn, nuốt, ngậm, đau, rát, đắng…) đều có thể là ngôn ngữ giao tiếp của con người. Ngoài thân thể trực tiếp, toàn thể vũ trụ, thiên nhiên, đồ vật cũng trở thành thân thể gián tiếp của con người và cũng trở thành ngôn ngữ giao tiếp thông qua các ẩn dụ, nhân hoá… Đối với văn học thân thể là thân thể sống, nó không giản đơn là thân xác, xác thịt. Xem thân thể chỉ là xác thịt có nghĩa là thu hẹp nó, tầm thường hoá nó. Trong con người sống thân thể thấm nhuần tâm hồn. Chỉ xác thịt không phải là thân thể người, tính dục cũng không phải thân thể người. Chỉ có cảm xúc tâm hồn mới biến thân thể thành ngôn ngữ.
Trong thơ ca thời trung đại, sự nhị phân thân thể với tinh thần dẫn đến đề cao ngôn ngữ tinh thần, đạo đức, thân thể con người bị hi sinh, bị chà đạp, kiêng kị, nhất là thân thể phụ nữ. Có nhiều khi thân thể đẹp hẳn hoi vẫn bị coi là cái phần thô, xấu, dung tục, cần phải che đậy, dù là che đậy bằng những vật cao quí: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà, Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên.” (Nguyễn Du). Nhiều trường hợp khác nguỵ trang bằng các ẩn dụ kín đáo: “Cửa son đỏ loét tùm hum nóc, Hòn đá xanh rì lún phún rêu”. “Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm, Một lạch đào nguyên nước chửa thông” (Hồ Xuân Hương)…
Thơ hiện đại với sự xác lập không gian cá nhân, ý thức cá tính đã đổi mới ngôn ngữ thân thể trong thơ. Với quan niệm thành thực những điều bí mật riêng tư cũng đem ra biểu hiện. Thân thể không còn là phạm trù của phàm tục, tội lỗi phải che giấu mà được biểu hiện tự nhiên, kiêu hãnh. Có lúc thân thể trở thành ngôn ngữ của đoạ đày, trừng phạt, có lúc nó trở thành ngôn ngữ phản kháng, cự tuyệt và hi sinh, nhưng phần nhiều trở thành ngôn ngữ của sự thân mật, thức tỉnh, giải phóng và của vẻ đẹp trần gian. Khi Xuân Diệu viết: Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực! Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài! Những cánh tay, hãy quấn riết đôi vai! Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt! Hãy khăng khít những cặp môigắn chặt…Hoặc khi Chế Lan Viên viết: Ta sẽ nhịp khớp xương lên đỉnh sọ, Ta sẽ ca những giọng của Hồn Điên, Để máu cạn, hồn tàn, tim tan vỡ, Để trôi đi ngày tháng nặng ưu phiền!…Hoặc khi Huy Cận viết: Người đã cho những bàn tay hoa nở, Những cây chân, chồi mạnh búp tơ măng, Người thu góp gió mây trong miệng thở, Nơi mắt ngời, Người gửi ánh sao trăng; Mắt sâu sáng đèn thắp soi vũ trụ, Và tai rền thu cất nhạc không gian, Và tơ tóc ướp vạn mùa hương ủ, Và ngực vang ngân điệu nhịp hoàn toàn…thì có thể nói một ngôn ngữ thân thể mới đã xuất hiện trong thơ Việt Nam hiện đại với nhiều khuynh hướng mới lạ chưa từng có.
Trong thơ mới có lẽ Bích Khê là nhà thơ có ngôn ngữ thân thể táo bạo nhất, mới mẻ nhất. Ngôn ngữ thân thể trong thơ nói chung có thể tạm chia làm bốn phạm vi. Những phần ngoại lộ như da, môi, mặt, mắt, tóc, mi, tay, chân, nước mắt…; Những phần thường che kín như ngực, bụng, bộ phận kín đáo…; Những phần cảm giác thầm kín như buồn, đau, tê mê, hay động tác nội cảm của tâm hồn – cái thân thể nội tại chỉ tự mình cảm thấy, nhìn, nghe, xin, uống, cắn, hôn…; Những phần bí ẩn trong thân thể, chỉ thấy khi nghĩ đến sự sống hay sự thương tổn, cái chết như tim, máu, xương, óc, sọ, tuỷ…Tất cả các phần thân thể trong thơ Bích Khê đều trở thành ngôn ngữ của đam mê, khoái lạc, của mơ mộng, ước ao, của cái đẹp trong trắng và vĩnh viễn. Đó không phải là ngôn ngữ duy nhất vì còn có ngôn ngữ vũ trụ, ngôn ngữ thiên nhiên, song đó là phần ngôn ngữ đặc sắc nhất.
Thơ Bích Khê là thơ về cái đẹp, người đẹp. Ta bắt gặp trong thơ ông những tiên nương, tiên nga, ngọc nữ, thuyền quyên, Hằng Nga, Ngu Cơ, Quý Phi, Xuân Hương, Ngọc Kiều, nhìn thấy những đào nguyên, ngọc tuyền, dao động, đào động, cung Quảng… Hoa trái trong thơ ông cũng mang nữ tính: Quả măng cụt, Đồ mi hoa (một thứ cây leo có hoa trắng như tuyết và có mùi thơm). Nhạc trong thơ Bích Khê thường là Nghê thường, Lạc mai hoa, Phụng cầu hoàng, những khúc nhạc tình đắm đuối. Không phải ngẫu nhiên mà Bích Khê viết: “Ngừng hơi thở…ta nép trong bóng lá, Để vần thơ theo nhịp điệu thuyền quyên”(Đồ mi hoa). Đó là những vần thơ theo nhịp điệu người đẹp với thiên tính nữ. Thơ ông là thơ về cõi mộng, cõi tiên đầy âm nhạc, thi ca, màu sắc, hương thơm và giao tiếp thân thể. Đẹp và mộng là nhũng nét rất tiêu biểu cho thơ lãng mạn. Đó là những giấc mộng siêu thoát rất thanh, rất xanh, đầy thi vị. Có một thời chúng ta xem mọi mộng mơ, siêu thoát chỉ là thoát li thực tế mà không thấy đó là không gian tinh thần để giải phóng tâm hồn. Những giấc mộng cho phép nhà thơ phác hoạ nhiều chân dung người đẹp mang tính chất tượng trưng. Thơ Bích Khê có xu hướng “lột truồng” mọi che đậy làm cho thân thể trong thơ xuất hiện với tính chất tự nhiên. Hai chữ “lột truồng” phải chăng cũng có nghĩa là lột bỏ những ngôn từ lá nho che đậy? Loã thể trong nghệ thuật thường tượng trưng cho sự thuần khiết, tự do, sự thiêng liêng, chân lí và cả sự yếu đuối với ít nhiều nhục dục. Loã thể đánh dấu sự rời xa của thơ ca từ vũ trụ bao la, xã hội rộng lớn để trở về với sự chiêm nghiệm thân thể người. Bích Khê đã đem lại một bữa tiệc của thân thể sống động, non tơ, kiều diễm:
Đâu đôi mắt mùa thu xanh tợ ngọc?
Vú non non? Da dịu dịu, êm êm?
Đâu hang báu cho ta phải khóc?
-Trên môi son ta liếc lưỡi gươm mềm!
(Mộng cầm ca)
Ô cặp mắt đa tình ngời sắc kiếm!
…Một bàn chân ve vuốt một bàn chân!
Mát làm sao! Mát rợn cả châu thân.
Máu ứ lại, máu dồn lên giữa ngực.
Ôi! thớ thịt có đàn lên cung bực
Hồn tôi ôm gót ngọc lắng âm thanh…
(Bàn chân)
Bàn chân người, tuy là phần ngoại lộ, theo phân tâm học vưà tượng trưng cho sức mạnh nam tính, vừa tượng trưng cho dục tính nam và nữ, nhưng ở đây nó là bộ phận của một thân thể – nhạc cụ lắng lọc những âm thanh và cảm xúc thẩm mĩ:
Những mặt tươi, nhan sắc đẹp như trăng
Và sắc lẻm như thanh gươm vấy máu;
Những đôi mắt kho tàng muôn châu baú
Có những hàng đũa ngọc gắp hương yêu;
Những môi son phản ánh một trời chiều
-Một trời chiều mà muôn hoa nín thở;
Những vú nõn: đồi cong thon, nho nhỏ,
Với đôi dòng suối sữa trắng như tinh
( Sắc đẹp)
Thân thể hiện ra trong tất cả vẻ đẹp tự nhiên đầy cám dỗ. Nhưng thân thể cũng chứa sức mạnh. Biểu tượng thanh gươm sắc lẻm vừa tượng trưng cho sức sống, sức mạnh gạt bỏ mọi trở ngại, vừa là tượng trưng sức phá hoại. Tính tượng trưng đưa ngôn ngữ thân thể rời xa nhục thể để đi vào thế giới ý nghĩa cao siêu.
Loã thể có khi xuất hiện với “vẻ đẹp của khiêu dâm” thì nhà thơ cực độ cuồng si cũng biết tự hãm mình lại với xúc động tinh thần, nhưng kẻ hãm lại là chủ thể lí trí, còn thân thể vẫn không giấu được cánh hồn si:
Hai vú nàng! hai vú nàng! chao ôi!
Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng.
Ôi lồ lộ một toà hoa nghiêm động!
Tôi run run hãm lại cánh hồn si…
Ồ hai tay rơi chen ngọc lưu li;
Ồ hai chân nở màu sen ẻo lả;
Cho tôi nàng! Cho tôi nàng! Tất cả…
(Tranh loã thể)
Trong thơ trữ tình luôn có sự khác biệt giữa cảm xúc thân thể và sự phán đoán , biểu đạt của chủ thể lí trí, nhưng phần độc đáo vẫn thuộc về thân thể. Tranh loã thể thể hiện sự chiêm ngưỡng, đắm say trước vẻ đẹp sống động, khêu gợi vĩnh viễn của con người. Và nhà thơ lấy đó để đối lập với vẻ đẹp giá lạnh, lơ đãng, quý phái mà thiếu hấp lực như làm bằng đá, bằng sắt, xa lạ với con người. Ông đem vẻ đẹp trong trắng mà hoá giải quan niệm khiêu dâm truyền thống. Cái gọi là “dâm” trong diễn ngôn (thơ văn, lời nói hàng ngày), theo M. Foucault, chỉ là quy phạm diễn đạt, là sản phẩm của những tập tục, kiêng kị mà thời gian cũng làm cho đổi thay. Bích Khê có thể là nhà thơ muốn bước qua cấm kị. Trong bài thơ Mộng lạông đã hô lên:
Ôi đi! đoàn tiên lột khoả thân
Hoan hô xác thịt chiếm ngôi thần.
( Mộng lạ)
Có thể xem đó là một câu thơ tuyên ngôn về ngôn ngữ thân thể trong thơ Bích Khê. Quan niệm truyền thống đã lấy cái dâm mà che mất cái đẹp, nhà thơ muốn qua cái dâm nhìn ra cái đẹp trần gian. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Xuân Hương, nhà thơ nữ truyền thống nổi tiếng với định luận “dâm và tục” một thời lại là nàng tiên được nói đến nhiều lần trong thơ Bích Khê:
Ô! Nàng Xuân Hương ngực để trần,
Ngâm bài “Vấn nguyệt” tiếng trong ngần
Nhìn xuống nhân gian cười như điên.
(Nghê thường)
Mộng trắng phau phau vót cung nga:
Xuân Hương người ngọc máu say ngà!
Nhấn dây tơ loạn buồn lơi lả
Đờn phất hương trăng nẩy điệu ra…
(Mộng)
Nhưng Xuân Hương của Bích Khê đồng thời cũng ở địa ngục:
Ừ, tội chi ta không vào địa ngục
Đặng xin nốt ngọc oan (uyên?) ương thề thốt,
Giam chung thân mà sáng quá thiên đường;
Đặng ngủ nhờ một đêm với Xuân Hương…
(Ăn mày)
Có thể nói Bích Khê là nhà thơ hiện đại đầu tiên biện hộ cho Xuân Hương như một nhân cách đẹp. Sự đồng nhất địa ngục với thiên đường ở đây thật đặc biệt. Ngôn ngữ thân thể trong thơ Bích Khê là vũ điệu của các chủ đề đẹp, dâm, thơ, mộng, say mê, điên cuồng, âm nhạc, tình ái, khoái lạc, những trạng thái hợp thành quan niệm thơ phi lí tính của nhà thơ. Đối diện với mĩ nhân loã thể không phải là một nam tính hiếu dâm, mà là một tâm hồn nghệ sĩ rộng mở. Trong thơ Bích Khê thân thể chưa bao giờ là phương tiện của làm tình, lên giường, vào toa lét, mại dâm, thủ dâm…Marquez trong bài Tình dục và văn minh có nói: “Cả thân thể đều là đối tuợng chăm chú của libiđô, là cái để hưởng thụ, là công cụ của khoái lạc”. Thân thể trong thơ Bích Khê không hoàn toàn là như thế, bởi thân thể trong thơ Bích Khê thấm đượm hồn, cảm xúc thân thể đầy mĩ cảm, và chưa quan tâm “nửa thân dưới” của con người như một số nhà hậu hiện đại .
Con người là nút buộc vĩnh viễn không thể cởi ra được giữa văn hoá và sinh vật. S. Freud từng nói: “con người là một thứ địa ngục”. Địa ngục là biểu tượng của trừng phạt, đày ải, của khủng khiếp và ghê sợ. Con người không giản đơn là thiện, cũng không giản đơn là ác, nó luôn luôn vật lộn với xác thịt để đi tới sự phong phú của tâm hồn. Trong thơ Bích Khê thân thể là cội nguồn cám dỗ và khoái lạc mà tột cùng hưởng thụ thẩm mĩ đầy nhạc và hương là “bưa”, đã nư”, “no ứ”, “đê mê”, “miên man”, “ngất ngư”…Cái chết là cực điểm của khoái lạc, là trạng thái cơ thể được tan ra trong vũ trụ, nhân gian và trở thành vĩnh viễn:
Anh đừng khiếp – Lòng tôi mang địa ngục.
Mình nóng hổi và hơi ran giữa ngực
Tôi mê man ghì lấy một giai nhân
Hồn say sưa đương cố lột cho trần
Cả sắc đẹp ngời ra như lưỡi kiếm…
Trong phút lạ! – mơ hồ xương sọ vỡ.
(Một cõi trời)
Thơ bay về tắm mát âm ty
Xác tôi chết lạnh trôi đi
Lấy ai siêu độ từ bi;
Hồn xiêu hồn đến quy y bên nàng!
(Thơ bay)
Người nghệ sĩ lòng buồn hơn cổ độ
Khóc ngây thơ, mà tóc bạc không hay…
Lòng chết đi nhưng máu vẫn cuồng say
(Ngây thơ)
Đối với Bích Khê địa ngục, cái chết là giới hạn cuối cùng để lại thăng hoa, trở về với sự sống tâm hồn mà vẫn không hết cuồng say.
Bài thơ Sọ người thể hiện quan niệm nhà thơ về cái chết. Sọ người thông thường là tượng trưng cho cái chết. Chế Lan Viên cũng có bài thơ Cái sọ người, trong đó nhà thơ muốn tìm lại và tiếp tục sự sống đã chấm dứt của nó. Nhưng ở bài thơ của Bich Khê cái sọ người lại là biểu tượng của sự sống lộng lẫy, tươi đẹp:
Ôi khối mộng của hồn thơ chếnh choáng!
Ôi buồng xuân hơ hớ cánh đào sương!
Ôi bình vàng! Ôi chen ngọc đầy hương!
Ôi hồ nguyệt đọng nhiều trăng lấp loáng!
Ôi thần tình người chứa một trời thương.
Có thơ, có đào , có ngọc, có trăng, có tình thương là có sự sống. Cái thực sự chết là trái tim thiếu tình người, biến thành sắt thành đá. Trong thơ Bích Khê thường có sự đối lập sự sống với vùng tang, xương ma, nấm mộ…Nhà thơ đã so Ngọc Kiều với Sọ người như sau:
Ôi! Sọ người! Sọ người! – Gương phép tắc!
Ngọc Kiều ơi ghé lại ngắm dung nhan.
Ngọc Kiều ơi ta chợp thấy tim nàng,
Tim nàng bằng đá, tim nàng bằng sắt,
Ngọc Kiều ơi, hơi độc sắp tràn lan!
Người ngất ngư – Chết trong muôn thế kỉ,
Chạy điên rồ… đứng sựng giữa xương ma,
Người là ai? Người có phải là ta?
(Sọ người)
Cái chết là sự sống đã lên đến cực độ và ở đó không có cái chết. Không phải vô cớ mà trong bài thơ tuyệt mệnh để ghi trên bia mộ nhà thơ viết:
Thân bệnh, ngô vàng mưa lá rụng
Bút thần, sông lạnh ánh sao rơi
Sau nghìn thu nữa trên trần thế,
Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi.
Ngôn ngữ thân thể trong thơ Bích Khê mang tính chất lưỡng tính, vừa là thân thể, vừa tâm hồn, là sự thể nghiệm tâm hồn thân thể hoá, là sự cảm nhận sâu sắc của tồn tại con người. Bích Khê đã vượt qua sự giải bày, thổ lộ nỗi niềm mang tính chất lãng mạn để dấn sâu vào những thể nghiệm vừa khoái lạc, vừa đau đớn của kiếp người mà say, điên, dâm, mộng… chỉ là trạng thái tâm lí cần thiết để nhà thơ mở ra thế giới nghệ thuật của mình và siêu thăng trên cõi tục:
Ôi! say khướt mới dào muôn ý tứ;
Ôi! điên rồ mới ngớp ánh chiêm bao;
Ôi! dâm cuồng mới biết giá trăng sao.
-Yêu bằng mộng là mơ tìm sáng láng…
Ngôn ngữ thân thể trong thơ là một vấn đề không nhỏ mà trên đây chỉ là một vài suy nghĩ sơ lược bước đầu.
Be the first to like this.